Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/02/2017

Việt Nam : lao động nước ngoài, công dân toàn cầu, vượt biên, đòi Formosa bồi thường

tổng hợp

Dân đổ xô làm giấy tờ đi lao động nước ngoài (RFA, 06/02/2017)

Hàng ngàn người dân ở Nghệ An làm hộ chiếu và giấy thông hành để đi xuất khẩu lao động sau Tết cổ truyền Đinh Dậu.

dan1

Công nhân công ty Formosa trở về nhà sau giờ làm việc hôm 3/12/2015. AFP photo

Báo mạng Tuổi Trẻ Online hôm nay dẫn nguồn tin từ Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Nghệ An tại Thành phố Vinh cho biết những ngày sau Tết Đinh Dậu có bình quân 600 đến 700 người đến làm hộ chiếu và giấy thông hành để đi xuất khẩu lao động.

Tin còn cho biết số lượng người như vừa nêu tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường.

Hầu hết những người làm giấy tờ đi xuất khẩu lao động sang Nga, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia…và Lào.

*********************

Ông Trần Đại Quang muốn đào tạo 'công dân toàn cầu' (VOA, 06/02/ 2017)

dan2

'Một công dân toàn cầu là công dân mà quan tâm đến những việc xảy ra không chỉ ở riêng nước mình mà ở tất cả những nước xung quanh... Và có một khái niệm về công bằng, về công lý, và có một trăn trở tới các bất công, những vấn đề xảy ra với những người dân ở nước khác.' (Ảnh minh hoạ)

Mới đây, Chủ tịch Việt Nam đã thúc giục ngành giáo dục "tập trung đào tạo những ‘công dân toàn cầu’". Tuy nhiên, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng cho rằng nỗ lực này sẽ gặp khó khăn lớn do "tư duy phản biện" và "ý kiến khác chiều" không được khuyến khích ở Việt Nam.

Hôm 4/2, khi đến thăm Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Hà Nội, Chủ tịch Trần Đại Quang nêu rõ giáo dục và đào tạo "đang trở thành yếu tố quyết định và là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia".

Riêng đối với ngành giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Quang đề nghị ngành cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm những "công dân toàn cầu" trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một thuật ngữ nói về sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu, chế tạo, thực hiện dịch vụ trên nền tảng Internet và các hệ thống trong không gian ảo.

Chủ tịch Việt Nam không nói cụ thể các tiêu chuẩn về công dân toàn cầu là gì. Cũng không có định nghĩa chính thức của một cơ quan nhà nước Việt Nam về điều này.

Nói với VOA từ Việt Nam, Tiến sĩ người Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang cho rằng "không có lời giải nhất định" về thế nào là "công dân toàn cầu". Ông nêu ra cách nhìn riêng về khái niệm này :

"Một công dân toàn cầu là công dân mà quan tâm đến những việc xảy ra không chỉ ở riêng nước mình mà ở tất cả những nước xung quanh, chuyện ở Syria, chuyện ở Đức, chuyện ở Mỹ. Tìm hiểu xem những cái đấy thì nó có tác động như thế nào tới bản thân cuộc sống của mình. Và có một khái niệm về công bằng, về công lý, và có một trăn trở tới các bất công, những vấn đề xảy ra với những người dân ở nước khác. Tức là không chỉ chăm chú đến miếng cơm manh áo của mình mà còn lưu ý đến số phận của những con người ở các khu vực khác nữa".

Là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng đã xuất bản nhiều cuốn sách, Tiến sĩ Giang nói điều quan trọng hơn đối với một công dân toàn cầu là thái độ sống chứ không phải là các kỹ năng cụ thể như thành thạo ngoại ngữ, máy tính, phân tích, v.v…, dù các kỹ năng đó cũng cần thiết.

Ông nói rõ thêm rằng đó là người ý thức được rằng không phải bản thân lúc nào cũng biết hết, lúc nào cũng đúng. Người đó cũng hiểu được có thể sống trong cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau, hiểu sự đa dạng trên thế giới, có sự khoan dung, tôn trọng sự khác biệt và không phán xét những cái khác với bản thân.

