Tự động hóa thu phí BOT : Dư luận nói gì ? (RFA, 06/04/2018)
Vấn đề liên quan các trạm thu phí BOT tại Việt Nam, trong tháng 3 lại gây chú ý đối với dư luận trước thông tin Bộ Giao thông vận tải đang xem xét hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc thu phí BOT tự động, có thể chế tài xử phạt những chủ xe không dán thẻ hoặc không có tiền trong thẻ trả phí tự động BOT.
Trạm BOT cầu Đồng Nai là trạm đầu tiên thực hiện thu phí tự động. Courtesy : Citizen’s photo
Chế tài xử phạt
Vào trung tuần tháng 3, truyền trong nước đưa tin Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đến hết năm 2019, toàn bộ trạm BOT trên cả nước đều phải thu phí tự động.
Tại buổi họp về vấn đề thu phí tự động ở các trạm BOT, diễn ra trong ngày 16 tháng 3, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định đó là chủ trương lớn nhằm nâng cao tính minh bạch của thu phí đường bộ, tiết kiệm chi phí và giảm ùn tắc, tai nạn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong thời gian tới, các trạm áp dụng thu phí tự động, chỉ còn 1 làn thu phí dừng (thu phí tiền mặt) và đến năm 2019 việc thu phí sẽ hoàn toàn tự động. Ông Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh hiện tại vẫn có tình trạng cản trở do chủ đầu tư BOT không muốn thực hiện thu phí tự động, do đó đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019, nhà đầu tư BOT nào không hoàn thành lắp đặt thiết bị thu phí tự động thì sẽ không cho thu phí.
Một cựu kỷ sư làm việc nhiều năm trong Quân đội Nhân dân Việt Nam giải thích với RFA nguyên nhân vì sao chủ đầu tư BOT không muốn cách thức thu phí tự động :
"Nếu đưa tất cả vào tự động hóa thì trở thành minh bạch và người ta sẽ rất khó để làm gian dối trong đấy. Nói nôm na là làm thủ công thì có khi làm 10 đồng, lấy được 3 đồng mà gần như không ai biết. Nhưng nếu đưa vào tự động, thì nó thể hiện hết trên máy móc. Tôi nhớ trước đây, có một thời gian có một số lãnh vực lắp máy tự động thì người ta còn cố tình phá hư máy để làm theo thủ công".
Tại buổi họp của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào ngày 16 tháng 3, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, ông Tô Nam Toàn nói rằng thu phí tự động nhằm loại bỏ tình trạng trả bằng tiền lẻ để cố tình gây ùn tắc, gây rối tại trạm BOT.
Bộ Giao thông vận tải ra quyết định trong năm 2018, tổng cộng 2, 8 triệu ô tô phải được dán thẻ thu phí tự động. Vào hạ tuần tháng 3, Bộ Giao thông vận tải cho biết đang xem xét hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc thu phí BOT tự động, có thể chế tài xử phạt những chủ xe không dán thẻ hoặc không có tiền trong thẻ trả phí tự động BOT. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói với báo giới quốc nội rằng tiến độ dán thẻ thu phí tự động diễn ra rất chậm, chỉ có khoảng 500 ngàn xe hơi được dán thẻ và các ô tô nào chưa dán thẻ có thể bị phạt.
Dư luận phản đối
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận có nhiều phản đối trước thông tin vừa nêu. Một số chuyên gia pháp lý tại Việt Nam cho rằng, theo luật định hiện hành, việc ép buộc dán tem hay bắt nạp tiền vào thẻ là bất hợp lý. Báo Lao Động Online dẫn lời của Luật sư Bùi Đình Ứng, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội nói là Việt Nam chưa hề cấm thu tiền mặt và trong luật không hề quy định việc khi khách hàng sử dụng dịch vụ, mà trong thẻ không có tiền thì bị xử phạt vì vi phạm luật. Báo Lao Động Online cũng dẫn lời Luật sư Nguyễn Phương Tuyến, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải cùng Tổng cục Đường bộ cần xem xét lại các quyết định dựa trên khía cạnh pháp lý, chứ không chỉ đơn giản gây sức ép với chủ xe mà bỏ qua những quy định khác về pháp luật.
