Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/04/2018

Tướng công an bị bắt, đe dọa ngưng đấu tranh, vẫn còn chuộng nylon

Tổng hợp

Vì sao tướng tình báo Bộ công an bị bắt ? (CaliToday, 19/04/2018)

Theo truyền thông nhà nước Việt nam, việc trung tướng Phan Hữu Tuấn, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ công an bị bắt vì đã "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước". Cụ thể, ông Tuấn đã giúp đỡ cho Phan Văn Anh Vũ, một tình báo viên dưới quyền quản lý của ông Tuấn thâu tóm rất nhiều khu đất vàng, bất động sản không chỉ ở Đà Nẵng, mà còn ở các tỉnh, thành phố khác.

Chiều ngày 17/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Phan Hữu Tuấn (63 tuổi, ngụ quận Tây Hồ, Hà Nội). Ông Tuấn nguyên là Trung tướng, phó Tổng cục trưởng, Tổng cục tình báo (Tổng Cục 5), Bộ công an. Cùng bị bắt với ông Tuấn còn có Nguyễn Hữu Bách (55 tuổi) cũng là cán bộ công an. Cả hai người này đều bị công an khám xét nhà cửa để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, Chủ tịch nhà nước cộng sản Việt Nam đã tước danh hiệu công an nhân dân đối với ông Phan Hữu Tuấn, còn ông Nguyễn Hữu Bách bị Bộ trưởng công an Tô Lâm tước danh hiệu công an nhân dân.

Tờ Thanh Niên cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách dựa vào chức vụ của mình để giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ, tức tình báo viên có mã số AV75, còn được gọi là Vũ "nhôm" thâu tóm nhiều dự án đất đai tại Đà Nẵng và ở các địa phương khác.

vn1

Công văn đóng dấu "Mật" được Trung tướng Phan Hữu Tuấn ký giúp Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất đai. Ảnh : Internet

Việc tướng công an tình báo bị bắt không làm cho dư luận ngạc nhiên. Vì vào tháng 4/2017, khi những tài liệu tuyệt mật liên quan đến hai tình báo viên NQ82 và AV75, tức Bùi Nam Nhật Quân (sinh năm 1982) và Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975) bị rò rỉ trên mạng Internet. Một loạt bài viết được ký dưới tên "Nhóm phóng viên Công lý" thông qua trang mạng "Anhbasam" đã cung cấp một loạt tài liệu liên quan đến những phi vụ ăn chơi, gái gú, quan chức cấp cao giúp Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất đai. Điều đáng nói trong các tài liệu được "Nhóm phóng viên Công Lý" cung cấp trên Internet đều thuộc loại từ "Mật" cho đến "Tuyệt mật". Những tài liệu này người bình thường không thể có được, mà chắc chắn phải do nội bộ cung cấp ra.

Các tài liệu là những công văn được những yếu nhân ký tên nhằm trợ giúp cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất đai, trong đó đáng kể có : Võ Văn Thưởng (ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương), Hoàng Trung Hải (ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội), Trung tướng Bùi Văn Thành (Thứ trưởng Bộ công an), Thượng tướng Trần Việt Tân (cựu Thứ trưởng Bộ công an), Trung tướng Ksor Nham (thứ trưởng Bộ công an… Đương nhiên, trung tướng Phan Hữu Tuấn không nằm ngoài số yêu nhân bằng chức vụ của mình đã trợ giúp cho Vũ "nhôm" thâu tóm đất đai.

vn2

Công văn đóng dấu "Tuyệt mật" được Hoàng Trung Hải ký nhằm giúp Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất đai. Ảnh : Internet

Từ khi Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố, sau đó bị bắt đưa về từ Singapore, dư luận trong nước tin chắc rằng sẽ có một loạt quan chức chính quyền, đến công an sẽ phải xộ khám cùng với đại gia này. Cho đến nay, liên quan đến vụ án Vũ "nhôm" đã có ít nhất 5 quan chức lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng bị khởi tố, bắt giam và 2 cán bộ công an bị xộ khám.

