Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/02/2018

Linh mục Đặng Hữu Nam, đánh cá lậu, xuất bản sách nhạy cảm

Tổng hợp

Giáo dân Phú Yên lên tiếng về việc Linh mục Đặng Hữu Nam bị thuyên chuyển (RFA, 21/02/2018)

Linh mục Đặng Hữu Nam, phụ trách giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An nhận được quyết định thuyên chuyển sang phụ trách giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong tháng Hai.

vn1

Một con cá có chiều dài hơn 2m - nặng gần 100kg chết, trôi dạt vào bờ biển Kỳ Phương - Kỳ Anh - Hà Tĩnh, khu vực nhà máy Formosa vào chiều ngày 20/02/18. Facebook : Giới trẻ Giáo xứ Đông Yên

Giáo dân giáo xứ Phú Yên nói gì về việc Linh mục Đặng Hữu Nam, người đã tận sức để hỗ trợ họ trong việc khiếu kiện bồi thường thảm họa Formosa, bị thuyên chuyển một cách đột ngột như thế ?

Lo lắng cho sự an toàn

Một số giáo dân ở giáo xứ Phú Yên, vào tối ngày 21 tháng Hai lên tiếng với Đài RFA rằng họ lo lắng cho sự an toàn của Linh mục Đặng Hữu Nam khi ông nhận quyết định thuyên chuyển sang phụ trách giáo xứ Mỹ Khánh, vì theo họ đây là một sự thuyên chuyển bất thường, không theo thông lệ thuyên chuyển linh mục như trước đây.

Sự lo lắng của giáo dân ở giáo xứ Phú Yên dành cho Linh mục Đặng Hữu Nam bắt nguồn từ những lời hăm dọa của công an địa phương. Những người công an này mặc thường phục và thường xuyên chặn đường các giáo dân để răn đe họ. Một giáo dân giấu tên cho biết :

"Khi các bà đi chợ hay người ta đang đi trên đường thì họ kêu lại, bảo không được giúp đỡ và đồng hành với Linh mục An-tôn Đặng Hữu Nam nữa. Nếu tiếp tục thì có thể sẽ bị triệu tập hoặc bị bắt. Họ biết Cha Đặng Hữu Nam đi rồi nên gây sức ép nhiều hơn, bắt giáo dân từ bỏ lương tâm về sự đúng đắn để theo ý của họ".

Không những vậy, một vài giáo dân còn nhận được giấy mời làm việc của công an trong những ngày trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Thanh niên trong giáo xứ Phú Yên, tên Sơn kể lại :

"Tôi nghe tin Cha Nam bị chuyển thì có một vài người nói với tôi là đã bị công an gửi giấy mời làm việc trước đó. Trong giấy mời không ghi rõ làm việc về vấn đề gì, nhưng họ vẫn không tới trụ sở công an để làm việc".

Kể từ sau khi biến cố thảm họa môi trường xảy ra do nhà máy Formosa xả thải độc tố ra biển hồi đầu tháng 4 năm 2016, Linh mục Đặng Hữu Nam cùng với hàng trăm giáo dân và ngư dân, là những nạn nhân của thảm họa Formosa biểu tình cũng như làm đơn khiếu kiện tập thể đòi được bồi thường thiệt hại, vì tỉnh Nghệ An không được Nhà nước Việt Nam đưa vào danh sách các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi thảm họa này. Thế nhưng, truyền thông tỉnh Nghệ An đưa tin cho rằng Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ giáo xứ Song Ngọc, tỉnh Nghệ An kích động giáo dân làm loạn, không làm tròn bổn phận sống tốt đời đẹp đạo.

Các lần đi khiếu kiện tập thể của hàng trăm ngư dân và giáo dân các giáo xứ thuộc giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An bị trả đơn kiện, bị ngăn cản và thậm chí bị công an và an ninh hành hung, đánh đập. Điển hình, cuộc tuần hành của hơn 1000 ngư dân và giáo dân giáo xứ Song Ngọc, vào sáng ngày Valentine-14 tháng Hai năm 2017, đến Tòa án Nhân dân huyện Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện công ty Hưng nghiệp Formosa bị lực lượng công an, cảnh sát cơ động dùng bạo lực, lựu đạn cay để trấn áp khiến nhiều người bị đổ máu và thương tích.

