Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/03/2018

Trần Thị Nga bị chuyển trại, dân Đà Nẵng đòi lại biển

Tổng hợp

Nữ tù chính trị Trần Thị Nga bị chuyển trại giam (RFA, 21/03/2018)

Nữ tù chính trị Trần Thị Nga, người bị kết án 9 năm tù với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà Nước, vừa qua bị chuyển từ Hà Nam lên Dak Trung, tỉnh Dak Lak. Tuy nhiên vào ngày 20 tháng 3, người phối ngẫu của tù chính trị Trần Thị Nga và hai con nhỏ đến Dak Trung thăm nuôi thì được biết bà này bị chuyển sang trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai.

dan1

Bà Trần Thị Nga, một nhà hoạt động xã hội bị bắt bỏ tù. Ảnh chụp phiên tòa xử bà Nga ngày 21/12/2017. AFP

Vào chiều ngày 21 tháng 3, ông Phan Văn Phong, người phối ngẫu của tù chính trị Trần Thị Nga, cho Đài Á Châu Tự Do biết về tình hình thực tế như sau :

"Tỉnh Hà Nam viết giấy cho biết chuyển lên Dak Trung. Tôi đến tận Dak Trung rồi ; tuy nhiên họ nói họ không đủ điều kiện để quản lý tù chính trị nên họ không nhận. Cuối cùng hai bên họ thống nhất với nhau nên chuyển sang Gia Trung- nơi giam giữ Cô Hằng, Cô Thêu trước đây.

Tôi sang đó họ cũng tiếp đón đàng hoàng, lịch sự, tốt ! Họ thông báo Trần Thị Nga đến đó rồi, sức khỏe tốt, chỗ ở sạch sẽ, tốt. Họ nói đến chừng 1 tháng và tăng lên 3 cân (ký). Tôi nghe thế cũng mừng ; nhưng họ nói Trần Thị Nga không hợp tác nên chưa được gặp gỡ thân nhân. Cho nên cũng hơi buồn phải về không !"

Bà Trần Thị Nga, 41 tuổi có hai con còn nhỏ, là một nhà hoạt động nhân quyền và cho người lao động. Bà bị lực lượng chức năng đến nhà bắt vào ngày 21 tháng giêng năm 2017 ngay trước Tết Âm Lịch Đinh Dậu với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Đến ngày 25 tháng 7 năm 2017 bà bị tòa tuyên án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế. Phiên phúc thẩm vào ngày 22 tháng 12 cùng năm giữ nguyên án sơ thẩm.

Tuy nhiên bản thân bà Trần Thị Nga và các luật sư bào chữa đều cho rằng bà thực thi quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa chứ không vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trước phiên xử bà Trần Thị Nga, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ra thông cáo kêu gọi chính phủ Hà Nội trả tự do cho bà. Sau khi bà Trần Thị Nga bị bắt có cả ngàn cá nhân và hơn 30 tổ chức xã hội dân sự độc lập cũng ký kiến nghị kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho bà này.

********************

Người dân Đà Nẵng phản đối vì bị chặn lối ra biển (RFA, 21/03/2018)

Hằng trăm người dân sống quanh khu vực ven biển Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng vào hai ngày 19 và 20 tháng 3 tập trung phản đối tại khu vực rào chắn của dự án du lịch sinh thái do Tập Đoàn Trung Thủy dựng lên.

dan2

Hình chụp màn hình. Người dân Nam Ô phản đối đòi lại bãi biển - Courtesy báo Pháp Luật

Lý do phản đối mà người dân đưa ra là vì tập đoàn này bít lối xuống biển từ bao lâu nay của người dân địa phương. Chiều dài đoạn bị chặm với rào cao gần 2 mét kéo dài đến chừng 2 kilomet.

Truyền thông trong nước dẫn lời cư dân địa phương là ngay cả sân đá banh mà thanh niên trong khu vực lâu nay sinh hoạt cũng bị rào lại không còn chỗ vui chơi, giải trí.

Vào ngày 21 tháng 3, chính quyền quận Liên Chiểu xuống tại khu vực dân chúng phản đối kêu gọi họ về nhà với lập luận không tổ chức tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng.

Chính quyền địa phương cho biết Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Đà Nẵng đã giao đất cho chủ đầu tư. Tuy vậy dự án chưa có phương án khai thác nên chưa thể biết sẽ dành những lối nào để dân xuống biển.

Ông bí thư Quận Liên Chiểu, Võ Công Chánh, được truyền thông dẫn lời là lãnh đạo quận có quan điểm là doanh nghiệp không được đóng lối đi mà phải cho người dân tiếp cận với biển.

