Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/04/2018

Tự thiêu phản đối cưỡng chế đất, cà phê chế từ ruột pin Con Ó

Tổng hợp

Một phụ nữ tự thiêu phản đối cưỡng chế nhà (RFA, 18/04/2018)

Một phụ nữ ngụ tại phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn tự thiêu bằng xăng vào sáng 18 tháng 4 để phản đối việc chính quyền địa phương cưỡng chế ngôi nhà của bà đang ở.

dat1

Chồng bà Đỗ Thị Lặng. Ảnh: VOA Tiếng Việt

Truyền thông trong nước loan tin cho biết người phụ nữ tự thiêu có tên Đỗ Thị Lặng bị cho là đã chiếm đất và xây dựng ‘nhà tạm’ trái phép trên đường Lê Thanh Nghị thuộc tổ 46, khu vực 9, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. Với lý do đây là hành vi vi phạm pháp luật và lô đất bị chiếm giữ trên đã được bố trí cho 2 hộ dân khác, chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế ‘nhà tạm’ của bà Lặng.

Tuy nhiên, Ông Trần Việt Quang, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân (UBND) phường Đống Đa trả lời truyền thông trong nước nói rằng gia đình bà Lặng đã có chỗ ở ổn định cũng trong khu vực này.

Trước đó, theo UBND phường Đống Đa, gia đình bà Lặng vào năm 1997 đã khai hoang một lô đất tại khu vực này và đến năm 2002 thì dựng nhà để ở. Tuy nhiên, khi giải phóng mặt bằng để làm dự án Dự án Khu dân cư Đảo 1B, Bắc sông Hà Thanh, chính quyền địa phương nói khu đất nhà bà Lặng thuộc đất nông nghiệp nên chỉ bồi thường bằng tiền chứ không được cấp đất tái định cư.

Bà Lặng sau đó làm đơn khiếu kiện vì cho rằng việc bồi thường, giải phóng mặt bằng căn nhà của mình là không thỏa đáng. UBND thành phố Quy Nhơn sau đó tổ chức đối thoại nhưng bà Lặng vẫn không chấp nhận nên cơ quan này quyết định tổ chức cưỡng chế.

Báo trong nước cho biết vụ việc bà Lặng rưới xăng tự thiêu được lực lượng chức năng nhanh chóng can thiệp và đưa bà đi cấp cứu. Hiện bà Lặng bị cho là chỉ bị phỏng một phần ở tay trái.

Tình trạng một số người dân phải dùng đến biện pháp tự thiêu để phản đối cưỡng chế nhà, đất mà lực lượng chức năng tiến hành từng xảy ra ở Việt Nam. Những người trong cuộc cho rằng phía cơ quan chức năng không theo đúng luật pháp và đơn kiện của dân từ cấp địa phương đến trung ương không được giải quyết thỏa đáng nên họ phải tìm đến cái chết bằng tự thiêu.

***************

Cà phê bẩn : Từ 'pin' thành phin (BBC, 18/04/2018)

Hơn hàng chục tấn cà phê nhuộm pin vừa bị tịch thu ở một cơ sở chế biến cà phê bột ở Đắk Nông, gây bức xúc trong dư luận.

dat2

Cà phê được sản xuất từ pin con ó đập vỡ, lấy bột màu đen rồi trộn với vỏ, phế phẩm từ hạt cà phê 

Cảnh sát Môi trường tỉnh Đắk Nông hôm 16/4 đã tịch thu 12 tấn loại cà phê này, kèm theo 35 kg bột đen từ pin con Ó và 1 xô nước màu đen đã hòa tan khoảng 10kg.

Loại cà phê 'pin' độc hại này được sản xuất bằng cách trộn bột đá với phế thải cà phê sau đó dùng nước ruột pin ngâm nước để trộn với hỗn hợp đá-cà phê tạo màu đen óng, theo báo Zing.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, chủ cơ sở cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, bà đã xuất ra nhiều tỉnh thành hơn 3 tấn cà phê pin này.

Trung bình 1kg cà phê pha được 40 ly, như thế có thể đã có 120.000 ly cà phê được pha bằng loại bột cà phê pin này.

Theo truyền thông Việt Nam, đây dường như là một trường hợp cá biệt, xảy ra ở một cơ sở ở xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông.

Ruột pin con Ó có hại như thế nào ?

Sự việc khiến Thạc sĩ Quản trị chất lượng Vũ Thế Thành phải "bất ngờ".

"Khả năng sáng tạo của những tay chế biến lụi này thật vô biên, khoa học theo không kịp", ông Thành nói với BBC hôm 18/4.

Thạc sĩ Thành cho biết Pin Con Ó có nhiều hóa chất công nghiệp, lẫn nhiều tạp có hại, không được phép dùng trong chế biến thực phẩm, trong đó có manganese dioxide.

"Cơ thể người cũng cần Mangan để hỗ trợ cho hoạt động của vài enzyme trong vai trò giải độc, với số lượng rất ít, chỉ ở dạng vết. Con người hầu như không thiếu Manganese như thiếu các khoáng khác".