Liên quan đến Vũ "nhôm" sẽ còn rất nhiều người nữa. Theo nguồn tin mà chúng tôi có được, danh sách dài tới 42 người sẽ phải theo gót Vũ "nhôm". Cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh vào chiều ngày 17/4 cũng đã bị khởi tố, bắt giam và sau đó là di lí ra Hà Nội để phục vụ cho việc điều tra.

Người Quan Sát

*******************

Vận động kèm đe dọa ngưng đấu tranh (RFA, 19/04/2018)

"Vừa đấm vừa xoa"

Vào ngày 9/4/2018 vừa qua, hai nhân viên an ninh - công an quận Hà Đông, Hà Nội đã tới gia đình anh Trịnh Bá Phương để vận động gia đình anh ngừng các hoạt động đấu tranh vì quyền lợi đất đai và các hoạt động xã hội khác, kèm theo những ẩn ý đe dọa. Đáp lại, gia đình anh Phương đã cương quyết từ chối thỏa hiệp và tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi.

vn3

Anh Trịnh Bá Phương và bà con dân oan Dương Nội. Courtesy : Facebook Trịnh Bá Phương

Anh Trịnh Bá Phương cho biết, anh và gia đình hoàn toàn không bất ngờ trước việc an ninh quận Hà Đông tới thuyết phục, vận động, bởi khi bà Cấn Thị Thêu - mẹ anh bị bắt năm 2016, phía an ninh đã từng thuyết phục anh dừng đấu tranh với những lời lẽ hàm ý tương tự lần này.

Về việc hai nhân viên an ninh góp ý về đơn thư khiếu nại của bà con Dương Nội về đất đai, anh Phương thẳng thừng đáp lại rằng, phía ngành an ninh không có thẩm quyền, không có tư cách để can dự vào. Còn về những lời lẽ thuyết phục, vận động dừng tham gia hoạt động xã hội với đầy hàm ý kia, anh Phương cũng phản ứng lại cương quyết.

"Tôi tuyên bố với họ rằng là tôi sẽ không bao giờ lui bước. Trong gần 10 năm qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã sử dụng tất cả các biện pháp như bắt bỏ tù, đánh đập người dân chúng tôi để mục đích cướp đất của chúng tôi. Họ đã đàn áp chúng tôi, kết án người dân chúng tôi hơn 100 tháng tù giam, thì đó là một sự đàn áp rất khốc liệt, mà chúng tôi phải đấu tranh để đòi lại công bằng và công lý. Tôi trả lời với họ như thế. Trong câu nói họ hàm ý đe dọa tôi, tôi cũng bảo là các ông có kết án tôi cả trăm năm, có tử hình tôi thì tôi cũng không bao giờ lui bước, trùn bước trước các ông đâu".

Anh Phương nhận định, nhân viên an ninh có nghiệp vụ của ngành họ khi tới gặp anh và có thể họ tới theo sự chỉ đạo và đã bàn thảo kế hoạch từ cấp trên cao như Bộ công an và công an thành phố Hà Nội.

Nhà văn Phạm Thành - một người quan sát sự việc cho rằng, do bà con Dương Nội và gia đình anh Phương có tinh thần đoàn kết trong việc đấu tranh giữ đất, trong khi phía công an đã dùng nhiều biện pháp mà không khuất phục được, nên họ sử dụng "chiêu bài" vận động, thuyết phục. Cũng theo ông Phạm Thành, ngành công an không có tư cách, không có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai.

"công an quận nói như thế chỉ là một biện pháp nghiệp vụ, muốn làm phân tán, làm nhụt ý chí đấu tranh của những người dân Dương Nội đoàn kết bên anh Trịnh Bá Phương và chị Cấn Thị Thêu giữ đất của mình mà thôi".

Dừng đấu tranh hay tiếp tục đòi quyền lợi ?

Trong buổi tiếp xúc với anh Trịnh Bá Phương, hai nhân viên an ninh quận Hà Đông đã đưa ra những lời hứa hẹn và anh Phương không tin tưởng vào những lời lẽ đó, bởi chưa có hành động thiện chí cụ thể nào trên thực tế, mà vẫn còn những hành động bạo lực với người dân.

