Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/02/2018

Tai nạn giao thông, nhập viện cấp cứu, nhập viện cấp cứu

RFA tiếng Việt

Tết với an toàn giao thông Việt Nam (RFA, 22/02/2018)

Những ngày giáp Tết cho đến mồng Mười tháng Giêng, hầu hết các tuyến đường đều trở nên chật chội, kẹt cứng vì lưu lượng xe cộ tăng đột biến, người đi chợ mua sắm, người từ phương xa về quê ăn Tết, người người ra đường đi chơi Tết, các tuyến đường vào nghĩa trang kẹt xe cục bộ, nhiều xe phóng nhanh vượt ẩu vì có hơi men, vì cảnh sát giao thông đang nghỉ Tết

tet1

Nhậu, họp mặt đầu năm vốn là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông cao nhất - RFA

An toàn giao thông luôn rình rập

Đây cũng là lúc mà mối nguy an toàn giao thông luôn rình rập người đi đường. Bởi có một vấn nạn khác có tính liên đới từ rượu bia ngày Tết khiến cho các vụ tai nạn giao thông tăng đáng kể.

Anh Phạm Văn Khang, cư dân Nghệ An, chia sẻ :

"Mình thấy cái chuyện tai nạn khá là nhiều, tai nạn về cái việc họ đi trên đường, rồi họ tự tông vào xe ô tô bên đường luôn. Mình thấy 3, 4 trường hợp rồi, chẳng ai tông cả, tự mình tông vào ô tô bên đường luôn, mình nghĩ là trường hợp này là do say rượu chứ còn nếu bình thường đã không đâm vào bên đường vậy rồi".

Anh Khang cho rằng, vấn đề văn hóa đi đường, ý thức giao thông của nhiều người sau khi có rượu bia trở thành số không, người ta tha hồ phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí phóng với tốc độ cao mà không đội nón bảo hiểm, lạng lách như hung thần. Nhưng còn một nguyên nhân khác mà thiết nghĩ lại thuộc về ý thức, phông văn hóa của một bộ phận không nhỏ người Việt, đó là đậu đỗ xe tùy tiện, không biết nhường nhịn nhau lúc đi đường vì ỷ y những ngày này không có công an giao thông.

Tại thành phố Đà Nẵng, một điểm đến mới cho nhiều cư dân tỉnh lẻ đến kiếm việc, làm ăn sinh sống, giao thông ngày Tết đang trở thành một vấn nạn. Chứng kiến cảnh một ông xe ôm trung niên chở hai chậu hoa cúc, tha hồ lạng xe băng qua đường trong lúc đèn đỏ, điều này gây ùn ứ cho hai làn xe đèn xanh, khi có người phàn nàn, ông xe ôm này nói tỉnh bơ rằng không có cảnh sát giao thông trực đâu mà lo, cứ đi đi, ông Trần Văn Thức, cư dân Đà nẵng chỉ biết lắc đầu :

"Ngày Tết thì lưu lượng mọi người đổ ra đường rất đông, vì công việc, vì mua sắm, nên rất đông, nhiều người không tuân thủ quy tắc tham gia giao thông nên dẫn đến nhiều tai nạn, đó là điều hiển nhiên, năm nào cũng vậy, nhất là xu hướng Đà Nẵng ngày một đông dân thêm cho nên đó là điều tất nhiên".

Tại Sài Gòn, thành phố được xem là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, tai nạn giao thông dường như ám ảnh nhiều người khiến họ không dám ra đường vào dịp Tết. Từ quận 1, anh Văn Công, tài xế xe buýt, chia sẻ :

"Nói thẳng ra là tâm lý ai cũng muốn về trước hết nhưng bây giờ người Việt Nam mình không có ý thức, ai cũng tranh giành hết, ý thức rất kém. Nhất là tài xế taxi rất ẩu, còn xe buýt, thì cái áp lực cũng quá lớn đi, chạy mà không đủ thời gian là về nó phạt".