Trong những tháng cuối năm 2017, một số giáo xứ ở Nghệ An còn bị Hội Cờ Đỏ, với cả ngàn thành viên bao vây, thóa mạ và đe dọa linh mục cùng giáo dân.

Tiếp tục đồng hành vì công lý

Trước những diễn tiến như vừa nêu trong hai năm vừa qua, Linh mục Đặng Hữu Nam, người lãnh đạo tinh thần của bà con giáo dân giáo xứ Phú Yên chia sẻ với RFA rằng tiếp tục sử dụng các luật trong pháp luật để bảo vệ quyền lợi và mạng sống của những nạn nhân thảm họa Formosa trong giáo xứ.

Vào ngày 7 tháng Hai, Linh mục Đặng Hữu Nam nhận được quyết định thuyên chuyển sang phụ trách giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Linh mục Đặng Hữu Nam cho RFA biết quyết định thuyên chuyển này là do chính quyền gây sức ép lên Hội đồng Giám mục Việt Nam :

"Nhà cầm quyền không chỉ bằng văn bản giấy tờ mà còn trực tiếp yêu cầu và làm sức ép lên Đức cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp. Họ đã công khai làm điều đó, là yêu cầu trục xuất Linh mục Đặng Hữu Nam ra khỏi địa bàn của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, họ yêu cầu là cùng lắm thì đưa đi chỗ khác chứ không thể để tại Giáo xứ Phú Yên vì nó có môi trường Formosa và người dân Phú Yên làm ngư nghiệp. Họ không chỉ nhiều lần ép lên Hội đồng Bề Trên của Giáo phận Vinh mà cón ép lên Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thậm chí, họ còn vươn vòi đến cả Vatican".

Giáo dân giáo xứ Phú Yên cũng cho Đài Á Châu Tự Do biết Linh mục Đặng Hữu Nam lên đường sang giáo xứ Mỹ Khánh vào hôm 21 tháng Hai. Một ngày trước khi rời giáo xứ Phú Yên, Linh mục Đặng Hữu Nam nói với RFA rằng :

"Chắc chắn một điều là với những người là nạn nhân của Formosa thì tôi sẽ tiếp tục đồng hành với họ để tìm cách đòi quyền lợi chính đáng cho họ, và bảo vệ họ trước pháp lý".

Một số giáo dân giáo xứ Phú Yên mà chúng tôi tiếp xúc cũng khẳng định dù Linh mục Đặng Hữu Nam bị thuyên chuyển, dù giáo dân bị công an đe dọa nhưng họ vẫn đồng lòng cùng đồng hành với Linh mục Đặng Hữu Nam kiên trì đòi lại quyền lợi chính đáng cho cuộc sống của họ vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa Formosa.

Hòa Ái

***************

Tước giấy phép đánh bắt hải sản vĩnh viễn tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài (CaliToday, 21/02/2018)

Thực hiện theo chỉ thị từ Thủ tướng chính phủ cộng sản Việt Nam, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi mới đây đã tiến hành xử phạt nặng các tàu vi phạm việc đánh bắt xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Trong số các tàu bị xử phạt có tàu đã bị tước giấy phép đánh bắt hải sản vĩnh viễn.

Ngày 20/2, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gởi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Ủy ban nhân dân các huyện Bình Sơn, Lý Sơn nhằm tiến hành xử phạt các tàu đã có hành vi vi phạm việc đánh bắt xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã đem 3 tàu cá ra xử phạt nhằm răn đe và giáo dục các chủ tàu cá khác.

vn2

Bộ đội biên phòng kiểm tra tàu cá sau khi đi đánh bắt về. Ảnh : Thanh Niên

Tàu cá có số hiệu QNg 90518TS do ông Nguyễn Văn Phú làm thuyền trưởng bị cho là đã nhiều lần vi phạm việc đánh bắt vùng lãnh hải của nước khác. Do đó, tàu cá này sẽ không được hỗ trợ, không cho vay vốn theo chính sách, tước quyền sử dụng đánh bắt hải sản vĩnh viễn và không cho phép sang tên đổi chủ đối với tàu này. Đây là hình phạt rất nặng, nói cách khác, tàu cá QNg 90518TS chỉ là đống gỗ vụn vì chẳng thể ra khơi mà cũng chẳng bán được cho bất kỳ ai.