*********************

Hàng trăm người phản đối chủ dự án resort chặn lối xuống biển của dân (CaliToday, 21/03/2018)

Sáng ngày 21/3/2018, hàng trăm người dân sống ở khu vực biển Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tụ tập trước khu vực dự án Lancaster Nam O Resort để phản đối. Trước tình hình đó, lãnh đạo chính quyền quận Liên Chiểu đã phải có mặt để khuyên bà con nên về nhà, không để gây mất trật tự an ninh.

dan3

Tường rào bịt chắn hết lối xuống biển của dân. Ảnh : Tiền Phong

Người dân cho biết, sở dĩ họ phải biểu tình phản đối là vì chủ đầu tư dự án Lancaster Nam O Resort đã dùng rào chắn hết lối đi xuống biển của họ. Một người dân sống ở phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) cho biết, trước đây chủ dự án cũng đã rào chắn, nhưng còn chừa lại lối nhỏ để người dân còn có thể xuống biển, nhưng nay họ lại chắn bít hết không còn đường nào để đi. Đến ngay cả sân banh có từ lâu nay chủ đầu tư cũng chắn lại, làm thanh niên trong khu vực không còn chỗ để vui chơi thể thao.

Theo người dân, chủ đầu tư là Công ty Trung Thủy đã chắn rào suốt chiều dài bờ biển 2km.

Điều đáng nói hơn, ngay tại nơi Công ty Trung Thủy bịt kín rào chắn còn có khá nhiều quần thể di tích, các công trình gắn liền với đời sống tâm linh của người dân. Việc Công ty Trung Thủy chắn kín sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thờ phụng, cúng kiếng của người dân trong vùng.

Một người dân sống ở khu vực nói với phóng viên báo Lao Động :

"Họ lấy lý do là sợ người lạ vào, xuống chụp ảnh hay tắm biển rồi té ngã, không an toàn. Nhưng bao năm qua chúng tôi ở đây vẫn sinh hoạt lên xuống bãi biển bình thường thì nay bị chặn là cớ làm sao ?".

Trong khi đó, về phía mình, người đại diện cho Công ty Trung Thủy cho biết, vì người dân và khách du lịch hay vào khu vực nên ảnh hưởng đến công trình đang thi công. Thứ nữa gây nguy hiểm đến tính mạng của du khách.

dan4

Các di tích tâm linh của người dân trước nguy cơ bị phá bỏ để phục vụ cho việc xây dựng khu du lịch. Ảnh : Tiền Phong

Theo tin tức mà chúng tôi thu thập được biết, dự án Lancaster Nam O Resort có từ năm 2011, nhưng chỉ bỏ đấy mà không triển khai. Đến tháng 9/2016, chủ đầu tư mới khởi động lại công tác đền bù, giải tỏa. Chỉ trong vòng một năm, chính quyền quận Liên Chiểu và thành phố Đà Nẵng đã ra sức giải tỏa, đền bù cho người dân sống trong khu vực. Tháng 10/2017, chính quyền đã giải tỏa và giao cho Công ty Trung Thủy 37 hecta mặt bằng để đơn vị này thi công.

Theo chính quyền Đà Nẵng, việc gấp rút bàn giao mặt bằng cho Công ty Trung Thủy là nhằm để công ty này nhanh chóng khởi công xây dựng dự án với số tiền lên đến 3,300 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho người dân, vực dậy nền kinh tế trong khu vực.

Vậy nhưng, mong muốn của chính quyền Đà Nẵng đã không được đáp ứng. Sau khi nhận được 37 hecta mặt bằng bàn giao, Công ty Trung Thủy không cho triển khai dự án, mà chỉ cho rào chắn bịt kín tất cả các con đường xuống biển, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, đời sống tâm linh của người dân sống ở Nam Ô.

Đáng nói hơn, việc bịt đường, chắn lối xuống biển của Công ty Trung Thủy đã kéo dài từ nhiều năm qua, và hơn một tuần nay đã trở nên nghiêm trọng khi họ bịt kít tất cả các con đường xuống biển, mà không phải chừa vài lối đi như trước.

Từ khi lượng du khách Trung Quốc đổ dồn sang Đà Nẵng để du ngoạn, chính quyền thành phố đã đón rất nhiều chủ đầu tư dồn về đây để mở các khu du lịch, chốn nghỉ dưỡng nhằm thu hút khách Trung Quốc. Chính từ đó đã nảy sinh một loạt vấn nạn ở thành phố biển này. Các biệt thự được xây dựng bừa bãi trên khu bán đảo Sơn Trà, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống các loài sinh trưởng ở đây ; vì để có tiền, chính quyền Đà Nẵng không ngần ngại bàn giao một loạt bãi biển cho chủ đầu tư, người dân không còn chốn để ghe thuyền neo đậu. Đến ngay cả dân trong khu vực muốn đi tắm biển phải chạy rất xa. 

Bãi biển Nam Ô, nơi được bàn giao cho Công ty Trung Thủy được coi là bãi biển cuối cùng mà chính quyền thành phố Đà Nẵng bài giao cho các chủ đầu tư.

Người Quan Sát

Quay lại trang chủ
Read 433 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)