11 quốc gia ký Hiệp định thương mại TPP không có Hoa Kỳ (CaliToday, 08/03/2018)
Có 11 quốc gia được ký kết một hiệp ước quan trọng về mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở Santiago hôm thứ năm 8/3 như một đối trọng của chủ trương bảo hộ mậu dịch ngày một gia tăng của chính phủ Hoa Kỳ.
TPP đã được ký kết từ 11 quốc gia ký hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương. Photo Credit : Jason Reed
Buổi lễ ký kết diễn ra chỉ một ngày sau khi cả Châu Âu lẫn tổ chức Quỹ Tiền Tệ Thế Giới đều lên tiếng thúc ép Tổng thống Trump nên suy nghĩ lại về một trận chiến mậu dịch toàn cầu nếu như ông vẫn cương quyết ra lệnh tăng thuế kim loại nhập cảng vào Hoa Kỳ.
Hiệp ước nói trên có tên là Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP), sẽ giúp giảm bớt mức thuế quan cho các quốc gia ký kết, vốn có nền mậu dịch chiếm đến hơn 13% kinh tế toàn cầu, trị giá 10 ngàn tỉ đô la.
Nếu Hoa Kỳ tham gia vào hiệp ước này thì tổng giá trị lên đến 40% của kinh tế toàn thế giới. Nhưng ngay cả nếu không có Mỹ, hiệp ước này cũng chi phối gần 500 triệu cư dân, khiến CPTPP trở thành một trong ba hiệp ước mậu dịch lớn nhất thế giới, theo tài liệu mậu dịch của Canada và Chile ghi nhận.
Hiệp ước đầu tiên có tên TPP đã gặp rắc rối trong năm 2017 khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Hoa kỳ ra khỏi hiệp ước chỉ 3 ngày sau khi ông nhậm chức, ông tuyên bố lý do của việc ông làm là nhằm ‘bảo vệ công ăn việc làm của người dân Mỹ’
Không có Hoa kỳ, Nhật bản và Canada là hai quốc gia lãnh đạo các thành viên khác xem xét lại các điều khoản của hiệp ước. Toàn văn của hiệp ước CPTPP đã được Tân Tây Lan công bố vào ngày 21 tháng 2.
Hiệp ước này quy tụ các quốc gia thành viên là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Tân tây Lan, Peru, Singapore và Việt Nam.
Đào Nguyên
*******************
Việt Nam ký hiệp định TPP-11 tại Chile : nhiều triển vọng, lắm thách thức (VOA, 08/03/2018)
Hôm 8/3 tại thủ đô Santiago của Chile, Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, còn gọi là TPP-11), kỳ vọng đạt nhiều thành công trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế, nhưng không ít thách thức.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, còn gọi là TPP-11) được 11 nước ký kết tại thủ đô Santiago của Chile.
Tiến sĩ kinh tế Võ Trí Thành nhận định rằng sự kiện này có ý nghĩa lớn và Việt Nam không thể đi ngược lại tiến trình này :
"Việc ký kết hiệp định CPTTP này cho thấy tiến hành hội nhập liên kết khu vực tự do thương mại, đầu tư, dù khó khăn nhưng vẫn tiến triển. Đó là một xu hướng khó có thể đảo ngược được".
Hôm nay 8/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết CPTPP được 11 nước ký kết tại thủ đô Santiago của Chile.
Báo Nikkei cho biết CPTPP đã tiến triển một cách ngạc nhiên nhờ những nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ của Nhật, mà trước đó tưởng chừng như sắp sụp đổ sau khi Hoa Kỳ rút lui.
Hiệp định TPP trước đó từng được kỳ vọng sẽ gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu quần áo, giày dép, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Mexico, Canada và các đối tác khác của TPP. Vì vậy, động thái rút Mỹ khỏi TPP của Tổng thống Trump đầu năm 2017 không phải là một tin tốt lành cho Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam nói việc các nước ký thỏa thuận ở Chile là dấu hiệu cho thấy Châu Á sẽ vươn lên, thay thế Mỹ, trở thành người lãnh đạo của thương mại tự do toàn cầu.
Hiệp định CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại v.v. mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước.