Cũng bị xử phạt nhưng nhẹ hơn là hai tàu cá mang số hiệu QNg 90945TS do ông Lê Thanh Quang làm chủ kiêm thuyền trưởng và tàu cá QNg 96697TS do ông Phạm Hữu Trọng làm thuyền trưởng kiêm chủ tàu. Các tàu này đã nhiều lần đánh bắt xâm phạm lãnh hải nước khác. Do đó, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định xử phạt bằng cách không hỗ trợ, không cho vay vốn, không cấp bằng thuyền trưởng. Cả ba người trên còn bị công khai tên tuổi trên truyền thông nhà nước nhằm răn đe.

Không chỉ tỉnh Quảng Ngãi mới khẩn trương tuyên truyền cho ngư dân phải tuân thủ luật pháp, không được xâm phạm lãnh hải nước khác, mà tỉnh Bình Thuận cũng nhanh chóng có các chương trình giáo dục cho dân chúng tuân thủ luật đánh bắt.

Các con số do chính quyền cho biết, trong năm 2016 cả tỉnh có 24 tàu với 228 ngư phủ bị nước ngoài bắt giữ do vi phạm việc đánh bắt trên biển. Năm 2017 giảm xuống chỉ còn 10 tàu cá với 99 ngư phủ bị bắt. Riêng năm 2018, tính đến nay đã có 3 tàu cá với 23 ngư phủ bị nước ngoài bắt giữ.

Các bản phúc trình của tỉnh Bình Thuận còn cho biết, có một số tổ chức được lập ra nhằm móc nối, đưa tàu cá đi đánh bắt ở các vùng biển của nước khác. Khi bị bắt giữ, các tổ chức này cũng đứng ra để thương lượng, chuộc tàu ra. Do trình độ nghiệp vụ quá yếu kém, cho đến nay các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa thể đưa các tổ chức này ra tòa để xét xử răn đe.

Việc đích thân Thủ tướng chính phủ cộng sản Việt Nam phải chỉ thị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đánh bắt trên biển là nhằm tìm cách để Châu Âu sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách bị "thẻ vàng" do vi phạm việc khai thác bất hợp pháp.

vn3

Việt Nam đang tìm mọi cách để thoát khỏi danh sách các quốc gia đánh bắt hải sản bất hợp pháp của EC. Ảnh : Vietnamnet

Trước đó, vào ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã quyết định rút "thẻ vàng" đối với hải sản của Việt Nam khi xuất cảng sang thị trường Âu Châu. EC cho rằng, Việt Nam chưa đáp ứng được các khuyến nghị mà họ đưa ra nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp. Từ sau khi bị "thẻ vàng", hải sản của Việt Nam đã phải đối diện với những thách thức rất lớn. Nếu trong vòng 6 tháng, Việt nam không khắc phục được tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, EC sẽ rút "thẻ đỏ" điều này đồng nghĩa với việc hải sản đã không có thể xuất cảng sang thị trường này.

Mặc dù việc nghiêm trị hành vị đánh bắt bất hợp pháp, xâm phạm lãnh hải nước khác là điều nên làm, nhưng cũng cần thấy rằng, từ khi Trung Quốc hung hăng trên biển, không chỉ ngư dân Quảng Ngãi mà một số tỉnh thành khác đã không thể đánh bắt trên ngư trường quen thuộc của họ. Trong khi đó, các bản phúc trình từ chính quyền cộng sản Việt Nam cho thấy rằng, các loại cá sống gần bờ đã bị ngư dân khai thác đến cạn kiệt. Gần bờ không thể đánh bắt, ngư trường quen thuộc thì bị Trung Quốc xua đuổi, còn chính quyền cộng sản Việt Nam lại chẳng thể bảo vệ ngư dân. Từ đó, ngư dân chỉ còn cách phải đánh đu với số phận để đánh bắt ở các vùng biển thuộc lãnh hải nước ngoài, cho dù họ biết đó là vi phạm luật pháp.

