Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/03/2018

Thực trạng đời sống của những cựu tù nhân lương tâm ở Việt Nam

Tổng hợp

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc : Không nói, không nghe, không làm việc ! (VNTB, 18/03/2018)

Gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc (SN 1964, đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Cổ Dũng 1, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho dư luận quan tâm được biết, Tòa án và Viện kiểm sát chỉ định luật sư cho ông Túc vì trong trại tạm giam ông Túc kiên quyết thực hiện "ba không" : Không nói, không làm việc, không nghe…

tnlt1

Nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc trong một lần xuống đường biểu tình chống Trung Quốc. Ảnh : Facebook Van Tuc Nguyen

Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo (VNTB), Vợ tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc là bà Bùi Thị Rề cho biết hiện ông Túc hiện đang bị tạm giam tại trại tạm giam của Bộ Công an ở tỉnh Thái Bình, tình hình sức khỏe rất kém, người mắc nhiều chứng bệnh, do mấy tháng qua gia đình chưa được gặp mặt nên không biết ông Túc có chống chịu nổi những khắc nghiệt trong chốn lao tù hay không ?

Bà Rề nói : "Tình hình của anh Túc nhà tôi sức khỏe kém lắm, bị bệnh tim mạch, bị bệnh viêm giác mạc mắt, bệnh trĩ… nói chung nhiều bệnh nhưng hơn 6 tháng qua gia đình vẫn chưa được gặp".

Ngày 01/09/2017, Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Túc với cáo buộc tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ luật hình sự. Tính đến thời điểm hiện tại, dư luận vẫn chưa rõ ông Túc đã có những hoạt động gì để gọi là lật đổ chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo bà Rề vào thời điểm ông Túc bị bắt thì trước đó ông Túc nhận giấy mời lên trụ sở Ủy ban huyện Đông Hưng để giải quyết một số vấn đề liên quan đến việc khiếu kiện đất đai của bà con địa phương. Lên đến nơi, ông Túc thấy không có ai giải quyết công việc nên ra về. Vừa bước ra khỏi Ủy ban huyện một đoạn thì có một chiếc xe ô tô ập đến, trên xe có khoảng bảy, tám người lao xuống ép ông Túc lên xe giải về trụ sở công an tạm giam. Cùng thời điểm này, lực lượng Công an, An ninh và thành phần chính quyền địa phương đến nhà ông Túc khám xét nhà và thu giữ một số tài sản.

Tính từ ngày 01/09/2017 thì đến nay ông Túc đã bị Công an tỉnh Thái Bình bắt giam khoảng hơn 6 tháng. Gia đình có thuê luật sư bào chữa pháp lý cho ông Túc nhưng cơ quan có thẩm quyền không chấp nhận. Ngoài ra, bà Rề còn cho biết Tòa án và Viện kiểm sát đã chỉ định luật sư cho ông Túc nhưng gia đình từ chối. Thông qua những lời của luật sư chỉ định, bà Rề đoán chừng do trong trại giam ông Túc thực "ba không" tức là ; Không nói, không làm việc, không nghe nên đến nay ông Túc vẫn chưa được chứng nhận có luật sư do gia đình thuê.

"Tháng vừa rồi gia đình có thuê luật sư đã hai lần luật sư gửi thư đến Tòa án, Bộ Công an nhưng người ta bãi bỏ, người ta không cho gặp luật sư. Có luật sư do Công an Thái Bình chỉ định đến gia đình gặp tôi và bảo là anh Túc chỉ định ổng làm luật sư, tôi bảo không và nói là "chừng nào tôi gặp chồng tôi, ảnh bảo có thuê anh làm luật sư cho chồng tôi thì tôi mới đồng ý". Thế là ông luật sư này mới nói ra là luật sư do Tòa án và Viện kiểm sát chỉ định. Bà Rề nói : "Họ không nói năng gì nên tôi không biết một cái gì. Qua anh luật sư do Tòa án và Viên kiểm sát chỉ định thì ảnh nói một câu mà tôi biết chắc là không cho gia đình thuê luật sư bên ngoài là vì ở trong trại giam anh Túc thực hiện "ba không", tức là "Không nói, không làm việc, không nghe"…".

