Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/04/2018

Bà Aung San Suu Kyi viếng thăm Việt Nam

Tổng hợp

Bà Aung San Suu Kyi chính thức thăm Việt Nam (BBC, 20/04/2018)

Chuyến thăm chính thức của Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi theo lời mời của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra từ 19-20/4.

aung1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tại Hà Nội chiều 19/4

Chiều 19/4, bà Suu Kyi hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của bà Suu Kyi trên cương vị cố vấn nhà nước Myanmar, trong bối cảnh hai bên vừa thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện vào tháng 8/2017, theo truyền thông Việt Nam.

Trong buổi hội đàm, hai bên đã đề cập tới nhiều lĩnh vực hợp tác như thương mại, đầu tư, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống tội phạm, v.v…

Tiến sĩ Trần Việt Thái, chuyên gia nghiên cứu chiến lược của Học viện Quan hệ Quốc tế, thuộc Bộ ngoại giao Việt Nam nói với VOV rằng bên cạnh "sự tin cậy chính trị và những cơ chế hợp tác mà hai nước đã xây dựng được, lợi ích song trùng chính là nhân tố quan trọng nhất gắn kết hai quốc gia".

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar.

Myanmar có quan hệ rất sớm với Việt Nam. Năm 1947, Việt Nam đặt Cơ quan thông tin tại Yangon. Năm 2015, hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Bà Suu Kyi từng đến Việt Nam tháng 11/2017 để dự Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng.

Bà Aung San Suu Kyi là con gái của tướng Aung San - anh hùng độc lập của Myanmar.

Bà từng học Đại học Oxford ở Anh chuyên ngành triết, chính trị và kinh tế học.

Trong thời kỳ từ năm 1989 đến năm 2010, bà từng bị chính quyền quân đội Myanmar giam lỏng tại gia.

Năm 1991, bà được trao Giải Nobel Hòa bình.

Tháng 11/2015, bà Suu Kyi lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử cạnh tranh công khai đầu tiên ở Myanmar trong 25 năm.

Tuy nhiên, hiện bà Suu Kyi phải đối mặt với nhiều chỉ trích của quốc tế liên quan đến việc việc quân đội và an ninh Myanmar đàn áp đối với người thiểu số Hồi Giáo Rohingya ở bang Rakhine từ tháng 8/2017.

*******************

Chủ tịch Trần Đại Quang vắng mặt dịp đón bà Suu Kyi (BBC, 20/04/2018)

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang dường như đang không có mặt ở Việt Nam với việc không xuất hiện tiếp phái đoàn Myanmar.

aung2

Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Theo thông lệ, ba trong bốn "tứ trụ" Việt Nam - Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội - đã tiếp bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn nhà nước Myanmar, thăm Hà Nội từ 19 đến 20/4.

Nhưng truyền thông Việt Nam không đưa tin về Chủ tịch nước, mà chỉ cho hay theo lịch trình, bà Suu Kyi có thăm khu nhà sàn của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

Chiều 19/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì lễ đón tại Phủ Chủ tịch dành cho Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar Aung San Suu Kyi, theo báo chí Việt Nam.

Sang ngày 20/4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lần lượt tiếp bà Suu Kyi.

Sức khoẻ và thủ tục

Việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang vắng mặt dường như làm tăng sức nặng cho tin không chính thức nói ông đã sang Nhật Bản khám bệnh từ đầu tháng Tư.

Truyền thông nhà nước những ngày qua cũng nhắc tên Chủ tịch nước qua một số động thái ngoại giao như việc ông gửi điện mừng ngày 19/4 tới Tổng thống nhà nước Israel nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Độc lập của Nhà nước Israel (1948 - 2018).

Hôm 20/4, truyền thông Việt Nam đưa tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng ông Miguel Diaz-Canel được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba.

Tuy nhiên, trang web Văn phòng Chủ tịch nước (vpctn.gov.vn) trong mấy ngày qua chỉ có ảnh và bài về hoạt động của Phó Chủ tịch nước, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Dù không phải là Tổng thống, bà Aung San Suu Kyi được coi là nhà chính trị quyền lực nhất Myanmar và theo thủ tục ngoại giao uôn được đón như nguyên thủ quốc gia khi xuất ngoại.

Trong hai lần đến Trung Quốc năm 2017, bà Suu Kyi đều được Chủ tịch nước Tập Cận Bình đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Vào tháng Tám 2017, Giáo sư Phạm Gia Khải, cố vấn chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cấp cao, từng nói với BBC rằng Chủ tịch Trần Đại Quang đã "sang Nhật điều trị bệnh".

"Dân chúng rất muốn biết sức khỏe của lãnh đạo thế nào, nhưng ở Việt Nam thì có vẻ người ta không có chủ trương cho biết," giáo sư Khải nói khi đó.

Quay lại trang chủ
Read 572 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)