Nhận định về nỗ lực của Việt Nam nhằm đào tạo ra các công dân toàn cầu, Tiến sĩ Giang chỉ ra một cản trở to lớn :

"Cái thách thức lớn nhất ở Việt Nam là chúng ta có một hệ thống giáo dục và chính trị không khuyến khích sự đa dạng, không khuyến khích tư duy phản biện, không khuyến khích những cái ý kiến khác chiều. Mà chúng ta đòi hỏi mọi người đều suy nghĩ giống nhau và phải trái, trắng đen rất là rõ ràng, không ai được quyền chất vấn, được quyền phản biện những cái đấy. Cái triết lý đấy trong giáo dục, trong nhà trường, trong gia đình nó là cản trở cho việc hình thành thái độ của công dân toàn cầu".

Mặc dù các điều kiện hiện nay về chính trị, xã hội của Việt Nam gây khó khăn cho việc đào tạo công dân toàn cầu, song Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cũng nêu ra những yếu tố tác động từ bên ngoài giúp thúc đẩy cho tiến trình này :

"Vì những cái yêu cầu của nền kinh tế, chúng ta không sớm thì muộn bắt buộc phải đi theo hướng khoan dung hơn và hiểu biết hơn. Ví dụ các công ty đa quốc gia sẽ tìm đến những nhân viên, những cán bộ mà có thể làm việc được với nhiều người ở các nước khác nhau trên thế giới và cũng có sự khoan dung với các quốc gia khác. Trở thành công dân toàn cầu sẽ là một nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế. Đấy cũng sẽ là đòn bẩy giúp chúng ta thoát khỏi tư duy địa phương chủ nghĩa".

Chỉ mới hơn một tháng trước, Chủ tịch Trần Đại Quang cũng đã có những phát ngôn về đào tạo công dân toàn cầu.

Hôm 21/12/2016, tại Hà Nội, ông Quang đã tiếp Giáo sư Carlos Alberto Torres, Giám đốc Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO và Đại học California, Los Angeles của Mỹ.

Ông Quang đã đề nghị Giáo sư Carlos Alberto Torres nghiên cứu khả năng triển khai Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO tại Việt Nam, kết hợp với giao lưu, trao đổi kiến thức để mang tinh hoa văn hóa của Việt Nam giới thiệu ra thế giới.

*******************

Ba phụ nữ Bình Thuận 'lại vượt biên đến Úc' (BBC, 06/02/2017)

Bas du formulaire

dan3

Tàu cá chở người tỵ nạn Việt ngoài khơi Tây Úc tháng 7/2015

Luật sư của ba phụ nữ Bình Thuận, hai trong số đó đang được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù, cho BBC biết họ "lại đang vượt biên đến Úc" và "nếu bị bắt sẽ nhảy xuống biển tự tử chứ không chịu về nước".

Trần Thị Thanh Loan, Trần Thị Lụa và Trần Thị Phúc là người dân thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, từng một lần vượt biên qua Úc, bị trả về Việt Nam 7/2015.

Tháng 9/2016, bà Trần Thị Lụa bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên phạt 30 tháng tù giam trong phiên phúc thẩm về tội tổ chức vượt biên.

Thời điểm đó, bà Lụa được tin là có chồng đi đánh bắt cá biển bị Indonesia bắt giam.

Trong một phiên tòa khác hồi tháng 4/2016, bà Trần Thị Thanh Loan bị tuyên phạt 36 tháng tù giam trong lúc chồng bà, Hồ Trung Lợi bị phạt 24 tháng tù giam với cùng tội danh.

Cả hai bà Lụa và Loan đều được hoãn chấp hành hình phạt tù đến tháng 7/2017 "vì lý do nuôi con nhỏ và có chồng đi tù", luật sư Võ An Đôn nói với BBC hôm 6/2/2017.

Riêng bà Trần Thị Phúc chỉ bị xử phạt hành chính do "không phải là người tổ chức vượt biên".

Luật sư cho biết thêm : "Hôm 28/1 tức mùng 1 Tết, bà Loan và bag Lụa gọi điện chúc Tết tôi bằng số điện thoại ở Việt Nam".

"Thế nhưng đến sáng 31/1 (mùng 4 Tết), họ gọi cho tôi bằng số điện thoại quốc tế và cho hay đang vượt biên bằng tàu cá và đã qua khỏi lãnh hải Indonesia, tiến vào hải phận nước Úc".

'Hơi bị sốc'

"Đến hôm nay thì tôi chưa có thêm tin tức gì của họ và cũng không rõ họ đang đi cùng với những ai".

