Bộ tài chính đề nghị tăng giá xăng để tăng thu ngân sách (RFA, 23/02/2018)
Bộ Tài chính hôm 23/2/2018 lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Hình minh họa. Những người đi xe máy mua xăng ở một trạm xăng nội thành Hà Nội hôm 22/11/2007 - AFP
Cụ thể đối với xăng, thuế sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít ; dầu diesel từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít. Như vậy giá xăng sẽ tăng thêm 1000 đồng một lít.
Lý do đưa ra ý đề nghị này được cho là vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang cắt giảm mạnh nên ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Trong đó, thị trường Asean và Trung Quốc chiếm hơn 60% khối lượng xăng dầu nhập khẩu.
Thêm 1 lý do khác là giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam hiện nay đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và nhiều nước khác trong khu vực Asean.
Báo trong nước trích dẫn số liệu từ trang Global Petrol Prices ngày 27/11/2017 cho thấy giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia với giá 18.580 đồng/lít, thấp hơn cả Lào, Campuchia, Trung Quốc và 1 số nước trong khu vực Asean như Singapore, Philippines, Hồng Kong.
Mặt khác, Bộ tài chính cũng cho rằng vì muốn nâng cao trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường nên cần phải điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Theo tính toán của Bộ tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chiếm đa số tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường. Do đó, tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ thúc đẩy ngân sách tăng mạnh.
**************
Hai công ty nước ngoài bị phạt vì gây ô nhiễm môi trường (RFA, 23/02/2018)
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định xử phạt 440 triệu đồng đối với công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet tại Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng vì những vi phạm trong việc quản lý và xử lý chất thải gây hại. Tờ Dân Trí loan tin này hôm 23/2.
Trụ sở công ty TNHH Điện tử Silrang - Courtesy Báo Lao Động
Công ty BoViet là công ty 100% vốn Trung Quốc, chuyên sản xuất tấm pin và module chuyển hóa năng lượng mặt trời.
Cụ thể, từ ngày 13 tháng 6 năm 2017 đến ngày 22 tháng 1 năm 2018, công ty Boviet đã chuyển giao cho công ty TNHH đầu tư Golden Star Việt Nam 260 vỏ thùng đựng hóa chất đã qua sử dụng với dung tích 1.000 lit/ thùng (tương đương 15.600 kg) để xử lý. Mặc dù công ty này không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo đúng quy định của Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu công ty Boviet phải dừng ngay việc chuyển giao chất thải nguy hại cho công ty Golden Star, đồng thời quản lý và xử lý chất thải theo đúng quy định.
Trước đó, vào ngày 29 tháng 4 năm 2016, công ty Boviet đã từng bị UBND tỉnh Bắc Giang phạt 290 triệu đồng do vi phạm xả thải gây hại cho môi trường.
Tin thêm ô nhiễm môi trường, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Ninh Bình vừa xử phạt hơn 100 triệu đồng đối với công ty TNHH điện tử Silrang, một công ty vốn đầu tư Hàn Quốc, tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, quận Gia Viễn vì xả nước thải chưa được xử lý vào những khu vực lân cận.
Theo thông tin trên báo mạng VnNews, lượng hóa chất trong số chất thải chưa được xử lý này vượt quá mức cho phép. Cụ thể, hàm lượng BOD5 và chất Amoni cao hơn 1,5-2 lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Hàm lượng chất Amoni quá cao trong nước có thể gây bệnh ung thư và các bệnh nguy hiểm khác cho người.
UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã yêu cầu công ty Silrang khắc phục hệ thống nước thải chưa qua xử lý trong một tháng.
Công ty Silrang được Ban quản lý Khu công nghiệp Ninh Bình cấp giấy phép đầu tư vào tháng 7 năm 2014.