Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/03/2018

Sai phạm công trình, Zorro giúp người

RFA tiếng Việt

Sai phạm nhãn tiền và sự chối bỏ trách nhiệm của giới chức nhà nước (RFA, 12/03/2018)

Một số công trình xây dựng lớn bị cho là vi phạm nhưng cơ quan chức năng tại những nơi có tình trạng sai trái xảy ra chối bỏ trách nhiệm. Dư luận một lần nữa lên tiếng thắc mắc vì sao công tác quản lý nhà nước kém hiệu quả như thế diễn ra khắp nơi buộc chính phủ phải giải quyết hậu quả của những vụ việc đó ?

sai1

Cây cầu dài hơn 1000 mét xây dựng lên đỉnh núi Cái Hạ, trong khu di sản Tràng An, Ninh Bình. Courtesy : Hình chụp từ màn hình video của zing.vn

Không biết hay Không muốn biết ?

Những ngày vừa qua, trên các trang fanpage của báo giới quốc nội và trên các trang mạng xã hội, dư luận nhắc đến cụm từ "chuyện thật như đùa" để đưa ra ý kiến bình luận xoay quanh thông tin về cây cầu dài hơn 1000 mét bắc lên đỉnh núi Cái Hạ, trong khu di sản Tràng An được xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động đón du khách đến tham quan, mà giới chức Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình nói rằng công trình xây dựng trái phép và do ở sâu trong vùng lõi nên khó phát hiện.

Khu du lịch Tràng An là di sản UNESCO thế giới đầu tiên của Việt Nam đạt được hai tiêu chí về thiên nhiên và văn hóa. Dư luận cho rằng thật là phi lý khi Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh Ninh Bình, ông Đinh Chung Phụng, vào ngày 7 tháng Ba khẳng định công trình xây cầu xuyên rừng đặc dụng và xuyên qua di sản Tràng An có dấu hiệu sai phạm, mặc dù Công ty cổ phần Du lịch Tràng An thi công từ tháng 8 năm ngoái mà không bị các cơ quan chức năng địa phương phát hiện cho đến lúc được dư luận và truyền thông phanh phui.

Không chỉ riêng vụ việc vừa nêu, mà dư luận còn lên tiếng phản đối các cơ quan quản lý nhà nước trả lời báo giới rằng chưa xác định rõ chủ đầu tư của 57 căn biệt thự kiên cố xây dựng trái phép nhiều năm qua tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội hay thông tin liên quan Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù có đến 213 container bị mất tích trong thời gian hai năm 2015 và 2016.

Trên trang fanpage của Báo mạng Zing.vn, qua cả trăm ý kiến được đăng tải, nhiều độc giả lên tiếng rằng người dân đổ một chiếc xe cát để sửa sang nhà cửa hay làm một cái chuồng vịt trong sân nhà nếu không thông báo với chính quyền địa phương thì ngay tức khắc nhân viên đến kiểm tra, thanh tra. Đài RFA có thể nêu trường hợp điển hình của ông Nguyễn Văn Bỉ, ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh cất chuồng nuôi vịt trong miếng đất của gia đình đã bị chính quyền phạt hành chính 6, 5 triệu đồng do xây dựng không phép và sau đó còn bị khởi tố vì ông Bỉ dựng lại cái chòi cây cũng để nuôi vịt.

Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do trước thắc mắc của dư luận vì sao những vụ việc vi phạm nghêm trọng như thế, mà cơ quan chức năng không hay biết hay cho rằng khó phát hiện và chưa phát hiện, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo lý giải rằng :

"Thực chất là thế này, trong kinh nghiệm làm báo của tôi là họ bảo kê cho những việc đó. Họ bảo kê hết. Họ biết quá đi chứ, nhưng họ có quyền lợi trong đó. Hầu hết các trường hợp như thế đều đút lót hết, chứ không thể nào không biết. Nói thẳng vấn đề là như thế. Nhưng khi bị truyền thông phát hiện và đăng tải, phóng viên hỏi những người có trách nhiệm thì họ trả lời qua quýt cho xong chuyện ; tức là họ không biết, họ đi họp hay đi vắng nên chưa nắm được… Những chuyện này thì bọn tôi gặp hoài, gặp nhiều lắm".

Hẳn nhiều người còn nhớ đến một trong những vụ việc nổi cộm được dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2017, liên quan đến 3 ngọn núi ở Vịnh Hạ Long bị tàn phá do khai thác đá, nhưng giới chức quản lý của doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Quảng Ninh vẫn để tình trạng này diễn ra trong nhiều năm, thậm chí còn nói rằng không biết việc phá núi nằm trong vùng đệm. Bí thư tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh lần thứ 5, phát biểu rằng sai phạm trong vụ khai thác đá tại các núi ở Vịnh Hạ Long thuộc về Lữ đoàn 170 đã lợi dụng công trường trong ranh giới quốc phòng để đưa tư nhân vào khai thác đá và đây là một bài học trong việc quản lý tại địa phương.