Chúng tôi tiếp xúc với một số chủ xe ở Việt Nam và được họ cho biết theo quy định mới của Bộ Giao thông vận tải khi đăng kiểm xe thì phải dán thẻ thu phí tự động qua trạm BOT. Tuy nhiên, họ cho rằng việc xử phạt nếu thẻ không có tiền là điều phi lý. Một chủ doanh nghiệp vận tải đường bộ, ở Sài Gòn lên tiếng với RFA :
"Tất cả xe nào đi kiểm định thì bên Kiểm định sẽ dán vào xe một cái logo và qua tài khoản trong cái thẻ mình mua thì sẽ trừ tiền dần trong thẻ khi qua trạm BOT. Dán cái logo xong, mà tiền trong tài khoản không có, thì cũng không thể phạt người ta được. Người ta đi qua trạm và trả tiền (tiền mặt), thì cũng là một cách thanh toán, chứ có gì đâu. Đó là giao dịch dân sự giữa chủ BOT với người dân, giao dịch dân sự với nhau mà".
Bên cạnh đó, không ít chủ xe và dân chúng bày tỏ bức xúc vì điều họ trông chờ Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải cần nhanh chóng công khai minh bạch về những khuất tất của các trạm BOT đặt sai vị trí hay thu phí không đúng quy định thì không tiến hành, mà theo họ Bộ Giao thông vận tải đang rốt ráo thực hiện cách thức ép buộc người dân trong lưu thông đường bộ khi qua trạm BOT.
Đài RFA liên lạc với một người dân ở Đồng Nai, đã cùng với khỏang 70 tài xế ký đơn thỉnh nguyện lên các cơ quan chức năng, yêu cầu thanh tra những sai phạm tại trạm BOT Biên Hòa trong cuối năm 2017 và được ông chia sẻ thông tin cập nhật mới nhất :
"Tôi đã liên lạc với Sở Giao thông vận tải và được cho biết một số điểm thực hiện được thì họ sẽ cố gắng thực hiện, còn những điểm thuộc quyền quản lý và trách nhiệm từ Bộ Giao thông vận tải thì họ sẽ trả lời sau. Trước mắt thì họ chưa thể trả lời ngay cái đơn kiến nghị của tôi cùng các anh em lái xe đã ký và gửi cho các cơ quan chức năng. Riêng về những lá đơn gửi đến Bộ trưởng, Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ, để yêu cầu thanh tra trạm thu phí BOT Biên Hòa thì cho đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm trả lời nào".
Vào ngày 30 tháng 3 vừa qua, 5 tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam cùng với gần một trăm cá nhân công khai một bản tuyên bố tố cáo đa số dự án BOT cầu đường có sự cấu kết bất minh giữa các nhà đầu tư và một số quan chức chính quyền địa phương với trung ương. Bản tuyên bố yêu cầu Nhà nước phải nhanh chóng thanh tra những bất cập của tất cả các dự án BOT, và phải dừng dự án cũng như khởi tố những ai vi phạm nếu phát hiện sai trái ; đồng thời cần khuyến khích người dân đấu tranh bất bạo động và hợp pháp khi thấy bất bình trước những sai phạm của các dự án BOT ở Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của RFA về chủ trương tự động hóa thu phí BOT của ngành giao thông vận tải, các tài xế và người dân mà chúng tôi trao đổi đều khẳng định một khi Chính phủ minh bạch thông tin các dự án BOT, từ khâu đấu thầu cho đến khâu vận hành, giá cả hợp lý đúng quy trình thì dân chúng tích cực ủng hộ vì sẽ tiện lợi hơn, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là họ không thể trả phí bằng tiền mặt mỗi lúc qua trạm BOT.