"Hôm qua tôi cũng nói rằng là, trước mắt tôi muốn nhìn thấy tất cả những kẻ liên quan trong việc đàn áp chúng tôi, đánh đập, bỏ tù chúng tôi là phải bị điều tra, truy tố, xét xử, trả đúng theo đúng tội trạng của họ mà đã gây ra cho dân chúng tôi. Đó là bước đầu tiên chúng tôi muốn nhìn thấy đó. Sau đó là ngồi với chúng tôi".

Bước thứ hai mà anh Phương và bà con nông dân Dương Nội mong đợi là một cuộc tiếp xúc, trao đổi thẳng thắn giữa người dân và chính quyền thành phố Hà Nội liên quan đến vấn đề đất đai. Chỉ khi như vậy, anh Phương và người dân mới thấy thiện chí giải quyết mâu thuẫn của chính quyền.

Còn theo nhà văn Phạm Thành, để những người nông dân mất đất như anh Phương tin vào những lời hứa hẹn, thì chính quyền phải tôn trọng và thực thi đúng pháp luật và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tôn trọng và bảo đảm cho người dân thực thi các quyền dân sự và chính trị.

"Họ muốn giảm bớt nhiệt đấu tranh ở trong nước bằng cách họ đi dụ dỗ, lừa gạt, để mà bảo người ta : "chúng tôi sẽ giải quyết", nhưng mà họ chẳng giải quyết đâu. Bởi giờ họ muốn giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai thì họ phải sửa luật, họ phải trao quyền sở hữu đất đai cho người dân. Chứ bây giờ Hiến pháp, pháp luật họ vẫn để cái mục "đất đai là công thổ quốc gia, do nhà nước thống nhất quản lý", nhưng thực ra có ông nhà nước quyết định sử dụng cái mảnh đất đó và giá trị như thế nào, chứ người dân chả có quyền gì cả. Thì họ không sửa, mà họ muốn giải quyết mâu thuẫn thì sao mà giải quyết được".

Chính vì quyền lợi chính đáng chưa được bảo đảm, và người dân chưa nhìn thấy thiện chí cụ thể của chính quyền, nên những người như anh Phương vẫn tuyên bố tiếp tục đấu tranh bảo vệ mảnh đất - là kế sinh nhai của họ và tiếp tục lên tiếng trong các vấn nạn về giáo dục, y tế, môi trường và tranh chấp biển đảo.

"Khi có được tư liệu sản xuất, chúng tôi mới có thể tăng gia sản xuất để bảo đảm cuộc sống no ấm được, và con cháu chúng tôi được cắp sách đến trường, được đến bệnh viện - cũng từ mảnh đất mới có. Còn hiện nay, nếu bị mất đất thì chúng tôi rơi vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói. Mục tiêu chúng tôi đề ra trong vụ việc đấu tranh, khiếu kiện ở Dương Nội là phải trả lại tư liệu sản xuất cho chúng tôi, trả lại đất đai, tài sản và bồi thường toàn bộ những hậu quả họ gây ra đối với chúng tôi".

Nhà văn Phạm Thành cho rằng, nếu anh Trịnh Bá Phương và bà Cấn Thị Thêu dừng đấu tranh bây giờ thì sẽ là một sự thất bại và tạo cho chính quyền tiền lệ để dấn tới lấy đất của người dân.

Nhóm phóng viên

******************

Nhiều người Việt vẫn còn ‘thân thiện’ với túi nylon (RFA, 19/04/2018)

Rác thải nhựa đang là vấn đề được các nhóm hoạt động môi trường của hầu hết mọi quốc gia trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm. Mỗi một nước đều có các chiến dịch kêu gọi sử dụng sản phẩm thay thế cho các loại túi nylon hoặc có cả những hình phạt tù giam nếu người dân sử dụng.

vn4

Túi nylon vẫn được nhiều người Việt Nam chọn sử dụng hàng ngày. RFA

Việt Nam cũng thực hiện nhiều chiến dịch tương tự trong những năm qua. Nhân sự kiện Ngày Trái Đất 22/4 sắp đến, các nhà khoa học có ý kiến gì về này ? Và thực tế việc "nói không với túi nylon" ở riêng Việt Nam được thực hiện đến đâu ?

