Hải quan buôn lậu xăng dầu, cảnh sát bảo kê cờ bạc (CaliToday, 09/04/2018)
Viện kiểm sát nhân dân Tối cao của chính quyền cộng sản Việt Nam vừa hoàn tất cáo trạng đối với 12 nghi can trong vụ "buôn lậu", "đưa và nhận hối lộ". Theo kết luận của Viện kiểm sát, 12 nghi can này dính líu đến vụ buôn lậu xăng dầu trên 2.000 tỷ đồng của Công ty Dương Đông Hòa Phú có sự tiếp tay của rất nhiều cán bộ hải quan của Chi cục Hải quan tỉnh Bình Thuận.
Kho xăng dầu của công ty Dương Đông Hòa Phú. Ảnh : Tuổi Trẻ
Vụ án sẽ được xét xử tại tỉnh Bình Thuận vì đã xảy ra trên địa bàn tỉnh này. Đây là vụ buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay với hơn cả tẳm ngàn tấn dầu và số tiền hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, vào tháng 1/2016, do đã có tin báo từ trước nên Bộ Công an đã cho thành lập phái đoàn kiểm tra liên ngành, đứng đầu là C46 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng) đột xuất kiểm tra chiếc tàu BTS Christina, của Công ty BTS Tankers (Singapore) do Romels Pagente Aleria (quốc tịch Philipines) làm thuyền trưởng đang bơm xăng lên bồn chứa của Công ty Dương Đông Hòa Phú tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Qua kiểm tra, phái đoàn đã phát hiện tàu khai báo hải quan nhập về hơn 1.800 tấn xăng nhưng thực tế lại chở đến 9.300 tấn. Như vậy là đã buôn lậu hơn 7.200 tấn xăng. Từ đó, C46 cho mở rộng điều tra và phát hiện rất nhiều sai phạm liên quan đến việc buôn lậu xăng dầu của Công ty Dương Đông Hòa Phú.
Điều đáng nói hơn, việc buôn lậu của Công ty Dương Đông Hòa Phú sẽ không thể nào được trót lọt nếu không có sự tiếp tay của cán bộ hải quan tỉnh Bình Thuận.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết cơ quan này đã ra quyết định truy tố đối với Đinh Hữu Thùy, người có trách nhiệm trong việc kiểm hóa, giám sát hàng nhập khẩu Công ty Dương Đông Hòa Phú về hành vi "nhận hối lộ" và đồng nghiệp của Thùy là ông Lê Văn Vinh về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Sau một thời gian làm việc với công an, Thùy đã khai nhận rằng, cứ mỗi lần đi kiểm hàng, Thùy sẽ được nhân viên của Công ty Dương Đông Hòa Phú đút phong bì 12 triệu để không hoạch họe về số xăng buôn lậu. Số tiền này Thùy không hưởng hết mà chỉ giữ cho mình 3 triệu, 3 triệu kia đưa cho Lê Văn Vinh, 6 triệu còn lại đưa cho đội nghiệp vụ của Chi cục Hải quan Bình Thuận.
Cứ như vậy, tổng số xăng dầu được buôn lậu trót lọt vào Việt Nam lên đến hàng trăm ngàn tấn, với số tiền lên đến 2.000 tỷ đồng nhờ sự trợ giúp của rất nhiều cán bộ hải quan Bình Thuận. Với trách nhiệm là người đứng đầu, nhưng ông Võ Văn Toàn, chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bình Thuận, Tạ Hùng Dũng, chi cục phó và Lưu Trọng Vũ, đội trưởng nghiệp vụ chỉ bị công an cho là thiếu giám sát cấp dưới nhưng không xác định được có bao che cho việc buôn lậu hay không. Với số lượng xăng dầu kể trên, chắc chắn với những cấp dưới như Đinh Hữu Thùy và Lê Văn Vinh không có tiếng nói quyết định, mà phải là những người như Chi cục trưởng hoặc Chi cục phó mới có thể ăn chia với Công ty Dương Đông Hòa Phú.
Trong khi hải quan tiếp tay với buôn lậu thì công an lại bảo kê cho tội phạm. Mới đây, công an tỉnh Phú Thọ đã cho khởi tố, bắt giam khoảng hơn 84 nghi can liên quan đến đường dây cờ bạc xuyên quốc gia, lừa đảo và rửa tiền. Đáng chú ý, trong số này có cả trung tướng công an Phan Văn Vĩnh, người từng là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ; thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an. Ngoài hai người này còn có rất nhiều công an khác cũng bị xộ khám và khởi tố với tội danh trên.