Lễ cúng tất niên, gặp mặt bạn bè, lễ rước ông bà, lễ cúng xóm, cúng làng, họp mặt cuối năm, họp mặt đầu năm, họp lớp, họp đồng hương, cúng tổ nghề, cúng đất xứ… Dường như có cả hàng trăm các loại lễ, hội ở dịp cận Tết và mười ngày Xuân. Đây là quãng thời gian lượng rượu, bia được tiêu thụ mạnh nhất trong năm. Hầu hết những người tham gia hội hè, đình đám đều có thể ra đường tham gia giao thông. Điều này dẫn đến hệ quả đường sá trở nên lộn xộn, mất trật tự một cách bất thường.

Theo thói thường, cứ đến dịp Tết thì vòng quay của đồng tiền tăng nhanh và tốc độ di chuyển của con người cũng tăng đột ngột. Vấn đề này tạo ra hiệu ứng tâm lý hầu hết người Việt, dù có bận rộn hay không bận rộn vẫn luôn có tâm lý hứng khởi và có phần tùy tiện trong việc tham gia giao thông. Nếu như người đi xe đạp, xe máy sợ các xe khách phóng nhanh để đón khách dịp Tết, để có tiền nộp cho cảnh sát giao thông nếu bị chặn thì cánh tài xế xe hơi, xe tải, xe khách và cả xe buýt sợ nhất là những người chạy xe gắn máy có thể tùy hứng đi ra giữa đường bất kỳ lúc nào và có thể bẻ lái, ngoặt sang bên kia đường rất ngẫu hứng.

Đã ra đường thì đừng nên rượu bia

Lái xe trong dịp Tết là nỗi khổ của cánh tài xế, đó là không muốn nói đến các quái xế có thể trở thành hung thần đường phố bất kỳ giờ nào.

Ông Tạ Như Lâm, cư dân Đà Nẵng, chia sẻ :

"Năm Mậu Tuất thì thấy tình hình giao thông ở Đà Nẵng rất phức tạp. Con người xôn xao, mọi người đông đúc, rồi có những trường hợp uống, liên hoan ngày Tết, vui chơi say sưa nhiều".

Có đến một ngàn lẻ một câu chuyện không vui về giao thông mùa Tết. Và chỉ có một cách duy nhất là người đã uống rượu không nên ra đường và đã ra đường thì đừng nên rượu bia… Nhưng chuyện này nghe có vẻ rất khó để thực hiện, bởi tại Việt Nam, nếu ngày Tết gặp nhau, không uống rượu, bia, không nhậu nhẹt hay đánh bài thì cũng chẳng còn chuyện gì để nói với nhau.

Vì chuyện làm ăn thì mỗi người mỗi khác, có nói cũng không quá nửa giờ, rồi lại chán, chuyện này chuyện nọ, nếu nói ra thực lòng thì đụng chạm chính trị, nhà nước, đảng cầm quyền. Chính vì vậy, khi có rượu bia vào, con người trở nên có dũng khí hơn, sẵn sàng nói, sẵn sàng bung hết mình, cởi mở lòng mình ra để nói. Câu chuyện trở nên đầy đủ, đa chiều khi có rượu bia. Và rượu bia vô hình trung trở thành chất xúc tác để người ta trò chuyện, gắn kết, tạo không khí ba ngày Tết, và câu chuyện chấm dứt sau khi rời bàn nhậu.

Chính vì câu chuyện chính trị, văn học, nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác luôn được thiết lập, kết nối rất hăng say trên bàn nhậu và chấm dứt sau cuộc nhậu nên rượu bia vẫn luôn là thứ được tiêu thụ cao và được nâng lên tầm văn hóa ở Việt Nam. Và có thể nói đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người ta choảng nhau chí chóe, làm hơn 4000 người nhập viện vì bị thương do đánh nhau trong dịp Tết này.