Các thành viên của CPTPP tạo nên thị trường khoảng 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa GDP đạt 12,4 nghìn tỷ đôla, chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, so với một hiệp định TPP với sự tham gia của Mỹ, mức GDP này chưa bằng một nửa.
Báo chí trong nước nói CPTPP sẽ tác động đến Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh như chính trị- đối ngoại, kinh tế. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 1,32%, xuất khẩu tăng thêm 4%. Theo hiệp định này, 100 % dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm, nhưng riêng với Việt Nam được dành lộ trình 7 đến 10 năm.
Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định hiệp định CPTPP có tác động rất tích cực cho Việt Nam và các nước thành viên thông qua các các hoạt thương mại và đầu tư :
"CPTPP vẫn giữ được tính chất là một hiệp định chất lượng cao, tính đến nhiều vấn đề liên quan đến nhiều chính sách, điều tiết sau đường biên giới, dù không đầy đủ các xu hướng mới của thương mại và đầu tư. Hiệp định này sẽ có tác động tích cực đối với kinh tế thông qua các tác động có ý nghĩa đối với thương mại, đầu tư giữa các nước thành viên".
Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định, dù Việt Nam có lợi thế từ Hiệp định CPTPP, nhưng đây là hiệp định mang tính mở nên các quốc gia tham gia sau phải trải qua một quá trình. Việt Nam rất cần việc cải cách mạnh mẽ từ bên trong, vì đây là thời điểm rất cần cho yêu cầu tự thân của Việt Nam. Ngoài ra, việc kết hợp hài hòa giữa cải cách bên trong, đặc biệt là cải cách thể chế với cam kết hội nhập là điều cực kỳ quan trọng, là ưu tiên số một.
Việt Nam nhận định các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ đại dương của Việt Nam được ưu ái ; các mặt hàng khác như dệt may, giày dép của Việt Nam được hưởng lợi. Nhưng các hàng nông nghiệp và chăn nuôi như thì gặp thách thức.
Bản hiệp định TPP ban đầu được thống nhất vào tháng 10/2015 với 12 thành viên. Tuy nhiên, khi Mỹ bỏ rơi TPP, hiệp định này mất đi sự cân bằng dựa trên các nhượng bộ lẫn nhau của các thành viên. 11 quốc gia còn lại, không sẵn sàng ký kết trong bối cảnh tính chất hiệp định thay đổi do Mỹ rút lui, đã phải tái xây dựng lại hiệp định.
Báo Nikkei trích lời doanh nhân Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương, được mệnh danh là "ông vua cá da trơn" của Việt Nam sau khi mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường thế giới cho cá tra và cá ba sa. Khi nhu cầu của thế giới về hải sản tăng trưởng đều đặn trong những năm qua, công ty Hùng Vương của ông Minh vươn lên trở thành nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam.
Khi Tổng thống Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng và rút Mỹ khỏi hiệp định TPP, ông Minh đã phải điều chỉnh lại chiến lược hoạt động của công ty Hùng Vương.
"Ông vua cá da trơn" cho biết chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump gây ra thách thức lớn cho hoạt động của Hùng Vương.
Tuy nhiên ông Minh cho biết CPTPP dù vắng mặt Mỹ, vẫn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp thực phẩm của ông.Với việc hiệp định CPTPP được ký kết, ông Minh kỳ vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng thêm tối thiểu 30%.
Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất của CPTPP không nằm ở các thỏa thuận chi tiết mà nằm ở thực tế các nước thành viên đã đạt được thống nhất mà không cần tới sự tham gia của Mỹ, thành viên lãnh đạo thương mại thế giới trong hàng thập kỷ qua.
Tiến sĩ Võ Trí Thành nói việc Mỹ rút khỏi TPP là một điều đáng tiếc :
"Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định TPP là một điều đáng buồn bởi vì Hoa Kỳ có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế của khu vực và toàn cầu, cũng như các liên kết, hội nhập của thế giới, trong đó có khu vực Châu Á – Thái Bình Dương".
Trong bối cảnh 11 quốc gia ký kết hiệp định thương mại tự do đáng chú ý nhất trong 25 năm qua, ông Trump đang làm rung chuyển thị trường thế giới và cảnh báo cả các đồng minh của Mỹ về mức thuế khắc nghiệt nhắm vào thép và nhôm.