Việc đi thăm nuôi ông Túc được bà Rề cho biết là vẫn bình thường như bao Tù nhân lương tâm khác.

"Đi thăm nuôi thì nói thật mình đến đó phải mua đồ ở căng tin chứ của nhà mang đi họ bắt mang về. Còn thuốc men thì giờ chồng tôi bệnh nặng lắm, họ cho gửi vào".

Đây là lần thứ hai ông Túc bị bắt giam với cáo buộc tội liên quan đến an ninh quốc gia. Lần thứ nhất là vào tháng 09/2008, ông Túc bị bắt với cáo buộc tội "Tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam" theo Điều 88 Bộ luật hình sự.

Trước đó, ông Túc đã có những hoạt động như :

- Năm 2007, ông Túc cùng một nhóm người biểu tình trước Đại sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Tháng 04/2008, ông Túc và một số người ở Hải Phòng mặc áo phông in chữ "tẩy chay Olympic Bắc Kinh".

Tháng 08/2008, ông Túc treo khẩu hiệu "yêu cầu Đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận đa nguyên, đa đảng", tại cầu vượt Lạch Tray, thành phốHải Phòng.

Mãn án 4 năm tù giam xong, ông Túc tiếp tục hoạt động để cổ vũ dân chủ- nhân quyền Việt Nam. Ông Túc cũng là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một hội dân sự hiện đang có rất nhiều thành viên chủ chốt bị bắt với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" theo Điều 79 Bộ luật hình sự.

Minh Hải

**********************

Nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc bị bắt với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam" (Cali Today, 02/09/2017)

Lại thêm một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam" theo Điều 79 Bộ luật hình sự.

Người bị bắt lần này là cựu tù nhân lương tâm (tù nhân lương tâm) Nguyễn Văn Túc ở thôn Cổ Dũng 1, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình…

Mời lên giải quyết quyền lợi đất đai nhưng bị bắt…

Theo bà Bùi Thị Rề, vợ cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc chia sẻ với Cali Today rằng : Sáng hôm qua, tức là vào ngày 01/09/2017, ông Túc đi lên trụ sở Ủy ban huyện Đông Hưng theo giấy mời làm việc là lên để giải quyết vấn đề đất đai cùng với bà con, bởi vì ông Túc đang cùng bà con đi kiện đòi quyền lợi đất đai. Bà Rề thuật tiếp :

"Vụ việc này diễn ra cũng hai, ba năm nay rồi cho đến ngày hôm qua (ngày 01/09) họ gửi giấy mời bảo chồng tôi đúng 08 giờ đến Ủy ban huyện. Sáng hôm qua (ngày 01/09) chồng tôi bảo người em chở đi, khi đến Ủy ban huyện thì thấy có mỗi ông Phó chủ tịch thì chồng tôi bảo là nếu mời tôi lên làm việc thì phải có Chủ tịch huyện, rồi xã và các ban ngành chứ có mình ông Phó Chủ tịch huyện thì chúng tôi đi về, vậy là chồng tôi và người em ra về. Vừa rời khỏi trụ sở Ủy ban huyện được khoảng 30m thì có xe ô tô con khoảng bảy, tám chổ ngồi chắn ngang đường, mấy người trên xe vồ chụp chồng tôi và khênh vứt chồng tôi lên xe ô tô, không biết họ đưa chồng tôi đi đâu mà từ hôm qua giờ gia đình không biết tin là nhốt ở đâu. Riêng người em thì có hai người bắt người em ngồi ở giữa chiếc xe và họ bắt về đồn công an huyện Đông Hưng giam từ sáng cho đến khoảng 18g30 thì mới cho về. Còn anh Túc nhà tôi không biết chúng nó bắt cóc đi đâu ? Ở đâu ?".

Theo báo đài tỉnh Thái Bình thông tin ngay sau việc bắt ông Túc, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Túc (SN 1964) với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự Nhà nước cộng sản Việt Nam.

