Blogger Đoan Trang ‘bị tạm giữ vì cuốn sách nhạy cảm' ? (BBC, 26/02/2018)
Tác giả cuốn Chính trị bình dân vừa bị nhà chức trách tạm giữ tại Hà Nội sau khi sách được mạng xã hội chia sẻ hôm 26/2.
Nhà báo Phạm Đoan Trang đang ký tặng sách Chính trị bình dân cho bạn bè
Nhà báo tự do, blogger Phạm Đoan Trang, là tác giả cuốn Chính trị bình dân hiện đang bán trên Amazon nhưng được nhiều blogger chia sẻ bản e-book trên mạng xã hội hôm 26/2.
Tác phẩm này là một trong những cuốn sách trong bưu kiện bị Cục Hải quan Đà Nẵng tịch thu hôm 9/2 vì có nội dung bị cho là "nhạy cảm chính trị".
Luật Khoa tạp chí, nơi bà là đồng sáng lập viên, biên tập viên, sau đó ra thông cáo cáo buộc bà Trang "bị an ninh bắt cóc ngay tại nhà riêng ở Hà Nội" và "bị thẩm vấn liên tục về những hoạt động trước đây và về cuốn Chính trị bình dân".
Hôm 26/2, BBC gọi điện cho bà Trang nhiều lần nhưng không thấy bà bắt máy.
Tin cho hay, khu chung cư bà ở tại Hà Nội "đang được canh giữ nghiêm ngặt" và căn hộ của bà hiện đã bị cắt điện, nước và cả Internet.
'Không cổ vũ bạo lực'
Trả lời BBC cùng ngày từ Toronto, Canada, Luật sư Trịnh Hội, giám đốc điều hành tổ chức VOICE, nói : "Đây không phải là lần đầu Đoan Trang bị câu lưu. Và chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng. Vì vậy điều mà tôi nghĩ chúng ta nên làm trong lúc này, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam, là tìm đọc quyển sách Chính trị bình dân của Đoan Trang để tự hỏi mình tại sao nhà nước Việt Nam lại sợ nó đến thế. Điều này chắc chắn cũng là điều sẽ làm cho Đoan Trang vui nhất. Bất kể là ở trong nhà tù lớn hay nhỏ".
Khoảng nửa đêm hôm 25/2, bà Trang viết trên trang cá nhân : "Tranh thủ lúc có mạng... Cảm ơn, xin muôn ngàn lần cảm ơn những anh em, bạn bè, độc giả, người thân đã ở bên và quan tâm lo lắng cho tôi lúc này.'
"Sự ủng hộ và tấm lòng của các bạn là sự bảo vệ lớn nhất dành cho tôi lúc này, và không bao giờ tôi có thể quên được. Không bao giờ".
Bà cũng post ảnh chụp lá thư viết tay : "Tôi sung sướng, vui mừng vì sách [Chính trị bình dân] được độc giả đón nhận. Tôi khinh ghét những kẻ đã và đang muốn tiêu diệt tôi và cuốn sách này".
"Tôi không nghiện ma túy, không uống rượu, không hút thuốc, không cổ vũ bạo lực và không bao giờ làm điều gì hại đến người dân Việt Nam".
"Tôi đấu tranh để chống độc tài và vì nhà nước cộng sản ở Việt Nam hiện nay là nhà nước độc tài nên tôi đấu tranh để xóa bỏ nó".
Theo dự kiến, vào đầu tháng 3/2018, Tổ chức nhân quyền People in Need, có trụ sở tại Praha, Cộng hòa Czech sẽ trao giải thưởng Homo Homini cho bà Phạm Đoan Trang.
********************
Tác giả ‘Chính trị bình dân’ khẳng định chống độc tài ở VN (VOA, 26/02/2018)
Nhà hoạt động nữ Phạm Đoan Trang ở Hà Nội khẳng định chị đấu tranh để "xóa bỏ chế độ độc tài" ở Việt Nam. Tuyên bố được đưa ra hơn một ngày sau khi chị bị ép buộc "làm việc" với công an vào chiều 24/2.
Thư viết tay đề ngày 26/2 của bà Phạm Đoan Trang trên trang cá nhân
Một bức ảnh do Đoan Trang đăng trên Facebook cá nhân chiều 26/2 thể hiện tuyên bố viết tay bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó chị xác nhận mình là tác giả cuốn "Chính trị bình dân", xuất bản năm 2017, và nhiều cuốn sách khác, đồng thời bày tỏ chị "khinh ghét những kẻ đã và đang muốn tiêu diệt tôi và cuốn sách này".
Tác giả cuốn sách nói chị "sung sướng, vui mừng" vì cuốn sách giáo khoa về chính trị học căn bản được độc giả đón nhận.
Trong phần cuối tuyên bố, Đoan Trang nêu rõ "Tôi đấu tranh để chống độc tài, và vì nhà nước cộng sản ở Việt Nam hiện nay là nhà nước độc tài, nên tôi đấu tranh để xóa bỏ nó". Chị khẳng định "không cổ vũ bạo lực và không làm gì hại đến người dân Việt Nam".