Hòa Ái
*********************
Tuyên Quang : Hơn 30 năm đi khiếu kiện chính quyền thành phố (VNTB, 07/04/2018)
Vốn là gia đình có công cách mạng, bà Nguyễn Thị Kim Oanh (trú tại phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) buồn bã chia sẻ với Việt Nam Thời Báo (VNTB) rằng ; chính quyền các cấp ở Tuyên Quyên đã đẩy gia đình bà vào thế khó khăn khi lấy đất của gia đình cấp cho người khác. Hành trình đi khiếu kiện của bà Oanh năm nay đã hơn 30 năm nhưng chưa biết khi nào kết thúc…
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, nhân vật bài viết. Ảnh : CHTV
Theo thông tin từ báo Pháp luật Việt Nam và những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Oanh thì VNTB được biết vào khoảng năm 1940, mẹ của bà Oanh là cụ bà Đỗ Thị Quỳ khai hoang 3 mảnh đất thuộc các thửa số 275, 55, 56 thuộc tờ bản đồ số 16-4B-II-d-2. Ngày 20/5/1987, Ủy ban thị xã Tuyên Quang lúc bấy giờ đã cấp Hồ sơ đất số 193/QĐ-UB cho cụ bà Quỳ sử dụng làm nhà ở đối với thửa đất 275, còn hai thửa số 55 và 56 thì lại cấp cho 4 người khác gồm : Đặng Như Hải, Đặng Như Hương và hai anh em Nguyễn Tiến Hải, Nguyễn Tiến Sơn.
Ngày 15/11/1991, cụ Quỳ và bà Oanh đến Ủy ban tỉnh Tuyên Quang nộp hồ sơ gốc thửa đất và sơ đồ vị trí thửa đất do cơ quan có thẩm quyền cấp để khiếu nại, yêu giải quyết việc lấn chiếm đất.
Năm 1992. Ủy ban thị xã Tuyên Quang nay là thành phố Tuyên Quang có Công văn số 71/CV-UB xác nhận đất thuộc quyền sử dụng của cụ Quỳ.
Mặc dù Ủy ban thị xã Tuyên Quang đã ra hai quyết định số 193/QĐ-UB ngày 28/6/1992 và số 249/QĐ-UB ngày 8/11/1992 để cưỡng chế, thu hồi đất của ông Hải và ông Sơn đã lấn chiếm để trả lại cho gia đình cụ Quỳ, tuy nhiên chính quyền thị xã Tuyên Quang lại không sớm thực hiện trả lại đất cho cụ bà Quỳ mà kéo dài thời gian cho đến ngày 13/03/2007 lại cấp Giấy chứng nhận số AI 118587 cho ông Nguyễn Tiến Long là cha của hai anh em Hải, Sơn. Năm 2008, ông Long lại tặng phần đất này lại cho Hải, Sơn và Ủy ban thị xã Tuyên Quang cấp Giấy chứng nhận số AK 857245.
Phát hiện hai Quyết định trên của Ủy ban thị xã Tuyên Quang là không đúng pháp luật nên bà Oanh quyết định làm đơn khởi kiện ra tòa để yêu cầu hủy Quyết định cấp Giấy chứng nhận số AI 118587 cho ông Long và Quyết định cấp Giấy chứng nhận số AK 857245 cho hai anh em ông Hải, ông Sơn.
Ngày 22/12/2015, Tòa án thành phố Tuyên Quang tuyên bản án hành chính sơ thẩm số 03/2015/HC-ST là chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Oanh, tuyên hủy hai quyết định trên của Ủy ban thành phố Tuyên Quang.
Không đồng tình với bản án sơ thẩm, ông Nguyễn Tiến Hải làm đơn kháng cáo. Ngày 23/6/2016, Tòa án tỉnh Tuyên Quang mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án hành chính đã tuyên bác kháng cáo của ông Hải, giữa nguyên bản án sơ thẩm của của Tòa án thành phố Tuyên Quang.
