Vào tháng Ba năm 2018, một số vận động đầu tiên cho thấy mối quan tâm của Chính phủ Mỹ và phương Tây về chủ đề nhân quyền tại Việt Nam đã diễn ra, chuẩn bị cho Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Năm năm 2018 tại Washington DC
Ngày 31/3/2018 tại Hà Nội, gia đình các nạn nhân bị bắt đã có buổi tiếp xúc với đại diện các sứ quán Anh, Mỹ, Đan Mạch, Thụy Điển, Úc, Đức và Pháp. Ảnh : Hội Anh em dân chủ
Đầu tháng Ba, có một cuộc gặp của Cao ủy Liên hiệp quốc tế người tị nạn với một số người nhà của tù nhân lương tâm và tại Hà Nội.
Ngày 19/3/2018, Đại diện Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ và Canada tại Sài Gòn đã đến Chùa Giác Hoa gặp một số đại diện Hội Đồng Liên Tôn, ghi nhận ý kiến của các tổ chức tôn giáo độc lập tại Việt Nam nhằm có đầy đủ dữ liệu cho cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt vào tháng Năm tới.
Ngày 31/3/2018, trước khi các thành viên Hội Anh em dân chủ – một tổ chức xã hôi dân sự ở Việt Nam – bị đưa ra xét xử vào ngày 5/4/2018, gia đình các nạn nhân bị bắt đã có buổi tiếp xúc với đại diện các sứ quán Anh, Mỹ, Đan Mạch, Thụy Điển, Úc, Đức và Pháp. Các gia đình đã có lời thỉnh cầu can thiệp của cộng đồng quốc tế trước bất công mà Hội Anh em dân chủ đang phải gánh chịu. Các sứ quán đã lắng nghe và hứa sẽ can thiệp cũng như sẽ gửi đại diện đến tham dự phiên toà.
Ngày 31/3/2018 tại Hà Nội, gia đình các nạn nhân bị bắt đã có buổi tiếp xúc với đại diện các sứ quán Anh, Mỹ, Đan Mạch, Thụy Điển, Úc, Đức và Pháp.
Ảnh : Hội Anh em dân chủ
Có một điểm khác biệt cơ bản giữa Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt năm nay và năm ngoái : vào năm 2018, tình hình kinh tế và ngân sách của Việt Nam còn tồi tệ hơn cả năm 2017. Đó là nguồn cơn khiến giới chóp bu Việt Nam phải chìm đắm hy vọng vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA).
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Muốn EVFTA được thông qua, Việt Nam cần có toàn bộ đồng thuận của 28 quốc hội ở 28 nước Châu Âu, mà nếu chỉ một nước không đồng ý thì Hà Nội coi như trắng tay.
Nhưng sau khi Nghị viện Châu Âu tung ra một bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam – mang số hiệu 2016/2755 (RSP) – vào tháng 6/2016, EU ngày càng quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền cho Việt Nam và nói thẳng đây là một trong những điều kiện bắt buộc, để nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền thì sẽ không có cơ hội nào có được EVFTA.
Vậy là một chủ trương của đảng cầm quyền về "hạn chế bắt phản động" ngày càng lộ rõ. Khác hẳn với 8 tháng đầu năm của năm 2017 (từ tháng Ba đến tháng Mười) liên tục bắt bất đồng, từ tháng 11 năm đó đến cuối tháng 3/2018, nhà cầm quyền Việt Nam chỉ bắt một trường hợp nhà giáo Vũ Văn Hùng – thuộc tổ chức xã hội dân sự Hội giáo chức Chu Văn An, nhưng không dám quy vào tội chính trị mà chụp cho cái mũ "cố ý gây thương tích", cho dù đến giờ công an vẫn không hề công bố được "nạn nhân bị gây thương tích" là ai.
Trong lúc chưa có tín hiệu nào cho thấy Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2018 sẽ bớt bế tắc so với Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2017, vài tia sáng le lói lại đang lóe ra từ Châu Âu. Trong buổi tiếp "đảng trưởng" Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng Ba năm 2018, Tổng thống Pháp Macron đã nêu thẳng vấn đề cải thiện nhân quyền,đồng thời Pháp cũng đôn nội dung nhân quyền lên mục thứ 2 trong Tuyên bố chung Việt – Pháp năm 2018, cao hơn hẳn vị trí chỉ là thứ 6 trong bản Tuyên bố chung Việt – Pháp năm 2013.
Có thể và trong một chừng mực không lớn, động thái của Pháp nói riêng và của EU nói chung sẽ tác động đến kết quả của Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2018 diễn ra tại Washington DC vào tháng Năm tới.
Nếu lạc quan hơn, có thể so sánh tình hình "Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho EVFTA" hiện thời với bầu không khí "Việt Nam đang tích cực và đàm phán và ký kết TPP" 5 năm trước – năm 2013.
Khi đó, chỉ ít ngày sau khi Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước – có một cuộc gặp với Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc vào tháng Bảy năm 2013, chính quyền Việt Nam đã bất ngờ thả một nữ bất đồng trẻ là Nguyễn Phương Uyên ngay tại tòa Long An trong phiên xử phúc thẩm cô, cho dù Phương Uyên đã bị kết án đến 6 năm tù trong phiên tòa xử sơ thẩm.
Vào nửa cuối năm 2013 và trong nguyên năm 2015, nhiều tổ chức xã hội dân sự đã lần lượt ra đời và lần đầu tiên tạo nên một phong trào xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam.
Tuy không có nhiều cơ sở để cho rằng phong trào dân chủ và nhân quyền năm 2018 sẽ khởi sắc như năm 2013 dù chính thể Việt Nam có chịu nới nhân quyền để làm điều kiện trả treo với EU để đạt được EVFTA, vẫn có thể hy vọng là phong trào này, sau vài năm bị chính quyền đàn áp nặng nề và tự thân phong trào cũng có những rạn nứt, có thể hồi phục phần nào trong khung cảnh đảng Cộng sản không chỉ rạn nứt mà còn phải chịu nguy cơ đổ vỡ từ bên trong.
Thiền Lâm