Trong phần lời chú thích trên Facebook cho bức ảnh chụp tuyên bố, Đoan Trang viết "Tranh thủ lúc có mạng…", với hàm ý đường truyền Internet và điện thoại di động của chị không được thông suốt.
Sau khi tuyên bố được đăng, đã có hơn 3.500 phản ứng chủ yếu là "thích" và "yêu thích", hơn 800 người chia sẻ và gần 250 lời bình luận.
Phần lớn trong số này là các ý kiến bày tỏ sự khâm phục, yêu thương, và động viên đối với nhà hoạt động nữ lâu nay tích cực đấu tranh dân chủ ở Việt Nam và mấy năm nay còn đang chịu một căn bệnh ở khớp gối chân.
Bìa sách Chính trị bình dân của Phạm Đoan Trang
Một nhà hoạt động nữ khác, chị Nguyễn Thúy Hạnh, người duy trì quan hệ thân thiết với Đoan Trang, vào chiều ngày 26/2, giờ Hà Nội, cho VOA biết về những gì mới xảy ra với chị Trang:
"Chiều ngày hôm kia Đoan Trang gần như là bị bắt ép lên đồn công an. Ở đấy chủ yếu người ta hỏi Đoan Trang về cuốn "Chính trị bình dân". Đoan Trang nhận đấy là cuốn của mình song không có nhận tội gì cả. Đoan Trang bảo viết những cái đấy hoàn toàn là chính đáng, không có gì sai trái cả. Thì họ cho về và bây giờ thì họ vẫn canh gác rất nghiêm ngặt".
VOA đã cố gắng liên lạc với Đoan Trang song không thể kết nối.
Chị Hạnh dự báo phía chính quyền sẽ vẫn tiếp tục triệu tập Đoan Trang trong thời gian tới và đây là một cách để buộc Đoan Trang "đầu hàng, không đấu tranh, không viết lách gì nữa".
Tuy nhiên, với hiểu biết về người bạn trẻ tuổi hơn có cùng chí hướng, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh nói Đoan Trang sẽ không chịu khuất phục, và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho việc bị nhà chức trách Việt Nam bắt. Chị Hạnh nói thêm rằng người bạn của mình không có ý định ra nước ngoài sinh sống hay chữa bệnh.
Nhà hoạt động, blogger Phạm Đoan Trang trong một cuộc trả lời phỏng vấn
Ít giờ sau khi Đoan Trang bị buộc phải đi gặp công an, Luật Khoa tạp chí - một ấn phẩm trên mạng của một số nhà hoạt động mà Đoan Trang là một sáng lập viên, biên tập viên – đã ra tuyên bố cực lực lên án điều được gọi là "hành vi bắt cóc và giam giữ người trái pháp luật" của công an Việt Nam.
Luật Khoa tạp chí nói việc làm của công an có dấu hiệu "lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật", cũng như vi phạm quy định về bắt và giam giữ người nêu trong Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc.
Trong mấy tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, nhà chức trách Việt Nam bắt bớ và xử tù một loạt các nhà hoạt động.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam "muốn dập tắt" tiếng nói của giới đấu tranh sau khi ông thắng thế trong cuộc "chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng". Diễn biến này không làm giới đấu tranh lo sợ, nhụt chí, bà Hạnh khẳng định.
*********************
Nhà báo Đoan Trang, tác giả ‘Chính trị bình dân,’ bị công an ‘bắt cóc’ (Người Việt, 25/02/2018)
Vào khoảng nửa đêm hôm 24 tháng Hai, nhà báo Phạm Đoan Trang, tác giả cuốn "Chính trị bình dân" đang bán trên trang Amazon, được thả ra sau nửa ngày bị câu lưu tại Hà Nội.
Nhà báo Phạm Đoan Trang (bìa trái) và những người bạn. (Hình : Facebook Huynh Ngoc Chenh)
Hôm 25 tháng Hai, thông cáo do Luật Khoa tạp chí phát đi viết : "Khoảng 2 giờ chiều ngày 24 tháng Hai, đồng sáng lập viên, biên tập viên Phạm Đoan Trang của Luật Khoa tạp chí đã bị một toán sĩ quan an ninh bắt cóc ngay tại nhà riêng ở Hà Nội. Bà Trang sau đó bị cưỡng chế đưa đến trụ sở của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ công an".
Trong thời gian giam giữ, cán bộ điều tra liên tục thẩm vấn bà về những hoạt động trước đây và về tác phẩm "Chính trị bình dân".
Bà Trang không được cơ quan an ninh thông báo về bất kỳ lệnh bắt hay lệnh tạm giữ nào. Luật Khoa tạp chí cực lực lên án hành vi bắt cóc và giam giữ người trái pháp luật của Cơ quan An ninh điều tra. Những hành vi này có đầy đủ dấu hiệu của tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật" theo Điều 377 hoặc tội "bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" theo Điều 157, Bộ Luật hình sự".
"Hành vi vi phạm pháp luật này đặt biên tập viên của chúng tôi vào tình thế nguy hiểm đến thể chất và tinh thần, đặc biệt trong hoàn cảnh bà Trang đang phải điều trị khắc phục chấn thương đầu gối nghiêm trọng".