‘Ô nhiễm trắng’

Túi nylon, qua rất nhiều thập kỷ, đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt thường ngày của con người. Nó có nhiều tính chất được người sử dụng cho là "ưu điểm" như gọn nhẹ, chắc, giá thành thấp, bền. Chính cái "bền và chắc" của túi nylong cũng chính là sự lo lắng của các nhà khoa học và các nhóm môi trường trên thế giới.

Theo một thống kê do Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam đưa ra năm 2017, cho thấy chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon. Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nylon chiếm đến 7-8%. Các nhà khoa học gọi hệ quả của lượng túi nylon thải ra môi trường là "ô nhiễm trắng".

Tiến sĩ Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng khẳng định sự độc hại của túi nylon đối với môi trường không phải là một ngày một bữa, mà nó là 1 quá trình có thời gian tính đến từ trăm đến nghìn năm.

"Chủ yếu là các túi nylon và đặc biệt là những vật liệu polymer phân hủy nửa chừng thì nó cũng vụn ra, nhưng nó tạo ra những cấu trúc polymer nhỏ, nó làm cho đất khô cằn lại, không thở được, càng ngày đất càng bị sa mạc hoá, ngày càng trở nên khô cằn. Đó là cái quan trọng nhất".

Chuyên gia Hoàng Dương Tùng, trong một buổi trả lời phỏng vấn với truyền thông trong nước về vấn nạn bao nylon đối với môi trường, đã nói về hậu quả nguy hại của "Ô nhiễm trắng" nếu con người và xã hội không có hướng xử lý triệt để.

"Thứ nhất nó gây cảnh quan rất phản cảm. Thứ hai nó chui vào những mạch nước, trên những dòng sông, kênh rạch gây tắt nghẽn, ảnh hưởng đến môi trường. Thời gian phân hủy mấy trăm nên nó làm ảnh hưởng đến môi trường đất và nước, hủy hoại môi trường xung quanh".

Ý thức người dân

Cũng từ một thống kê do báo trong nước đưa ra, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nylon/một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... với mật độ dân số của Việt Nam, tính theo cấp số nhân thì có hàng triệu túi nylon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Vấn đề được lưu ý chính là ý thức của người sử dụng.

Người sử dụng ở đây được chúng tôi khoanh vùng là những người buôn bán nhỏ, lẻ ở các khu chợ hoặc hàng rong, vỉa hè. Chính bản thân họ cũng nhận biết được sự độc hại của túi nylon không thân thiện với môi trường.

Một người kinh doanh nhỏ ở Sài Gòn cho chúng tôi biết :

"Biết. Túi nylon thì tác hại của nó là về lâu về dài chứ không phải là ngay bây giờ. Nó không tiêu hủy được".

Trò chuyện với một phụ nữ bán hàng rong khi chị đang dùng túi nylon để đựng thực phẩm bán cho khách, chị cho biết

"Tôi cũng có nghe nói nhưng không biết nhiều. Bán cái này phải bỏ bịch chứ đâu thể bỏ hộp được".

Các chiến dịch

Từ những năm trước, nhiều thành phố, tỉnh, thành trong nước đã khởi động chiến dịch kêu gọi nói "không" với túi nylon.

Năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cố Nghĩa huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức ra mắt mô hình điểm "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon và bảo vệ môi trường". Năm 2013, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai chương trình "Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường", thay thế bằng túi thân thiện với môi trường trong cuộc sống hàng ngày. Trước đó, Thành phố Hội An là nơi thực hiện đầu tiên chiến dịch "Nói không với túi nylon". Trong lần trả lời RFA năm 2013, ông Nguyễn Sự, thời điểm đó là chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hội An, cho biết về điều này :

"Đến bây giờ có thể nói nhân dân Cù Lao Chàm không sử dụng túi nylon nữa ; họ sử dụng những vật liệu khác ví dụ như giấy, hay các loại lá môn, lá chuối để gói đồ, đựng thức ăn. Đi chợ, người ta dùng giỏ chứ không dùng túi nylon để đi chợ nữa".

