Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/03/2018

Amazone vào Việt Nam, phóng viên bị hành hung, vụ án Navibank

Tổng hợp

Amazon vào Việt Nam cạnh tranh với Alibaba (Người Việt, 12/03/2018)

Amazon chính thức loan báo bắt đầu dịch vụ bán các loại hàng hóa qua mạng tại Việt Nam nhằm cạnh tranh với tập đoàn Alibaba của Trung Quốc, theo hãng tin Nhật Nikkei hôm 12 tháng Ba, 2018.

vn1

Những thùng hàng của Amazon thế này sẽ xuất hiện tại Việt Nam. (Hình : Getty Images)

Theo nguồn tin trên, đại công ty Mỹ bán hàng qua mạng đi khắp thế giới Amazon vừa hợp tác với hiệp hội bán hàng qua mạng tại Việt Nam (Vietnam E-commerce Association – VECOM). Tổ chức VECOM có 140 thành viên, lần đầu tiên hợp tác bán hàng trực tuyến với một đại công ty nước ngoài.

Sự hợp tác cũng giúp cho Amazon có thêm một số sản phẩm mới bán trên mạng của họ đi khắp thế giới và đồng thời cũng giúp các công ty địa phương phát triển ra nước ngoài nhờ một hệ thống cung cấp toàn cầu.

Nikkei thuật lời ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch VECOM cho hay nhóm của ông ta bắt đầu thảo luận với đại diện của Amazon từ năm ngoái về một cuộc hợp tác giúp Amazon thâm nhập thị trường Việt Nam.

Amazon dự trù công bố chi tiết kế hoạch vào ngày 14 tháng Ba tới đây tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp Trực Tuyến Việt Nam 2018 dự trù sẽ diễn ra tại Hà Nội. Amazon tiến vào Việt Nam sau khi đã mở thêm chi nhánh hoạt động tại Singapore hồi năm ngoái.

vn2

Quảng cáo của Amazon về bán hàng qua mạng. (Hình : Getty Images)

Việc Amazon vào Việt Nam như vậy là sau chân Alibaba của Trung Quốc một bước. Alibaba vào Việt Nam từ năm ngoái, từng cho hay họ đã quy tụ được hàng chục ngàn doanh nghiệp hợp tác bán hàng chỉ trong vòng 6 tháng. Trong khi đó, mới chỉ có khoảng 200 công ty ở Việt Nam hợp tác bán hàng trên "chợ ảo" Amazon, theo khảo sát của phía nhà cầm quyền Việt Nam hồi năm ngoái.

Tập đoàn Trung Quốc cũng mua thêm cổ phần, tăng từ 51% lên 83% tại tập đoàn Lazada Group, một công ty bán hàng trực tuyến kinh doanh khu vực Đông Nam Á gồm cả Việt Nam. Theo tin tức, Lazada chiếm khoảng 30% thị trường bán hàng trên mạng tại Việt Nam. Nhờ đó, Alibaba nhanh chóng thâm nhập thị trường bán hàng trực tuyến ở Việt Nam.

Theo những cuộc nghiên cứu mới đây của công ty khảo cứu Kantar Worldpanel, thị trường bán hàng qua mạng internet đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Ước lượng dịch vụ bán hàng trực tuyến sẽ gia tăng năm nay lối 25% so với năm ngoái và còn gia tăng thêm nữa ở những năm kế tiếp. Người ta cũng ước lượng thương vụ trực tuyến sẽ lên đến 10 tỉ đô la vào năm 2020 tức khoảng 5% trị giá hàng hóa bán lẻ trên cả nước.

Hơn 90% tài chính đầu tư vào kỹ nghệ bán hàng trực tuyến đến từ các nhà đầu tư ngoại quốc, phần lớn là từ Trung Quốc, Hàn quốc và Thái Lan. Những tên tuổi quen thuộc ở Việt Nam được thấy đề cập như Lazada, Tiki, Vatgia, Hotdeal, Shopee, Nguyenkim, Adayroi, Thegioididong, Sendo, FPT shop và Careerlink. (TN)

*****************

Điều tra việc phóng viên bị hành hung (RFA, 12/03/2018)

Tỉnh Khánh Hòa

Công an huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa vào sáng ngày 12 tháng 3 tiến hành điều tra việc hai phóng viên Báo Khánh Hòa bị hành hung và giam lỏng nhiều giờ khi quay phim bãi khai thác quặng trái phép trên địa bàn huyện này.

vn3

Phóng viên Hứa Vĩnh Nhân (giữa) trình báo việc bị hành hung với công an phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Courtesy of vov.vn

Vào ngày 11 tháng 3, hai phóng viên Tạ Văn Long – bút danh Thành Long và Phạm Thế Anh được Ban biên tập Báo Khánh Hòa cử đi tác nghiệp sau khi nhận được tin báo của độc giả về việc khai thác trái phép ở rừng đầu nguồn xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh.

