Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/04/2018

Chỗ đứng nào cho người bị án tử hình và bị cấm phát biểu ?

Tổng hợp

Đóa hồng hy vọng của tử tù Việt Nam (RFA, 20/04/2018)

Đài RFA ghi nhận 3 trường hợp tử tù tại Việt Nam chờ ngày thi hành án suốt hơn một thập niên kêu oan một cách vô vọng. Gia đình cả ba người cho rằng thân nhân của họ đang chết dần mòn trong nhà giam Việt Nam.

nq1

Những cành hoa hồng và thư kêu oan của tử tù Lê Văn Mạnh. Courtesy : Facebook Chuyện của Thịnh

Sống không bằng chết

Những cành hoa hồng bằng chỉ màu được lần lượt gửi ra từ nhà giam suốt 13 năm qua, chứa đựng một nỗi khát khao sự sống vô biên của tử tù thanh niên Lê Văn Mạnh.

Anh Lê Văn Mạnh, 36 tuổi, ở Thanh Hóa bị tuyên án tử hình với cáo buộc hiếp dâm và sát hại một bé gái trẻ vị thành niên tại quê nhà, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân hồi năm 2005. Theo hồ sơ bản án sơ thẩm, vật chứng để buộc tội Lê Văn Mạnh là chiếc quần đùi rách được nghi phạm thay ra, vứt bỏ gần hiện trường khi đi mò xác nạn nhân và lá thư thú tội là thủ phạm gửi về cho gia đình sau khi bị bắt giam.

Bà Nguyễn Thị Việt, thân mẫu của anh Lê Văn Mạnh nói với RFA rằng chính quyền địa phương, vào ngày 20/04/2005, đến nhà đọc lệnh triệu tập anh Mạnh để phục vụ cho công tác điều tra, nhưng anh Mạnh bị bắt luôn và sau đó bị tuyên án tử hình. Bà Việt cho biết, khi trong xóm loan tin bé gái vị thành niên bị mất tích, cả bố và hai anh em của anh Mạnh cùng ra sông Cầu Chày để mò tìm xem bé gái này có bị đuối nước hay không. Việc lặn mò kéo dài cả đêm và sang đến hết ngày hôm sau. Mãi đến chiều tối thì có người phát hiện xác của nạn nhân ở bên kia bờ sông. Bà Việt nhớ lại :

"Sông nước cạn mà lội được, chuyền dây để đưa con bé sang bờ bên đây. Trong khi đi mò thì người ta trêu thằng Mạnh vì mò cả đêm không còn quần áo mặc, cuối cùng mặc cái quần đùi rách mặc đi. Đêm sau, các thanh niên mới nói rằng ‘Mạnh ơi, mi vất cái quần đùi đó được rồi’. Thế là thằng Mạnh đứng tụt quần đùi ra vứt luôn lên bụi tre, gần chỗ mới chuyển con bé sang và mặc quần dài luôn. Bao nhiêu người thấy. Vậy mà, khi công an về nhặt được cái quần thì bảo là vật chứng".

Từ năm 2005 đến năm 2008, Lê Văn Mạnh đã trải qua 3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm và một lần giám đốc thẩm. Tại các phiên tòa, anh Mạnh đều phản cung, tố cáo đã bị điều tra viên và các bạn cùng phòng đánh bắt nhận tội, mặc dù anh có bằng chứng ngoại phạm, không có mặt lúc xảy ra án mạng. Anh Lê Văn Mạnh đã viết rất nhiều thư kêu oan, trong đó anh còn vẽ lại hình ảnh mình bị cùm hàng ngày suốt những năm tù đày cay nghiệt chờ bị xử tử. Trong một lá thư gửi đến Chủ tịch nước Việt Nam, anh Mạnh viết :

"Đã nhiều đêm tôi phải sống trong sự chán nản vô cùng và tự mình tìm đến cái chết như các anh Cường, anh Biên. Các anh cũng chịu án tử hình như tôi, nhưng đã không chịu được sự thống khổ trong môi trường biệt giam này mà đã treo cổ tự tử. Nhưng mỗi lần tôi muốn tự tử thì tiếng trẻ thơ của hai đứa con tôi lại vang lên trong đầu ‘Bố ơi, bố đừng bỏ chúng con !’".

Sau 10 năm tử tù Lê Văn Mạnh bị biệt giam trong tù, gia đình của anh được thông báo nếu muốn nhận xác thân nhân về an táng thì phải làm đơn gửi đến Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa trước ngày 26/10/2015. Nhưng phút chót, lệnh hành quyết đối với tử tù Lê Văn Mạnh được tạm hoãn.