Một bữa ăn của bảo kê với tội phạm. Từ trái sang : Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Văn Dương. Ảnh : Tuổi Trẻ
Theo công an tỉnh Phú Thọ, cả hai tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đều là những kẻ bảo kê để ăn chia với đường dây cờ bạc của Nguyễn Văn Dương (con rễ bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị) và Phan Sào Nam tổ chức. Số tiền các con bạc tham gia vào đường dây này lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Nhìn sơ qua cũng đủ thấy chế độ Cộng sản ở Việt Nam tan nát biết chừng nào. Hải quan thì chăm chú buôn lậu, công an thay vì bắt tội phạm thì lại bảo kê. Trong khi quân đội không lo bảo vệ chủ quyền, lãnh hải quốc gia mà lại hô hào ngư dân bám biển để bảo vệ chủ quyền, còn họ thì đi làm kinh tế.
Người Quan Sát
********************
Giải quyết tin về nạn chung tiền cho Hải quan ở Hải Phòng (RFA, 09/04/2018)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo xác minh và xử lý tiêu cực tại Hải quan Hải Phòng
Cán bộ Chi cục hải quan Cửa khẩu cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng "dính" nghi án nhận tiền "bôi trơn" của doanh nghiệp Vietnamnet
Văn phòng Chính phủ dẫn chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực chính phủ Trương Hòa Bình vừa phát đi thông báo yêu cầu xác minh và xử lý nghiêm minh cán bộ Hải quan Hải Phòng có hành vi tiêu cực và báo cáo kết quả lên Thủ tướng chính phủ trước ngày 25/4/2018. Trang tin điện tử Chính phủ loan tin này hôm 9/4.
Thông báo trên được đưa ra ngay sau khi báo Lao Động có bài viết "Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa-nhận tại Hải quan Hải Phòng" phản ánh tình trạng người dân, doanh nghiệp phải chi tiền để "bôi trơn" cho các bộ hải quan khi đến làm thủ tục thông quan hàng hoá xuất, nhập khẩu tại Chi cục hải quan Cửa khẩu cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng.
Tổng cục Hải quan Việt Nam ngay lập tức cũng đã yêu cầu Cục Hải quan thành phố Hải Phòng tạm đình chỉ ngay các cán bộ công chức hải quan có liên quan đồng thời làm rõ, xử lý, kỷ luật tập thể, cá nhân nếu có sai phạm.
Lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng và Phòng Thanh tra-Kiểm tra cũng được yêu cầu trực tiếp xuống Chi cục Hải quan Đình Vũ để kiểm tra, xác minh đồng thời tạm đình chỉ công tác các công chức có hình ảnh đăng tải trên báo để giai trình và xem xét xử lý.
******************
Hơn 6 ngàn phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan năm 2017 (VOA, 09/04/2018)
Bộ Nội vụ Đài Loan vừa cho biết có 6.075 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan trong năm 2017, theo trang The Standard của Hồng Kông.
Một phụ nữ Việt kết hôn với người Đài Loan.
Theo số liệu của Bộ này, trong năm 2017, người Đài Loan kết hôn với nhiều phụ nữ Đông Nam Á, chiếm 40% số vụ, trong đó nhiều nhất là Việt Nam - 6.076 người, Nhật - 952 người, và Indonesia - 807 người.
Trong khi đó, theo nhận định của Bộ Nội vụ Đài Loan, số vụ kết hôn giữa người Đài Loan và người Hoa lục trong năm 2017 đã giảm đi 1.039 vụ.
Cũng theo Bộ Nội vụ Đài Loan, năm 2017 có 21.097 người Đài Loan kết hôn với người nước ngoài, chiếm hơn 15% trong tổng số hơn 138.000 vụ kết hôn ở Đài Loan.
Năm ngoái, tờ Taiwan News cho hay số phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Đài Loan tiếp tục tăng, mỗi năm khoảng 2.000 người, chiếm gần 63% tổng số cô dâu ngoại quốc ở hòn đảo này.
Theo các số liệu được công bố vào tháng 8/2017, số phụ nữ Việt Nam ở Đài Loan là hơn 98.000 người, chiếm 62.9% tổng số cô dâu ngoại quốc ở đây.
Chỉ tính riêng trong 10 năm trở lại đây, có hơn 20.000 phụ nữ Việt kết hôn ở Đài Loan.
******************
Người Việt bị từ chối phục vụ ở 'phố Tàu, nước Nga' giữa Nha Trang (Zing, 09/04/2018)
Biển hiệu toàn tiếng Nga, Trung ; nhiều cửa hàng từ chối bán cho người Việt,... nhiều người Nha Trang cảm thấy buồn, lạc lõng ở thành phố.
Một văn phòng du lịch không bán tour cho người Việt, chỉ bán cho người Nga. Ảnh : Ngân Giang.
Biển hiệu toàn tiếng Nga - Trung dày đặc ở Nha Trang khiến du khách đến đây giật mình vì tưởng như đang ở một xứ lạ nào đó. Không riêng khách tham quan không tìm thấy chút bản sắc Việt Nam nào tại thành phố biển này, nhiều người dân Nha Trang cũng đang có cảm giác lạc lõng.