Trong lúc ông Túc bị Cơ quan an ninh Thái Bình bắt giữ ngoài đường thì tại nhà, lực lượng công an và lực lượng cầm quyền các cấp đã ập vào nhà ông Túc khám xét vào lúc khoảng 08 giờ sáng cùng ngày. Theo bà Rề, việc khám xét nhà diễn ra tại thời điểm người con trai đang đi cắt tóc và bà Rề ở nhà chỉ một mình.

tnlt2

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc

"Ở nhà tôi đang lặt mớ rau thì ngó ra thấy bọn chúng ập vào đông như quân Nguyên, khoảng mấy trăm người bao gồm cả công an nữ lẫn nam. Tôi nói họ các anh chị không có quyền hạn gì, không có giấy tờ gì thì đi ra khỏi nhà tôi chứ tôi không cho vào nhà, vào nhà tôi lỡ có chuyện gì xảy ra mà có mỗi mình tôi đàn bà con gái trong khi chồng con đều không có ở nhà nhưng họ cứ xông vào…"

"Nó đem máy phá sóng, camera vào rồi bắt tôi ngồi im, không cho tôi đi lại. Khoảng 8h30 thì họ mời chính quyền địa phương, công an xã đến thì bắt đầu mới đọc lệnh khám nhà. Lúc bây giờ mấy trăm con người mà có mỗi mình tôi, tôi nghe đọc lệnh khám nhà chứ không biết bắt Điều gì nhưng tối hôm qua lên truyền hình và báo Thái Bình họ nói là Điều 79."

Việc khám xét đến khoảng hơn 18 giờ chiều thì kết thúc, lực lượng khám xét nhà đã thu giữ một số tài sản của gia đình ông Túc và bắt bà Rề ký vào một số giấy tờ nhưng lại không đưa cho bà Rề một bản sao chép để giữ lại. 

Theo một số trang thông tin cũng như từ trang Facebook Son Chu Manh, dự đoán đây là trang Facebook cá nhân của cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn có đăng một status với nội dung thông tin liên quan đến cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc mà Cali Today ghi chép lại như sau:

Từ năm 2003, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc tham gia khiếu kiện ở tỉnh Thái Bình. Từ năm 2007, ông Túc đã cùng với những người trong nhóm tổ chức vận động sinh viên một số trường đại học ở Hà Nội biểu tình trước Đại sứ Quán Trung Quốc.

Tháng 04/2008, ông Túc tiến hành vận động một số thanh niên ở Hải Phòng mặc áo phông in chữ "tẩy chay Olympic Bắc Kinh – Trung Quốc", yêu cầu đền bù cho ngư dân Việt Nam bị sát hại, biểu tình tại khu vực chợ Đồng Xuân – Hà Nội.

Tháng 08/2008, ông Túc treo khẩu hiệu "yêu cầu Đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận đa nguyên, đa đảng", tại cầu vượt Lạch Tray, quận, Ngô Quyền, TP Hải Phòng vào sáng ngày 16/8/2008.

Ngày 07/9/2008, ông Túc tiếp tục cùng những người trong nhóm tổ chức treo truyền đơn, yêu cầu đa nguyên, đa đảng" trên cầu vượt Lai Cách – Hải Dương.
Ngày 10/9/2008, ông Túc bị lực lượng Công an bắt khẩn cấp và khởi tố bị can ngày 19/9/2008 với hành vi tại hai vụ treo khẩu hiệu, rải truyền đơn có nội dung chống Nhà nước cộng sản Việt Nam.

Ngày 11/9/2012, ông Túc mãn hạn tù và trở về quê sinh sống, tiếp tục chịu 03 năm quản thúc tại địa phương. Tuy nhiên, ông Túc tiếp tục hoạt động cho đến nay như tham gia một số hoạt động; Tham gia "lễ kỷ niệm ngày quốc tế nhân quyền do một hội đối lập với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là "Hội Anh Em Dân Chủ" và "Trung tâm Nhân quyền Việt Nam" ngày 05/12/2015.