Hôm 25 tháng Hai, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên mạng lưới Blogger Việt Nam, nói với nhật báo Người Việt : "Tôi nghĩ rằng việc chị Đoan Trang bị câu lưu như thế có dấu hiệu của việc lạm quyền của Cơ quan An ninh điều tra-Bộ công an. Cụ thể ở đây là ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật’ hoặc ‘Bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật.’"
"Hành động này tiếp nối sau hàng loạt vụ việc chị Đoan Trang bị câu lưu, sách nhiễu khác trước đây cho thấy là chị ấy chắc chắn đã nằm trong ‘tầm ngắm’ bắt giữ của Bộ công an. Dường như một chỗ trong trại giam đã được Bộ công an chuẩn bị sẵn cho chị ấy. Rõ ràng qua sự việc này, chính quyền đã truyền tải thêm một thông điệp rằng : Việc bắt giữ, bỏ tù những nhà hoạt động vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2018".
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cựu phóng viên báo Thanh Niên viết trên trang Facebook cá nhân : "Vì viết ra cuốn sách ‘Chính trị bình dân’ nhằm cung cấp kiến thức cơ bản cho người bình dân hiểu biết về chính trị mà nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an săn lùng từ giữa năm 2017 đến hiện nay. Từ đó, nữ nhà báo phải trốn ra khỏi nhà, lang thang nương tựa nhà bạn bè từ Hà Nội vào đến Sài Gòn để tránh bị khủng bố và bắt bớ. Tết này vì thương nhớ mẹ già đơn độc, thêm chân cô do trước đây bị an ninh đánh gây thương tích nặng, phẫu thuật nhiều lần không lành trở nên đau đớn hơn không đi lại được, Đoan Trang đành phải về nhà ăn tết với mẹ và để được ổn định chữa trị. Sau khi Đoan Trang được thả về, giới chức bố trí lực lượng an ninh hàng chục người bao vây quanh chung cư để mong ‘chôn sống’ cô trong một căn hộ nhỏ bé đã bị cắt hết điện và tất cả các phương tiện liên lạc. Các ông đang học theo Tần Thủy Hoàng và các ông cũng sẽ bị sụp đổ. Sự sụp đổ của các ông sẽ vô cùng khủng khiếp".
Nhà báo Đoan Trang vừa được chọn trao giải Homo Homini của Tổ Chức Nhân Quyền Quốc Tế People in Need. Giải này được trao từ thập niên 1990, và được trao như nghi thức mở màn Liên Hoan Phim Tài Liệu Nhân Quyền Thế Giới. Năm nay, giải dự kiến sẽ được trao vào ngày 5 tháng Ba tại nhà hát Prague Crossroads, Cộng Hòa Séc. (T.K.)
*******************
Tạm được "tha" về, công an bao vây chung cư Lê Đức Thọ (Tiếng Dân, 24/02/2018)
Nhà báo Đoan Trang vừa về đến nhà riêng. Chị gọi điện thoại cho tôi trong bóng tối, điện và Internet trong nhà đều đã bị cắt hết. Trang nói họ tạm để chị về, sẽ tiếp tục lên làm việc trong những ngày tới. Phía an ninh nói với Trang rằng chị đừng mong ra khỏi nhà dù chỉ một bước chân, hiện người của họ đã bao vây khắp chung cư chị ở.
Tạm được "tha" về, công an bao vây chung cư Lê Đức Thọ - Ảnh minh họa
Trang nói với tôi có lẽ họ chuẩn bị bắt giam chị. Hôm nay chị bị đưa đến A92, số 3 phố Nguyễn Gia Thiều, trụ sở tiếp dân của cơ quan an ninh Bộ công an. Họ ép chị phải ký nhận những bài phỏng vấn từ năm 2015, những thứ chị không còn chút ấn tượng. An ninh muốn biết chị in sách Chính trị bình dân ở đâu, in ra sao. Một bên ép, một bên không có gì để nói, cứ như vậy từ trưa cho đến bây giờ.
Nhà báo kể lại việc bị đưa đi vào trưa nay, chị nói an ninh lừa mẹ chị họ là người của EU đến thăm. Khi mẹ chị vừa mở cửa thì họ xông vào nhà. Chị nói "nếu mà mẹ chị không mở, có khi hôm nay cả chục người sẵn sàng phá cửa để lôi chị đi. Họ đang rất muốn bắt chị rồi". "Đây là bao vây, triệu tập liên tục, gây sức ép trước khi muốn bắt người" Trang cho biết.
Chị bảo ngồi trong đó lạnh với đau buốt chân, đầu gối của chị nhức lắm. Vết thương mà họ đánh chị, có lẽ cả đời cũng không thể lành.
Để chị lên nhà, họ không quên đe dọa, muốn lớn chuyện thì sẽ cho lớn chuyện, đừng mong sẽ đi đâu được, ở yên đấy đi và sắp tới ngoan ngoãn mà lên làm việc.
Trịnh Kim Tiến