Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/03/2018

Việt Nam có báo nhân quyền, ngư dân xin bảo vệ, ăn cả bò giống

Tổng hợp

Đảng cũng có tạp chí Nhân quyền ! (VNTB, 26/03/2018)

Theo lời Ban Tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam huấn dụ cho thanh niên và nhân viên quốc doanh, hiện nay có nhiều thế lực đang sử dụng các danh từ là "dân chủ" và "nhân quyền" để diễn biến hòa bình khắp cõi Việt Nam. Đến nỗi, có những anh công an gọi những người hoạt động xã hội dân sự là "bọn dân chủ" hay "bọn nhân quyền". Ấy thế mà "bọn nhân quyền" chẳng ở đâu xa, có khi nằm trong cơ quan nhà nước. Đơn cử như tòa soạn Tạp chí Nhân quyền lặng lẽ tọa lạc ở số 6 Chùa Một Cột, Ba Đình, Hà Nội.

vn1

Một sinh viên đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh đang ngồi đọc hai cuốn tạp chí Nhân quyền được tặng miễn phí.

Tạp chí Nhân quyền là tạp chí phát hành hàng tháng. Người dân không thường thấy trên các sạp báo bình dân buổi sáng một cuốn Tạp chí Nhân quyền như những cuốn tạp chí khác. Không dễ gì để một bác xe ôm tìm được trên các sạp báo ở Sài Gòn hay Hà Nội một cuốn Tạp chí Nhân quyền. Đó là vì, người ta không muốn phổ cập tạp chí Nhân quyền như phổ cập những báo Nhân dân, Tuổi Trẻ, Thanh Niên... Vì sao vậy ?

Bản thân hai chữ "nhân quyền" đã hàm chứa một ý niệm quá lớn và quá linh động mà nhà cầm quyền không muốn người dân lưu tâm và suy nghĩ. Dù nội dung các bài viết bên trong cuốn tạp chí ấy, nhà nước thừa sức kiểm soát được, nhưng hai chữ ngắn gọn ngoài bìa- "nhân quyền" thì lại rất mới và gây ấn tượng mạnh trong mỗi cá nhân, không thể theo định hướng của người biên tập.

Tuy nhiên, nhà cầm quyền vẫn phát hành một số lượng (dù hạn chế) tạp chí này cho một số loại công sở đặc biệt. Ví dụ, Thư viện Trung Tâm đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mỗi tháng được cấp cho một số lượng tạp chí nhân quyền, Thư viện này phát lại miễn phí cho sinh viên. Dầu vậy, sinh viên cũng không nhiều người thiết tha mấy với tờ báo miễn phí đó, gần như một chồng tạp chí Nhân quyền đầu tháng đưa ra thế nào thì cuối tháng mấy cô thủ thư đếm lại vẫn còn nguyên. Sau một thời gian dài, tạp chí Nhân quyền nằm chờ có người cầm về.

Các tờ báo khoa học và các tờ chuyên ngành thì còn có sinh viên cầm về, họ cần đọc để vững thêm chuyên môn để sau này tốt nghiệp đi làm lãnh lương cao. Còn như nhân quyền thì có vẻ là một món "không ăn được", tỉ lệ sinh viên có đầu óc xã hội quá ít, nhân quyền cũng chưa thành môn học và chưa tính vào điểm trung bình tốt nghiệp, thành ra tạp chí Nhân quyền ế hàng trong thư viện đại học Quốc gia. Thường thì có sự trễ pha lớn, phát hành 5 tháng rồi mới đem ra trưng cho sinh viên đọc. Ví dụ, thời điểm này là tháng 3 năm 2018 nhưng cuốn tạp chí Nhân quyền đang trưng ra trên quầy tạp chí tặng sinh viên thì chỉ có số tháng 9 năm 2017, nghĩa là chậm gần 6 tháng.

Đảng định đưa nhân quyền vào trường đại học như một môn học, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được phân công để bắn tín hiệu đó ra cho dư luận. Không biết là thật hay giả, nhưng một điều chắc chắn là Thủ tướng đã dùng chữ "quyền con người" chứ không dùng chữ "nhân quyền" . Việc sử dụng một cụm từ vừa dài hơn (cụm danh từ "quyền con người" gồm 3 tiếng, dài hơn 1 tiếng so với danh từ "nhân quyền"), lại mang sắc thái biểu cảm nông cạn hơn cho thấy cách dùng từ như vậy là một sự cẩn trọng của hệ thống. Hoặc là do Đảng cộng sản Việt Nam không muốn hiểu nhân quyền theo định nghĩa của hệ thống Tây phương, hoặc là đảng này đang miễn cưỡng thốt ra đôi lời để chứng tỏ với quốc tế, nhằm làm giảm sức ép quốc tế đối với họ, trong nghĩa vụ thực thi công ước nhân quyền và luật nhân quyền mà chính bản thân họ cũng đã ký kết.