Bà Deborah Elms, Giám đốc Điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á tại Singapore, cho biết : "Những gì đang diễn ra cho thấy thế giới chúng ta đang sống bất định như thế nào. Mỹ, nước từng là ngọn cờ đầu của TPP, bỏ rơi hiệp định và đi theo một hướng hoàn toàn trái ngược". Ngoài ra, bà Elms còn đánh giá rằng Mỹ đã từ bỏ vai trò lãnh đạo thương mại tại Châu Á.
*********************
Nợ nước ngoài quá hạn của Việt Nam hơn 470 triệu (RFA, 08/03/2018)
Báo cáo vừa công bố của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cho thấy tính đến 31/12/2016, dư nợ nước ngoài của chính phủ Hà Nội hơn là 947 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 473 triệu USD, chiếm 39,8% nợ chính phủ.
Hình ảnh các container hàng ở cảng Đà Nẵng hôm 16/6/2017 - AFP
Theo báo cáo này, có 60 dự án chuyển nợ quá hạn gồm cả gốc, lãi, phí. Hầu hết các dự án được thực hiện trước năm 2010 và sử dụng vốn không hiệu quả, trong đó dự án Vinashin có nợ quá hạn hơn 8.000 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, có một số dự án vay nước ngoài nhưng không được tính toán kỹ tiến độ thi công nên dẫn đến việc vẫn phải trả phí cam kết cho nhà tài trợ trong khi không thực hiện giải ngân được.
Điển hình như dự án metro vay của chính phủ Đức 137 triệu Euro, Bộ Tài chính ký hợp đồng cho vay lại với Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh (UBND Thành phố Hồ Chí Minh), hàng năm vẫn phải trả phí cam kết là 342.500 Euro.
Kiểm toán Nhà nước nêu rõ đây là trách nhiệm thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong lãnh vực nợ công, theo số liệu báo cáo tổng hợp thì nợ công năm 2016 sau khi kiểm toán tăng thêm 5.000 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước Việt Nam do một số dự án chưa kịp thời ghi nhân rút vốn nên chính phủ phải điều chỉnh chênh lệnh 5.000 tỷ đồng.
Về tình hình giải ngân vốn ODA năm 2016, các tài liệu do Bộ Kế hoạch và đầu tư cung cấp, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy một số bộ, ngành, địa phương giải ngân vượt kế hoạch so với kế hoạch vốn được giao.
Bên cạnh đó nhiều dự án không giải ngân được hoặc giải ngân với tỷ lệ thấp ảnh hưởng đến hiệu quả dự án.
********************
Tôm Việt vào Mỹ có thể phải chịu thuế cao hơn 21 lần (RFA, 08/03/2018)
Tôm đông lạnh Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ có thể sẽ bị Bộ Thương mại Mỹ tính đánh thuế chống bán phá giá 25,36%, trong khi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng có sự nhầm lẫn và mức thuế chính xác chỉ là 1,19%.
Chế biến tôm xuất khẩu tại công ty Khanh Sung Seafood ở Mỹ Xuyên, miền Nam Việt Nam. (Ảnh minh họa chụp trước đây) - AFP
Mức thuế mà Bộ Thương Mại Mỹ đưa ra dựa vào kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam giai đoạn từ 1/2/2016 đến 31/1/2017 hôm 8/3, và được coi là mức thuế cao nhất từ trước đến nay của tôm Việt Nam. Công ty được chọn để điều tra là Fimex. Mức thuế áp dụng cho Fimex sau điều tra cũng được áp dụng với các công ty khác.
Công ty Fimex cho rừng đã có sự nhầm lẫn trong tính toán từ phía Mỹ và cho rằng mức thuế tính đúng chỉ là 1,19%.
Trả lời báo chí trong nước, VASEP cho biết hết sức bất ngờ với mức thuế này. VASEP cũng cho biết trong suốt 13 năm tham gia các kỳ xem xét hành chính của vụ kiện chống bán phá giá tôm tại Mỹ chưa có doanh nghiệp nào nhận được biên độ bán phá giá theo tỉ lệ phần trăm cao hơn một chữ số.