Trả lời câu hỏi của RFA liên quan đến diễn tiến hồ sơ vụ án của tử tù Lê Văn Mạnh, Luật sư Lê Văn Luân, một trong sáu luật sư ở Việt Nam đã từng viết đơn đề nghị hoãn thi hành án đối với anh Mạnh cho biết không có cập nhật gì mới :

"Kiến nghị để thứ nhất là họ tạm hoãn thi hành án, thứ hai sau đó là ra giám đốc thẩm. Đương nhiên trong thời hạn 3 năm sau thì có hiệu lực. Tuy nhiên, việc giám đốc thẩm để kêu oan, xét lại vụ án thì không tính đến thời hạn. Chỉ cần tạm hoãn thi hành án đã là một thành công rồi. Sau đó còn xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án thì cơ quan tố tụng sẽ có quyết định cuối cùng".

Hành trình kêu oan

nq2

Tủ tù Nguyễn Văn Chưởng làm các con thú kêu oan bằng túi nilon phế thải. Courtesy : Facebook Chuyện của Thịnh

Tương tự hoàn cảnh được tạm hoãn trước giờ thi hành án như tử tù Lê Văn Mạnh, còn hai tử tù thanh niên khác là Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Nguyễn Văn Chưởng (sinh năm 1983) bị kết án tử trong vụ giết Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh ở Hải Phòng hồi năm 2007, mà anh Chưởng bị kết luận là kẻ cầm đầu. Hồ Duy Hải (sinh năm 1985) bị tuyên tử hình vì tòa cho rằng anh Hải là hung thủ gây ra cái chết của hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi ở Long An, vào tháng Giêng năm 2008. Cả hai tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải đều được tạm hoãn thi hành án tử hình hồi năm 2014.

Đồng hành với ba tử tù thanh niên, gia đình của họ đã khăn gói đi kêu oan cho con mình. Những lá đơn kêu oan được gửi đến các cấp, từ địa phương đến trung ương. Người cha với mái đầu bạc trắng, người mẹ với ánh mắt mỏi mòn, đứa con thơ bé bỏng không nụ cười trên môi trở thành những dân oan, cơm nấm gạo đùm, lê la cầu cứu trước trụ sở cơ quan công quyền ở thủ đô Hà Nội với nỗi thống khổ tột cùng không biết bao giờ thân nhân được minh oan. Ông Nguyễn Trường Chinh, thân phụ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng chia sẻ :

"Trong suốt hơn 10 năm qua, ba gia đình tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh, chúng tôi đã bán hết ruộng vườn, cầm cố nhà cửa. Trong quá trình đi kêu oan khánh kiệt hết tài sản, không còn gì. Bây giờ những sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi rất cơ cực".

Hành trình kêu oan cho con của ba gia đình còn gặp nhiều trở ngại như bị công an, an ninh bắt. Bà Nguyễn Thị Loan, thân mẫu của tử tù Hồ Duy Hải bị làm khó dễ khi bà làm thủ tục xuất cảnh đi Thái Lan để tìm công lý cho con mình ở cơ quan của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Ân xá Quốc tế. Sau bao năm cạn kiệt sức của lẫn sức người, giờ đây hành trang kêu oan của ba gia đình chỉ còn với niềm hy vọng tột cùng qua những cành hồng và con thú, được làm từ cọng chỉ và các túi nilon phế thải do bạn tù góp nhặt cho, mà tâm tư của các tử tù gửi trọn vào trong đó.

Một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đã trưng bày những vật phẩm này như là một thông điệp chuyển tải đến cộng động hãy đừng quên họ, những tử tù thanh niên đang mong mỏi từng giây phút được giải oan, được trở về xã hội để thực hiện những hoài bão và làm tròn bổn phận của mình với gia đình và đất nước. Ông Thọ Nguyễn, hiện đang cư ngụ tại Đức, đã rất xúc động khi bắt gặp các kỷ vật kêu oan của ba tử tù Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Từ đó, ông tìm hiểu nhiều hơn về ba vụ án này và ông kêu gọi cộng đồng cùng lên tiếng kêu oan cho họ. Ông Thọ Nguyễn nêu lên ý kiến cá nhân :

"Tôi muốn nói đến việc có được bằng chứng hoặc có được những kết luận của cơ quan điều tra là hoàn toàn dựa trên tra tấn và ép cung. Người ta không chỉ ép cung người nghi can mà còn ép cung cả nhân chứng. Như vậy, các bản án đó cực kỳ là phi lý. Cho nên tôi thấy rằng việc hủy bỏ các bản án này là điều cần thiết và phải làm ngay. Vì sao ? Vì những thanh niên này đã bị giam quá lâu mà người ta đã mất hết tuổi trẻ của người ta rồi. Nếu còn chậm ngày nào thì còn hại cuộc đời của người ta ngày đó và lòng tin của người dân đối với chế độ và sự công bằng của pháp luật sẽ mất đi ngày đó".