Như vậy, tính luôn cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc thì đến này Hội Anh Em Dân Chủ đã có 07 thành viên bị Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam" theo Điều 79 Bộ luật hình sự, qua đó cho thấy giới bất đồng chính kiến, giới hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam bị trấn áp mỗi lúc một tăng, đang vào giai đoạn khốc liệt.

Thiên Hà   

******************

Người bảo vệ nhân quyền có thể đã bị tra tấn và ngược đãi trong thời gian tạm giam (VNTB, 17/03/2018)

Ông Nguyễn Trung Tôn đã bị bắt giam vào cuối tháng 7 năm 2017 mà không được xét xử sau khi bị bắt vào tháng 7 năm 2017. Tình trạng sức khoẻ của ông đang suy giảm, do bị đối xử thô bạo mà ông phải chịu trong thời gian thực hiện án tù trước đó và những thương tích trong một cuộc tấn công tàn bạo vào đầu năm 2017.

tnlt3

Mục sư Nguyễn Trung Tôn. Ảnh : cắt từ video clip

Ông là một mục sư 47 tuổi và là một người bảo vệ nhân quyền.

Vào ngày 30/7/ 2017, ông bị bắt tại trong một chiến dịch đàn áp khốc liệt của chính quyền Việt Nam đối với Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức xã hội dân sự cổ suý nhân quyền. Ông Nguyễn Trung Tôn bị tống giam và bị buộc tội theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự, liên quan đến "các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" và phải đối mặt với án tử hình.

Kể từ đó, Nguyễn Trung Tôn bị giam tại Trại giam B14 ở Hà Nội, cách gia đình ông 220 km - tương đương với thời gian đi 6 giờ bằng xe bus. Mặc dù điều tra đã kết thúc vào tháng 12 năm 2017, chính quyền vẫn chưa công bố ngày xử.

Vào đầu tháng Hai, vợ và một trong những người con trai của ông được phép thăm ông lần đầu tiên kể từ khi ông bị bắt. Dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên an ninh, Nguyễn Trung Tôn không thể chia sẻ những điều kiện mà ông đang bị giam giữ.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhớ là trong thời gian bị phạt tù từ năm 2011 đến năm 2013, ông Nguyễn Trung Tôn đã bị ngược đãi với hậu quả là sức khoẻ của ông bị giảm sút nghiêm trọng. Các điều kiện trong nhà tù nơi ông bị giam giữ - nhưthiếu ánh sáng dẫn đến nhiều vấn đề về da, thiếu thức ăn, phẩm cấp nước kém, đã có tác động xấu đến sức khoẻ của ông. Trong lần giam cầm đầu tiên, Nguyễn Trung Tôn đã có các vấn đề về mắt và sỏi thận, những bệnh cần được điều trị đúng cách. Nhưng trong chuyến thăm, gia đình ông không được phép chuyển cho ông những loại thuốc mà ông cần. Theo vợ ông, mục sư cũng bị chấn thương chân trong một cuộc tấn công tàn bạo vào tháng Hai năm 2017.

ACAT - Pháp vô cùng quan ngại vì tình trạng sức khoẻ của mục sư Tôn đang suy giảm một cách nghiêm trọng và lo ngại rằng ông có nguy cơ bị ngược đãi và tra tấn trong thời gian bị giam giữ. Tổ chức này kêu gọi Việt Nam phóng thích ông ngay lập tức vì tin rằng việc chính quyền bắt giữ ông chỉ vì ông đã hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền một cách ôn hoà.

Chiến dịch đàn áp chưa từng có đối với xã hội dân sự

Việc bắt giữ Nguyễn Trung Tôn là một phần của cuộc đàn áp khốc liệt mà chính phủ Việt Nam đang tiến hành nhằm chống lại tiếng nói độc lập và quan trọng. Năm 2017, khoảng ba mươi nhà hoạt động nhân quyền và blogger đã bị bắt, giam giữ hoặc buộc phải rời khỏi đất nước, như Đặng Xuân Diệu và giáo sư Phạm Minh Hoàng. Nhiều nhà hoạt động khác đã bị kết án với những bản án nặng nề trong năm 2017 như trường hợp của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn gọi là Mẹ Nấm.

Nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng các Điều 79 và 88 của Bộ luật Hình sự để buộc tội các nhà hoạt động và blogger, những người thực hiện các quyền dân sự và chính trị của họ một cách ôn hòa. Nhiều tổ chức nhân quyền đã chỉ trích việc chính phủ Việt Nam sử dụng những điều luật mơ hồ làm công cụ để đàn áp các nhà bảo vệ nhân quyền bất đồng chính kiến.

Điều kiện trong nhà tù

Điều kiện trong nhà tù và trại tạm giam ở Việt Nam cực kỳ nghèo nàn và người tù/người bị tạm giam có thể bị đối xử một cách vô nhân đạo và thậm chí bị tra tấn.

Trong thời gian giam giữ trước khi xét xử (một thời gian có thể kéo dài vài tháng và được gia hạn nhiều lần, như trường hợp của luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài), tra tấn và ngược đãi thường được sử dụng để buộc người bị giam giữ nhận tội.

Người bị tạm giam và người thụ án tù thường thiếu lương thực và dinh dưỡng và gia đình của họ phải tiếp tế đồ ăn hoặc gửi tiền cho họ để họ có thể mua thêm thức ăn trong canteen của nhà tù. Tuy nhiên, các tù nhân không được phép nhận thuốc men trong khi nhà tù từ chối cung cấp điều trị y tế cho các tù nhân chính trị.

Vũ Quốc Ngữ

Nguồn : Human rights defender could face torture and ill-treament in pre-trial detention

*******************

Có nên giữ bí mật nội dung làm việc với an ninh (RFA, 15/03/2018)

Nếu tiết lộ thì không có lợi cho anh (chị)

Những người hoạt động xã hội dân sự rất lưu ý đến hành vi của mình sao cho luôn nằm trong phạm vi pháp luật cho phép. Tuy nhiên, không phạm luật là một chuyện, còn bị bắt là chuyện khác. Không phải cứ bị bắt là phạm tội. Cái chế độ này nó như thế.

tnlt4

Có những trường hợp an ninh thỏa thuận giữ kín nội dung làm việc và không quên đe nếu để lộ ra thì không có lợi cho anh (chị).

Mặc dù phù hợp với pháp luật nhưng những hoạt động xã hội dân sự làm cho giới cầm quyền khó chịu. Họ khó chịu vì những hoạt động ấy gây khó khăn cho việc cai trị của họ theo kiểu của họ chứ không theo pháp luật. Để đối phó với việc này, nhà cầm quyền thường có 2 cách xử lý : một là đàn áp, hai là răn đe. Việc mời, triệu tập hay đến nhà là thực hiện biện pháp thứ hai. Biện pháp này nhiều khi được thực hiện bằng cưỡng bức.

Thường là sau khi làm việc với an ninh, anh em chia sẻ lên mạng xã hội để vạch ra những sai trái của an ninh hoặc để tham khảo ý kiến của cộng đồng. Nhưng có những trường hợp an ninh thỏa thuận giữ kín nội dung làm việc và không quên đe nếu để lộ ra thì không có lợi cho anh (chị).

Gia đình tù nhân lương tâm cũng vậy, khi gặp an ninh điều tra cũng có khi được dặn rằng không tiết lộ với ai việc này việc khác, điều đó sẽ có lợi cho chồng, con mình.

Tại sao phải lại giữ kín ?

Khi giải quyết vấn đề theo con đường thỏa thuận cần lưu ý không phải lúc nào cũng đem lại điều tốt. Nhiều người bị thiệt hại về những điều thỏa thuận do thiếu hiểu biết hoặc không đánh giá đúng đối tượng (như ký nhầm với kẻ hay lật lọng chẳng hạn)

Theo kinh nghiệm của nhiều người thì không nên giữ kín nội dung làm viêc với an ninh. Vì sao ?