Giải quyết hậu quả thế nào ?

Liên quan đến vụ việc về cây cầu xây dựng ở khu di sản Tràng An, Bộ Văn Hóa-Thông Tin Việt Nam khẳng định nguyên nhân là do chính địa phương đã sơ sót và buông lỏng trong quản lý ; đồng thời yêu cầu chính quyền tỉnh Ninh Bình phải xử nghiêm và dứt điểm. Tuy nhiên, không ít người cho rằng biện pháp "xử lý dứt điểm" mà Bộ Văn Hóa-Thông Tin yêu cầu chính quyền địa phương phải thi hành là gì, hay rồi cũng là "rút kinh nghiệm" mà thôi ? Còn bao giờ Chính quyền Hà Nội sẽ tìm ra chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng xây dựng trái phép ở Ba Vì là ai và rồi liệu rằng chủ đầu tư sẽ đập bỏ 57 căn biệt thự đã xây hay sẽ xin được cấp phép để tiếp tục xây dựng, tương tự như vụ việc các căn biệt thự bị phát hiện xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng ?

Những câu hỏi vừa rồi được dư luận nêu ra cũng có cái lý của nó. Bởi vì vụ việc mới nhất liên quan đến 213 container, bị biến mất một cách bí ẩn ở cảng Cát Lái, đã được Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh xử lý bằng cách chuyển công tác một cán bộ và hạ bậc thi đua, mà không có một ai bị khởi tố, bất chấp Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trước đó đã ký công văn yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm. Truyền thông trong nước nêu lên với biện pháp kỷ luật này như một trò đùa với dư luận và cả pháp luật. Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo nhấn mạnh với RFA :

"Các hiện tượng tiêu cực ở đất nước Việt Nam thì quá nhiều, bởi vì bao nhiêu năm như thế rồi. Cho nên nếu gọi là xử lý hết được theo mong muốn của công chúng thì khách quan mà nói là không xuể đâu".

Chúng tôi cũng liên lạc với một vài nhà quan sát tình hình Việt Nam ở trong nước và được họ cho biết tiêu cực tràn lan trong mọi lãnh vực không phải vì công tác quản lý nhà nước yếu kém mà là do chính hệ thống tạo ra những tiêu cực đó. Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam nói rằng :

"Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn".

Đài RFA ghi nhận trên các trang fanpage của báo mạng chính thống Việt Nam xuất hiện một số ý kiến bày tỏ sự hy vọng những vụ việc tiêu cực nêu trên sẽ được giải quyết triệt để, vì theo họ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đóng vai trò trưởng ban chống tham nhũng, vào cuối năm ngoái đã tuyên bố rằng việc chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, nhiều cư dân mạng chia sẻ tình trạng đất nước Việt Nam giống như vô chủ qua những lời biện bạch vô trách nhiệm của giới chức các cơ quan chức năng trước rất nhiều vụ việc tiêu cực và một ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản lãnh đạo cũng không thể nào thay đổi được tình hình, như lời của nhà báo Võ Văn Tạo "Tôi nghĩ có đến 10 hay 100 ông Nguyễn Phú Trọng làm đến 10, 20 năm nữa cũng không giải quyết được 70-80% các tiêu cực".

Hòa Ái

***************

Làm "hiệp sĩ" phá án giúp người (RFA, 12/03/2018)

Giúp nạn nhân

Chị Đặng Thị Thanh Thúy, ngụ tại xã Hoà Phú, huyện Củ Chi, sau khi bán được mảnh đất với số tiền hơn 600 triệu đồng, cất kỹ khoản tiền tương đương cả tài sản đó trong nhà ; thế nhưng, chị phát hoảng khi món tiền không cánh mà bay.

sai2

Nhóm hiệp sĩ do anh Nguyễn Văn Hải làm trưởng nhóm bắt đối tượng cướp tài sản - FB nhân vật

Chị đã tìm đến công an địa phương trình báo nhờ truy tìm thủ phạm thu hồi lại khoản tiền bị mất. Tuy nhiên công an thay vì thực hiện nhiệm vụ lại chỉ chị tìm đến nhóm hiệp sĩ chuyên săn bắt cướp do anh Nguyễn Thanh Hải làm trưởng nhóm nhờ giúp đỡ.

Chị Thúy làm theo hướng dẫn của công an địa phương và sau khi nhận được tin báo, các hiệp sĩ săn bắt cướp đã khoanh vùng và xác định đối tượng nghi vấn, sau đó hộ tống chị Thúy chạy xe quanh khu vực tỉnh Bình Dương. Theo lời của chị Thúy thì chỉ sau 30 phút nhóm hiệp sĩ giúp bắt được đối tượng lấy lại cho chị số tiền bị mất cắp.

