Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/02/2018

Lò đốt tham nhũng nóng lên, kiều hối đổ về Việt Nam không giảm

Tổng hợp

Nguyễn Phú Trọng : 'Người đốt lò vĩ đại' (BBC, 20/02/2018)

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng được truyền thông nhà nước ca ngợi là 'Người đốt lò vĩ đại' với chiến dịch chống tham nhũng của ông.

lo1

Ông Trọng nổi tiếng với câu 'Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy'

Bài báo của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) hôm 19/2 so sánh ông Trọng với 'sĩ phu Bắc Hà' - "danh xưng của tầng lớp trí thức có tiết tháo ở Đàng Ngoài tính từ sông Gianh (Quảng Bình) ra vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 thời Trịnh - Nguyễn phân tranh".

"Nhớ đến chuyện xưa đầy khí phách của sĩ phu tiền nhân tôi lại liên hệ đến chiếc lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhóm lên bằng ý chí quyết tâm tiêu diệt bằng được hiểm họa của đại dịch tham nhũng", theo bài báo trên VOV.

"Đó là đại dịch có nguy cơ làm suy sụp rường cột quốc gia, làm băng hoại đạo đức đảng viên - những người từng được dân tin, dân yêu vì đạo đức trong sáng, quên mình vì dân, vì nước".

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng, bằng tất cả dũng khí và mưu lược của một kẻ sĩ Bắc Hà đã phất lên ngọn cờ tiêu diệt bằng được sự tham nhũng, sự lộng quyền".

"Ông trở thành một người đốt lò vĩ đại đã nhóm lên chiếc lò được cháy lên bằng ngọn lửa của lương tâm, và công lý để thiêu hủy bằng được cơn đại dịch tham nhũng và lạm quyền".

"Lò lửa chống tham nhũng đang ngùn ngụt cháy đúng như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy".

'Lò' của Tổng bí thư Trọng

'Người đốt lò vĩ đại' Nguyễn Phú Trọng cũng có bài trả lời phỏng vấn truyền thông Việt Nam nhân xuân 2018, trong đó ông nói về kết quả chống tham nhũng năm qua.

Ông Nguyễn Phú Trọng nói : "Nhìn lại năm vừa qua, có thể thấy công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo, tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ hơn, bài bản, chắc chắn, với tinh thần nói đi đôi với làm và làm cho bằng được, vì vậy đã tạo được chuyển biến tích cực khiến nhân dân tin tưởng, phấn chấn hơn".

"Nhiều vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm".

Ông điểm lại hàng loạt các vụ án lớn được đưa ra xét xử mới đây "như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn II) ; vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), vụ tham ô tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) ; vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank ; hay vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ…"

Ông nói các vụ án này "cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để, không có "vùng cấm" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, công - tội phân minh, sai đến đâu xử đến đó".

"Đi nhiều nơi, tiếp xúc qua nhiều kênh, hiểu rõ lòng dân thì thấy mừng, vì nhân dân đồng thuận rất cao, luôn đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".

"Lò" nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng", ông Trọng nói trong bài phỏng vấn được hàng loạt báo Việt Nam đăng tải ngày 20/2.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng bí thư Trọng dùng hình tượng 'lò nóng' để nói về chiến dịch chống tham nhũng của ông.

Cuối tháng 1/2018, Thông tấn xã Việt Nam đăng nội dung phỏng vấn ông Nguyễn Phú Trọng, trong đó ông nói việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt một số thành tựu và nhắc đến câu nói trên.

Tổng bí thư Trọng được cho là đề cập đến 'lò nóng' lần đầu tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 31/7/2017.

VOV thời điểm đó trích lời ông Trọng : "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy".

'Tấm gương sáng của Đảng'

Tại lễ trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng hôm 29/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá 'là tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên noi theo'.

Lời chúc mừng tại buổi lễ dành cho giáo sư Nguyễn Phú Trọng nhắc rằng ông cùng tập thể "xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn".

Ông được nói là "luôn sống giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, chân thành".

Sinh năm 1944, ông Trọng được kết nạp đảng cộng sản Việt Nam ngày 19/12/1967, theo các tài liệu chính thức.