Kiều Phong

*******************

Hội Nghề Cá Việt Nam đòi đưa ‘tàu chấp pháp’ bảo vệ ngư dân (Người Việt, 26/03/2018)

"Hội nghề cá Việt Nam" đề nghị nhà cầm quyền trung ương đưa "lực lượng tàu chấp pháp" tăng cường bảo vệ ngư dân trên các vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

vn1

Ngư dân Đặng Tự kể chuyện tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá tài sản ngày 22 tháng Ba, 2018, tại khu vực Đá Lồi quần đảo Hoàng Sa. (Hình : Tuổi Trẻ)

Trong văn thư đề ngày 23 tháng Ba, 2018, do ông phó chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương Hội Nghề Cá Việt Nam ký tên gửi "Văn Phòng Chính Phủ" tức gửi ông thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn kêu gọi nhà cầm quyền có các biện pháp bảo vệ ngư dân trước lệnh cấm đánh cá hàng năm trên Biển Đông của Trung Quốc.

Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh cá trên Biển Đông, kéo dài xuống tới vĩ tuyến 12, bắt đầu từ ngày 1 tháng Năm, 2018, đến hết ngày 16 tháng Tám, 2018, bất chấp lệnh cấm vi phạm chủ quyền biển đảo của các nước khác, đặc biệt là Việt Nam.

Hội Nghề cá trung ương Việt Nam "đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu sớm ngăn chặn để chấm dứt hành động trên của Trung Quốc, cần thường xuyên có lực lượng tàu chấp pháp trên biển để tăng cường công tác bảo vệ ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân an tâm sản xuất trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam", văn thư của Hội Nghề cá trung ương Việt Nam viết.

Từ trước tới giờ, người ta chỉ thấy Hà Nội lên tiếng phản đối suông lệnh cấm đánh cá của Bắc Kinh. Bộ Ngoại Giao cộng sản Việt Nam cũng thường tuyên bố chủ quyền quốc gia "không thể tranh cãi" đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Tuy nhiên, cho các "tàu chấp pháp" tức Cảnh Sát Biển và Tàu Kiểm Ngư bảo vệ ngư dân ở những vùng biển "nhạy cảm" như quanh quần đảo Hoàng Sa, hoặc gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa là hoàn toàn không có.

vn3

Phóng ảnh văn thư của Hội Nghề Cá Việt Nam gửi nhà cầm quyền trung ương yêu cầu cho "tàu chấp pháp" bảo vệ ngư dân. (Hình : Internet)

Bởi vậy, người ta luôn luôn thấy báo chí trong nước loan tin các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm, ngư dân bị đánh đập gần khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tàu nào không bị đâm chìm thì bị đâm hư hại, sản vật đánh được bị cướp, ngư cụ, máy móc bị đập phá, lưới bị cắt, thiệt hại vô cùng lớn. Không bao giờ thấy có bóng dáng của các "tàu chấp pháp" của Việt Nam đâu cả.

Lời đề nghị của Hội Nghề Cá Việt Nam liệu có được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thi hành hay không, không mấy ai tin đây là câu hỏi sẽ có câu trả lời.

Chỉ nội trong tháng Ba 2018, đã có 3 tàu đánh cá của ngư dân các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi bị tàu tuần Trung Quốc tấn công. Có tờ báo như tờ Tuổi Trẻ nói tàu tấn công là tàu Trung Quốc nêu rõ số hiệu, còn tờ Thanh Niên chỉ giám gọi là "tàu lạ".

Theo báo chí trong nước, ngày 22 tháng Ba, 2018, tàu cá QNg 90440 TS và QNg 90045 TS của ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khi đang núp gió ở đảo Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị tàu tuần Trung Quốc sơn màu trắng số hiệu 46016 và 45103 "tấn công đâm va". Hải sản bị cướp sạch trong khi ngư cụ và trang bị hải hành bị đập phá hay lấy đi, gây thiệt hại khoảng 800 triệu đồng.

Trước đó, ngày 18 tháng Ba, 2018, tàu cá mang số hiệu QNa 90822, của ông Nguyễn Tuấn Sơn (ngụ tại xã Tam Quan, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) khi đang hành nghề lưới cản ở tọa độ 16 độ vĩ bắc và 111 độ kinh Đông thì bị tàu tuần Trung Quốc tấn công. Họ dùng súng khống chế ngư dân, cắt phá lưới, ngư cụ và lấy đi 2 bình ắc quy.

Ngày 22 tháng Ba, 2018, Bộ Ngoại giao cộng sản Việt Nam cho phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng "phản đối và kiên quyết bác bỏ" việc Trung Quốc đơn phương áp dụng "quy chế mới nghỉ đánh bắt cá trên biển".

