Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/03/2018

Nguyễn Phú Trọng công du Pháp và nhân quyền tại Việt Nam

Tổng hợp

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam công du Pháp (RFI, 25/03/2018)

Theo các nguồn tin từ Việt Nam, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã rời Hà Nội vào hôm nay 25/03/2018 để lên đường đến Paris trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức theo lời mời của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

congdu1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Francois De Rugy đã dự Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp (1973-2018).

Theo kế hoạch, chuyến thăm sẽ kéo dài đến ngày 27/03, sau đó ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tại Cuba.

Theo báo chí trong nước, tháp tùng lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam là một phái đoàn đông đảo, trong đó có ngoại trưởng Phạm Bình Minh, cùng các bộ trưởng bộ Công Thương, bộ Tài Nguyên và Môi trường ; bộ Khoa Học và Công Nghệ, cùng hai thứ trưởng bộ Quốc Phòng và bộ Công An. Dĩ nhiên là có các lãnh đạo cao cấp trong bộ máy Đảng.

Chuyến thăm Pháp của người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam diễn ra vào lúc hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm ngày ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược.

Trọng Nghĩa

******************

'Pháp cần chất vấn Tổng bí thư Trọng về tự do báo chí' (BBC, 25/03/20148)

Nhân chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam từ ngày 25/3/2018, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vừa kêu gọi nhà cầm quyền Pháp chất vấn nhà lãnh đạo đảng này về tình trạng 'áp bức tự do báo chí' của Việt Nam.

congdu2

Tổ chức Phóng viên Không biên giới nêu quan điểm trước chính quyền Pháp của Tổng thống Emmanuel Macron

Ông Nguyễn Phú Trọng theo kế hoạch tới Paris vào ngày Chủ Nhật trong chuyến thăm chính thức hai ngày nước Pháp theo lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron.

"Là người đứng đầu về quyền lực ở Việt Nam, đứng trên các vị trí Chủ tịch và Thủ tướng, ông là người đầu tiên chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp khủng khiếp đã đánh vào các nhà báo và blogger kể từ khi phe nhóm của ông nắm quyền lực nội bộ ở đất nước này vào năm 2016", tổ chức Phóng viên Không biên giới tuyên bố hôm 23/3.

RSF cho hay chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng nhằm đánh dấu đặc biệt năm năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam với mục tiêu "tăng cường mối quan hệ trong tất cả các lĩnh vực". "Tuy nhiên, sự tôn trọng tự do báo chí đã bị hiệp ước quan hệ này lãng quên", Phóng viên Không Biên giới bình luận.

"Quan hệ 'đối tác chiến lược' này có nghĩa gì nếu tự do báo chí vẫn vắng mặt ?", Daniel Bastard, Giám đốc Văn phòng RSF Châu Á Thái Bình Dương, đặt câu hỏi. "Chúng tôi hy vọng các nhà chức trách Pháp đặt ra với Tổng Bí thư Đảng cộng sản hỏi những câu hỏi bị cấm ở nước ông, những câu hỏi mà các nhà báo Việt Nam chỉ có thể đặt ra nếu đánh đổi sự tự do của họ".

"Câu hỏi đó là khi nào Việt Nam chấm dứt các vụ bắt bớ hàng loạt trong chiến dịch được tung ra từ cuối năm 2016 nhắm vào các blogger trong nước ?"

Theo tổ chức này, trong năm 2017, khoảng hai chục nhà báo - công dân đã bị bắt, bị trục xuất hoặc bị kết án tù 9, 10 hoặc 14 năm tù giam, "đơn giản chỉ vì họ muốn thông tin đến người dân". Các phiên tòa mà trong đó các bản án bị áp đặt không bao giờ kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ, vẫn theo RSF.

"Đây là đợt đàn áp tự do thông tin tồi tệ nhất trong hơn hai mươi năm", tổ chức này bình luận và nêu câu hỏi : "Làm thế nào Việt Nam có thể biện minh cho những điều kiện giam giữ các nhà báo công dân bị cầm tù ?

"Thân nhân của họ phản ánh tình cảnh cực kỳ khủng khiếp, lao động cưỡng bức và thiếu chăm sóc. Sức khoẻ thể chất của nhiều nhà báo, bao gồm các blogger Nguyễn Văn Đài (Luật sư) và Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), đang xấu đi tới mức quan ngại.