Riêng con số tai nạn giao thông, theo thống kê từ Bộ Công an Việt Nam, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, cả nước xảy ra 218 vụ tai nạn giao thông làm chết 195 người, bị thương 199 người. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là là do lái xe sau khi uống rượu bia. Có lẽ vì vậy mà giao thông Việt Nam được ví von là giao thông của những con đường men ba ngày Tết, bảy ngày Xuân.

Nhóm phóng viên

*******************

Hơn 210 ngàn người nhập viện trong Tết (RFA, 22/02/2018)

Các cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam tiếp nhận hơn 210 ngàn bệnh nhân trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất.

tet2

Tai nạn giao thông gây chết người trên quốc lộ -  Giaothongvantai.vn

Theo số liệu ghi nhận của Bộ Y Tế, có hơn 37 ngàn người nhập viện do tai nạn giao thông, tỷ lệ tương đương cùng kỳ năm ngoái. Tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận gần 600 bệnh nhân bị tai nạn giao thông, tăng 5% so với năm trước và có gần 400 ca chấn thương sọ não. Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 29 đến ngày mùng 4 Tết tiếp nhận 438 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông. Bệnh viện Bạch Mai, tại Hà Nội, trung bình mỗi ngày Tết mổ cấp cứu 20 ca, chủ yếu là bệnh nhân bị tai nạn giao thông.

Bên cạnh số người nhập viện vì tai nạn giao thông, các bệnh nhân đến khám và cấp cứu trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất do bị tai nạn trong sinh hoạt, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu và ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Ngoài ra còn có 5 trường hợp bị tai nạn do pháo và các chất nổ.

********************

Biểu tình phản đối thu phí tại trạm BOT Biên Cương, thành phố Cẩm Phả (RFA, 22/02/2018)

Trong hai ngày 21 và 22/2, nhiều người dân ở thành phố Cẩm Phả và các tài xế đã đồng loạt phản đối việc thu phí tại trạm BOT Biên Cương, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, gây ùn tắc kéo dài nhiều lần trong hai ngày.

tet3

Trong hai ngày 21 và 22/2, nhiều người dân ở thành phố Cẩm Phả và các tài xế đã đồng loạt phản đối việc thu phí tại trạm BOT Biên Cương, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Courtesy of vietq.vn

Một tài xế giấu tên ở Cẩm Phả nói với đài Á Châu Tự Do vào chiều tối ngày 22/2 về nguyên nhân khiến người dân phản đối trạm thu phí như sau :

"Cái BOT đó có nhiều cái để người dân phản đối. Thứ nhất khoảng cách giữa hai trạm quy định là chỉ 70 km nhưng trạm này với trạm cũ là 56 km thôi. Thứ hai là trạm này thu phí rất cao, trạm cũ thu 30,000 VND mà trạm này thu 35.000 VND. Cái thứ ba vô lý ở chỗ là doanh nghiệp không làm đường mới mà làm trên đường cũ, làm trên con đường huyết mạnh nối giữa hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả từ bao đời nay, từ thời Pháp đến giờ. Họ làm trên nền đường cũ và họ có giải phóng được hai bên đường rộng ra một tí và đồng nghĩa là họ lấn sát vào nhà dân, và đồng nghĩa với việc là họ cắm biển hạn chế tốc độ gần như suốt dọc đường. Gần như lưu thông chỉ có 50 hay 60 km một giờ".

Trạm cũ mà người tài xế nói đến là trạm Đại Yên cũng trên cùng quốc lộ 18A

Theo tài xế này cho biết và các video người dân quay được ở hiện trường mà chúng tôi có được, người dân đã phản đối trạm thu phí bằng cách không trả tiền, khiến các xe ùn ứ.

"Người dân phản đối là cứ đến trạm BOT thì báo là không có tiền đi BOT, cứ như thế thôi. Còn tất cả các lực lượng tụ tập ở đó nhiều lắm. Họ bảo không có tiền có cho lùi lại thì lùi. Nhưng lùi lại cũng không giải quyết được gì. Lùi lại thì tắc hết rồi vì xe quá đông".