"Nguồn gốc đất của gia đình tôi có giấy quyền sử dụng đất, khi bị các hộ đến lấn chiếm thì Ủy ban họ nói mẹ tôi đem giấy tờ đất gốc lên nộp cho họ để giải quyết tranh chấp. Khi đem giấy tờ lên nộp thì có giấy tờ biên bản chứng nhận hẳn hoi, gia đình tôi là gia đình chính sách, mẹ tôi là mẹ của liệt sĩ, thương binh. Xong. Họ không trả. Bọn cấp dưới làm hồ sơ giả cướp đất luôn…".
Theo bà Oanh, 4 người tranh chấp đất của gia đình bà với diện tích từng người là : 39m2, 56m2, 27,4m2 và hơn 50m2… bà Oanh đã thắng kiện hai ông Nguyễn Tiến Hải, Nguyễn Tiến Sơn khi Tòa án đã tuyên hai ông này phải trả lại đất đã chiếm đoạt cho gia đình bà Oanh.
Còn hai người Đặng Như Hải và Đặng Như Hương, bà Oanh cũng chia sẻ với VNTB đây là hai chị em. Bà Hải hiện đang sinh sống ở phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang và bà Hương hiện đang sinh sống tại nước Cộng hòa Séc. Bà Oanh cho biết, Ủy ban thành phố Tuyên Quang đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Hải và bà Hương trên cơ sở lấy đất của gia đình bà Oanh. Trong khi đó, bà Hải và bà Hương xác định với chính quyền các cấp là diện tích đất tranh chấp mua lại đất của bà Đặng Thị Hạnh mà bà Hạnh này lại nói mình mua điện tích đất của bà Nguyễn Thị Thu ở phường Tân Quang (thành phố Tuyên Quang).
Công an thành phố Tuyên Quang vào cuộc xác minh lý lịch bà Thu thì kết quả là khoảng những năm 1979-1980 không có ai tên là Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1922, cư trú tại phường Tân Quang. Vậy cơ sở nào để Ủy ban thành phố Tuyên Quang cấp quyền sử dụng đất cho hai bà Hải và Hương ? Có chăng đây là một quyết định cấp đất cho một "người ảo"để hợp thức hóa hồ sơ việc lấy đất của gia đình bà Oanh ?
Bà Oanh làm đơn khởi kiện Ủy ban thành phố Tuyên Quang để yêu cầu hủy Giấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai bà Hải và Hương. Tuy nhiên, qua hai cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên bác đơn khởi kiện của bà Oanh.
"4 hộ gia đình chung nhau một bộ hồ sơ giả nhưng tôi đã thắng kiện 2 hộ còn 1 người thì tôi thua. 4 hộ chung nhau một bộ hồ sơ giả, tức là một người ảo bán đất, người này không có thật, không có người nào tên như vậy cả. Thế nhưng ngoài giấy tờ đất của gia đình tôi bị Ủy ban tỉnh giấu đi chưa trả, gia đình tôi được mấy lần đền bù thì nguyên cái việc đền bù chứng minh gia đình tôi đúng. Họ đền bù mới một ít, phần còn lại mấy trăm mét đất của gia đình tôi vẫn còn đang bị lấn chiếm".
"4 hộ gia đình chung nhau một bộ hồ sơ giả, 2 lần tôi thắng kiện còn một hộ chung nhau với 2 hộ kia đã bị hủy hồ sơ nhưng chính quyền lại không hủy, tất cả là 4 phiên tòa, 2 phiên tôi thắng và 2 phiên tòa bác đơn của tôi, 11 lần cưỡng chế tài sản của gia đình tôi".
Hiện tại bà Oanh mới đòi được 157m2 đất, phần còn hiện bà Oanh đã đệ đơn khiếu kiện lên Tòa án cấp cao tại Hà Nội. Hành trình hơn 30 năm đi khiếu kiện đất đai là khoảng thời gian đầy gian nan đối với bà Oanh.
"Bắt đầu tôi đi khiếu kiện từ năm 1982, 36 năm đi khiếu kiện, tôi chỉ gặp khó khăn chính là chính quyền nhận đơn nhưng nhiều lần không trả lời".