Theo báo Zing, PGS Tiến sĩ Trần Hồng Côn nói cụ thể là "Nếu hàm lượng mangan cao vượt quá 0,5 mg/lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể".

dat3

Cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông đã phát hiện một cơ sở sản xuất cà phê “bẩn” từ bột đá, vỏ cà phê và nước pha bột pin Con Ó

Trường hợp cá biệt

Tuy nhiên, ông Vũ Thế Thành nhấn mạnh, rằng vụ việc cà phê pin Con Ó chỉ là "việc làm ẩu tả, phạm pháp của vài cơ sở nhỏ lẻ, quy mô gia đình".

"Không nên dùng scandal này để [kết luận] khái quát rằng, cà phê ở Việt Nam đều pha chế cẩu thả.

"Các công ty cà phê lớn nhỏ ở Việt Nam có thể lách luật trong kê khai để giữ bí mật công thức thôi, chứ không dám chơi liều như thế này đâu. Kiểm tra an toàn thực phẩm bị phát hiện thì coi như bị xóa sổ".

"Vấn nạn nếu có đó là, cà phê dỏm ở các quán cà phê giá rẻ, 7.000 đến 10.000 đồng/ly cà phê đá. Họ lấy mối từ những người chế biến cà phê quy mô gia đình, làm chui, làm lậu".

"Cơ quan hữu trách nếu làm mạnh thì có thể diệt tận gốc được cà phê dỏm. Vấn đề là có chịu làm hay không thôi", ông Thành nói thêm.

"Vụ cà phê pin Con Ó đúng là gây chấn động, nếu hiểu theo kiểu scandal của báo chí, nhưng tác hại thì quá ít, vì chỉ một vài cơ sở siêu nhỏ, hộ gia đình làm ẩu. Truy tố họ ư ? Dễ thôi, nhưng họ có gì để mất ?"

"Cái nghèo khiến họ làm liều thôi".

"Vấn nạn thực phẩm đường phố bị ô nhiễm mới nhức đầu, vì đụng toàn người nghèo. Nghèo mới bán rong, có khi lấy đêm làm ngày như ở các bến xe.

"Vụ cà phê bẩn dễ giải quyết hơn. Chỉ cần kiểm tra nơi bán cà phê, truy tận gốc nơi chế biến là dẹp được. Dẹp ở đây không có nghĩa là xóa sổ cơ sở nhỏ bé của họ. Mà là hướng dẫn họ chế biến cà phê đúng quy định pháp luật. Mối lái thì họ có sẵn rồi. Nhưng liệu chính quyền có kiên nhẫn làm chuyện 'vì dân' đó hay không ?"

"Giá cà phê hiện nay, cà phê Robusta, cà phê mít đâu có đắt, để phải làm hàng độn. Giá một ly cà phê ở các quán ở Sài Gòn khoảng 20.000 đồng, là dư sức cà phê thật rồi. Đắt hơn là do chỗ ngồi thôi".

*******************

Chính quyền lên tiếng vụ cà phê bẩn (RFA, 18/04/2018)

Ủy ban Nhân Dân (UBND) tỉnh Dak Nông và Bộ Nông Nghiệp- Phát Triển Nông Thôn Việt Nam vào ngày 18 tháng tư lên tiếng về vụ cà phê trộn lõi pin bị phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Đắk Nông bắt quả tang chiều 16/4/2018 tại một cơ sở sản xuất cà phê ở tỉnh này.

dat4

Công an đang làm việc tại cơ sở sản xuất cà phê của bà Loan. Photo courtesy of Vietbao

Chiều 18/4/2018, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức buổi họp báo để thông tin về kết quả điều tra ban đầu về vụ việc cà phê bị cho nhuộm đen bằng bột pin hiệu Con ó.

Đại tá Lê Vinh Quy, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông xác định với báo giới thông tin trên là có thật và đang điều tra về mục đích của chủ cơ sở sản xuất ra loại "cà phê bẩn" như thế. Ông Quy cũng cho biết các tang vật, chứng cứ đang được đưa đi giám định để làm cơ sở xử lý.

Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp và Thượng tá Nguyễn Trường Vũ, trưởng Công an huyện Đắk R’lấp đều khẳng định đây là lần đầu tiên sự việc này xảy ra trên địa bàn của tỉnh này.

Trao đổi với báo chí sáng 18/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), ông Trần Thanh Nam cho rằng cần lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm vụ việc vì cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển cây cà phê, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín nhằm nâng cao chất lượng và giảm chi phí.

Ông Nam nói thêm, trong khi toàn ngành đang nỗ lực xây dựng thương hiệu nhằm quảng bá cà phê Việt Nam ra thế giới thì vẫn có những đơn vị cố tình vi phạm vì lợi nhuận, ảnh hưởng lớn đến danh tiếng và thương hiệu cà phê Việt Nam.

Quay lại trang chủ
Read 665 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)