- Thứ nhất là khi làm việc với an ninh thì đó việc giữa đại diện cầm quyền và công dân. Vì vậy, cần căn cứ vào pháp luật để làm việc. "Sống và làm việc theo pháp luật" là khẩu hiệu họ thường rêu rao nhưng khi hô hào như vậy, họ chỉ hướng về người dân, kêu gọi người dân chứ với họ thì không. Vì vậy khi người dân đòi hỏi tôn trọng pháp luật, đòi cơ sở pháp luật cũng gây ra khó cho họ vì họ quen xài luật rừng. Nội dung làm việc cũng thể hiện lối làm việc áp đặt nên giữ kín tức là che đậy cho sai trái của họ.

Ngược lại, "đối tượng" của họ, tức là những người hoạt động hợp pháp, gia đình tù nhân lương tâm không vi phạm gì, chỉ làm những điều nhà cầm quyền không muốn nên không việc gì phải giữ kín theo ý họ. Nếu giấu giếm tức là đánh đồng những hành vi xâm phạm pháp luật và những hành vi hợp pháp.

Có thể nói, nếu công khai tất cả thì sự thiệt hại chỉ ở phía nhà cầm quyền, ở đây trực tiếp là an ninh, còn phía "đối tượng" của họ không có gì để mất. Điều này giải thích tại sao, nhà cầm quyền nói chung và công an nói riêng rất sợ bị quay phim, chụp ảnh, còn chúng ta thì không.

Cần biết, những người làm việc với chúng ta nhân danh chính quyền nhưng thực tế họ đều lồng ý chí cá nhân của họ khi làm việc. Vì vậy, trước mắt chúng ta chẳng có ông đảng, ông chế độ nào cả, kể cả mấy ông bà lãnh đạo cao nhất nước. Chỉ có pháp luật là thể hiện ý chí của nhà nước (cho dù chỉ để cho đẹp) nên khi không làm gì được nhà nước này thì ta cứ phải dựa vào pháp luật của họ chứ không theo một cá nhân nào hết. Cần tận dụng pháp luật một cách triệt để. Chỉ cần hỏi dựa trên cơ sở nào là họ đã cứng họng rồi.

- Thứ hai là nội dung làm việc với công an không phải là bí mật quốc gia. Khi người dân bình thường cũng biết thì sao gọi là bí mật quốc gia. Vậy chuyện yêu cầu giữ kín chỉ mang một ý đồ cá nhân không tốt. Làm việc mà thì thì thụt thụt rõ ràng là có mưu đồ xấu. Không nên đồng lõa tiếp tay cho họ làm những việc trong bóng tối. Nếu nghe theo họ chỉ đem lại những điều không tốt, trước hết là cho mình, sau đó là tiếp tay cho lối làm việc tùy tiện.

- Thứ ba là gia đình tù nhân lương tâm lo cho chồng con mình điều đó là đương nhiên. Nhưng lo thế nào để tốt cho chồng con mình lại là chuyện khác. Chồng con đã bị bắt rồi còn gì nữa để mà sợ. Không phải "biết điều" thì chồng con mình được nhẹ án, điều đó thật mơ hồ nhưng người dân thường nhẹ dạ cả tin nên vẫn cứ có chuyện an ninh điều tra, viện kiểm sát dặn thế nào nghe vậy, sợ trái ý họ.

Tùy mỗi người lựa chọn nhưng theo kinh nghiệm từ nhiều người, cứ theo pháp luật mà làm, cứ công khai là tốt nhất, không việc gì phải thì thụt với họ.

Thực tế có người nghe theo và người bỏ ngoài tai thì nhiều hơn. Họ cứ công khai kể cho báo chí hoặc đưa thông tin lên mạng. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ mình.

