Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/03/2018

Đạo Công giáo, Đại học VinUni, chức danh Giáo sư, bằng giả, ô nhiễm

Các giám mục Việt Nam đến Vatican (RFA, 06/03/2018)

Các giám mục Việt Nam vào ngày 5 tháng 3 được giáo hoàng Francis, người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã tiếp tại Vatican.

vn1

Giáo hoàng Francis gặp gỡ 33 giám mục Việt Nam - Courtesy of baoconggiao.net

Tin cho biết 33 vị giám mục Việt Nam thực hiện chuyến đi thăm mộ hai vị thánh tông đồ Pedro và Paulus lô thường được gọi theo tiếng La-tinh là ‘ad limina’. Trong chuyến đi này họ được giáo hoàng tiếp kiến và nghe báo cáo về tình hình giáo phận mà họ đang coi sóc.

Chuyến ‘ad limina’ gần nhất của các vị giám mục công giáo Việt Nam được cho biết vào tháng 6 năm 2009. Lúc đó người tiếp hàng giáo phẩm Công giáo trong nước là giáo hoàng Bê nê đíc tô thứ 16.

Trong chuyến thăm lần này, vào ngày 3 tháng 3 vừa qua, giám mục Nguyễn Chí Linh, hiện là chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, phát biểu trong thánh lễ được tiến hành tại nguyện đường gần mộ Thánh Pedro về lòng trung thành của giáo dân Việt Nam với giáo hội và đức giáo hoàng.

Thống kê cho thấy trong số dân hơn 96 triệu của Việt Nam hiện nay, số tín hữu Công giáo La Mã chỉ chiếm chừng 6,6%. Tỉ lệ này thấp hơn số 10% được ghi nhận trong những thập niên đầu của thế kỷ 20.

Hiện nay Giáo hội Công giáo La Mã tại Việt Nam có 26 giáo phận, hơn 2.220 giáo xứ. Tất cả thuộc 3 tổng giáo phận. Số linh mục được cho biết là 2668 vị.

************************

VinUni : lợi nhuận hay phi lợi nhuận ? (VNTB, 07/03/2018)

VinUni - trường Đại học phi lợi nhuận thuộc tập đoàn Vingroup được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương cho phép thành lập, dự kiến khóa đầu tiên là vào năm 2020 với 3 lĩnh vực là : Kinh doanh, Công nghệ và Khoa học Sức khỏe.

Nếu nhìn vào trong 3 linh vực, thì có thể nhận ra đây là môi trường đào tạo nguồn nhân lực cho chính hệ sinh thái của tập đoàn này gồm : Kinh doanh (Vinhome,...) ; Công nghệ (Vinfast,...) và Khoc học sức khỏe (Vinmec,...).

Vingroup theo hướng mô hình đại học tư thục phi lợi nhuận, có nghĩa là sẽ nối gót Vinmec hay Vinschool (hoặc như RMIT), thực hiện chất lượng cao với giá tương đương. Nói gọn hơn, với cấu trúc hoạt động như vậy, Vin sẽ sử dụng trường đại học này làm nơi đào tạo nguồn nhân lực, và dành cho giới,… nhà giàu.

vn2

Ảnh mẫu trường đại học phi lợi nhuận đầu tiên thuộc hệ sinh thái Vingroup

Tuy nhiên, vì là ‘con buôn’, nên với Vingroup, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ? Trước nhất, cần thiết phải ghi nhận rằng, Vingroup có thể muốn tạo ra sự khác biệt mang tính tích cực ở Việt nam, bao gồm trong lĩnh vực kinh doanh, công nghiệp ôto, y tế hay giáo dục. Nhưng vì bản chất con buôn, nên cũng có thể đặt ra viễn cảnh, Vingroup có thể là sử dụng cụm trường đai học phi lợi nhuận này để chiếm hữu đất vàng ; đi xa hơn là với cơ sở sinh thái có sẵn, cộng với nguồn lực dồi dào của mình, tập đoàn này sẽ sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn học phí cao ngất ngưởng ; nguồn tài trợ và ưu đãi của chính phủ (bao gồm cả miễn thuế), các tổ chức - cá nhân,... để làm cơ sở đầu tư ngoài ngành ? 