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, trong số những người quan tâm đến công lý tại Việt Nam, ngày càng có nhiều tiếng nói được cất lên để kêu gọi Chính phủ hãy hành động khẩn cấp vì mạng sống của ba thanh niên Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, vì theo họ, như lời nhận xét của ông Thọ Nguyễn rằng "Những bông hoa với con giống sống động và có hồn thì chỉ có những người lương thiện mới có đủ kiên nhẫn và tình yêu cuộc sống để làm như vậy".

Hòa Ái

******************

Các nhà hoạt động dân sự đến Đồng Tâm bị xách nhiễu (RFA, 21/04/2018)

Một nhóm gồm 7 nhân sĩ trí thức bị xách nhiễu khi đến thăm xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội vào ngày 21 tháng 4 nhân kỷ niệm 1 năm ngày Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đông Tâm đối thoại với người dân. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người tham gia đoàn thăm Đồng Tâm cho đài Á Châu Tự Do biết như vậy vào tối ngày 21/4.

nq3

Đoàn nhân sĩ trí thức thăm cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội hôm 21/4 - Courtesy FB Le Anh Hung

Ngày 22/4 năm ngoái, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đích thân đến Đồng Tâm giải quyết vụ người dân bắt giữ con tin phản đối tình trạng lấy đất nông nghiệp và bắt giữ dân làng của chính quyền địa phương.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đoàn nhân sĩ trí thức khi đến cánh đồng Sênh, nơi diễn ra vụ tranh chấp đất giữa người dân và chính quyền địa phương vào năm ngoái, đã bị một xe công an đến chặn với lý do xe gây tai nạn giao thông. Tuy nhiên, sau đó phía công an đã không thể chứng minh được vụ tai nạn.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết sau khi đoàn nhân sĩ trí thức dời khỏi Đồng Tâm sang địa bàn xã khác, có hai thanh niên tóc dài, xăm trổ, đi xe máy lạng lách và ngăn cản xe của đoàn.

"Đến hết xã Đồng Tâm, đi thêm khoảng 1 km, đến Phúc Lâm thì thấy một xe máy có hai cậu xăm trổ, tóc dài, đi trước xe láng liệng. Đi them một chút nữa thì có xe 4 chỗ chặn xe chúng tôi giữa xe láng liệng. Hai cậu đó quay sang ăn vạ và bảo là xe các bác láng liệng…. 5 phút sau nó để xe đổ xuống trước xe của bọn tôi, ăn vạ rồi gọi công an cảnh sát đến. "

Cho tới 9 giờ tối đoàn nhân sĩ trí thức mới được thả từ Uỷ ban Nhân dân xã Phúc Lâm nơi họ bị giữ lại để giải quyết vụ tai nạn mà họ cho là đã được dàn dựng.

Vào tối cùng ngày, ông Lê Đình Công, người dân xã Đồng Tâm đã phát live trên Facebook tố cáo công an huyện Mỹ Đức, công an thành phố Hà Nôi và an ninh luôn gây khó dễ cho các đoàn đến thăm người dân xã Đồng Tâm.

Trong đoạn truyền trực tiếp Facebook, người dân xã Đồng Tâm cũng tố cáo công an thường dùng côn đồ dựng chuyện gây khó dễ cho người dân.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét về cách làm quen thuộc này của công an như sau :

"Nhiều lần họ làm kiểu như vậy. Tức là họ chặn không được thì họ vẽ ra chuyện hỏi như thế. Hỏi không được thì họ đưa côn đồ, làm thế này thế kia để tìm cách giữ mọi người, làm cho mọi người ngại sợ không đến thăm bà con nữa".

Đây không phải là lần đầu tiên công an gây khó dễ cho người dân Đồng Tâm trong năm nay. Hồi tuần trước, người dân xã Đồng Tâm cũng tố cáo công an bao vây và gây khó dễ khi họ làm lễ kỷ niệm 1 năm xảy ra vụ việc Đồng Tâm.

Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế hồi năm ngoái cũng tố cáo chính quyền Việt Nam đã gia tăng sử dụng xã hội đen để xách nhiễu những người hoạt động nhân sự. Theo báo cáo này từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2017 đã có 36 trường hợp những người hoạt động dân sự bị những người mặc thường phục đánh đập, thậm chí gây thương tích nặng.

Vụ tranh chấp ở xã Đồng Tâm xảy ra vào ngày 15/4 năm ngoái khi chính quyền địa phương cho bắt 4 người dân địa phương phản đối việc lấy đất nông nghiệp để trao cho công ty Viettel của quân đội. Cụ Lê Đình Kình là một trong 4 người bị bắt đã bị thương. Người dân bức xúc đã bắt giữ 38 cán bộ, công an để phản đối. Sau đó, 3 người bị người dân bắt giữ đã tự giải thoát, người dân thả 16 người khác. 19 người còn lại được thả sau khi Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung trực tiếp về Đồng Tâm và cam kết không truy tố người dân xã Đông Tâm, điều tra và xác minh vụ bắt và gây thương tích cho cụ Kình.

