RFA phủ nhận liên quan đến cựu sĩ quan công an Việt Nam bán tài liệu mật (VOA, 18/04/2018)
Đài Châu Á Tự do không xác nhận có mối liên quan giữa đài với một sĩ quan công an Việt Nam vừa bị bỏ tù về tội gián điệp.
Nguyễn Hoàng Dương, cựu cán bộ công an, bị đưa ra tòa hôm 16/4/2018. (Ảnh : Tuổi trẻ)
Tin tức trên báo chí Việt Nam mới đây cho hay một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 16/4 đã xử ông Nguyễn Hoàng Dương, nguyên cán bộ công an, 7 năm tù về tội gián điệp.
Dẫn thông tin từ tòa, các báo nói Dương, 33 tuổi, đã xuất cảnh trái phép sang Campuchia đánh bạc, dùng email và điện thoại di động liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia và Đài Châu Á Tự do (RFA) để cung cấp tài liệu mật đã sao chép từ Bộ công an nhằm lấy tiền đánh bạc.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của RFA cho VOA tiếng Việt biết họ đã rà soát lại các email nhưng không tìm thấy email liên lạc nào của ông Dương. Phát ngôn viên nhấn mạnh thêm rằng RFA có chính sách không tặng quà hay trả tiền để đổi lấy thông tin từ nguồn tin.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết Nguyễn Hoàng Dương, từng là cán bộ Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ I A70, Bộ công an, vào tháng 9/2016 khi đang nghỉ phép đã vào cơ quan dùng đĩa CD để sao chép tài liệu nghiệp vụ thuộc danh mục bí mật để bán cho nước ngoài.
Theo cáo trạng, ông Dương nhắn tin cho một cán bộ đội 9 thuộc A70 và ông Dương Danh Kiểm, đội trưởng đội 9, nói nếu không đưa tiền thì Dương sẽ chết.
Do lo ngại ông Dương xuất cảnh trái phép có thể đem theo tài liệu mật sẽ ảnh hưởng đến đơn vị nên lãnh đạo của Dương đã chuyển cho Dương 5 triệu đồng. Tuy nhiên, Dương không về Việt Nam mà tiếp tục đánh bạc hết số tiền trên.
Ông Kiểm sau đó đã báo cáo lên lãnh đạo cấp cao hơn. Trưa 27/9/2016, Dương bị Công an Campuchia bắt giữ và chuyển giao cho A70. Tiếp đến, Dương được ‘cơ quan cho về nhà làm kiểm điểm’.
Nhưng không dừng lại ở đó, Dương còn bán xe máy đã cầm để sang Campuchia đánh bạc và tiếp tục thua.
Tin trên báo Việt Nam nói trong thời gian này Dương bị cáo buộc là đã nhiều lần dùng email, điện thoại liên lạc với đại sứ quán TQ tại Campuchia và một đài nước ngoài để bán các tài liệu mật đã sao chép lấy tiền đánh bạc.
Vẫn các báo Việt Nam đưa tin rằng vào ngày 2/10/2016, Dương đến sòng bạc rút 2 triệu đồng do 1 cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị II, Tổng cục An ninh, Bộ công an gửi cho Dương vay. Khi đang rút tiền thì Dương bị Công an Campuchia bắt giao cho Công an Việt Nam. Trên đường đi, Dương đã bẻ đôi chiếc đĩa CD.
Theo VnExpress, ngoài án 7 năm tù về tội gián điệp, Nguyễn Hoàng Dương còn bị tuyên phạt 1 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
*********************
Một cán bộ công an bị phạt tù vì bán tài liệu mật cho Trung Quốc (CaliToday, 16/04/2018)
Sau khi thất tình, Nguyễn Hoàng Dương (33 tuổi) đã trốn sang Campuchia đánh bạc. Thua sạch tiền, Dương liền dọa đem tài liệu mật của Bộ Công an bán cho Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Phnom Penh cùng các tổ chức, truyền thông để kiếm tiền đánh bạc. Tuy nhiên, trước khi những việc làm xấu xa trên xảy ra, Dương đã bị cảnh sát Hoàng gia Campuchia bắt giao cho công an Việt Nam.
Nguyễn Hoàng Dương làm gián điệp cho Trung Quốc được sinh ra trong gia đình truyền thống Cộng sản. Ảnh : VoH
Sau hơn 18 tháng giam giữ, sáng ngày 16/4, Tòa án thành phố Sài Gòn đã đem Nguyễn Hoàng Dương ra xét xử. Theo cáo trạng, Dương nguyên là cán bộ Đội 9, Phòng 3, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ 1 (Mã cố A70) thuộc Bộ Công an.