Câu chuyện phi lợi nhuận nhằm trốn thuế hoặc sử dụng nguồn tài chính thu được để tái đầu tư ngoài ngành…. có lẽ không còn mới. Trường Đại học Harvard, ngôi trường chất lượng cao có trụ sở của Mỹ, ngoài cung cấp nền tảng giáo dục nổi tiếng, Harvard còn tiến hành đầu tư bất động sản [1]. Đề cập như vậy để cho thấy rằng, việc Vingroup tiến hành hoạt động thành lập Vinuni là không khác biệt, và nó nằm trong hệ quy chiếu thị trường. Vấn đề là VinUni (hay Vinmec) thành lập tại Việt Nam chứ không phải Mỹ, do đó nó tồn tại nhiều bất cập và sự thiếu minh bạch. Chính sự thiếu minh bạch trong cơ chế có thể giúp tập đoàn Vingroup đẩy mạnh các hoạt động doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận mà không gặp quá nhiều sự rắc rối từ cơ quan hữu trách. Hay đúng hơn, ‘Phi lợi nhuận’ giúp Vingroup tối đa hóa lợi nhuận của mình, có thể chuyển nguồn tiền thu được cho dự án khác (ví như Vinfast) hoặc tiếp tục cơi nới khu vực bất động sản của mình. Và bối cảnh này có thể trở thành hiện thực trong tương lai.

Câu hỏi đặt ra là làm sao có thể giám sát chặt chẽ tính chất ‘phi lợi nhuận’ của Vingroup ? Bởi ngay đến yêu cầu các tổ chức phi lợi nhuận (thuộc Vingroup) báo cáo số tiền chênh lệch trên % doanh thu quy định có vẻ là một việc làm bất khả thi tại Việt Nam, quốc gia mà trốn thuế và lách thuế diễn ra ngang nhiên. Chưa kể, đối mặt với cơ quan thuế là một doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền và cơ quan hữu trách trong kiểm soát thuế lại là cơ quan có nhiều vấn đề trong tham nhũng - vốn được xem là quốc nạn ở Việt nam. Đây không phải là nỗi lo quá xa, khi mà ngay cả cấp trung ương cũng nghi ngờ về tính minh bạch thuế, bởi vào tháng 8/2016, khi làm việc với Tổng Cục thống kê, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã đề cập đến bất cập trong dữ liệu thống kê doanh nghiệp đến mức mà, trong nhiều trường hợp "Chính phủ điều hành mà không biết thế nào mà lần". Mà ‘dữ liệu’ thì tại Việt Nam việc làm giả, kê khống là công việc rất bình thường.

Vậy làm sao có thể tạm nhận biết được tính chất phi lợi nhuận của Vingroup đến đâu ? Điều này có thể dựa vào việc phía doanh nghiệp này công khai nguồn dữ liệu tài chính theo đơn vị tháng hoặc quý. Bởi tổ chức phi lợi nhuận thì đồng nghĩa phải minh bạch tài chính. Nguồn dữ liệu này bao gồm : lương, phúc lợi, bảo thuế, thuế, khoản tín dụng, số dư nguồn tiền của tổ chức ; các khoản vay và nghĩa vụ thanh toán khoản vay,… Ngoài ra, có thể tiếp tục nhận thêm bản lưu chuyển tiền tệ, cân đối kế toán ; báo cáo thu nhập.

Câu chuyện thành lập Vinmec hay Vinuni theo hướng phi lợi nhuận cũng mở ra một khía cạnh mới, đó là sự liên đới về tính chính trị. Tại Việt nam, nếu triệu phú hay tỷ phú USD, với xuất phát điểm là bất động sản thì mặc nhiên doanh nghiệp đó ít nhiều liên đới chặt chẽ với chính quyền sở tại, và người đứng đầu rơi vào trạng thái phe phái. Do đó, khi phe phái bị yếu thế thì lập tức, các sai phạm được che giấu trước đó sẽ bị phơi bày, và lúc này, người dùng hay ngân sách chi cho phi lợi nhuận là 2 yếu tố bị tổn hại nhiều nhất. Một trường hợp tương tự đã từng xảy ra cách đây không lâu, theo đó - vào năm 2010, tại phía Nam Việt nam từng thành lập trường Đại học Tân Tạo - được mô tả là xây dựng theo mô hình các đại học danh tiếng của Mỹ, với hội đồng sáng lập là các giáo sư nổi tiếng của Mỹ. Tuy nhiên, người đứng đầu Hội đồng là bà Đặng Thị Hoàng Yến. Bảy năm sau, Đại học Tân Tạo bị Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo bóc tách nhiều sai phạm, từ khâu quản lý, tổ chức cho đến tuyển sinh đào tạo, trong đó có cả việc tuyển sinh ngành đã bị đình chỉ.

Bà Đặng Thị Hoàng Yên là người bị Quốc hội Việt Nam bãi nhiệm tư cách Đại biểu quốc hội vào năm 2012 vì không trung thực khi khai hồ sơ ứng cử.

Quay trở lại với câu chuyện của Vingroup, mới đây (28/02) - tạp chí Forbes, sau nhiều năm xếp hạng ông Phạm Nhật Vượng từ tỷ phú kinh doanh bất động sản (real estate), nay chuyển sang tỷ phú đa ngành"(diversified). 