****************

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích tình trạng nhân quyền ở Việt Nam (RFA, 20/04/2018)

Quyền ngoại trưởng John Sullivan vào ngày 20 tháng 4 công bố Phúc Trình năm 2017 về thực thi nhân quyền của các nước trên thế giới.

nq4

Những người biểu tình phản đối bên ngoài tòa án trong phiên xử thành viên Hội Anh Em Dân Chủ ở Hà Nôi hôm 5/4/2018 - AFP

Theo lời ông John Sullivan thì những quốc gia giới hạn quyền tự do biểu đạt, hội họp ôn hòa ; những quốc gia cho phép và có biện pháp bạo lực đối với tín đồ tôn giáo, các sắc tộc thiểu số ; hoặc những quốc gia hủy hoại nhân phẩm con người, phải bị phê phán về mặt đạo đức

Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ cho tất cả những quốc gia trên thế giới đấu tranh cho nhân phẩm và quyền tự do.

Trong phần về Việt Nam, Phúc trình Nhân Quyền năm 2017 của Hoa Kỳ nêu ra những vấn đề đáng chú ý nhất : đó là tình trạng tước đoạt sự sống một cách tùy tiện, phi pháp ; nạn tra tấn và đối xử tàn ác, phi nhân, hạ thấp phẩm giá con người ; vấn đề bắt và giam giữ tùy tiện những tiếng nói đối lập ôn hòa ; tình trạng vi phạm một cách có hệ thống trong lĩnh vực tư pháp gồm không cho tiếp cận luật sư, không cho gia đình thăm nuôi ; xét xử không công bằng và chóng vánh ; chính quyền can thiệp vào quyền riêng tư, gia đình và thư tín ; hạn chế các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, quyền đi lại và quyền tự do tôn giáo, gồm các biện pháp như kiểm duyệt báo chí, giới hạn quyền tự do Internet ; rồi nạn tham nhũng ; bạo lực gia đình ; lạm dụng trẻ em ; cũng như giới hạn quyền của người lao động trong việc thành lập và tham gia nghiệp đoàn.

Tất cả được chứng minh qua những vụ việc cụ thể như trường hợp tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn bị cắt cổ chết khi bị giam giữ tại đồn công an Vĩnh Long vào tháng 5 năm ngoái.

Trong năm qua chính phủ Hà Nội cho bắt giữ khoảng 30 cá nhân ôn hòa bày tỏ chính kiến khác biệt ; con số này tăng hơn năm 2016 chừng chục người.

An Ninh mặc thường phục ra tay bắt người mà không hề có trát bắt như trường hợp nhà hoạt động Lê Đình Lượng lên tiếng về thảm họa môi trường Formosa…

Trường hợp luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và người cộng sự Lê Thu Hà bị giam giữ hơn 2 năm mới đưa ra xét xử ; trong khi đó luật sư do gia đình ông này mời để bào chữa bị từ chối và cơ quan chức năng chỉ định luật sư.

Các luật sư bào chữa cho những tiếng nói bất đồng bị đưa ra tòa không có đủ thời gian để tiếp xúc với thân chủ.

Phúc trình dẫn thống kê của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch hiện có hơn 100 người tại Việt Nam bị án tù chỉ vì lý do chính trị hoặc tôn giáo. Một trường hợp được nêu ra là blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được Hoa Kỳ trao giải Người Phụ Nữ Can Đảm, bị Hà Nội kết án 10 năm tù sau khi những bài viết về nhân quyền, vấn đề đất đai và quan ngại về môi trường của bà trên mạng xã hội được nhiều người theo dõi.

Trong năm qua xảy ra những vụ cưỡng chế thu hồi đất mà người dân không đồng thuận phải đụng độ với lực lượng chức năng. Phía cưỡng chế còn bị tố cáo thuê ‘côn đồ’ đến đe dọa, trấn áp người dân. Nhiều người dân phản kháng lại bị bắt với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ hoặc ‘gây rối trật tự’.

Nhiều nhà hoạt động bị vi phạm quyền đi lại ; có người bị cấm xuất cảnh. Tình trạng bách hại những người thiểu số ở Tây Nguyên theo Đạo Thiên Chúa vẫn tiếp diễn. Một số trốn chạy sang Campuchia, Thái Lan và được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cấp qui chế tỵ nạn nhưng Hà Nội thúc ép chính quyền sở tại trả họ về lại Việt Nam.

Phúc trình năm 2017 do Bộ ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 20 tháng tư nêu lên trình trạng nhân quyền và quyền người lao động tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Quay lại trang chủ
Read 713 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)