Tờ Pháp Luật dẫn lời bà Hằng : "Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ; vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình ; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 ; đi ngược lại tinh thần và lời văn của tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông. Vi phạm thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển".

Bà Lê Thị Thu Hằng chỉ lập lại những lời tuyên bố suông suốt nhiều năm qua của chế độ Hà Nội và ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục bị tàu tuần Trung Quốc tấn công, không thấy bóng dáng của các "tàu chấp pháp trên biển" của Việt Nam. (TN)

******************

Quảng Trị : Tỉnh cấp 10 bò giống, xã chia người nhà làm thịt 5 con (Người Việt, 26/03/2018)

Nhà cầm quyền tỉnh cấp cho dân 10 con bò giống "theo chính sách hỗ trợ chăn nuôi" nhưng các quan xã đã chia nhau và chia cho người nhà. Không những vậy, có 5 con đã bị xẻ thịt.

vn2

Một trong số những con bò đực giống còn sót lại tại xã Triệu Độ. (Hình : Tuổi Trẻ)

Chuyện lùm xùm "ăn không chừa thứ gì" đang xảy ra tại xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, từ những ngày cuối tháng Mười Hai năm ngoái đến nay mới vỡ ra. Một số tờ báo cho hay nhà cầm quyền tỉnh Quảng Trị giao cho xã Triệu Độ 10 con bò đực giống để giao lại cho dân nuôi.

Nguyên tắc "xóa đói giảm nghèo" thì như vậy nhưng các quan xã đã không cất công tìm kiếm người giao bò ở thôn nào xa xôi.

"Cuối năm 2017, xã Triệu Độ có nhận 10 con bò đực giống theo phân bổ từ chương trình hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị", tờ Tuổi Trẻ kể. "Mỗi con bò đực giống trị giá 18 triệu đồng. Trong đó người dân đối ứng 4 triệu, 14 triệu nhà nước hỗ trợ. Đối tượng áp dụng là các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi và phải cam kết chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác con đực giống ít nhất 48 tháng".

Sau khi tiếp nhận 10 con bò, các quan xã Triệu Độ "ngay lập tức" chia số bò trên cho những người thân cán bộ xã.

Tờ Tuổi Trẻ nói trong số những người nhận bò có cán bộ văn phòng UBND xã, anh ruột phó chủ tịch xã, anh ruột trưởng công an xã, em họ bí thư đảng ủy xã, em cán bộ phụ trách nông nghiệp xã… Chỉ có hai hộ dân không liên quan đến cán bộ xã được nhận bò. "Và cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, 5 con bò đực giống trong số đó bị giết thịt".

Tờ Tuổi Trẻ thuật theo lời ông Nguyễn Xuân Trường, chủ tịch xã Triệu Độ "do số bò nhận về vào những ngày cuối năm dương lịch, gấp quá nên ông Hồng – phó chủ tịch xã Triệu Độ – nhận rồi chia cho các hộ nói trên".

Nhưng nguồn tin cũng thuật lời một số trưởng thôn nói "chưa hề được thông báo về việc đăng ký nhận bò, trong khi ông chủ tịch xã nói đã gọi điện về các trưởng thôn hỏi có ai đăng ký không nhưng không có ai nhận".

Chuyện xảy ra ở xã Triệu Độ cũng từng xảy ra những việc tương tự tại các địa phương khác. Quan chức cấp thấp không có cơ hội nuốt những khoản "lãi ngoài" hàng tỉ đồng như các sếp tại tập đoàn dầu khí quốc doanh Petro Vietnam, họ chỉ có cơ hội ăn vài con bò, con dê, con gà hoặc tí rẻo đất, ít bao gạo cứu đói giáp hạt hay sau những trận bão lớn.

Cuối tháng Tám 2017, 10 hộ dân tại xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh Long nhận được 14 con bò "dự án" để nuôi thì có 10 con bị bệnh lở mồm long móng.

Đầu năm ngoái, dân tại tỉnh Bình Thuận cáo buộc quan chức của một số địa phương đã tráo nông cụ gồm máy bơm nước, máy cắt cỏ (giúp đồng bào nghèo thuộc diện dân tộc thiểu số) do Nhật Bản sản xuất bằng máy Trung Quốc. Các quan đã dùng nhãn Nhật dán đè lên tên hãng Trung Quốc. Theo giá trị máy cắt cỏ Nhật mà ngân sách nhà nước phải trả là khoảng 5 triệu đồng đồng/máy trong khi máy mà người dân được cấp có giá bán ngoài thị trường chỉ trên 2 triệu đồng/máy. (TN)

Quay lại trang chủ
Read 476 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)