Người Quan Sát

*****************

Sức ép Internet và việc xuất bản sách "nhạy cảm" ở Việt Nam (RFA, 21/02/2018)

Ngày 9/2/2018 có ba quyển sách in tại Mỹ bị tịch thu tại sân bay Đà Nẵng, với lý do nhạy cảm chính trị, trong đó có quyền Chính trị bình dân của nhà báo Phạm Đoan Trang, hiện sống tại Việt Nam.

vn4

Bìa sách Chính trị bình dân của Phạm Đoan Trang. Sách bị tịch thu ở Đà Nẵng hôm 9/2/2018. Pham Đoan Trang

Sau đó vài ngày một quyển hồi ký của ca sĩ Lộc Vàng được xuất bản rồi lại bị tạm dừng phát hành để thẩm định lại.

Như vậy việc kiểm duyệt văn hóa phẩn tại Việt Nam có đang trở nên gắt gao hơn hay không ?

Kiểm duyệt và kiểm soát văn hóa vẫn không có gì thay đổi

Nhà văn Nguyễn Viện, hiện sống tại Sài Gòn từng làm việc ở báo Thanh Niên cho là đối với những cuốn sách được cầm tay mang từ nước ngoài về, nếu như người nhân viên hải quan ở sân bay không để ý đến thì cũng sẽ không có sự kiểm duyệt nào cả, vì chính người nhân viên hải quan này sẽ đề nghị với bộ phận kiểm duyệt văn hóa phẩm kiểm tra những cuốn sách này.

Ông tiếp tục nhận xét với chúng tôi về sự kiểm duyệt hiện nay :

"Tôi không có cảm giác là nó chặt chẽ hơn hay không chặt chẽ hơn. Sự kiểm duyệt ở khâu xuất nhập khẩu sách báo, hay khâu duyệt sách ở các nhà xuất bản, tôi nghĩ là quá trình biên tập cũng vậy thôi. Bất cứ một tác phẩm nào, khâu kiểm duyệt chính thức theo như tôi biết từ trước đến giờ nằm ở nhà xuất bản, ở nơi người biên tập là chính. Còn ông giám đốc thì trên nguyên tắc là chịu trách nhiệm sau cùng, nhưng trên thực tế đâu phải ông nào cũng có thì giờ để đọc hết các tác phẩm khi mà nhà xuất bản đưa đi in đâu".

Nhà báo Đoan Trang, tác giả của quyển Chính trị bình dân vừa bị tịch thu ở Đà Nẵng, trong một lần trao đổi với chúng tôi có nói rằng với thị trường sách hiện nay rất lớn, những biên tập viên của các nhà xuất bản không thể đọc hết những sách được đưa vào chuẩn bị xuất bản :

"Theo ý tôi thì họ không đọc. Tôi biết chuyện này vì khoảng năm 2007-2008, tôi cũng có làm sách. Thì những người duyệt họ không đọc, nhất là những quyển sách dày, chẳng hạn như quyển Nền dân trị Mỹ. Hầu hết các trường hợp là có ai đấy tố. Cũng chẳng loại trừ trường hợp các nhà sách họ tố lẫn nhau".

Cô Đoan Trang cũng cho rằng nhân viên của các cơ quan kiểm duyệt văn hóa của Đảng Cộng sản cũng chưa chắc hiểu hết những quyển sách mà họ kiểm duyệt.

Nhà văn Nguyễn Viện không đề cập chuyện những nơi làm sách tố cáo nhau, nhưng cũng cho rằng những cuốn sách thường được cho là nhạy cảm chính trị bị thu hồi sau khi in là khi có những báo cáo lên đến cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm về văn hóa của Đảng Cộng sản như là Ban văn hóa tư tưởng trung ương.

Có thể kể ra đây hai trường hợp rất tiêu biểu của những quyển sách mang nội dung chính trị rất rõ ràng là không tán đồng chủ nghĩa cộng sản nhưng lại được in ra ở Việt Nam rồi bị thu hồi trong thời gian qua.

Vào năm 2013 một quyển sách phê phán chủ nghĩa cộng sản là Trại súc vật của nhà văn người Anh Georges Orwell được in bán tại Việt Nam, sau một thời gian vài tháng bị một số báo của Đảng lên tiếng chỉ trích và bị thu hồi.