"Thoạt nghe thì tôi hơi bị sốc và có nói lại với họ rằng nếu bị phía Úc trả về thì họ sẽ đối mặt với bản án cũ và mới từ 7 đến 10 năm tù".

"Nhưng qua điện thoại, hai bà ấy nói rằng nếu lần vượt biên này chính phủ Úc không nhận mà trả về nước thì họ thề sẽ nhảy xuống biển tự tử, chứ không bao giờ chịu trở về Việt Nam lần thứ hai".

"Tôi thật lòng cầu mong cho ba gia đình họ thượng lộ bình an và sớm đến được bến bờ tự do, thoát khỏi tương lai mờ mịt" Luật sư Đôn trả lời BBC hôm 6/2.

Liên quan đến vụ việc, hồi tháng 8/2016, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói với BBC : "Tôi được biết Chính phủ Úc chỉ phỏng vấn họ ngắn trên tàu của Hải quân Úc và trả họ về. Quan điểm của chúng tôi là như vậy là chưa có quyết định hợp lý về việc họ có nỗi sợ thật sẽ bị truy tố khi quay về".

"Chính phủ Úc nói với chính phủ Việt Nam không trừng phạt những người này vì họ muốn rời khỏi đất nước. Ở Việt Nam, chính phủ đồng ý. Và bây giờ chính phủ Việt Nam đi ngược lại điều đó, họ truy tố những người này và Úc đang ở đâu ? Phía Úc im lặng".

"Chính phủ Úc đã bỏ rơi những người này. Đầu tiên, là trả họ về lại nơi họ có thể gặp nguy hiểm, và thậm chí không theo dõi việc gì đang xảy ra theo cách cơ bản nhất", nhà hoạt động nhân quyền này bình luận.

"Khi chúng tôi nêu vấn đề này với Chính phủ Úc ở Canberra, đề nghị họ đảm bảo chính phủ Việt Nam không trừng phạt những người này. Chính phủ Úc nói với chúng tôi tại sao họ phải bảo vệ những người vận chuyển người lậu. Và họ phủi tay khỏi việc đó".

"Rõ ràng là với thông tin chúng tôi nhận được, những chiếc tàu này được tổ chức theo kiểu cộng đồng truyền thống. Mọi người cùng góp tiền tiền lại và cùng ra đi. Úc nói rằng có nạn chuyển lậu người và đó là hoạt động tội phạm, nhưng điều này hoàn toàn không phải vậy".

*******************

Dân Cồn Sẻ biểu tình đòi đền bù vụ Formosa (BBC, 06/02/2017)

Bas du formulaire

dan4

Người biểu tình giơ cao biểu ngữ trước cửa nhà trưởng thôn Cồn Sẻ - hình từ video clip đăng trên YouTube

Một cuộc biểu tình nổ ra vào trưa hôm 5/2, tức mùng 9 Tết Đinh Dậu, tại xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Một số người dân tuần hành tại thôn Cồn Sẻ, đòi phải cách chức trưởng thôn và phó thôn, đồng thời đòi bồi thường thỏa đáng cho những hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại nặng nề sau thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra.

Trong video clip được lan truyền trên mạng xã hội, người dân dùng loa, đánh trống, hô khẩu hiệu và giơ các biểu ngữ "Chúng tôi sẽ không dừng lại nếu không đền bù thỏa đáng", "Chúng tôi không phải là những con bò ăn cỏ. Đừng mị dân" hay "Yêu cầu đền bù thoả đáng, minh bạch, công khai" trước địa điểm được cho là nhà ông trưởng thôn.

Từ Nhà thờ Cồn Sẻ, linh mục Hoàng Anh Ngợi nói với BBC Tiếng Việt rằng có khoảng 200 đến 300 người tham gia tuần hành, phần lớn là gia đình và người nhà các gia đình chưa nhận bồi thường.

Vì sao biểu tình ?

Được biết ở thôn Cồn Sẻ có 94 hộ nuôi cá, nhưng cán bộ địa phương chỉ bồi thường cho 79 hộ, mỗi hộ được nhận khoảng trên 100 triệu đồng cho cả chủ hộ lẫn các lao động kèm theo.

