Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/04/2018

Ngọn lửa Đồng Tâm chưa tắt với thời gian

Tổng hợp

Dân Đồng Tâm kỷ niệm một năm biến cố 15/4 (RFA, 16/04/2018)

Hôm qua, nhằm đánh dấu một năm biến cố Đồng Tâm, hàng trăm dân làng đã tổ chức buổi kỷ niệm, điểm lại những nét chính trong toàn bộ quá trình "vừa gìn giữ người, vừa bảo vệ đất" cũng như thảo luận những diễn biến tiếp theo. 

dongtam1

Cụ Lê Đình Kình đã trở nên tàn phế ở tuổi 83 với chiếc nẹp kim loại dài 27 phân trong xương đùi

Dân làng Đồng Tâm cho biết trong suốt vài tuần qua đại diện chính quyền Hà Nội đã nhiều lần tiếp cận các thành viên của Tổ Đồng Thuận mà đứng đầu là cụ Kình, vừa khuyên nhủ vừa răn đe nhằm ngăn cản buổi kỷ niệm diễn ra. 

Tuy nhiên, quan điểm của cụ Kình cũng như toàn thể Tổ Đồng Thuận là rất rõ ràng. Buổi lễ kỷ niệm hoàn toàn không phải là để "liên hoan ăn mừng" như cách hiểu của chính quyền Hà Nội, bởi lẽ đối với dân làng Đồng Tâm, 15/4/2017 là một ngày bi thương khi họ bất đắc dĩ phải phản kháng lại lực lượng cưỡng chế hàng trăm người được trang bị kỹ càng. 

Cụ Kình còn cho biết thêm, cá nhân cụ, nghiêm trọng hơn, đã trở nên tàn phế ở tuổi 83 với chiếc nẹp kim loại dài 27 phân trong xương đùi, cũng chính trong ngày bi thương ấy, thì sao có thể lấy làm vui mừng cho được ?

Đuối lý trước sự quyết liệt của cụ Kình và Tổ Đồng Thuận, cuối cùng, chính quyền Hà Nội đã phải để cho buổi kỷ niệm được diễn ra theo kế hoạch của dân làng. 

Trong buổi kỷ niệm được phát trực tiếp trên Facebook, đại diện dân làng tiếp tục nhấn mạnh vào hai kiến nghị chính. Một là, UBND Hà Nội cần phải có quyết định chính thức về tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, phù hợp với động thái trên thực địa của quân đội (đã đào hào xây tường phân định ranh giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp Đồng Tâm) để bà con yên tâm canh tác sản xuất. Hai là sớm đình chỉ điều tra đối với vụ án "bắt giữ người trái phép" được khởi tố ngày 13/6/2017 để dân làng không còn hoang mang về tình trạng pháp lý của mình thêm nữa. 

Không sớm có những hành động dứt khoát theo hướng an dân, chính quyền Hà Nội chắc chắn sẽ chỉ mua thêm những rắc rối cho mình, một khi vấn đề Đồng Tâm vẫn âm ỉ kéo dài. 

Nguyễn Anh Tuấn

*****************

Công an bao vây buổi lễ kỷ niệm 1 năm khủng hoảng Đồng Tâm (RFA, 16/04/2018)

Hàng ngàn người dân xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 15 tháng 4 tổ chức buổi lễ kỷ niệm 1 năm ngày xảy ra biến cố mâu thuẫn đất đai giữa người dân và chính quyền địa phương, bất chấp việc chính quyền trước đó đã tìm đủ mọi cách cản trở buổi lễ.

dongtam2

Một góc khung cảnh buổi lễ kỷ niệm 1 năm khủng hoảng đất đai Đồng Tâm. Ảnh chụp màn hình video trên Facebook.

Người dân địa phương cho RFA biết có khoảng 2 ngàn người dân từ các thôn xóm khác nhau đã tới tham dự. Buổi lễ có sự tham gia của cụ Lê Đình Kình, một trong bốn người năm ngoái bị bắt giữ liên quan đến vụ tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm. Ngoài ra còn có bà Nguyễn Thị Lan, cựu Bí thư kiêm Chủ tịch xã Đồng Tâm. Bà Lan được nói bị bãi nhiệm vì đứng lên bảo vệ người dân khi mâu thuẫn xảy ra.

Vào chiều tối ngày 16 tháng 4, cụ Lê Đình Kình cho RFA biết chính quyền đã làm nhiều biện pháp để ngăn cản buổi lễ nhưng đều thất bại :

"Những khu vực họ tưởng mình dự kiến làm là họ tổ chức suốt các hoạt động khép kín từ hôm mùng 10 đến chiều hôm 15. Thí dụ, nhà văn hóa thôn Hoành là nơi giữ 38 cán bộ cảnh sát, là họ cho hoạt động từ mùng 10. Phụ nữ họp, rồi thanh niên họp, rồi họ san sửa lát gạch lại, cho đông y về khám bệnh cấp thuốc miễn phí".

Cũng theo lời cụ Kình, mặc dù chính quyền tìm cách cản trở như vậy nhưng buổi lễ vẫn diễn ra thành công bởi vì ban tổ chức giấu kín thông tin về địa điểm tổ chức đến tận phút chót.

Cụ Kình nói rằng hàng ngàn công an đã được sắp xếp vây kín mọi nẻo đường đến xã Đồng Tâm, cũng như bao quanh khu vực lễ kỷ niệm :

"Công an họ về bao vây ở khu vực chung quanh, tập trung khoảng 200 công an có cả vòi rồng, có cả xe bắt người. Còn ở trong xã hôm qua cũng phải vài ba trăm công an nữa. Tất cả phải đến hàng ngàn công an bao vây chung quanh".

Một số nguồn tin cho biết trước đó cơ quan chức năng đã thuyết phục người dân đừng tổ chức buổi lễ này, và còn có những lời lẽ răn đe họ.

Một ngày trước buổi lễ, lực lượng an ninh đã canh cửa nhiều nhà hoạt động, không cho họ ra khỏi nhà như nhà hoạt động Trần Thị Thảo, nhà báo Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyên Bình, Phan Khang,…

Vụ tranh chấp đất đai giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền xảy ra đã lâu nhưng lên đỉnh điểm vào tháng 4 năm ngoái khi công an Hà Nội bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm trong đó có cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi và khiến cụ bị thương nặng trong quá trình bắt giữ. Người dân phẫn nộ với việc làm này của chính quyền nên họ đã giam 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin.

Sau đó đích thân chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, phải về xã Đồng Tâm nói chuyện với người dân, đưa ra cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân địa phương về vụ bắt giữ. Tuy nhiên đến ngày 13 tháng 6 năm ngoái, Cơ quan Điều Tra Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Đồng Tâm về hai tội danh ‘bắt giữ người trái pháp luật’ và hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản’.

Người dân Đồng Tâm luôn cho rằng họ phải đấu tranh giữ đất và mong muốn chính quyền giữ đúng cam kết, cũng như phải có giải quyết công tâm về khu đất bị cho là đất quốc phòng.

Quay lại trang chủ
Read 646 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)