Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/04/2018

Chiếm dụng đất : Quân đội nhượng bộ nhân dân Đồng Tâm

Tổng hợp

Đồng Tâm : Quân đội đào hào ngăn đất tranh chấp (BBC, 02/04/2018)

Tin cho hay quân đội kể từ hôm 26/3/2018 đã bắt đầu đào hào, phân định đất quốc phòng và đất nông nghiệp tại khu vực Đồng Sênh, tâm điểm của vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội.

quan1

Video clip quay trực tiếp lên Facebook khi ông Lê Đình Công chứng kiến tiểu đoàn G31 thuộc lữ đoàn 28 đào hào hôm 31/3.

Việc đào hào hiện vẫn đang được thực hiện, và dự kiến sau đó sẽ dựng hàng rào phân cách, BBC được biết.

Tuy không nhận được bất kỳ văn bản hay thông báo chính thức nào về việc trên, nhưng người dân Đồng Tâm nói họ phấn khởi trước việc làm 'đúng theo nguyện vọng của dân'.

Ông Lê Đình Công, trưởng thôn Hoành, cho BBC biết Tiểu đoàn G31 thuộc Lữ đoàn 28 của Quân chủng Phòng Không Không Quân đã tiến hành đào hào, xây rào ngăn cách khoảng đất 47,36ha và thửa đất còn lại trên khu Đồng Sênh.

"Người ta đào hào như thế, nhân dân Đồng Tâm rất phấn khởi. Quân đội đã có chiều hướng ủng hộ nhân dân Đồng Tâm", ông Công nói với BBC hôm 2/4.

Việc đào hào, rạch mương được đơn vị G31 thực hiện rõ ràng, đúng vào các mốc dấu có từ hơn 20 năm nay, ông Công cho biết thêm.

"Bộ đội họ nói rõ, quốc phòng quản lý 47,36ha thì đất họ đến đâu họ đào đến đấy. Còn đất của bà con thì bà con cứ canh tác sản xuất", ông Công nói.

Tóm tắt tranh chấp đất đai Đồng Tâm

Người dân Đồng Tâm nói 47,36ha là diện tích khoảng một nửa đất Đồng Sênh, nằm phía đông mốc giới. Đây là phần mà chính quyền đã thu hồi, đền bù cho dự án sân bay Miếu Môn theo Quyết định 113 hồi 1981.

Thửa đất còn lại nằm ở phía tây mốc giới.

Diện tích này tuy nằm trong diện quy hoạch dự án sân bay, nhưng người dân nói vì vẫn chưa có quyết định thu hồi, đền bù, nên họ tiếp tục chia nhau canh tác.

quan2

Khu đất 47,36ha phía Đông đã được bàn giao cho chính quyền, sau này là quân đội từ 1981.

Tranh chấp giữa người dân và chính quyền bắt đầu căng thẳng từ 11/2016, UBND huyện Mỹ Đức căng dây khắp khu vực tây Đồng Sênh, san gạt một số mặt bằng và cắm biển 'Vùng cấm - Khu vực quân sự'".

Đến tháng 2/2017, nhiều người dân tự ý thu số dây phản quang, nhổ biển báo "Khu vực quân sự" và đưa máy móc vào canh tác, dẫn đến việc giới chức huy động hàng trăm công an, cảnh sát, an ninh dân phòng, xe vòi rồng, xe cứu thương đến khu vực tranh chấp.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào ngày 15/4/2017, khi ông Công cùng bố là ông Lê Đình Kình, và ba đại diện khác của dân làng bị đột ngột bắt giữ khi được giới chức mời ra khu đất có tranh chấp để 'làm việc', và bị đưa về Hà Nội.

Dân Đồng Tâm đáp trả bằng cách bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát.

Vụ bắt giữ con tin chỉ kết thúc một tuần sau đó, khi năm người đại diện của dân được thả và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong buổi gặp dân cam kết sẽ điều tra vụ tranh chấp và "không truy tố hình sự người dân Đồng Tâm".

Tuy nhiên, đến tháng 6/2017, công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ bắt giữ 38 cán bộ.

Tiếp sau đó, giới chức công bố bản Kết luận thanh tra hôm 25/7 với nội dung "Xã Đồng Tâm không có đất nông nghiệp diện tích 59ha hay 49ha xứ Đồng Sênh như ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu", khiến người dân Đồng Tâm bức xúc.

Người dân không chấp nhận nội dung kết luận thanh tra và cho rằng giới chức tìm cách 'biến' toàn bộ khu đất Đồng Sênh thành phần đất đã được có quyết định thu hồi.

'Cần có quyết định thu hồi đúng luật, và cần đình chỉ khởi tố'

Người dân Đồng Tâm tỏ ra vui mừng trước diễn biến mới. Tuy nhiên, nhưng việc đào hào dọc mốc giới không có nghĩa tranh chấp đã được giải quyết, ông Lê Đình Công nói.

"Người dân chỉ yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức và TP Hà Nội đưa ra một quyết định đúng pháp luật, thu hồi và đền bù giống Quyết định 113, thì nhân dân sẵn sàng giao đất cho tập đoàn Viettel".

quan3

Người dân Dương Nội sang thăm người dân Đồng Tâm hôm 29/3

"Nếu chưa muốn thu hồi, thì phải có văn bản rõ ràng đất phía tây cột mốc ở Đồng Sênh là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm để bà con yên tâm canh tác".

Ông Công nói chính quyền cũng nên đình chỉ khởi tố vụ án bắt giữ 38 cán bộ, vốn được đưa ra từ gần 10 tháng trước, vì theo ông là đã 'quá hạn điều tra'.

Luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội, một trong những người có mặt trong buổi gặp của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm nhằm tháo gỡ vụ 'giữ con tin' hồi 4/2017 nói với BBC rằng theo luật định, sau khi hết hạn 6 tháng điều tra, bên điều tra phải gia hạn hoặc đình chỉ vụ án.

"Tôi nghĩ họ đã gia hạn lần 1 rồi, khung gia hạn là 2-4 tháng, thì cứ cho là 3 tháng đi thì đến giờ cũng đã hết rồi. Còn việc họ gia hạn lần 2 hay 3 thì tôi chưa rõ".

Về việc đào hào của Lữ đoàn 28, thì ông Hải nói ông chưa nhận được văn bản hay thông tin chính thức gì nên chưa bình luận.

BBC đã tìm cách liên hệ với ông Nguyễn Đức Chung nhưng không được.

**********************

Quân đội cộng sản Việt Nam 'nhượng bộ một bước' vụ Đồng Tâm ? (Người Việt, 04/04/2018)

Trong một động thái bất ngờ, mới đây, quân đội cộng sản Việt Nam cho thấy dấu hiệu "xuống thang" trong vụ tranh chấp đất, khiến người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, buộc phải bắt giữ gần 40 cán bộ, cảnh sát cơ động làm con tin, gây xôn xao hồi năm ngoái.

quan4

Lực lượng Cảnh sát cơ động được người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm thả ra vào ngày 22 tháng Tư, 2017. (Hình : STR/AFP/Getty Images)

Trong đoạn video clip được nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người theo sát diễn biến vụ này, công bố trên mạng xã hội, quân đội triển khai lực lượng đào hào, xây tường rào dọc theo mốc giới cũ phân chia đất quốc phòng (phi trường Miếu Môn) và đất nông nghiệp của Đồng Tâm (đồng Sênh), theo mong muốn của người dân Đồng Tâm.

Sở dĩ gọi đây là "động thái bất ngờ" vì đến nay, Thanh Tra thành phố Hà Nội vẫn bảo lưu quan điểm "toàn bộ đất tranh chấp trong vụ này là đất quốc phòng, không có đất nông nghiệp". Không thấy truyền thông trong nước đưa tin về diễn biến mới nhất này.

Hồi năm ngoái, sau khi kết luận thanh tra đất được công bố, công an Hà Nội lập tức khởi tố vụ án giữ người trái phép, gửi giấy triệu tập cả trăm người dân và kêu gọi những người liên quan "phải ra đầu thú". Điều này đi ngược lại với tờ giấy cam kết "không truy cứu trách nhiệm hình sự dân Đồng Tâm" do ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy ban Nhân Dân Hà Nội, viết tay khi xuống xã Đồng Tâm "tháo gỡ ngòi nổ" vào đỉnh điểm của vụ tranh chấp hôm 22 tháng Tư, 2017.

Ông Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang Facebook cá nhân : "Không giấu được niềm vui, cụ Lê Đình Kình - thủ lĩnh trong cuộc chiến giữ đất của người Đồng Tâm - nói rằng cụ 'rất phấn khởi nhưng vẫn cảnh giác, vì đã thất vọng nhiều lần'. Nguyện vọng của dân làng, theo cụ Kình, là Ủy ban Nhân Dân Hà Nội tới đây cần hủy bỏ kết luận thanh tra cũ, sau đó ban hành các văn bản cần thiết để xã Đồng Tâm giao đất cho người dân an tâm canh tác".

Ông Mạc Văn Trang, công tác tại Viện Khoa Học Giáo Dục Việt Nam, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân : "Chúc mừng bà con xã Đồng Tâm. 'Đồng Tâm' = Thắng lợi ! Nuốt (đất) không trôi đành nhả ra, xấu hổ, không dám mở mồm nhận lỗi, xin lỗi, tạ lỗi với dân, chứng tỏ họ chưa đủ trưởng thành ! Bao giờ chính quyền mới đàng hoàng, tử tế để dân kính trọng ?"

Hồi tháng Mười, 2017, truyền thông Việt Nam đưa tin bà Nguyễn Thị Lan, bí thư đảng ủy xã Đồng Tâm, bị khai trừ đảng cộng sản Việt Nam vì "liên quan đến vụ người dân thôn Hoành phản ứng về việc thu hồi đất ở sân bay Miếu Môn". Thời điểm đó, cư dân mạng suy đoán nguyên do là vì bà Lan "tuy là đảng viên đã chọn đứng về phía người dân, cùng đấu tranh chống nhóm lợi ích chiếm đất của dân, nên bị đảng cộng sản Việt Nam khai trừ, cách chức đảng và chính quyền".

Đến tháng Mười Hai, 2017, bà Lan tiếp tục bị bãi nhiệm chức chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân xã Đồng Tâm. Báo VietNamNet cho biết lý do : "Với tư cách là người đứng đầu đảng ủy xã nhưng bà Lan không thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên về các nội dung liên quan đến khu vực đất đang xảy ra khiếu kiện ; rời bỏ vị trí trong ba ngày hồi tháng Tư, 2017, khi xảy ra sự việc điểm nóng ở thôn Hoành dẫn đến sự việc người dân bắt giữ các cán bộ, chiến sĩ đang thi hành công vụ ; không có sự chỉ đạo để người dân hợp tác, phối hợp với chính quyền trong việc sớm trao thả người". (T.K.) 

Quay lại trang chủ
Read 858 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)