Theo linh mục Ngợi, ông thôn phó là người trực tiếp làm việc xét bồi thường cho các hộ nuôi cá sau thảm họa Formosa, và người này đã lập hồ sơ tùy tiện "ưng ai thì cho, mà không ưng ai thì thôi", khiến 15 hộ không được đưa vào danh sách bồi thường.

Việc ông thôn phó không giải thích lý do loại một số hộ khỏi danh sách là lý do khiến người dân bức xúc, đòi cách chức trưởng và phó thôn, vị linh mục coi sóc giáo phận Cồn Sẻ cho biết thêm, bởi đây "không phải là lỗi của đảng và chính phủ mà là do một người thôi".

dan5

Người dân Cồn Sẻ dùng loa và trống đi tuần hành trong địa phận giáo xứ

Sau nhiều tháng cá chết một cách bí ẩn, gây giận dữ cho công chúng, chính phủ và một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, Formosa Hà Tĩnh, hồi tháng Năm 2016 đã đạt thỏa thuận bồi thường 500 triệu đô la (tương đương khoảng 11 nghìn tỷ đồng).

Bắt đầu từ hồi tháng Mười, giới chức đã tiến hành bồi thường lần một cho các nạn nhân sự cố cá chết tại bốn tỉnh miền Trung, với mức bồi thường được tính theo mức độ thiệt hại được xác nhận.

Trang tin VietnamNet nói số được chi trong đợt này là 3 nghìn tỷ đồng.

Mới đây, trong những ngày giáp Tết, chính phủ chỉ đạo tạm cấp kinh phí bồi thường đợt hai, với tổng số tiền khoảng gần 1.700 tỷ đồng.

Cồn Sẻ là một trong những nơi chịu hậu quả nặng nề nhất sau thảm họa môi trường biển Formosa.

Hồi tháng 7 năm ngoái, gần 3.000 người dân nơi này đã xuống đường biểu tình ôn hòa yêu cầu chính phủ dừng hoạt động của nhà máy Formosa mà theo họ là 'thủ phạm huỷ diệt môi trường' biển miền Trung.

Thảm họa cá chết hàng loạt đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối trong dân chúng tại nhiều nơi ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình.

********************

Biểu tình ở Quảng Bình đòi minh bạch tiền bồi thường Formosa (RFA, 06/02/2017)

dan6

Người dân biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 01 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Khoảng một ngàn người dân tại làng Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình hôm Chủ nhật 5/2/2017 tập trung biểu tình yêu cầu minh bạch việc bồi thường thiệt hại do thảm họa môi trường biển bởi Formosa xả hóa chất độc hại ra biển hồi tháng 4 năm ngoái.

Tin ghi nhận được cho biết vào lúc 13 giờ trưa hôm qua, ngày 5 tháng 2, khoảng một ngàn người dân biểu tình tại trụ sở thôn và nhà trưởng thôn ở Cồn Sẻ đòi làm rõ vì sao có 94 hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại mà chỉ chính quyền địa phương chỉ bồi thường cho 79 hộ mà thôi. Bên cạnh đó, một số hộ nuôi cá cũng phản ảnh không đồng ý với cách tính bồi thường của chính quyền địa phương về những thiệt hại của họ trong 10 tháng qua.

Những người biểu tình còn yêu cầu cách chức trưởng thôn Cồn Sẻ.

Một người dân địa phương vào tối ngày 6 tháng 2 nói với Đài RFA về vụ biểu tình tại Cồn Sẻ :

‘Bên anh em có tàu thì được bồi thường rồi nhưng so với công lao động thấp quá. Còn dân chừng 1 ngàn lao động thì chưa có".

Sau khi xảy ra thảm họa môi trường, nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh thừa nhận việc thải hóa chất độc hại ra biển khiến cá, hải sản chết hằng loạt dọc theo 4 tỉnh bắc Trung bộ gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế.

Nhà máy này chấp nhận yêu cầu của chính phủ Việt Nam bồi thường 500 triệu đô la Mỹ để đền bù cho nạn nhân chịu tác động. Thủ tướng Nguyễn Xuấn Phúc cũng có chỉ thị yêu cầu công tác bồi thường cần được hoàn tất trong năm 2016 ; thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều nạn nhân chưa nhận được khoản bồi thường nên xảy ra tình trạng biểu tình đòi hỏi quyền lợi như vừa nêu.

Quay lại trang chủ
Read 807 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)