"Nói chung vụ việc của gia đình tôi rất là bức xúc, 36 năm tôi đi khiếu kiện, hồ sơ giả ấy bây giờ Bộ công an giám định rồi, công an tỉnh Tuyên Quang giám định rồi nhưng Tòa vẫn chưa phớt lờ, thấy không đúng pháp luật".
Trong hành trình gian nan ấy, cũng có những thành công nhất định dành cho bà Oanh.
"Tôi kiện Chủ tịch phường Tân Quang bà Nguyễn Thị Hồng Vân bị kỷ luật rồi, không biết có bị mất chức hay không chứ còn ông Bí thư phường này thì đã bị mất chức rồi".
Trước khi kết thúc cuộc chia sẻ với VNTB, bà Oanh nghẹn ngào thổ lộ về hoàn cảnh gia đình. Bà là cháu ngoại của ông địa chủ Đỗ Viết Ngạch, cụ bà Quỳ mẹ của bà Oanh là con gái lớn cảu ông Ngạch. Những năm kháng chiến chống Pháp, nhà của ông Ngạch là nơi Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và những lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam thường hay lui tới, tá túc. Tuyên Quang có địa danh Tân Trào là thủ đô của Chính phủ lâm thời thời tiền tổng khởi nghĩa. Bản thân bà Oanh có hai người em hy sinh trong kháng chiến đến nay vẫn chưa tìm thấy tro cốt, chính quyền Tuyên Quang cũng chưa đưa danh sách hai người em của bà Oanh vào nghĩa trang của liệt sĩ. Một gia đình đầy truyền thống cách mạng nhưng lại gặp phải thảm cảnh quá bạc.
Minh Hải
***************
Việt Nam : Vì sao chính sách bảo hộ nông nghiệp thất bại ? (VNTB, 07/04/2018)
Ở Thái Lan có viện nông nghiệp hoàng gia. Viện này do nhà vua Bhumibol Adulyadej lúc còn sống lập nên. Xuất thân là một người có kiến thức về nông nghiệp trong thời gian ở Thụy Sĩ, tốt nghiệp trường lớn ở Thụy Sĩ, khi về nhà vua Bhumibol Adulyadej đã tổ chức viện này như một viện nghiên cứu kiêm luôn một quỹ bảo hiểm : nếu không tìm được cách chữa dịch bệnh cho cây lúa hay không chữa được một bệnh cho lợn nuôi thì viện này phải bỏ tiền túi đền cho nông dân.
Hình minh họa.
Đây là một ví dụ về chính sách bảo hộ nông nghiệp, một cách có tổ chức. Thái Lan lấy uy tín của hoàng gia ra để bảo đảm. Ở những quốc gia chú trọng nông nghiệp, chính phủ (hay hoàng gia trong trường hợp Thái Lan) thường có chính sách như thế để người nông dân (và các trang trại) yên tâm nuôi trồng và sản xuất. Một sự đảm bảo chắc chắn từ chính phủ sẽ làm cho người nông dân yên tâm gắn bó với nghề mà không cần phải sử dụng một thủ đoạn nào như nông dân ở các nước không có bảo hộ nông nghiệp vẫn làm.
Tại Campuchia, đất nông nghiệp được bảo hộ với luật định rằng mỗi năm một ruộng đất chỉ được trồng một vụ, không được trồng xen canh. Và tuyệt đối là, không được phun thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học xuống ruộng. Nhà nước sẽ thu mua với giá thị trường như trên thế giới. Vì sao chính sách này áp dụng được ở Campuchia mà không áp dụng được ở Việt Nam ? Đó là vì người nông dân Khmer nhận được đủ mọi ưu đãi về sản phẩm nông nghiệp, cho nên có hi sinh một chút về số lượng vụ mùa trên ruộng của mình thì họ cũng không đói kém. Còn tại Việt Nam, do bị kìm kẹp về giá cả và quyền tự do xuất cảng nông phẩm (bởi chính phủ) , cho nên nông dân mạnh ai nấy làm. Ai nấy lo trồng nhiều vụ trên một diện tích ruộng, ai nấy lo phun thuốc trừ sâu..., bởi nếu không làm như vậy thì nếu lỡ vụ mùa mất họ sẽ lấy gì để sống ?