Chỉ tiếp khách Trung Quốc, Nga
Trong vai khách du lịch, Zing.vn bước vào một số cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ trên phố Nguyễn Thiện Thuật. Ban đầu, tưởng chúng tôi là khách Trung Quốc, 2 nhân viên bán hàng thoải mái tiếp đón. Tuy nhiên, đến khi họ nhận ra đây là người Việt, thái độ của họ thay đổi hẳn.
- Chiếc vòng này bán bao nhiêu tiền ?, chúng tôi hỏi.
- Vài trăm nghìn, nhân viên cửa hàng đáp gọn lỏn.
- Những dòng chữ tiếng Trung này nghĩa là gì ? Sao không ghi tiếng Việt cho dễ hiểu ?
- Cửa hàng chủ yếu bán cho khách Trung, nên ghi tiếng Trung !
- Cửa hàng này không bán cho người Việt sao ?
- Người Việt vào đây thường không mua mà chỉ xem, nên tụi em không tiếp luôn từ đầu !
Đi thêm vài bước, phóng viên vào một văn phòng du lịch. Tất cả dịch vụ tại đây đều ghi bằng tiếng Nga. Nhân viên bán tour cũng là người Nga.
"Nơi này chỉ bán tour cho người Nga. Người Nga không muốn đi chung với người Việt", nhân viên cửa hàng từ chối khéo khi chúng tôi hỏi về các điểm đến du lịch.
Ma trận tiếng nước ngoài trong hẻm 120 Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh : An Bình.
Cũng trên con phố Nguyễn Thiện Thuật này, phóng viên nhận được sự tiếp đón lãnh đạm của 2 nhân viên cửa hàng chăn ga gối đệm - nơi có biển hiệu dày đặc tiếng Trung.
"Người Việt đến đây mua ga gối làm gì", một trong 2 cô gái bán hàng nói với theo khi khách hàng vừa bước chân ra khỏi cửa.
Tình trạng tương tự xảy ra ở cửa hàng bán đồ da, cửa hàng bán ngọc trai, và một khách sạn. "Khách sạn này chỉ tiếp khách Trung Quốc", nhân viên lễ tân lịch sự tiễn khách và giới thiệu tới một số nơi nghỉ khác có tiếp khách Việt.
Nhiều khách sạn trong con hẻm 120 Nguyễn Thiện Thuật, nơi nổi tiếng với nhiều homestay, nhà nghỉ theo phong cách địa phương, cũng từ chối khách hàng Việt.
"Dịch vụ của tôi chỉ phục vụ người nước ngoài, không tiếp người Việt nên không cần thiết phải ghi tiếng Việt", bà chủ một homestay trả lời khi được hỏi.
'Sống ở Nha Trang nhiều lúc nghĩ cũng buồn'
Khoảng 3 năm trở lại đây, khách Trung Quốc đến Nha Trang tăng đột biến. Dễ dàng nhận ra lượng khách du lịch Trung Quốc đông nghịt ở các trung tâm mua sắm, khu vui chơi. Nói chuyện với một vài du khách trẻ, họ cho biết phần nhiều người đến Nha Trang đều ở Vân Nam, Tứ Xuyên.
Từ các thành phố này muốn tắm biển thì đến Nha Trang là gần nhất so với đi các nơi khác của Trung Quốc. Ngoài ra, hải sản của Việt Nam tươi ngon, giá thành rẻ hơn nhiều so với tôm, cua đông lạnh ở nước họ.
Một cửa hàng bán đồ trang sức với bảng hiệu dày đặc tiếng Trung. Nhân viên nơi này thờ ơ khi thấy khách vào là người Việt Nam. Ảnh : Ngân Giang.
Tại bãi biển, quảng trường Trầm Hương, các địa điểm du lịch,... lúc nào cũng có bóng dáng khách du lịch Trung Quốc. Ở những nơi thờ tự tôn nghiêm, cần yên tĩnh và ăn mặc kín đáo như chùa Long Sơn, khách Trung tới đây vẫn cười nói rổn rảng, chen lấn, ăn mặc không phù hợp.
"Ngoài giờ làm việc, tôi chỉ muốn trốn trong nhà. Đường phố, bãi biển toàn người Trung Quốc. Các trung tâm thương mại, quán cà phê, hàng ăn cũng toàn tiếng Hoa. Họ rất ồn ào, vứt rác bừa bãi, chen lấn gây mất trật tự", chị Trần Mỹ Hà (trú đường Đinh Liệt, phường Phước Long) thở dài.
Người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Nha Trang này nói thêm, người Việt Nam ra đường, nếu không chú ý, sẽ được chào bằng tiếng Trung Quốc.