Do đó VASEP cũng ra thông cáo báo chí trên trang web của mình cho rằng mình "hoàn toàn có cơ sở tin rằng đã có sự nhầm lẫn nào đó trong kết quả này". VASEP đã yêu cầu Bộ Thương Mại Hoa Kỳ nhanh chóng xem xét lại kết quả sơ bộ này và có sự điều chỉnh hợp lý, kịp thời và công bằng cho Công Ty FIMEX cũng như các Doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam vì có sai sót trong tính toán.
Năm 2017, trong khi xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường đều tăng mạnh, nhưng xuất khẩu tôm sang Mỹ đã giảm 7% do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá.
Mỹ hiện chỉ đứng thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
***********************
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam bị kỷ luật cảnh cáo (RFA, 08/03/2018)
Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc ngày 8 tháng 3 đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với hai ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND và ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Courtesy of Báo Tiền Phong
Theo đó ông Đinh Văn Thu phải chịu trách nhiệm với cương vị là người lãnh đạo, đã để xảy ra các vi phạm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021. Ngoài ra, ông Thu còn bổ nhiệm con trai khi chưa được phê duyệt, cho con lên làm lãnh đạo khi chưa đủ tiêu chuẩn và cho phép tỉnh này tuyển dụng nhân sự không qua thi tuyển.
Ông Huỳnh Khánh Toàn cũng phải chịu trách nhiệm với những sai phạm của Ban Thường vụ và Ban cán sự đảng của tỉnh, với cương vị là một trong những người lãnh đạo. Ông Toàn đã ký bổ nhiệm sai quy trình cho ông Lê Phước Hoài Bảo giữ chức Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư. Bên cạnh đó, ông Toàn còn đề nghị bổ nhiệm công chức không qua thi tuyển trong có có nhiều người không đủ điều kiện, một số người là con lãnh đạo của tỉnh.
Ông Lê Phước Hoài Bảo là con trai của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh. Cả hai người đều đã bị kỷ luật đảng trước đó.
Cũng liên quan đến những sai phạm trong bộ máy Nhà nước, Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ngày 8 tháng 3 đã yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vụ việc Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu (AVG).
Trước đó, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe kết quả thanh tra sự việc vừa nêu.
Sau đó, ban bí thư nhận định đây là vụ việc nghiêm trọng, nhạy cảm và khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Vì vậy, ban này đã chỉ đạo Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra. Đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý vụ việc này theo quy định của pháp luật Việt Nam và thu hồi tài sản thất thoát.
***********************
Việt Nam thu hồi giấy phép đầu tư dự án lọc dầu trị giá 3,2 tỉ USD (RFA, 08/03/2018)
Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên vừa có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô trị giá 3,2 tỉ USD do vi phạm tiến độ đầu tư cam kết như đã nêu trong giấy phép. Reuters trích nguồn tin từ giới chức chính quyền địa phương cho biết tin này hôm 8/3.
Động thổ dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô năm 2014 Courtesy of tuoitre.vn
Báo Tài chính Việt Nam cho biết, hôm 1/3 ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế khẩn trương, chủ động liên hệ với Sở Kế hoạch và đầu tư để tiếp nhận hồ sơ dự án và ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cho dự án.
Reuters dẫn lời ông Trần Thiện Kim, Phó Giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết nhà máy lọc dầu dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay, nhưng quá trình xây dựng vẫn chưa bắt đầu. Ông cho biết tỉnh đã thông báo cho các công ty về quyết định mới.
Cũng theo ông Kim, Công ty Vũng Rô hài lòng với quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên vì nó cũng nằm trong kế hoạch rút lui của họ do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Theo Reuters, rất hiếm khi các dự án đầu tư có quy mô lớn ở Việt Nam bị thu hồi giấy phép, mà thông thường do các quy định và yêu cầu nghiêm ngặt từ các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tốc độ xây dựng và môi trường.
Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô được cấp phép vào năm 2008 với vốn đầu tư từ công ty Technostar Management Limited của Anh và tập đoạn Telloil của Nga với các sản phẩm dự kiến là khí hóa lỏng, nhiên liệu cho máy bay, xăng và dầu diesel.