Ai gây thất thoát ngàn tỷ trong phi vụ bán 324.971 m2 đất công sản tại Thành phố Hồ Chí Minh ?
Phần đất công sản "siêu lớn" trên 32,4 ha có giá thị trường hơn 2.400 tỷ đồng nhưng lại được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) "ưu ái" bán cho một công ty tư nhân với giá rẻ mạt, chỉ hơn 419 tỷ đồng. Sự việc rò rỉ từ tố cáo của nhiều cán bộ, nhân viên thuộc công ty Tân Thuận và người dân.
Nhóm phóng viên điều tra báo Người Tiêu Dùng chính thức lần theo các dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, đi tìm lời giải : "Ai là người đã gây thất thoát tiền nhà nước lên đến hàng ngàn tỷ đồng ?" và "Nhóm lợi ích đang xâu xé công sản tại Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào ?".
Thế lực nào "phù phép" đất công sản thành đất tư ?
Trong những ngày đầu năm 2018, Nhóm phóng viên báo Người Tiêu Dùng đã nhận được rất nhiều tố cáo, phản ánh của khách hàng và doanh nghiệp tại khu vực Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh về việc trước đó các phi vụ mua bán đất "siêu lớn" đã diễn ra một cách bất thường, đặc biệt đối với tài sản đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước. Từ những phản ánh này, PV đã tìm đến Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận - công ty 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để lắng nghe nhiều phản ánh xoay quanh việc Tổng giám đốc Công ty Trần Công Thiện đã "phù phép biến hóa" khu đất rộng đến 324.971 m2 (trên 32,4ha) chuyển sang chủ sở hữu tư nhân của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Tổng giám đốc).
Được biết trong nhiều năm qua, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai) đã mạnh tay "vung tiền" thâu tóm gần hết đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, bao gồm cả đất thuộc sở hữu của dân địa phương và một phần rất lớn đất công sản. Cụ thể đối với khu đất "siêu lớn" 324.971m2, bằng Hợp đồng Chuyển nhượng số 203/HĐKT/2017 ký ngày 5/6/2017 và các Phụ lục Hợp đồng đính kèm, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng phần đất nói trên cho Quốc Cường Gia Lai với đơn giá "bèo bọt", chỉ ở mức 1.290.000 đồng/m2.
Theo bản phụ lục hợp đồng cuối cùng cho biết, sau khi hoàn tất chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai, Công ty Tân Thuận thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng. Đây là con số "bé hạt tiêu" so với giá trị thực tế của khu đất ven sông thuộc vào hàng đắc địa tại khu vực Nam Sài Gòn hiện nay.
Khu vực đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè được đánh giá đắc địa nhờ sát sông, rạch (ảnh : Hiếu CT)
Để tìm hiểu về thực tế giá trị khu đất này, nhóm PV Báo Người Tiêu Dùng đã đóng vai người đi mua đất tại khu vực này trong suốt nhiều ngày. Và thật bất ngờ khi theo các cò đất và một số công ty kinh doanh bất động sản tại khu vực huyện Nhà Bè cho biết, đất tại khu vực xã Phước Kiển có giá dao động tối thiểu từ 8,5 triệu đồng/m2 cho đến trên 10 triệu đồng/m2, tốc độ đô thị hóa tại huyện Nhà Bè cũng đang tăng nhanh chóng, giá đất vẫn đang theo xu hướng tiếp tục tăng trong năm 2018.
Khi PV đặt câu hỏi về giá trị thị trường của khu đất 324.971 m2 thuộc tài sản của Công ty Tân Thuận, nhiều người dân và doanh nghiệp cho rằng giá trị chuyển nhượng "có khả năng" đạt trên 7,5 triệu đồng/m2 vì đây là đất có diện tích lớn, nếu phân lô nhỏ lẻ, giá trị thu về mỗi m2 có thể đạt trên 9 triệu đồng. Theo tính toán của PV, với diện tích "siêu lớn" này, thực tế nếu khu đất này chỉ cần bán với giá thấp 7,5 triệu đồng/m2 sẽ có thể thu về ngân sách Nhà nước hơn 2.400 tỷ đồng, tức gấp gần 6 lần giá trị mà Công ty Tân Thuận đã bán cho Quốc Cường Gia Lai ở thương vụ chuyển nhượng "bất thường rẻ mạt" vào cuối năm 2017.
Như vậy, với mức giá bán siêu "bèo bọt" không qua đấu thầu, Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận Trần Công Thiện đã "thổi bay" tài sản Nhà nước có trị giá trên 2.400 tỷ đồng và thu về hơn 419 tỷ đồng, có dấu hiệu gây thất thoát tiền nhà nước với số tiền "khổng lồ" gần 2.000 tỷ đồng.
Quốc Cường Gia Lai mua đất công "siêu rẻ" hơn đất tư
Điều bức xúc của các cán bộ nhân viên Công ty Tân Thuận chính là việc không hiểu vì lý do gì, được sự "bảo kê" của thế lực nào mà Quốc Cường Gia Lai lại được quá nhiều ưu ái, không ít đối tác từng muốn nhòm ngó khu đất này nhưng đều thất bại. Khi lật ngược các hồ sơ bồi thường Dự án Khu dân cư Phước Kiển (GD3) của Quốc Cường Gia Lai cách đây 9 năm (năm 2009), cũng tại khu vực xã Phước Kiển này, đại gia Nguyễn Thị Như Loan (mẹ thiếu gia Cường Đôla) từng phải bỏ ra số tiền bồi thường cho dân với mức giá 4.650.000 đồng/m2. Nghĩa là, cách 9 năm trước đây, công ty này đã mua đất của tư nhân với mức giá cao gấp 3,6 lần so với giá mua đất công sản của Công ty Tân Thuận.