Năm 2017, quyển hồi ký của nhà sử học Trần Trọng Kim mang tên Dọc đường gió bụi lại được xuất bản rồi lại bị thu hồi. Ông Trần Trọng Kim được xem như là người có tư tưởng chính trị không tán thành chủ nghĩa cộng sản, và ông có đề cập đến tư tưởng của ông trong cuốn hồi ký này.

Đã có sự cởi mở hơn, và cố gắng của những người làm xuất bản

Đã có nhiều cố gắng in những quyển sách có nội dung bị gọi là nhạy cảm đó, bằng nhiều cách thức khác nhau. Quyển Trại súc vật được cho là đã được công ty Nhã Nam đổi tựa thành Chuyện ở nông trại để lọt qua lưới kiểm duyệt. Công ty Nhã Nam đã từ chối không bình luận với chúng tôi về vấn đề này.

Một quyển tiểu thuyết kể về thân phận con người trong xã hội Việt Nam cộng sản là Truyện kể năm 2000 của nhà văn quá cố Bùi Ngọc Tấn, đã được sự trợ giúp để xuất bản từ chính cơ quan xuất bản của nhà nước là Nhà xuất bản Thanh Niên. Người biết rõ chuyện này, và là bạn thân của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, hiện sống ở Hải Phòng kể với chúng tôi :

"Để in nó thì người ta làm một cách như thế này, người ta biết rằng người ta làm một việc rất liều lĩnh, cho nên người ta bắt đầu in vào ngày 28 Tết, của năm 2002 hay 2003 gì đấy. Người ta phát hành đúng ngày mùng bốn Tết, ngày cơ quan nhà nước bắt đầu làm việc. Khi phát hành thì tác giả cùng những người thân đón trước cửa nhà xuất bản Thanh Niên, bí mật đưa đi đến 5, 7 trăm cuốn. Cho đến ngày mùng bảy, mùng tám thì chuyện lộ ra ngoài, thì lúc ấy mới có lệnh thu hồi của Ban Văn hóa tư tưởng trung ương. Nó đã lọt ra ngoài đến một phần ba số xuất bản".

Tuy nhiên nhận xét về chuyện xuất bản sách, nhập khẩu sách trong khoảng thời gian gần 20 năm trở lại đây, nhà văn Nguyễn Viện cho rằng đã có một sự cởi mở rất đáng kể do tác động của mạng Internet, nơi người ta có thể đọc những quyển sách bị cấm xuất bản. Ông nói rằng những quyển sách triết học hay chính trị học mang những quan niệm không cộng sản đã thấy xuất hiện nhiều, trái với trước đây là hoàn toàn bị cấm.

Sự cởi mở đó, cộng với khả năng không kiểm soát được mạng lưới internet của nhà cầm quyền đã đẩy chuyện xuất bản và nhập khẩu sách ở Việt Nam đến một tình trạng mà ông Nguyễn Viện gọi là xôi đậu, không rõ ràng :

"Nó là một tình trạng xôi đậu, và nó cũng sẽ là một điều gì đó là một ngõ thoát cho những dồn nén của xã hội. Và người ta thấy rằng cái điều gì mà người ta thấy có khả năng kiểm soát được thì người ta kiểm soát, còn cái gì mà vượt ra khỏi khả năng của nhà nước, ví dụ như Internet, thì họ cũng phải chịu thua thôi".

Khi được đặt câu hỏi là tình trạng xôi đậu đó khi nào sẽ chấm dứt, khi nào Việt Nam đạt được mức độ công khai tự do trong lĩnh vực sách báo, ông Nguyễn Viện trả lời rằng khi nào mà đảng cầm quyền vẫn chủ trương là chỉ có duy nhất đảng cộng sản cầm quyền, và duy nhất chỉ có một ý thức hệ được công nhận trong xã hội là chủ nghĩa cộng sản, thì tình trạng mà ông gọi là xôi đậu trong lĩnh vực văn hóa, xuất bản sách đó vẫn tiếp tục.

Kính Hòa

Quay lại trang chủ
Read 572 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)