Chị Hoa, bán hàng trên đường Võ Thị Sáu cho biết khoảng 2 năm nay, thành phố đã vãn khách Nga, do họ chuyển hướng tới Mũi Né, Phan Thiết. Phần lớn khách Trung Quốc tới đây chỉ lưu lại 2-3 ngày, nhưng "họ đến và đi nhưng một con lốc, mang theo đầy rác".
"Lắm lúc mình bước vào cửa hàng mà bị nhân viên coi như không tồn tại mà chỉ vồ vập khách Trung Quốc", cô Hoa kể lại.
Ông Nguyễn Thái Hòa (sinh năm 1964, ngụ xã Phước Đồng) thì chọn cách "không đến khu trung tâm" là xong, vì "bãi biển, khu trung tâm thành phố toàn tiếng nước ngoài, nghe chẳng hiểu gì, lại ồn ào, chỉ thêm bực mình".
Người cha có 2 con trai đều làm việc tại Sài Gòn cho biết các con muốn đón bố mẹ vào ở cùng để tiện chăm sóc, nhưng hai vợ chồng ông từ chối vì không muốn rời xa thành phố biển đã quá gắn bó này.
"Nhưng nhiều lúc nghĩ cũng buồn, chỗ mình ở mà có những nơi không tiếp người Việt, biển hiệu thì tiếng Tây Ta lẫn lộn, ra đường thỉnh thoảng còn bị nhầm là người Trung Quốc", ông Hòa chép miệng.
Sau bài "Đến Nha Trang mà ngỡ như đang ở phố Tàu, nước Nga" trên Zing.vn, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, tỏ ra bất ngờ trước tình trạng thành phố này ngập biển hiệu tiếng nước ngoài. "Tôi đã trực tiếp xem thông tin Zing.vn đăng tải. Tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy, vì thành phố kiểm tra liên tục. Báo nêu làm tôi cũng sốt ruột.."., ông Khánh nói.
Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch vừa ra văn bản gửi Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Khánh Hòa, chỉ đạo thanh tra sở tiến hành kiểm tra, xử lý các biển hiệu vi phạm quy định của luật Quảng cáo, báo cáo về trước ngày 10/4.
Ngân Giang
***********************
Tượng con giáp khỏa thân ở Việt Nam lên báo nước ngoài (VOA, 08/04/2018)
Nhiều trang tin nước ngoài hôm 8/4 đã đăng lại bài viết của hãng Reuters về tượng các con giáp khỏa thân ở một khu du lịch ở Hải Phòng, vốn gây tranh cãi nhiều ngày qua và buộc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch phải vào cuộc.
Tranh luận trên mạng xã hội đã khiến ban quản lý khu du lịch Hòn Dấu ở thành phố Hải Phòng buộc phải sử dụng lá cây, chùm nho giả và vải che những bộ phận bị coi là "nhạy cảm" của tượng 12 con giáp khỏa thân.
Reuters hôm 6/4 dẫn lời ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc của Công ty Cổ phần Hòn Dấu, nói rằng "thực ra chúng tôi không muốn che tượng vì đó là tác phẩm nghệ thuật, nhưng chúng tôi muốn cho thấy rằng chúng tôi lắng nghe".
Theo quan sát của VOA tiếng Việt, trong phần giới thiệu trên trang web, công ty này viết rằng "vườn tượng điêu khắc quốc tế là nơi tập trung các tác phẩm điêu khắc của các điêu khắc gia nổi tiếng".
"Du khách có thể tham quan và tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật đến từ khắp nơi trên thế giới, dưới bàn tay tài năng, uyên bác. Vườn tượng là điểm trưng bày quy mô nhất, là nơi diễn ra các cuộc thi trong và ngoài nước về điêu khắc", đoạn giới thiệu có đoạn.
Ông Thành cho Reuters biết rằng công ty không có kế hoạch loại bỏ các bức tượng, và nay chúng đã được đặt trong khu vực tham quan dành cho khách từ 18 tuổi trở lên.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Vương Duy Biên hôm 3/4 đã ký văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc "tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng trưng bày tượng, biểu tượng và công trình mỹ thuật ngoài trời.
Trang web của Bộ này dẫn lại văn bản đề cập tới việc "xây dựng, trưng bày các biểu tượng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam tại một số cơ quan, đơn vị, khu du lịch và địa điểm công cộng, tác động không tốt đến môi trường văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng và xã hội".
Tuy không nhắc tới Hòn Dấu, nhưng cổng thông tin của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đăng hình ảnh các con giáp khỏa thân gây tranh cãi của khu du lịch ở Hải Phòng.
Bộ này cũng yêu cầu "tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng trưng bày tượng, biểu tượng và công trình mỹ thuật ngoài trời đúng quy định của pháp luật, phù hợp với văn hóa Việt Nam".