"Sức khoẻ tinh thần của các nhà báo - công dân của Việt Nam mà đang bị giam cầm cũng đang bị thử thách do bị cô lập : họ thường xuyên bị đưa tới những nơi giam giữ cách gia đình của họ cả ngàn cây số", vẫn theo Phóng viên Không biên giới.

'Biến động, thách thức'

Chuyến thăm Pháp của Tổng bí thư Đảng cộng sản VN ông Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong lúc tình hình an ninh đối ngoại và nội trị của Việt Nam đang có một số biến động thách thức.

Về an ninh, quốc gia cộng sản láng giềng của Việt Nam, Trung Quốc, đã cho chiến đấu cơ tới diễn tập trên vùng trời Biển Đông và Tây Thái Bình Dương, Reuters dẫn nguồn lực lượng không quân nước này tuyên bố hôm Chủ Nhật.

Bắc Kinh thông báo tin trên hôm 25/3/2018, và nói diễn tập là hành động tốt nhất để chuẩn bị 'sẵn sàng cho chiến tranh'.

Trong khi đó, về đối nội, Việt Nam tiếp túc các vụ xử án 'tham nhũng' hoặc 'làm trái gây hậu quả nghiêm trọng', trong đó mới đây nhất, một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng đã tỏ ra 'bức xúc' trước Tòa án và yêu cầu Hội đồng xét xử cần 'đối xử với bị cáo trước hết như với một con người'.

Một loạt các vụ khởi tố và điều tra vừa được công bố, trong đó có các vụ mua bán được cho là 'có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng' giữa Mobifone và AVG, hay vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc quy mô lớn và nghiêm trọng với nhiều đối tượng liên can và bị đang bị bắt giữ, tạm giam là các sỹ quan công an cao cấp, hay người nhà một số cựu quan chức cao cấp, cả hai đều đang được dư luận quan tâm :

Bình luận về các vụ việc trong nước này, hôm 22/3, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực văn phòng Quốc hội Việt Nam, từ Sài Gòn nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC :

"Thể chế ở VN chứng tỏ đang mục ruỗng từng phần và đòi hỏi phải được thay máu".

Còn nhà báo tự do Trần Tiến Đức từ Hà Nội nói : "Vì sao thể chế này mục ruỗng, vì nó không có sự kiểm soát quyền lực".

'Làm sâu sắc hơn quan hệ'

congdu3

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) gây áp lực với ban lãnh đạo Pháp ngay trước khi Tổng thống Emmanuel Macron tiếp đón Tổng bí thư ĐCSVN bằng thông điệp hôm 23/3/2018

Trở lại với yêu cầu của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới với nhà cầm quyền Pháp, tuyên bố của tổ chức này hôm thứ Sáu cho hay :

"Tháng 12/2017, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết khẩn cấp kêu gọi phóng thích các nhà báo - công dân bị bỏ tù bất hợp pháp tại Việt Nam. Việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam theo kế hoạch ban đầu sẽ được thông qua vào năm 2018 để có hiệu lực vào cuối năm nay.

"Nhưng nhiều nghị sĩ đặt câu hỏi về cơ hội của một hiệp định như thế với một quốc gia trong những tháng ngày gần đây trở thành một trong những kẻ thù tồi tệ nhất của tự do báo chí".

Vẫn theo tổ chức này, Việt Nam xếp hạng 175 trong số 180 quốc gia trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của Phóng viên Không Biên giới năm 2017.

Về chuyến công du của Tổng Bí thư Trọng, Báo mạng Thế giới & Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 25/3 đưa tin cho hay :

"Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, sáng 25/3, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Cộng hòa Pháp...

"Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ khi Pháp có Tổng thống mới và diễn ra vào dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao (1973-2018), 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước (2013-2018).

"Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta đến khu vực Tây Âu trong nhiệm kỳ Đại hội XII.

"Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thiết lập quan hệ với chính quyền mới của Pháp, tạo động lực, xác lập khuôn khổ và định hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.

"Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, năng lượng, phát triển bền vững… góp phần khẳng định, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam và vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam", Thế giới & Việt Nam cho hay hôm Chủ Nhật.

Quay lại trang chủ
Read 740 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)