Do đó chị Thúy đánh giá cao hoạt động của nhóm này :

"Chỉ có nhóm anh Hải là mỗi lần người dân nhờ là giúp, là làm nhanh nhất"

Khác với chị Thúy, một nạn nhân khác bị giật đồ khi đang chạy xe trên đường. Truy hô đuổi bắt nhưng bị mất dấu vết, thay vì trình báo với công an, nạn nhân đã nghĩ ngay đến nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp của anh Hải để nhờ vây bắt.

"Các anh ý rất tốt và ra tay nghĩa hiệp. Em thấy liên hệ với các ảnh là các anh truy hô đi kiếm liền. Vào báo công an thì lâu nên em gọi cho các anh ấy vì họ lúc nào cũng có người chia nhau ra đi trên các tuyến đường"

Đây chỉ là hai trong số những vụ việc gần đây nhất mà người trong cuộc nói được nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp giúp cho. Ngoài ra theo trình bày của người dân thì nhóm này đã hoạt động hơn 20 năm qua. Họ tham gia những vụ từ cướp giật túi xách, dây chuyền trên đường cho đến các vụ ăn trộm đồ, cướp taxi, cứu người tự vẫn thậm chí là cả những vụ có tính chất phức tạp đòi hỏi phải điều tra tung tích như tìm người mất tích…

Hiệp sĩ là ai ? Hoạt động thế nào ?

Vậy một nhóm được gọi ‘hiệp sĩ- săn bắt cướp’ như thế gồm những ai và họ hoạt động thế nào ? Nguồn kinh phí ra sao ?

Chính người trưởng nhóm Nguyễn Thanh Hải chia sẻ :

"Các anh em trong nhóm người thì chạy xe ôm, người làm bốc vác, tài xế xe, nói chung người nào rảnh khi nào thì ra giờ đó, riêng tôi với 1 số anh em thì đi suốt. Giờ này 9h tối rồi vẫn còn đang trên đường để đi tìm chiếc xe mới báo mất"

Hơn 20 năm hành động nghĩa hiệp giúp đỡ mọi người, giờ đây nhóm Hiệp sỹ săn bắt cướp do anh Hải làm trưởng nhóm trở nên khá phổ biến. điện thoại của anh Hải được nhiều người dân lưu giữ và gọi báo mỗi khi xảy ra các vụ trộm cắp, cướp giật, giết người… trên địa bàn.

Anh Hải nói hiện nay mỗi ngày nhóm nhận được cả trăm cuộc điện thoại từ khắp các địa phương trên cả nước. Không chỉ ở Bình Dương mà ở một số tỉnh thành khác, người dân cũng gọi điện để nhờ nhóm giúp. Anh Nguyễn Thanh Hải nói về điều này :

"Người dân họ tin tưởng mình thì mình phải làm giúp thôi, chứ họ đặt hết niềm tin vào mình mà mình không giúp thì thật sự rất áy náy"

Một nhà hoạt động tại Việt Nam, anh Nguyễn Văn Hùng, biết về nhóm hiệp sĩ- săn bắt cướp Nguyễn Thanh Hải có nhận xét :

"Hành động của nhóm hiệp sĩ này rất thực tế với người dân và đóng góp nhiều cho xã hội. Theo quan điểm của tôi thì không thể tin vào chính quyền. Không biết khi trình báo lên thì chính quyền có thực hiện ngay không còn khi trình báo với các hiệp sĩ thì các hiệp sĩ sẽ hành động ngay".

Làn ranh luật pháp

Tuy nhiên, một băn khoăn của nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp Nguyễn Thanh Hải là ranh giới giữa hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp của nhóm do pháp luật hiện chưa có một quy định cụ thể nào công nhận hoạt động của họ. Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng nhóm hiệp sĩ này cũng không được pháp luật cho phép thực hiện các hoạt động điều tra, phá án như những người có thẩm quyền, do đó có thể sẽ phát sinh vi phạm trong một số trường hợp :

"Theo tôi thì sẽ có một số mặt trái, đó là người ta không được đào tạo chuyên môn về kể cả pháp luật, võ thuật hay sử dụng vũ khí… liên quan đến công việc thì sẽ gây bất lợi cho cả hai bên là đối tượng mà người ta ngăn chặn, có thể là người ta vượt quá quyền hạn cho phép hoặc bản thân họ cũng mang lại nguy hiểm cho chính mình. Và nếu một xã hội văn minh thì hoạt động này nên thuộc về trách nhiệm của cơ quan nhà nước hay các cơ quan mà pháp luật cho phép"

Mặc dù chưa được pháp luật chính thức công nhận các hoạt động của mình, nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp do anh Hải làm trưởng nhóm cũng đã nhận được rất nhiều bằng khen của địa phương và đặc biệt là Huân chương chiến công hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng vào năm 2010.

Mỹ Lan

Quay lại trang chủ
Read 608 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)