Việc phản đối đã gây tắc đường lên đến khoảng 1 cây số vào ngày 21 tháng 2, theo chứng kiến của người tài xế. Doanh nghiệp thu phí BOT đã bắt buộc phải xả trạm 3 lần vào ngày 21/2.

Tuy nhiên, việc phản đối lại tiếp tục vào ngày 22/2 khi doanh nghiệp thu phí trở lại, dẫn đến ùn tắc ở trạm thu phí kéo dài đến hơn 2 cây số, theo lời của người tài xế. Đến chiều ngày 22/2, doanh nghiệp thu phí phải xả trạm nhưng rồi sau đó lại tiếp tục thu phí trở lại vào khoảng 6 giờ chiều.

Người lái xe cho biết, mặc dù việc phản đối đã kéo dài hai ngày nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp giải quyết giúp dân mà chủ yếu chỉ huy động cảnh sát, và xe cẩu đến trạm thu phí. Hôm 21/2, một đại diện của thành phố Cẩm Phả đã đến yêu cầu người dân giải tán. Người lái xe cho biết :

"Có cái phòng riêng của công ty để người dân vào góp ý nhưng mới chỉ dừng lại là tiếp thu ý kiến của người dân thôi. Người bên đại diện doanh nghiệp chỉ tiếp thu ý kiến của dân mà chưa có động thái gì. Có một phó chủ tịch thành phố Cẩm Phả đứng ra hô hào cảnh sát giao thông, cơ động đuổi người dân đi".

Trạm thu phí BOT Biên Cương do công ty Cổ phần BOT Biên Cương là chủ đầu tư. Theo báo chí trong nước, công ty BOT Biên Cương đã đầu tư vào dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long đi Mông Dương.

Ngày 29/1 công ty cổ phần BOT Biên Cương đã đưa trạm thu phí vào vận hành thử nghiệm. Sau gần hai tuần vận hành thử nghiệm, trạm bắt đầu thu phí từ ngày 13/2 với giá phí là 35.000 đồng một lượt với xe tải có trọng tải dưới 2 tấn, xe buýt và tải khách công cộng. Xe chở hàng container 40 feet và xe tải có trọng tải từ 18 tấn trở lên phải nộp phí là 200.000 đồng một lượt.

Tuy nhiên theo người tài xế, ngay trong ngày thu phí đầu tiên, người dân và các tài xế đã phản đối, vì vậy công ty đã ngừng thu phí trong suốt dịp tết cho đến hết ngày 5 tết tức 20/2.

Cũng theo truyền thông trong nước, dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương do công ty cổ phần BOT Biên Cương là chủ đầu tư theo hình thức đầu tư-khai thác-chuyển giao (gọi tắt là BOT) có chiều dài đường là 38 km với thiết kế 4 làn xe. Tổng mức đầu tư bao gồm cả giải phóng mặt bằng là gần 2.000 tỷ đồng.

Làn sóng phản đối các trạm thu phí BOT đã nổ ra ở khắp Việt Nam trong suốt năm 2017 và kéo dài đến đầu năm nay, trong đó điển hình là những phản đối của người dân và cánh lái xe ở trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang xảy ra gay gay gắt vào tháng 12 năm ngoái. Người dân chủ yếu phản đối việc các chủ đầu tư đã đặt trạm thu phí sai vị trí, và thu phí quá cao. Phản đối gay gắt tại trạm BOT Cai Lậy đã khiến chính phủ phải ngừng thu phí trạm này để chờ đưa ra giải pháp.

Tuy nhiên, đã có một số lái xe tham gia phản đối trạm thu phí Cai Lậy bị công an mời lên làm việc vì hành vi gây rối. Hôm 18/1, chính phủ Việt Nam ra quyết định cho phép Bộ Công An thu thập thông tin để xử lý những phần tử gây rối tại trạm thu phí.

Quay lại trang chủ
Read 471 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)