Câu hỏi đặt ra là, Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận Trần Công Thiện tại sao lại "ngây dại" tới mức đặt bút ký bán đất Nhà nước với giá rẻ "không thể ngờ tới" ??? Mức giá đất 1.290.000 đồng/m2 tại khu vực Nam Sài Gòn năm 2017 cũng là mức giá mà khi PV đưa ra thì hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Nam Sài Gòn cũng "lắc đầu" chào thua. "Không biết ổng (Công ty Tân Thuận - PV) nghĩ gì khi bán đất mặt tiền sông ở gần khu Phú Mỹ Hưng với mức giá còn thua giá đất các tỉnh ven Thành phố Hồ Chí Minh" - bà L.T (Giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản) bức xúc cho biết.
Ngoài ra, qua xác minh cho thấy, thương vụ chuyển nhượng 324.971m2 đất công sản ở Phước Kiển cũng diễn ra hết sức "âm thầm" thay vì đưa ra đấu giá công khai, rộng rãi để đạt được mức giá tốt nhất thu về cho ngân sách Nhà nước. Cũng không hiểu tại sao, sự "âm thầm" này chỉ mình Quốc Cường Gia Lai biết được và nhanh tay vung ra 419 tỷ đồng để thâu tóm công sản, trục lợi hàng ngàn tỷ đồng.
Những chứng cứ cho thấy, trước đó 9 năm, Quốc Cường Gia Lai từng mua đất Phước Kiển từ người dân, mức giá cao gấp 3 lần so với đất mua từ Công ty Tân Thuận (Ảnh : Hoàng Anh)
Ngoài Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận Trần Công Thiện, ai đã chỉ đạo và quyết định bán phần đất công sản này ? Dĩ nhiên, ông Trần Công Thiện không thể tự mình quyết định phương án và giá bán với phần đất công sản "khổng lồ" nêu trên. Mà theo điều tra của Nhóm phóng viên báo Người Tiêu Dùng, quá trình mua bán phần đất công sản này đã được ông Trần Công Thiện trình lên cấp thẩm quyền tại Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quy định pháp luật, chỉ có các lãnh đạo quyền lực tại Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mới có thể quyết định "số phận" của các tài sản công trực thuộc Văn phòng Thành ủy. Vậy, đằng sau thương vụ này, liệu có cái bắt tay của nhóm lợi ích để "ăn chia tham nhũng" số tiền lên đến vài ngàn tỷ đồng hay không ? Những lãnh đạo nào thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ngang nhiên bất chấp pháp luật, quyết định "số phận" của khối tài sản khổng lồ của Nhà nước, biến công sản thành đất tư nhân ? Có hay không sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất công sản và trách nhiệm cá nhân của các lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong vụ việc siêu nghiêm trọng này ?
Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã có ý kiến về giá đất
Một đại diện Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng từng ký văn bản số 13026/STNMT-KTĐ ngày 13/12/2017 gửi Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, theo đó, dù tính toán trên mức giá đất nông nghiệp thấp nhất để bồi thường cho lô đất công sản diện tích 324.971m2, thì mức giá đất này không thể dưới mức 1.768.000 đồng/m2. Tính ở mức giá Nhà nước quy định (không phải giá thị trường), thì giá trị mỗi m2 đất tại dự án Khu Dân cư Phước Kiển phải cao hơn 478.000 đồng/m2 so với giá mà Công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai trước đó. Nghĩa là, với mức giá thấp nhất này, thì con số thiệt hại ngân sách Nhà nước mà Công ty Tân Thuận trực tiếp gây ra cũng lên tới hơn 155 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều luật sư phân tích, mức giá do Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tính toán chỉ theo khung giá đất chung, khi xác định giá trị khu đất này cần được dựa trên thực tế giá trị chuyển nhượng tại khu vực này, theo giá thị trường.
Công ty Tân Thuận "chạy đua" quy trình bán đất trước khi có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân
Theo phản ánh của các cán bộ, nhân viên Công ty Tân Thuận, điểm "bất thường" nhất chính là việc chỉ trong vài ngày tháng 4/2017, không hiểu vì lý do gì mà lãnh đạo Công ty Tân Thuận đã vội vã xử lý các vấn đề liên quan đến việc bán khu đất trị giá hàng ngàn tỷ đồng này, lúc Thành phố Hồ Chí Minh chưa có Bí Thư Thành ủy mới. Thời điểm này, ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, đang đảm nhiệm vị trí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, được xem là lãnh đạo cao cấp nhất của Thành ủy thời điểm này.
Cụ thể : Ngày 19/4/2017, Công ty Tân Thuận tiến hành cuộc họp của Hội đồng Xây dựng giá bất động sản kinh doanh ; Ngày 24/4/2017, Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai họp bàn phương án chuyển nhượng khu đất ; Ngày 25/4/2017, Tổng giám đốc Trần Công Thiện trình tờ trình số 354/TTr-TT trình lên Hội đồng Thành viên Công ty Tân Thuận ; Ngày 26/4/2017, chính ông Trần Công Thiện thay mặt Hội đồng Thành viên tiếp tục trình lên lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Phòng Quản lý Đầu tư - Kinh doanh Vốn (Văn phòng Thành ủy) về phương án chuyển nhượng đất và hợp tác với Công ty Quốc Cường Gia Lai. Như vậy, chỉ trong vòng 7 ngày, Công ty Tân Thuận đã "chạy đua nước rút" trong quy trình chuyển nhượng lô công sản "siêu lớn" này. Đến ngày 10/5/2017, Bộ chính trị mới chính thức phân công ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị đảm nhiệm vị trí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Võ Nguyễn - Nguyên Vũ - Tấn Lợi