Khi gia đình tù nhân lương tâm làm việc với luật sư

Nhân đây nói thêm về chuyện gia đình tù nhân lương tâm làm việc với luật sư. Khi chồng con bị bắt, việc đầu tiên gia đình nghĩ đến là thuê luật sư. Khi ký hợp đồng với luật sư rồi thì thường phó mặc chồng con mình cho Luật sư, luật sư nói gì cũng theo, dặn không được nói cũng nghe. Trong khi đó, không phải luật sư nào cũng giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm. Có luật sư còn nhầm lẫn giữa chức năng báo chí (truyền thông) với chức năng tư pháp. Luật sư cũng có thể đầy toan tính cá nhân. Không phải luật sư nào cũng can đảm vạch ra tất cả sự thật để bảo vệ thân chủ. Khi đã toan tính cá nhân thì họ phải dung hòa giữa được việc cho thân chủ và an toàn (quá mức) cho bản thân. Và vì vậy, việc bảo vệ thân chủ và nhất là bảo vệ cho công lý và lẽ phải trong các vụ án chính trị sẽ bị hạn chế đi nhiều.

Có lần mọi người hỏi gia đình về thông tin phiên tòa thì Luật sư nhắc "cần gì thì hỏi luật sư", tức là luật sư giành cho mình quyền phát ngôn duy nhất. Có luật sư không dám đi cùng với người hoạt động xã hội dân sự, sợ an ninh… trông thấy. Có luật sư khuyên thân chủ nhận tội để được khoan hồng hoặc khuyên từ chối luật sư này, luật sư khác v.v..

Vì vậy, ngoài tư vấn của Luật sư, gia đình nên tham khảo thêm ý kiến từ người khác để quyết định, chứ không nên răm rắp nghe theo. Tôi cũng đã từng được gia đình tham khảo ý kiến khi Luật sư tư vấn và họ chấp nhận ý kiến của tôi. Ngược lại có gia đình kể rất chi tiết về những chuyện xảy ra đối với thân nhân nhưng khi tôi ngỏ ý viết lên công luận thì từ chối.

Tôi lấy làm lạ là gần đây, kết luận điều tra hay cáo trạng của viện kiểm sát rất ít được công khai. Trong khi cáo trạng là một tài liệu rất cần để công luận vạch mặt các cơ quan tư pháp.

Cáo trạng chắc chắn Luật sư phải có và phải được công khai. Cáo trạng mà bí mật thì ai biết bị cáo phạm tội như thế nào, ai biết các cơ quan tư pháp chụp tội bị cáo như thế nào ? Các gia đình nên yêu cầu có được cáo trạng để đưa lên công luận.

Nguyễn Tường Thụy

********************

Đánh anh Trương Văn Dũng đến chết ngất, Công an còn gây thù chuốc oán đến bao giờ ? (RFA, 15/03/2018)

Mãi 10 giờ đêm ngày 14/3/2018, khi nhận được thông tin từ chị Hợp, vợ anh Trương Dũng, chúng tôi đưa tin ngay lên facebook, mọi người mới biết anh Dũng bị đánh đến ngất. Ban đầu chị Hợp nghĩ anh bị côn đồ đỏ đánh ngoài đường vì anh Dũng ngất không hỏi được gì. Đến khi anh Dũng nói thều thào được 1 câu ngắn, mọi người mới biết là anh bị đánh ở chính cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an số 3 Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội. 

tnlt5

Nhà hoạt động Trương Văn Dũng sau khi bị đánh trong đồn công an hôm 14/3/2018 -  Courtesy FB Thao Teresa

Sau khi đánh anh ngất, chúng không đưa anh đi cấp cứu mà nhẫn tâm thuê taxi chở anh đến đầu ngõ nhà anh rồi vứt xuống, sau khi đã lột sạch gần 4 triệu đồng của anh. Điện thoại anh chủ động đập vỡ để không lọt vào tay bọn chúng. Cho tới 10 giờ đêm mới có người hàng xóm nhận ra anh, đưa về nhà giúp. Như vậy từ lúc anh bị đánh cho đến khi được đưa về là 4 tiếng, trong đó, chưa rõ thời gian anh nằm ở đầu ngõ là bao nhiêu. 

