Rủi ro khi Trung Quốc vượt Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam (VOA, 20/04/2018)
Việt Nam ngày càng trở nên phụ thuộc hơn vào Trung Quốc trong khi ảnh hưởng của Mỹ giảm dần
Cờ Việt Nam và Trung Quốc trước lễ đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại Văn phòng Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội. Trung Quốc trong năm qua đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cảnh báo có nhiều rủi ro khi Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc thay thế Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và làm cho mong muốn ‘thoát Trung’ của quốc gia Đông Nam Á ngày càng khó khăn.
Mỹ là những nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong 15 năm qua cho đến khi Trung Quốc chiếm lĩnh vị trí này vào năm ngoái, theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được Bloomberg trích dẫn.
Sự thay đổi này bắt đầu vào năm 2017 khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 33.5% so với năm trước đó trong khi xuất khẩu sang Mỹ chỉ tăng 20%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Việt Nam dựa vào Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, một nước láng giềng có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam trong nhiều mặt, bao gồm cả kinh tế và chính trị. Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump có chủ trương hướng nội bằng việc theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại mà ông gọi là "Nước Mỹ trên hết", Trung Quốc đã nổi lên để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại bằng cách tăng cường thương mại và đầu tư ở khu vực Đông Nam Á.
Hai chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh và Phạm Chí Dũng nhận định với VOA rằng chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Trump là một yếu tố chính ảnh hưởng đến sự sụt giảm tầm ảnh hưởng về kinh tế thương mại đối với Việt Nam và tạo điều kiện cho Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
"Gần đây một số chính sách của Hoa Kỳ có tính chất bảo hộ nhiều hơn và vì vậy cho nên có thể sẽ dẫn đến một số khó khăn nhất định cho xuất khẩu của Việt Nam," theo TS Doanh, cựu viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một tuyên bố tăng thuế nhập khẩu đối với sắt và nhôm tại Nhà Trắng ở Washington hôm 8/3. Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu nhôm vào thị trường Mỹ.
Ngay sau khi lên nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2017, ông Trump lập tức rút Mỹ ra khỏi hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Việt Nam được cho là nước hưởng lợi nhiều nhất, mà theo ông nói để bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ. Trong những tháng gần đây vị tổng thống này đã áp dụng tăng các mức thuế đối với nhiều mặt hàng như nhôm, thép, tôm và cá - là những mặt hàng mà Việt Nam xuất nhiều sang Mỹ. Ông Trump cũng đưa Việt Nam vào danh sách 16 nước có thể gây hại cho kinh tế Mỹ. Việt Nam đứng thứ 5 với mức thặng dư thương mại 38.3 tỷ USD trong cán cân thương mại với Mỹ.
*******************
Bloomberg : Việt Nam là thị trường IPO 'nóng' nhất Đông Nam Á (VOA, 20/04/2018)
Việt Nam đang trở thành thị trường IPO (Initial Public Offering- đợt chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng) 'nóng' nhất khu vực Đông Nam Á trong lúc nền kinh tế của đất nước hơn 90 triệu dân này đang thăng hoa, theo Bloomberg.
Bên ngoài trụ sở Thị trường chứng khoán Hà Nội trên phố Tràng Tiền. Việt Nam được Bloomberg đánh giá là thị trường IPO náo nhiệt nhất khu vực Đông Nam Á.
Tạp chí kinh doanh và phân tích thị trường cho biết trong năm 2017 thị trường IPO (đợt chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng) của Việt Nam tăng đến 6 tỷ USD.
Bloomberg cho rằng chứng khoán trên thị trường Việt Nam còn đắt giá hơn cả nhóm cổ phiếu công nghệ ở Thâm Quyến của Trung Quốc.
Nền kinh tế phát triển mạnh cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu đã tạo ra sức mua lớn và góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam bùng phát với nhiều thương vụ IPO lớn nhất khu vực Đông Nam Á, theo dữ liệu của Bloomberg.
Thương vụ chào bán cổ phần của Vinhomes với giá 2 tỷ USD tới đây có thể trở thành thương vụ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Ngân hàng Techcombank dự kiến cũng sẽ huy động 922 triệu USD trong đợt IPO sắp tới.
Tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy có sự thận trọng trong "cơn sốt" IPO đang diễn ra ở thị trường náo nhiệt nhất trong khu vực này, theo nhận định của Bloomberg.
Nhưng Bloomberg cũng cho biết các nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng hơn đối với các thương vụ cổ phần hóa. Hiện tại, Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hoá các công ty quốc doanh. Thị trường tăng trưởng tốt được xem là thuận lợi cho nhà nước trong quá trình thoái vốn khỏi các doanh nghiệp.
Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng, theo Bloomberg.
Trải qua hàng loạt sóng gió những năm đầu thập niên này, kinh tế Việt Nam đang rất ‘khỏe mạnh’. GDP của Việt Nam đã tăng 7,4% trong quý 1/2018, mức cao nhất trong một thập kỷ qua.
Tiêu biểu cho sự đi lên của Việt Nam là Vingroup. Tập đoàn này hôm 2/9/2017 đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ôtô và xe máy có tên VinFast ở Hải Phòng với vốn đầu tư từ 1 tới 1,5 tỷ đôla trong giai đoạn đầu tiên.
Việt Nam được Bloomberg đánh giá là có thể sẽ trở thành công xưởng của thế giới tiếp theo ở Châu Á trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét để tái gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, Bloomberg cảnh báo dường như thị trường đang tỏ ra quá lạc quan với thông tin này và chỉ cần nhà đầu tư chọn nhầm thời điểm là sẽ lập tức bị "bỏng" bởi thị trường đang quá "nóng".