Ánh Liên

Ghi chú :

[1] https://www.reuters.com/article/us-usa-stocks/wall-street-closes-higher-as-trade-war-fears-ease-idUSKBN1GH1W9

*********************

Công bố danh sách giáo sư, phó giáo sư tại Việt Nam (RFA, 06/03/2018)

Việt Nam vừa cho công bố quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 cho 1.131 ứng viên, ít hơn 95 người so với danh sách ban đầu.

vn3

Một vị Phó Giáo sư trong một buổi lễ trao bằng công nhận danh hiệu giáo sư và phó giáo sư tại Văn Miếu Hà Nội vào ngày 24 tháng 12 năm 2012. AFP

Thông tin này chính thức được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công bố vào ngày 5/3 và được truyền thông trong nước loan đi.

Theo ông Bùi Văn Ga, phó chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư cho biết, việc rà soát 1.226 hồ sơ ứng viên đã xác định 1.131 hồ sơ đủ tiêu chuẩn và đảm bảo điều kiện công nhận đạt chuẩn, không có đơn thư tố cáo. Còn 95 hồ sơ còn lại thuộc diện có đơn thư tố cáo và hồ sơ cần được xác minh thêm.

Đây cũng là con số kỷ lục trong hơn 40 năm qua, khiến cho dư luận lo ngại về chất lượng xét chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017.

Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có công văn yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo rà soát nghiêm túc lại quá trình xét duyệt để đảm bảo chất lượng.

Xin nhắc lại, năm 2017, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã công bố 1.226 giáo sư và phó giáo sư, đây là con số được truyền thông trong nước cho là tăng đột biến và gây ra nhiều nghi vấn trong dư luận. Hiện tại, hội đồng này mới chỉ thừa nhận 1 phó giáo sư duy nhất chưa đủ tiêu chuẩn.

********************

Trưởng công an bị cảnh cáo vì dùng bằng giả để tiến thân (CaliToday, 06/03/2018)

Không hề học hết cấp III, lại xuất thân từ một trưởng xóm ở xã Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) ông Phạm Phú Thành (sinh năm 1962) dùng bằng giả để leo tới chức Trưởng công an xã. Điều đặc biệt là ngay cả khi bị phanh phuy sự dối trá này, ông Thành vẫn còn được chính quyền bao che, chạy tội.

vn4

Bằng giả được trưởng công an dùng để tiến thân. Ảnh : Vnexpress

Ngày 6/3/2018, tin tức từ Huyện ủy Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã ra quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông Phạm Phú Thành-Trưởng công an xã Nghĩa Sơn. Ông Thành bị kỷ luật vì kê khái không đúng sự thật, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả để tiến thân. Theo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy những vi phạm của ông Thành là trái với cương lĩnh, điều lệ đảng cộng sản Việt Nam trong việc trực tiếp tham gia vào việc mua bán bằng giả.

Trước đó, ông Phạm Phú Thành bị tố cáo đã sử dụng bằng cấp giả để hợp thức hóa giấy tờ, hồ sơ nhằm tiến thân, cho dù bản thân không hề học qua trường cấp III. Tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông của ông Thành do một người là phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An có tên Phạm Quý Hưng ký. Tuy nhiên, theo kiểm tra của Sở Giáo dục vào Đào tạo tỉnh Nghệ An thì Sở này không hề có phó giám đốc nào tên như vậy.

Theo lí lịch của ông Thành, xuất thân từ một đảng viên Cộng sản, ông Thành được làm xóm trưởng rồi lên làm phó công an xã. Đến năm 2009, ông Thành được chính quyền cử đi học lớp Trung cấp Công an, cho dù ông chưa từng tốt nghiệp trường cấp III. Sau khi được cử đi học, ông Thành trở về trễm chệ ngồi trên chiếc ghế Trưởng công an xã Nghĩa Sơn.

Ngay sau khi bị phanh phuy, báo chí đã tiếp xúc với lãnh đạo xã Nghĩa Sơn để tìm hiểu hồ sơ, lí lịch của ông Phạm Phú Thành. Tuy nhiên, tất cả lãnh đạo của xã đều từ chối cung cấp hồ sơ, vì cho rằng hồ sơ của ông Thành là "hồ sơ mật".

Rất có thể sau khi bị kỷ luật với mức cảnh cáo, ông Phạm Phú Thành sẽ không còn được ngồi ở chiếc ghế Trưởng công an xã nữa, mà phải nhường ghế ấy cho người khác.