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề với hai người dân địa phương ở Hội An vào đêm 19/4/2018, họ cho biết cho đến lúc này, túi nylon vẫn là vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của người dân, giữa người mua và người bán.

Chưa ‘thân thiện’ với người dùng

Chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng chia sẻ với truyền thông trong nước rằng ông nhìn thấy sự thành công của các đề án sử dụng túi nylon thân thiện với môi trường ở các siêu thị.

"Hiện nay chúng ta không nhìn thấy các túi không thân thiện với môi trường sử dụng ở các siêu thị. Nhưng ở các chợ dân sinh vẫn là sự tiện lợi hàng ngày. Khi mua mớ hành mớ rau được người ta cho những túi nylon mỏng, tiện. Đó là sản xuất từ các hộ gia đình".

Chính một người dân kinh doanh ở 1 khu chợ dân sinh xác nhận điều này.

"Bây giờ đi siêu thị thì siêu thị xài túi tự hủy được, nhưng ở ngoài thị trường thì chắc còn lâu lắm. Người ta chưa có quen".

Tuy rằng nhiều thành phố đã cố gắng khởi động, kêu gọi dùng túi nylon thân thiện với môi trường, nhưng có vẻ như các chiến dịch đã không đạt được kết quả như mong muốn.

Tiến sĩ Hồ Sơn Lâm cho biết sản phẩm thay thế, nghĩa là túi nylon tự phân hủy chưa thật sự đáp ứng đúng vai trò của nó mặc dù có nhiều dự án đã được thực hiện.

"Ở Việt Nam nhiều dự án về túi nylon được thực hiện nhưng cho đến nay người ta vẫn làm theo dạng là các cái polymer tự phân hủy nhưng trộn với nhựa PVC nên chưa thể gọi là phân hủy 1 cách hoàn toàn".

Về phía người tiêu dùng, lại là một vấn đề khác, nằm ở vấn đề mưu sinh.

Người phụ nữ bán hàng rong cho biết những chiếc túi nylon thân thiện với môi trường không thể đáp ứng được bài toán kinh tế của chị.

"Bán 1 bịch này có mấy ngàn mà dùng cái túi đó thì làm sao có đủ khả năng ? Lời đâu có bao nhiêu ?".

Tiến sĩ Hồ Sơn Lâm khẳng định giá trị kinh tế chính là 1 trở ngại để người dân tiếp cận nhiều hơn với sản phẩm túi nylon tự hủy.

"Giá trị kinh tế vẫn còn đắt, polymer tự phân hủy nó còn đắt, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới nói chung".

Một bất lợi khác của túi nylon tự hủy làm cho người tiêu dùng không ưu ái với sản phẩm này. Cũng một người bán hàng rong khác cho biết phản ứng của khách hàng khi dùng túi nylon tự phân hủy.

"Túi nylon phân hủy để hàng nó rách, rớt hàng của người ta. Những cái ấy đựng hàng nhiều là nó rách nên bây giờ khách hàng người ta mua cũng không thích bao đó".

Cho dù là thế, một sự thật vẫn không thể chối bỏ được, đó là ‘ô nhiễm trắng’ đang là tiếng kêu cứu của môi trường, một chủ thể mà theo tiến sĩ Hồ Sơn Lâm thì nó bao gồm tất cả những vật thể khác rất gần gũi với cuộc sống của con người.

Nói riêng về Việt Nam, thông cáo dẫn một nghiên cứu của Đại học Georgia hôm 13/4 nêu rằng Việt Nam xếp vị trí thứ 4 trên thế giới trong việc gây ô nhiễm biển từ rác thải nhựa.

Quay lại trang chủ
Read 789 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)