Điều kiện sống của người nông dân Campuchia vẫn sung sướng hơn so với người nông dân Trung Quốc và Việt Nam, tuy cùng là chế độ cộng sản. Người ta nói bần cùng sinh đạo tặc, khi bị dồn đến chân tường thì người ta mọi cách giãy giụa. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, người nông dân không được chính phủ Bắc Kinh bảo hộ nông nghiệp, cho nên đã tiêm kháng sinh và thuốc trừ sâu cùng chất bảo quản rất nhiều lên rau quả. (Ngày nay nghe đến rau quả Trung Quốc thì Đông Nam Á ai cũng sợ không dám ăn). Tình cảnh tương tự cũng xảy ra ở Việt Nam, nơi kênh truyền hình quốc gia VTV cũng thú nhận là hầu như người nông dân nào cũng sử dụng phân bón hóa học. Quan sát kỹ sẽ thấy, vấn đề là Campuchia không áp dụng hình thức hợp tác xã mà Trung Quốc và Việt Nam áp dụng.
Bề ngoài, hợp tác xã (ví dụ như ở Việt Nam) vẫn như một tập hợp của các nông dân. Thế nhưng thay vì tạo ra những chính sách bảo đảm lâu dài cho nông dân (trong một địa phương nhỏ) thì hợp tác xã lại chú tâm vào việc thực hiện ý chí của ban ngành áp lực xuống, như là nuôi con gì, trồng cây gì. Việc ép nông dân trên một cánh đồng phải nuôi con gì và trồng cây gì bên ngoài là tự nguyện và có vẻ như một chính sách bảo hộ nông nghiệp (khi nông dân được mua giống cây với giá ưu đãi), nhưng hợp tác xã không chịu trách nhiệm về đầu ra của sản phẩm. Ở một khía cạnh khác, chính sách "bảo hộ nông nghiệp" này bóp chết tự do khoa học và năng lực sáng tạo của người nông dân trên danh nghĩa đạo đức.
Có những vùng (cụ thể như xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), một số hộ dân trồng giống lúa khác với giống lúa do hợp tác xã giới thiệu thì chính quyền sai người đến để bắt dân nhổ mạ lên đi, không cho trồng. Cũng giống lúa đó lúc thu hoạch mất mùa sạch sẽ, thì hợp tác xã, kể cả chính quyền đều làm thinh, không đền bù cho nông dân thành viên. Cũng vậy, thú y xã và thú y huyện ở Việt Nam không bao giờ đền tiền cho nông dân nếu sau khi tiêm thuốc xong trâu bò của nông dân lăn ra chết. Hợp tác xã nhận lương ngân sách để bảo hộ nông nghiệp, nhưng đã không hoàn thành sứ mệnh. Đã thế lại còn xúi dân làm nhiều vụ, lại thêm xen canh, lại thêm sử dụng thuốc hóa học cho cây trồng. Nghĩa là, chính sách bảo hộ nông nghiệp không dám đền tiền như Thái Lan và cũng không được thân thiện với môi trường như Campuchia.
Trở lại so sánh với câu chuyện của Thái Lan và Campuchia, suy cho cùng thì tại sao cũng cùng một vùng khí hậu và điều kiện mà chính sách bảo hộ nông nghiệp của hai nước kia thì thành công, còn của Việt Nam thì thất bại ? Đó có thể không phải là do nguyên nhân kỹ thuật (có hay không có hợp tác xã cồng kềnh). Đó là do tinh thần dám chịu trách nhiệm do những việc mình làm của quan chức Việt Nam nằm ở dưới đáy của nhân loại. Cán bộ nông nghiệp của Campuchia và Thái Lan có danh dự của hoàng gia hai nước này đảm bảo, nên buộc phải trung thực và tận tình. Còn cán bộ của Việt Nam có thể dửng dưng vô thưởng vô phạt với nghề nghiệp, vì danh dự của Đảng họ ghi tên là của tất cả, nhưng cũng chẳng của riêng nhà nào.
Kiều Phong