Sau nhiều năm làm việc ở tạp chí Cộng sản, ông trở thành Bí thư Thành ủy Hà Nội từ năm 2000.

Đến năm 2006, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, rồi trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản từ năm 2011.

Năm 2016, ông được bầu lại làm Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ 12.

Sau khi được bầu lại làm Tổng Bí thư tháng Giêng 2016, ông Nguyễn Phú Trọng cùng giới chức trong Đảng đã ban hành hàng loạt văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Đánh giá từ nước ngoài

Tuy nhiên, giới quan sát nước ngoài bày tỏ nhiều hoài nghi về thực chất chiến dịch 'đốt lò' - chống tham nhũng của Tổng bí thư Trọng.

Một bài của Reuters hôm 11/12, sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt, cho rằng chiến dịch của ông Trọng 'cho thấy nỗ lực nhằm kiềm chế tham nhũng lớn'.

"Nhưng nó cũng cho phép lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện nay tăng cường vai trò dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi thắng trong một cuộc đấu tranh quyền lực với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm ngoái".

"Dù các vụ bắt giữ có được đẩy mạnh hơn hay không, uy thế của ông Trọng được bảo đảm trong nhiệm kỳ kéo dài tới 2021, và phe này có điều kiện tốt hơn để duy trì ưu thế cả sau đó", bài báo nhận xét.

"Cùng với các cuộc bắt giữ tham nhũng, Việt Nam cũng đã bắt giữ nhiều bloggers, nhà hoạt động và giới chỉ trích khác trong năm nay hơn hẳn các năm khác kể từ cuộc đàn áp các nhà hoạt động trẻ năm 2011".

"Vài người nhỏ lệ trong vụ bắt giữ các quan chức cũ ở Việt Nam, nhưng cũng có hoài nghi về động cơ thực sự. Sự tham nhũng hàng ngày của các quan chức cấp thấp và cảnh sát vẫn là một phần trong đời sống của người Việt Nam".

Từ Mỹ, chuyên gia về chính trị học Đông Nam Á Zachary Abuza bình luận với BBC :

"Toàn bộ vụ ông Đinh La Thăng, từ chuyện ông mất ghế ủy viên Bộ chính trị cho đến vụ xử đại án Ocean Bank, đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đầy ngạc nhiên, đều là những chỉ dấu cho thấy vụ này lớn hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là nhằm thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát".

"Tất cả đều là chính trị. Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ củng cố vị trí của mình. Ông còn triệt hạ các đối thủ chính trị trước Đại hội Đảng sắp tới. Ông Trọng giờ đây đang ở vị thế không ai tấn công được".

Theo chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố năm 2017, Việt Nam đứng thứ 113 trên 176 quốc gia được khảo sát.

******************

10 tỷ USD kiều hối "đổ" về Việt Nam trong năm 2017 (RFA, 20/02/2018)

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh công bố hôm 19/2/2018 cho biết số tiền kiều hối gửi về thành phố tính đến cuối tháng 11/2017 là 4.55 tỷ đô la, ước tính tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong cả năm là hơn 10 tỷ đô la.

lo2

Hình chụp ở Lille, Pháp hôm 17/1/2015 : đồng xu Euro, đồng Euro và dollar Mỹ.  AFP

Theo báo cáo, nguồn kiều hối chủ yếu đến từ Mỹ (chiếm 60%) và Châu Âu (chiếm 20%).

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước, ngày 8/2/2018 trả lời báo trong nước rằng nguồn kiều hối đã tăng mạnh, khoảng 10,4% vào cuối năm 2017.

Vào tháng 10 năm ngoái, Ngân hàng Thế giới dự đoán kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 sẽ giảm 10% do chính sách nhập cư của Mỹ và chính sách 0% tiền gửi bằng đô la của Việt Nam.

Nguồn kiều hối chuyển về từ nước ngoài chủ yếu qua bốn kênh : ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế, hải quan hoặc bưu điện. Trong đó, khoảng 72% tiền gửi về qua các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) của Bộ Kế hoạch – Đầu tư nhận định : Năm 2018, kiều hối về Việt Nam sẽ gặp nhiều áp lực từ chính sách chống nhập cư của Hoa Kỳ và chính sách nâng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Quay lại trang chủ
Read 499 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)