Việc cán bộ, đảng viên cộng sản Việt Nam sử dụng bằng cấp giả để tiến thân diễn ra nhan nhản. Đến ngay cả một Ủy viên Trung ương đảng, cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng cũng bị phát giác sử dụng bằng cấp giả, thì ở những cấp chính quyền thấp hơn, hiện tượng sử dụng bằng giả để tiến thân là điều không có gì phải lạ. Những cán bộ này chỉ việc đi theo cộng sản, họ được đảng bảo kê, họ cướp đi việc làm của những người được đào tạo, có tri thức khác. Đảng cộng sản Việt Nam tạo mọi điều kiện để đảng viên của mình có được những công ăn việc làm tốt nhất, cho dù đó là cướp đi việc làm của người khác.

Cũng liên quan đến công an, tại xã Hựu Thành (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) do có xích mích trong gia đình, một phó ấp kiêm công an viên đã dùng súng bắn trọng thương một người có họ hàng của mình.

vn5

Nạn nhân kể lại việc mình bị truy sát. Ảnh : NLD

Kẻ dùng súng bắn trọng thương người khác được xác định là Nguyễn Quang Tiến (sinh năm 1956) phó ấp 4 xã Hựu Thạnh.

Theo tin tức mà chúng tôi thu thập được cho biết, sự việc xảy ra vào 19 giờ tối ngày 28/2/2018, trên đường về nhà ở ấp 4 xã Hựu Thạnh, anh Nguyễn Phát Huy (sinh năm 1985, làm tài xế) gặp ông Tiến, người có họ hàng với mình ngược chiều đi về. Lúc này, ông Tiến chặn xe, bắt buộc anh Huy phải dừng lại. Từ đó, giữa đôi bên đã xảy ra cự cãi liên quan đến chuyện gia đình.

Lời qua tiếng lại thì đột ngột ông Tiến móc súng bắn anh Huy. Viên đạn trúng ngay anh Huy khiến anh đổ máu rất nhiều. Ngay lập tức, anh liền chạy vào nhà dân gần đó đẻ trốn. Chưa hết cơn cuồng sát, ông Tiến còn đuổi theo tiếp tục bắn anh Huy cho đến khi hết đạn, đồng thời còn tuyên bố, sẵn sàng ở tù.

Lúc này những người có mặt tại đó liền chạy đến can ngăn. Theo người dân sống gần khu vực cho biết, mâu thuẫn giữa ông Tiến và anh Huy liên quan đến tranh chấp đất đai đang chờ giải quyết lâu nay. Không chờ pháp luật giải quyết cán bộ Tiến đã sử dụng súng mà chính quyền Cộng sản cấp cho để cố sát bà con của mình. Rất may, đó chỉ là loại súng bắn đạn cao su, chứ nếu không hậu quả thật khó lường.

Người Quan Sát

**********************

Nhà máy thép gây ô nhiễm xin tồn tại và đòi bồi thường (RFA, 06/03/2018)

Hai nhà máy thép gồm Công ty cổ phần Dana Ý và Công ty cổ phần Dana Úc tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, hôm 6 tháng 3 nộp đơn lên chính quyền thành phố đòi bồi thường thiệt hại do bị cơ quan chức năng địa phương buộc đóng cửa đột ngột.

vn6

Bên ngoài công ty cổ phần Dana Ý - Courtesy of viettimes

Ông Nguyễn Vĩnh An, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần thép Dana Úc xác nhận thông tin vừa nêu với truyền thông trong nước.

Ngoài ra, trong đơn kiến nghị, bà Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám Đốc công ty này cho biết việc công ty dừng hoạt động đã gây ảnh hưởng rất lớn lên gần 500 lao động ở đây và công ty có nguy cơ phá sản do thiệt hại khi ngừng sản xuất.

Bà cũng cho biết thêm là đa số người dân nơi nhà máy tọa lạc thuận theo chủ trương muốn di dời và tái định cư nơi khác.

Cùng ngày, Công ty cổ phần thép Dana Ý cũng nộp đơn kiến nghị tương tự gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng. Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng giám đốc công ty cho truyền thông trong nước biết tổng thiệt hại tạm tính khi dừng hoạt động và di dời nhà máy khoảng 1.800 tỷ đồng.

Ủy Ban Nhân Dân (UBND) thành phố Đà Nẵng vào ngày 1 tháng 3 chính thức yêu cầu hai nhà máy thép là Công ty cổ phần Dana Ý và Công ty cổ phần Dana Úc tạm dừng nấu luyện thép trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 2 tháng 3, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về giải quyết ô nhiễm Nhà máy thép Dana Ý và Nhà máy thép Dana Úc, yêu cầu hai công ty này ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp kể từ ngày 2 tháng 3 năm 2018.

Trong thời gian qua dân chúng địa phương tiến hành những cuộc tập trung phản đối tình trạng ô nhiễm do hai công ty thép Dana Úc và Dana Ý gây ra.

Quay lại trang chủ
Read 939 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)