Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/03/2018

Đầu tư khởi nghiệp tăng, chi tiêu đồ cúng tăng, nhận gạo cứu đói cũng tăng

Tổng hợp

Vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam tăng 42% (RFA, 05/03/2018)

Khoảng 291 triệu đô la Mỹ đã được đầu tư vào các doanh nghiệp mới thành lập ở Việt Nam năm 2017, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Mạng báo Vietnamnet News dẫn báo cáo của Viện sáng lập Topica Founder Institute (TFI) loan tin này hôm 04 tháng 03.
Cụ thể, 92 doanh nghiệp start-up đã nhận được số vốn cao gần gấp đôi năm 2016 từ 64 nhà đầu tư trong nước và 28 nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mức đầu tư trong nước lại khá khiêm tốn, chỉ khoảng 46 triệu USD so với 245 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong số các nhà đầu tư, 500 khởi nghiệp là các doanh nghiệp dẫn đầu trong các hợp đồng đầu tư thành công, với 11 vụ mua lại, tiếp theo là ESP Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm mới.

vn1

Top 6 lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất TOPICA

Với quỹ đầu tư 20 triệu USD, ESP Capital tập trung vào các công ty start-up về công nghệ trong giai đoạn đầu với số vốn đầu tư từ 50.000 USD đến 300.000 USD.
Nhờ vào sự gia tăng của các quỹ đầu tư trong nước, các công ty Việt Nam như VIISA, ESP, VSV, 500 Startups Việt Nam và Shark Tank đã hoàn thành 49 hợp đồng giai đoạn đầu năm ngoái.

******************

Người Việt chi tiền cho đồ cúng nhiều hơn đồ chơi và sách cho trẻ (RFA, 05/03/2018)

Người Việt chi đến 16 ngàn tỷ đồng một năm vào các khoản đồ cúng lễ, nhiều hơn gấp 8 lần so với chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện trẻ em. Đây là con số được Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, thuộc trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ qua mạng xã hội Facebook tuần qua.

vn2

Mâm lễ cúng lễ tổ tiên. Hình minh họa.

Kết quả này dựa trên khảo sát được Tổng cục Thống kê thực hiện trong vòng 5 tháng trong năm, không bao gồm tháng tết.

Theo kết quả khảo sát, trung bình một hộ gia đình Việt Nam chi 574 ngàn đồng cho cúng lễ vào năm 2012. Con số này vào năm 2016 là 654 ngàn đồng (đã loại bỏ lạm phát). Như vậy cả năm 2012, người Việt đã chi khoảng 13 ngàn tỷ đồng cho đồ cúng và vào năm 2016 là 16.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý là chi tiêu này không bao gồm tiền ma chay, giỗ chạp lớn và đi lại….

Theo Liên Hiệp Quốc, ở Việt Nam có đến 20% trẻ dưới 15 tuổi chưa có đồ chơi và hơn 50% trẻ từ 0 đến 4 tuổi không có truyện tranh. Sách và đồ chơi cho trẻ được coi là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của trẻ.

*******************

Việt Nam nhận 10.000 tấn gạo ‘cứu đói’ từ Nam Hàn (Người Việt, 04/03/2018)

Là quốc gia được truyền thông nhà nước "khoe" rằng "xuất cảng gạo đứng hàng thứ 2 trên thế giới" nhưng Việt Nam lại vừa tiếp nhận 10.000 tấn gạo "cứu đói" từ Nam Hàn.

vn3

5.300 tấn gạo đến cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). (Hình : Cắt từ clip Báo Thanh Niên)

Truyền thông tại Việt Nam hôm 4 Tháng Ba, 2018 cho hay, "chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Dự Trữ Gạo Khẩn Cấp ASEAN+3 (APTERR) đã quyết định viện trợ cho người dân Việt Nam 10.000 tấn gạo. Trong ngày 3 Tháng Ba, tàu vận tải biển đã chở 5.300 tấn gạo đến cảng Cam Ranh (Khánh Hòa)".

Tin cho hay, "Số gạo này là đợt đầu sẽ được phân bổ cho các tỉnh : Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk, nhằm chia sẻ những khó khăn do thiên tai gây ra…"

Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam, "đợt thứ hai, tàu của Hàn Quốc sẽ chở 4.700 tấn gạo về cảng Đà Nẵng vào ngày 17 Tháng Ba tới, để phân bổ cho người dân các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi và Quảng Trị".

Tin cho biết, số gạo này là "nhằm chia sẻ những khó khăn do thiên tai gây ra trong năm 2017".

Câu chuyện nghịch lý này ngay lập tức được dư luận phản ứng.

Trên phần "bình luận" ngay dưới tin này của báo Thanh Niên, một độc giả viết : "Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng trong top 3 của thế giới mà nhận viện trợ gạo của nước ngoài ?".

Một độc giả khác đặt câu hỏi : "Làm sao mà nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới lại không lo đủ lương thực cho dân mà phải để cho nước ngoài mang ngược gạo về đây cứu đói ? Nếu đã đủ gạo cứu đói thì Hàn Quốc họ vẫn có thể hỗ trợ thứ khác mà, ví dụ : thuốc men, quần áo,… thiếu gì cách !".

Tuy là "quốc gia xuất cảng gạo hàng đầu thế giới" nhưng tại Việt Nam vẫn còn hàng chục ngàn người thiếu ăn.

Tài liệu thống kê của Tổng Cục Thống Kê (Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư) được tờ Thời Đại viện dẫn được công bố hôm Thứ Hai, 29 Tháng Giêng, 2018, cho biết : "Việt Nam hiện đang có ít nhất 5.700 gia đình hay khoảng 19.700 người bị cần được cứu đói tại một số tỉnh".

Chi tiết nêu ra cho thấy tỉnh Đắk Lắk có nhiều người bị đói nhất với 2.100 gia đình, tương ứng với 5.300 người ; kế đến là Lạng Sơn 1.400 gia đình, tương ứng với 5.000 người ; Gia Lai 966 gia đình, tương ứng với 4.300 người.

Ngoài ba tỉnh vừa kể xin nhà cầm quyền trung ương trợ cấp chống đói, các tỉnh khác như Phú Yên, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hà Giang cũng yêu cầu được hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên Đán và dịp giáp hạt đầu năm 2018.

Trong số các tỉnh vừa nêu, có tỉnh có những dự án "tượng đài" hay "công viên văn hóa" hàng ngàn tỉ đồng trong khi dân thiếu đói. Đã vậy, các khoản gạo cứu trợ về đến địa phương lại còn bị nhà cầm quyền sở tại xà xẻo, hoặc "cấp không đúng đối tượng".

Năm ngoái, 15 tỉnh đã yêu cầu nhà cầm quyền trung ương cấp gạo cứu đói dịp Tết và dịp đói giáp hạt. Năm nay mới thấy tin tức xin cứu đói tại 12 tỉnh.

Chuyện phát gạo cứu đói hàng năm vào dịp gần Tết và lúc giáp hạp là chuyện dài nhiều tập nên năm nào cũng thấy có những lời kêu ca về sự bất công, cửa quyền của cán bộ các địa phương. (KN) 

Quay lại trang chủ
Read 444 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)