Anh Huỳnh Ngọc Chênh kể lại : Lúc hơn 6 giờ chiều anh chạy đến cơ quan an ninh điều tra của Bộ công an số 3 Nguyễn Gia Thiều để hỏi về Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt vào đấy sau khi thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma thì đã thấy anh Dũng ngồi chờ sẵn trước cổng để ngóng tin chị Hạnh. Anh Chênh vào trước còn anh Dũng bị những kẻ mặc thường phục bắt vào sau. Khi bị bắt vào phòng hỏi cung, anh Chênh đang to tiếng với một tay an ninh rất mất dạy thì nghe tiếng la hét ở phòng bên. Có lẽ Trương Dũng bị đánh vào lúc đó. 

tnlt6

Anh Trương Dũng cấp cứu ở bệnh viện

Sau đó, nhân lúc không có ai trong phòng, anh Chênh mở cửa phòng la to về phía phòng hỏi cung bên cạnh, nhưng không có tiếng trả lời. 

Một lát sau lại nghe tiếng la hét, anh lại xông ra gọi Trương Dũng, nhưng cũng không nghe tiếng la hét nữa và ngay lập tức anh bị kéo vào phòng khóa chặt. 

Lời kể của anh Huỳnh Ngọc Chênh cho thấy ban đầu còn nghe tiếng la hét rất to, nhưng sau anh gọi thì thấy im lặng, chứng tỏ lúc ấy anh Trương Dũng đã bị đánh ngất. 

Sau khi nhận được thông tin, anh em hoạt động xã hội dân sự đã đến ngay để đưa anh đi bệnh viện cấp cứu. Anh bị nhiều vết thâm tím vùng mặt, ngực và bụng, răng cửa bị gẫy… 

Không kể những lần bị đánh ngoài đường, anh Trương Dũng từng bị đánh trong đồn công an rất nhiều lần và lần nào cũng đau. Tôi nhớ được những lần sau : 

- Ngày 2/6/2013 anh đi biểu tình rồi bị bắt vào trại Lộc Hà. Tại đây anh bị đánh máu me đầm đìa ở đầu. Chúng đem vứt ngay trước cổng đồn, chúng tôi phải đưa anh đi bệnh viện. 

- Ngày 2/4/2013 anh đi phiên tòa sơ thẩm Đoàn Văn Vươn, bị bắt vào đồn công an quận Hải An, Thành phố Hải Phòng. Khi đã đánh anh thỏa thuê, chúng mang lên xe chở đến Quán Toan rồi vứt ở đấy sau khi đã tước điện thoại của anh. 

- Ngày 25/10/2013 anh đến đồn công an Thụy Khuê đòi đồ của dân oan bị tịch thu. Anh bị công an ở đây đánh gãy 3 xương sườn và bị cùm chân. 

- Ngày 21/1/2015 anh cùng 11 người khác đến thăm ông Trần Anh Kim. Tất cả bị bắt vào đồn công an phường Trần Hưng Đạo Thành phố Thái Bình tỉnh Thái Bình và bị đánh hết sức tàn nhẫn, trong đó anh Dũng và JB Nguyễn Hữu Vinh bị đánh rất đau. 

- Gần đây nhất là vụ Trương Dũng, Trịnh Đình Hòa, Mai Phương Thảo bị đánh tàn bạo khi bị bắt về đồn công an phường Minh Khai, Thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam trong phiên tòa phúc thẩm Trần Thị Nga ngày 22/12/2017. 

Như vậy, ít nhất, lần này là lần thứ 6 anh Dũng bị đánh trong đồn công an. Tôi nhớ được vì đa số những lần anh bị đánh có mặt tôi cùng tham gia sự kiện. Những lần anh bị đánh ngoài đường không kể. 

Việc đánh người hoạt động đến ngất, cướp tiền và đồ ngay tại cơ quan Bộ công an là một hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt, lần này chúng đánh anh Trương Dũng sau khi anh thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, như thể để báo công với nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Mức độ tàn bạo, ngang ngược, trắng trợn, vô nhân tính của ngành công an đã leo lên một nấc thang mới. Công an Việt Nam còn gây thù chuốc oán với nhân dân đến bao giờ. Công luận trong và ngoài nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế cần mạnh mẽ lên án hành động này. 

Nguyễn Tường Thụy

Quay lại trang chủ
Read 703 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)