Việt Nam và Nga tăng cường hợp tác quân sự, Trung Quốc theo dõi (VOA, 06/04/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và Nga vừa ký kết Kế hoạch Phát triển Hợp tác Quốc phòng song phương cho thập kỷ tiếp theo trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh trong khu vực.
Máy bay chiến đấu SU-30MK2 của Nga được bán cho Việt Nam trong chương trình hợp tác quốc phòng giữa 2 nước trong những năm qua.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Đại tướng Sergei Shoigu đã ký văn bản hợp tác tại Moscow hôm 4/4, theo hãng thông tấn TASS của Nga và truyền thông Việt Nam.
Tại một cuộc hội đàm trong khuôn khổ Hội nghị an ninh quốc tế Moscow, bộ trưởng 2 nước trao đổi kết quả hợp tác quốc phòng song phương trong thời gian qua, và thống nhất một số nội dung hợp tác trong thời gian tới.
Kế hoạch hợp tác quốc phòng vừa được ký kết nhắm tới giai đoạn từ nay tới năm 2020.
Sputnik nhận định, việc ký kết văn kiện mới cho thấy "quan hệ Việt-Nga đang phát triển rất tốt đẹp."
Theo thông báo của Cục thông tin Bộ Quốc phòng Nga được Sputnik trích dẫn, trong hội đàm, Bộ trưởng Shoigu cho biết quan hệ hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự Nga-Việt đã đạt được nhiều thành quả. Nga cảm ơn Việt Nam đã cho phép tàu chiến Nga vào vịnh Cam Ranh.
Bộ trưởng Nga Sergei Shoigu đã có chuyến thăm tới Việt Nam vào tháng 1 vừa qua. Từ chuyến thăm đó, Nga đã quyết định gửi một tàu cứu hộ của Hạm đội Thái Bình Dương tới Việt Nam để tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn liên hợp. Theo TASS, Bộ trưởng Lịch cám ơn và đánh giá cao vấn đề này trong buổi họp với người đồng cấp Nga.
Truyền thông bên trong Trung Quốc thường đưa tin về các chương trình hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nga cũng như việc các khí tài quân sự tối tân của Nga có thể giúp Việt Nam "phô diễn sức mạnh quân sự".
Hãng tin Xinhua hồi tháng 1 đưa tin về chuyến thăm của Bộ trưởng Shoigu tới Việt Nam, khi ông được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp và nhận định mối quan hệ quốc phòng Việt-Nga được tăng cường hơn nữa từ chuyến thăm này.
Xinhua trích lời người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói với bộ trưởng quốc phòng Nga rằng Việt Nam xem Nga là một đối tác ưu tiên hàng đầu trong hợp tác về công nghệ quốc phòng dựa trên lòng tin tưởng và rằng sự hợp tác này không nhằm chống một nước thứ 3 nào.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng những năm gần đây quân đội Việt Nam đã đổ nhiều kinh phí vào nỗ lực hiện đại hóa quân đội, và mua rất nhiều vũ khí mới của Nga.
Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 của Nga trên toàn thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc, theo Asia Times. Từ 2011 đến 2015, 93% lượng vũ khí của Việt Nam là do Nga cung cấp. Kể từ 2011, Việt Nam mua 129 hệ thống tên lửa và 36 máy bay cũng như 8 tàu hải quân của Nga.
Trong bối cảnh tranh chấp biển Đông tăng cao trong những năm qua, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 10 của thế giới, theo thống kê của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI). Dữ liệu của SIPRI cho thấy Việt Nam tiêu khoảng 5 tỷ USD trong 5 năm từ 2012-2016 để mua vũ khí.
Các chương trình hợp tác quốc phòng cụ thể giữa Việt Nam và Nga như : Nga bán tàu hộ vệ lớp Gepard, tàu ngầm lớp Kilo, xe tăng chiến đấu T-90S/SK, máy bay chiến đấu dòng Sukhoi… cho Việt Nam; Nga và Việt Nam hợp tác chế tạo tàu tên lửa; Nga giúp Việt Nam xây dựng căn cứ tàu ngầm và cơ sở hạ tầng hải quân hiện đại, giúp Việt Nam đào tạo cán bộ kỹ thuật… đều được báo chí Trung Quốc đưa tin.
********************
Việt Nam và Nga ký kế hoạch hợp tác quốc phòng đến 2020 (RFI, 05/04/2018)
Theo hãng thông tấn Tass, hôm 04/04/2018, hai bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và Nga đã ký kết kế hoạch phát triển hợp tác quốc phòng song phương cho đến năm 2020, nhân Hội nghị An ninh quốc tế Moskva lần thứ 7 tổ chức tại thủ đô nước Nga.
Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu (P) và đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch, Hà Nội, 23/01/2018. Reuters/Kham
Bên lề hội nghị, đại tướng Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đã hội đàm với đồng nhiệm Nga, đại tướng Serguei Shoigu và ký kết văn kiện về kế hoạch hợp tác 2018-2020.
Trang tin của bộ quốc phòng Nga cho biết Moskva cảm ơn Hà Nội đã cho phép tàu Nga vào cảng Cam Ranh, còn Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác về quân sự và kỹ thuật giữa hai nước.
Theo hãng Tass, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam hoan nghênh việc Moskva đưa tàu cứu hộ của Hạm đội Thái Bình Dương sang tham gia các cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn, và gởi đoàn chuyên gia đến thảo luận về vấn đề tàu ngầm.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng cảm ơn Nga đã nhận huấn luyện 176 quân nhân Việt Nam, khẳng định Hà Nội sẽ cử các đoàn đại biểu tham gia diễn đàn kỹ thuật quân sự mang tên "Quân đội 2018" và "Thế vận Quân đội 2018".
Thụy My
*******************
Việt Nam và Nga ký lộ trình hợp tác quân sự đến 2020 (RFA, 05/04/2018)
Lộ trình hợp tác quân sự song phương Nga-Việt giai đoạn 2018-2020 đã được ký kết trong ngày thứ Tư mùng 4 tháng 4 tại thủ đô Moscow của Nga sau cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu, và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch. Courtesy of Baomoi
Thông Tấn Xã Nga TASS loan tin cho biết trong buổi hội đàm, ông Ngô Xuân Lịch nói với người tương nhiệm của Nga rằng ông đánh giá cao đề xuất của Moscow về việc đưa một tàu cứu hộ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương sang Việt Nam tham gia tập trận chung về tìm kiếm và cứu hộ trên biển, và cử phái đoàn Nga đến Việt Nam để bàn dự thảo hiệp định về tìm kiếm tàu ngầm gặp nạn. Ông Ngô Xuân Lịch đã đề nghị ủy thác cho lực lượng hải quân hai nước thực hiện những công việc này.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành quốc phòng của Việt Nam còn thông báo sẽ cử ông Thứ trưởng Quốc phòng chuyên trách hợp tác kỹ thuật-quân sự với Nga sang tham dự Diễn đàn "Quân đội-2018". Ngoài ra, ông Lịch cũng cho biết Việt Nam sẽ cử ba đội sang tham gia các cuộc thi đấu trong khuôn khổ Diễn đàn "Thế vận hội quân đội -2018".
Về vấn đề đào tạo quân sự, ông Bộ Trưởng Quốc phòng Việt Nam đã cám ơn phía Nga về việc phân bổ 176 suất đào tạo chuyên viên quân sự cho Việt Nam tại Nga trong năm 2018. Ông Lịch cho biết đây là số lượng lớn nhất kể từ thời điểm khôi phục chế độ học bổng ưu đãi và không hoàn lại của chính phủ Moscow.