Theo lời hai phóng viên nói với truyền thông trong nước, sau khi ghi hình hiện trường, hai phóng viên đã tới lán trại gần đó tìm hiểu và bị một người trong lán tự xưng là công an xã Khánh Thành tra hỏi thông tin. Khi thấy bị nghi ngờ nên hai anh đã rút khỏi hiện trường.

Tuy nhiên trên đường về thì anh Long và anh Thế Anh bị một nhóm 10 người chặn đánh, lấy hết đồ đạc và lột hết quần áo. Sau đó họ đưa hai phóng viên này vào một lán trại gần đó giam lỏng từ 5h30 chiều đến 10 tối mới thả ra.

Trên đường về, hai phóng viên tìm thấy đồ đạc của mình cách hiện trường khoảng 100 mét. Khi kiểm tra thì thấy mất một thẻ nhớ máy ảnh, hai sim điện thoại và 1,5 triệu đồng.

Phóng viên Thế Anh cho biết trong nhóm 10 người hành hung anh và đồng nghiệp, anh nhận ra một người là công tác viên xã Khánh Thành.

Trưởng công an huyện Khánh Vĩnh, Đại tá Lê Quang Thanh, xác nhận có sự việc này và đang phối hợp với công an tỉnh Khánh Hòa để điều tra.

Thành phố Đà Nẵng

Cũng trong ngày 12 tháng 3, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã gửi công văn yêu cầu công an thành phố điều tra việc phóng viên Vĩnh Nhân của báo Giao thông bị hành hung.

Khoảng 0h ngày 12 tháng 3, khi anh Nhân dùng điện thoại quay quán bar Lost and Found trên đường Bạch Đằng để phản ánh tình trạng lấn chiếm vỉa hè và gây tiếng ồn, thì bị một nhóm thanh niên khoảng 5 – 6 người hành hung. Sau đó họ kéo anh vào quán bar tiếp tục đánh vào mặt và lưng để tra hỏi, đồng thời tịch thu Chứng minh nhân dân và điện thoại của anh.

Sau hơn 2 tiếng giam giữ, họ trả anh điện thoại và thả anh về, nhưng Chứng minh nhân dân của anh vẫn bị giữ lại.

Theo lời phóng viên Vĩnh Nhân, khi ra về, anh bị một người tự xưng tên Nghĩa dúi tiền vào tay nhưng anh đã không nhận.

Hiện công an thành phố Đà Nẵng đang truy tìm nhóm người đánh anh Nhân để báo cáo kết quả vụ việc lên lãnh đạo thành phố trước ngày 15 tháng 3.

*****************

10 cựu lãnh đạo Navibank bị đề nghị tổng cộng 120 năm tù (RFA, 12/03/2018)

Tổng cộng 120 năm tù bị đề nghị đối với 10 cựu lãnh đạo Navibank trong phiên xử ngày 12 tháng 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

vn4

Các vị cựu lãnh đạo Navibank trong phiên xử ngày 12 tháng 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Courtesy Người đưa tin

Tất cả 10 nguyên lãnh đạo Navibank bị truy tố với cùng tội danh cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị can gồm Lê Quang Trí, nguyên Tổng Giám đốc Navibank, cùng ba nguyên Phó Tổng Giám đốc Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn. Sáu bị can còn lại là nguyên Trưởng các phòng ban thuộc ngân hàng Navibank : Đoàn Đăng Luật, Huỳnh Vĩnh Phát, Trần Thanh Bình, Đinh Thị Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Oanh, Phạm Thị Thu Hiền.

Theo Viện kiểm sát, tất cả 9 bị cáo dưới sự chỉ đạo của ông Lê Quang Trí đã ký thống nhất chuyển tiền cho 14 nhân viên gửi sang Vietinbank để lấy lãi chênh lệch.

Tuy nhiên các bị cáo lại cho rằng, việc gửi tiền qua Vietinbank là không vi phạm Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước và Điều 94 luật Các tổ chức tín dụng. Những người này cũng cho rằng số tiền 200 tỷ đồng không phải là tiền thiệt hại, mà hiện do Vietinbank nắm giữ và Vietinbank phải trả số tiền này cho Navibank để khắc phục thiệt hại.

Theo đại diện Viện kiểm sát, các bị cáo đều chưa có tiền án tiền sự nên đã đề nghị Hội đồng xét xử mức án từ 8 đến 12 năm tù. Riêng nguyên Tổng Giám đốc Navibank Lê Quang Trí bị đề nghị mức án từ 14 đến 15 năm tù.

Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc Navibank phải nộp lại hơn 24 tỷ đồng là tiền lãi ngoài mà Navibank được hưởng từ các hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank.

Quay lại trang chủ
Read 500 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)