Dương có yêu một cô gái, nhưng sau đó bị người yêu bỏ rơi. Từ đó, Dương thất tình nên đã xin nghỉ phép để ở nhà nghỉ dưỡng cho tinh thần được bình tâm trở lại. Thời gian mà Dương xin nghỉ phép từ ngày 29/8 cho đến ngày 26/9/2016.
Vậy nhưng, vào lúc 20 giờ, ngày 18/9/2016, tức là trong thời gian nghỉ phép Dương lại đến trụ sở làm việc tại Sài Gòn, đến bàn làm việc lấy một đĩa CD, rồi sao chép tất cả các tài liệu mật được lưu trữ trong máy điện toán của cơ quan, sau đó mang sang Campuchia đánh bạc với mục đích, nếu thua bạc sẽ đem đĩa CD chứa tài liệu mật của Bộ Công an để kiếm tiền.
Nghĩ là làm, ngày 19/9/2016, Dương liền bắt xe lên biên giới, theo con đường tiểu ngạch để trốn sang Campuchia để đánh bài và thua hết tiền. Liên tục trong các ngày từ 22 đến 27/9/2016, Dương giả dạng du côn, nhắn tin cho em gái của mình để uy hiếp tinh thần để xin cô này 5,5 triệu đồng.
Có tiền, Dương lại lao vào cờ bạc và tiếp tục thua. Tiếp đó, cũng với chiêu bài cũ, Dương lại nhắn tin, đe dọa em gái để chiếm đoạt 10 triệu đồng nhưng không thành công, vì cô em gái phát hiện người đe dọa mình chính là anh trai.
Những ngày sau đó, Nguyễn Hoàng Dương chụp hình CD, nhắn tin cho sếp của mình là ông Dương Danh Kiểm, đội trưởng Đội 9 nếu không đưa tiền thì Dương sẽ chết. Vì lo ngại Dương mang theo tài liệu mật, lại còn xuất cảnh trái phép sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích thi đua của đội nên ông Kiểm đã chuyển cho Dương 5 triệu đồng. Có tiền, Dương không về mà còn lao vào cờ bạc và tiếp tục thua sạch tiền.
Từ ngày 25 đến ngày 27/9/2016, Dương nhắn tin đe dọa ông Kiểm, nếu không tiếp tục chuyển tiền y sẽ bán các tài liệu mật của Bộ Công an cho Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Phnom Penh và các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài chứ không chịu chết một mình.
Ông Kiểm không chuyển tiền, mà báo cáo lên cấp trên. Trưa ngày 27/9/2016, khi đang đi rút tiền ở sòng bài, Dương đã bị Cảnh sát Hoàng gia Campuchia bắt giữ và bàn giao cho công an Việt Nam.
Khi về đến Việt Nam, Dương không bị bắt giữ mà được thả về nhà để làm kiểm điểm. "Ngựa quen đường cũ", Dương lại đem xe máy đi bán để sang Campuchia đánh bạc và lại tiếp tục thua. Cũng trong lần này, hành vi phản quốc của một đảng viên cộng sản Việt Nam đã được hình thành. Vì thua bạc, Dương đã dùng email, số điện thoại để liên lạc với Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Phnom Penh để bán tài liệu mật đã sao chép kiếm tiền tiếp tục đánh bài.
Theo cáo trạng, ngoài việc bán tài liệu mật cho Trung Quốc, Dương còn tìm cách liên lạc với Đài Á Châu Tự Do để bán các tài liệu mật này.
Đến ngày 2/10/2016, khi đến sòng bạc để rút 2 triệu do 1 cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị II, Tổng cục An ninh Bộ Công an gởi cho Dương, khi đang rút tiền thì bị cảnh sát Hoàng gia Campuchia bắt giữ và bàn giao cho công an Việt Nam. Trên đường đi, để phi tang trốn tội, Dương đã bẻ đôi chiếc đĩa CD chứa hàng loạt tài liệu mật của Bộ Công an đã sao chép.
Trước tòa, Dương nói biết đó là các tài liệu mật nhưng do túng quẫn nên mới làm những việc mà pháp luật không cho phép. Viện Kiểm sát cho hành vi của Dương là rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Do đó, bị cáo bị truy tố trong khung hình tử hình.
Điều lạ lùng là hành vi phản quốc của Dương lại được châm chước, chỉ vì là con trong gia đình "truyền thống cách mạng", lại thành khẩn khai báo nên từ tử hình xuống còn 7 năm tù cho tội làm gián điệp và một năm tù cho tội cưỡng đoạt tài sản. Tổng hình phạt mà Dương phải nhận cho hành vi phản quốc của mình là 8 năm tù.
Người Quan Sát