TPP không có Hoa Kỳ (RFA, 06/03/2018)
Mười một quốc gia tham gia Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt theo tiếng Anh TPP, vào ngày thứ năm 8 tháng 3 này sẽ ký kết một thỏa thuận được chỉnh sửa.
Bộ trưởng thương mại Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Chính sách kinh tế tài chính Nhật Bản, ông Toshimitsu Motegi tại APEC 2017, Đà Nẵng. AP
AFP loan tin cho biết thỏa thuận mới với tên gọi Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương Tiến Bộ và Toàn Diện- CPTPP nhắm đến việc cắt giảm thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên và tăng cường mậu dịch để phát triển.
AFP dẫn phát biểu của thương thuyết gia trưởng Chi lê, Felipe Lopeandia, là những nước tham gia CPTPP sẽ không bị tác động bởi quyết định của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khi rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận TPP.
Theo thương thuyết gia trưởng của Chi lê trong đàm phán CPTPP thì việc ký thỏa thuận được chỉnh sửa của 11 quốc gia sẽ gửi một tín hiệu chính trị đến toàn thế giới và cả Hoa Kỳ rằng đó là một thỏa thuận toàn cầu.
Tin cho biết trong thỏa thuận CPTPP sắp được ký kết có 20 điều khoản được ngưng lại hay thay đổi. Hầu hết đều là những điều khoản liên quan quyền sỡ hữu sản phẩm trí tuệ mà phía Hoa Kỳ đưa vào TPP trước đây.
11 quốc gia ký CPTPP đại diện cho thị trường 500 triệu người, lớn hơn thị trường Liên hiệp Châu Âu. Các nước tham gia CPTPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
******************
Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục phát triển quan hệ thương mại (RFA, 06/03/2018)
Hoa Kỳ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam và các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mạng báo Giáo dục và Thời đại dẫn lời thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhân sự kiện mang tên Gặp gỡ Hoa Kỳ diễn ra tại Đà Nẵng vào chiều ngày 5/3.
Ông Daniel Kritenbrink - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ngaynay.vn
Là sự kiện thường niên do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức từ năm 2016, Gặp gỡ Hoa Kỳ năm nay có chủ đề "Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung" với 4 phiên : Triển vọng thương mại - đầu tư Việt Nam Hoa Kỳ giai đoạn 2018-2020 ; thành phố thông minh ; khởi nghiệp - Start Up ; giáo dục và lực lượng lao động.
Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế và coi Hoa Kỳ là một đối tác hàng đầu, đánh giá cao các sáng kiến và nỗ lực của Hoa Kỳ, và các nước nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, hai nền kinh tế Việt Nam- Hoa Kỳ mang tính chất bổ sung cho nhau, hai bên duy trì sinh hoạt đầu tư ổn định, kim ngạch thương mại hai chiều tăng liên tục. Xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng rất nhanh và cao nhất hiện nay so với thị trường Đông Nam Á.
Đặc biệt, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để tiếp tục cải cách, đổi mới tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho đầu tư và hợp tác, trong đó chú trọng việc đầu tư hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các doanh nghiệp, đối tác, địa phương Hoa Kỳ. Đây cũng là một trụ cột trong quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam- Hoa Kỳ được xác lập từ năm 2013.
Về phía Hoa Kỳ, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink tin tưởng rằng những giải pháp của doanh nghiệp từ Hoa Kỳ sẽ hữu ích cho các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hoa Kỳ cũng mong muốn các địa phương Việt Nam giới thiệu tiềm năng và có những nỗ lực, kêu gọi, xúc tiến để doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đến đầu tư tại đây.
Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị Gặp gỡ Hoa Kỳ, Công Ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ cùng Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao về hợp tác bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại tại các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam.
Theo đó, chương trình sẽ được giảng dạy bởi các chuyên gia đến từ Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) cùng các đối tác khác tại Việt Nam. Chương trình hợp tác dự kiến kéo dài trong 3 năm và được tổ chức tại nhiều địa điểm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.