Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/05/2018

Ai nói Việt Nam biết trọng dụng nhân tài từ nước ngoài về ?

Tổng hợp

Giáo sư Trương Nguyện Thành rời Đại học Hoa Sen về Mỹ là 'đáng tiếc' (BBC, 05/05/2018)

Giáo sư Trương Nguyện Thành không được công nhận làm hiệu trưởng Đại học Hoa Sen do "chưa đủ kinh nghiệm quản lý" trong ngành giáo dục Việt Nam.

nhantai1

Giáo sư Trương Nguyện Thành

Giáo sư Thành, người sẽ quay lại làm tại Đại học Utah, Mỹ, được mời về làm phó hiệu trưởng điều hành của Đại học Hoa Sen từ tháng 1/2017. Đến tháng 4/2018, ông được Hội đồng quản trị trường đại học tư thục này đề cử vào vị trí Hiệu trưởng với số phiếu 16/18.

Tuy nhiên, theo quy trình công nhận vị trí hiệu trưởng theo luật Giáo dục Đại học Việt Nam, ông "chưa đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam".

Tin này là điều "đáng tiếc" cho giáo dục Việt Nam và là "một ví dụ của quy định không còn hợp thời" cho việc thu hút nhân tài, PGiáo sư TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học từ Hà Nội, bình luận với BBC.

'Tạm gác giấc mơ'

Tại Đại học Utah, nơi Giáo sư Trương Nguyện Thành bắt đầu làm việc từ năm 1992, ngoài việc giảng dạy, ông còn tham gia công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa Hóa.

Kinh nghiệm quản lý ở nước ngoài của ông dường như không được tính đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam nói "hiện chưa có quy định và tiêu chí để xác định mức độ tương đương cấp phòng/khoa của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài với Việt Nam", báo chí Việt Nam đưa tin.

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân hôm 4/5, Giáo sư Trương Nguyện Thành nói về quyết định rời Đại học Hoa Sen và quay về giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Utah của ông :

"Như tôi đã chia sẻ trong một post trước đây, hơn một năm qua khả năng lãnh đạo, điều hành, và quản lý một trường đại học của tôi trong cương vị Phó Hiệu trưởng Điều hành như thế nào thì toàn thể giảng viên, nhân viên, kể cả sinh viên ở Đại học Hoa Sen đã biết.

"Hội Đồng Quản Trị của Đại học Hoa Sen đề cử tôi vào vị trí Hiệu trưởng với số phiếu 16/18 (2 phiếu trắng) một phần nói lên sự tín nhiệm vào khả năng của tôi. Còn việc công nhận vị trí Hiệu trưởng của một trường đại học tư thục là theo luật Giáo dục đại học của Việt Nam, tôi không có ý kiến.

"Có đề xuất là tôi tiếp tục giữ vị trí Phó Hiệu trưởng (PHT) đến khi hội đủ tiêu chuẩn. Trong năm qua tôi đã xây dựng được khá nhiều nền tảng cho các chiến lược dài hạn tại Đại học Hoa Sen. Tuy nhiên người Hiệu trưởng nào cũng có chiến lược phát triển riêng của mình và cần những người Phó Hiệu trưởng (PHT) có khả năng chia sẻ và triển khai những chiến lược này. Do đó tốt hơn là để người Hiệu trưởng mới của Hoa Sen có cơ hội phát triển trường theo hướng riêng của mình dựa trên những nền tảng ấy.

Với thông tin trên, tôi quyết định tạm gác giấc mơ đóng góp cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam tại đây và quay trở lại giảng dạy và nghiên cứu ở Đại học Utah".

nhantai2

Nhiều người 'tiếc cho giáo dục Việt Nam' vì Giáo sư Trương Nguyện Thành rời Đại học Hoa Sen và quay về Mỹ.

'Quy định cản trở việc thu hút nhân tài'

Bình luận với BBC hôm 5/5, TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học từ Hà Nội, nói :

"Là một trong những trường tư tốt hiếm ở Việt Nam, Trường Đại học Hoa Sen, sau những vụ lùm xùm, đang chao đảo mà tìm được một người hiệu trưởng tốt để thuyết phục chủ đầu tư, giáo viên và học sinh là không dễ".

Bà Hoàng Ánh cũng cho rằng quy định hiệu trưởng cần có 5 năm kinh nghiệm quản lý ở một cơ sở giáo dục Việt Nam chỉ nên áp dụng cho trường công. "Còn các trường tư là tự thu tự chi, tín nhiệm ai là việc của người ta", bà Hoàng Ánh tiếp lời.

"Trong thời buổi toàn cầu hóa, việc thu hút người ở nước ngoài về làm quản lý [ở các trường Việt Nam] không thể áp dụng tiêu chuẩn của nội địa".

TS Hoàng Ánh cũng lấy ví dụ các trường đại học tư ở Hàn Quốc, nơi có nhiều người Mỹ giữ vai trò quản lý. "Người ta phân biệt rõ ràng những vị trí như academic director (giám đốc học thuật) thì phải có thâm niên, còn các vị trí quản lý thì không nhất thiết phải có".

"Đây là một ví dụ cho thấy quy định cũ không còn hợp thời, gây cản trở việc thu hút nhân tài và thu hút người từ nước ngoài về Việt Nam làm việc", bà Hoàng Ánh bình luận.

Thất vọng

Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ nỗi thất vọng trước tin Giáo sư Trương Nguyện Thành rời Đại học Hoa Sen và quay về Mỹ làm việc.

Nhiều sinh viên, đồng nghiệp và người trong ngành giáo dục viết họ tiếc cho trường Hoa Sen và cho ngành giáo dục Việt Nam đã không giữ chân được vị 'giáo sư quần đùi', biệt hiệu Giáo sư Thành nhận được sau khi ông mặc quần đùi lên lớp giảng bài cho sinh viên hồi tháng 4/2017.

TS Phạm Hiệp, một nhà nghiên cứu giáo dục, viết trên trang Facebook cá nhân ông cho rằng "đây là một việc vi phạm tự chủ hoạt động của nhà trường ; nhất là đây lại là một đại học tư, hoàn toàn hoạt động bằng học phí và tiền của cổ đông".

"Một khía cạnh tự chủ tưởng như quá đơn giản, quá nhỏ thế này mà không xử lý được thì thôi, đừng mong làm việc gì phức tạp hơn như quốc tế hoá, trách nhiệm giải trình hay 4.0"

*****************

Không ‘đạt chuẩn Việt Nam,’ giáo sư Mỹ không được làm hiệu trưởng (Người Việt, 05/05/2018)

Ông Trương Nguyện Thành, một giáo sư người Mỹ gốc Việt từng dạy tại Đại học Utah và là tiến sĩ khoa học ngành hóa do Đại học Minnesota cấp năm 1990, nhưng không được công nhận làm hiệu trưởng trường Đại học Tư Thục Hoa Sen ở Sài Gòn.

nhantai3

"Tôi quyết định tạm gác giấc mơ đóng góp cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam tại đây và quay trở lại giảng dạy và nghiên cứu ở Đại học Utah".

Nguyên do chính là ông Thành "chưa đủ năm năm kinh nghiệm làm công tác quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam". Đây là điều kiện bắt buộc với chức danh hiệu trưởng đại học do Bộ Giáo dục và đào tạo đề ra.

Ông Thành được mời về làm phó hiệu trưởng điều hành Đại học Hoa Sen từ cuối năm 2016 đến nay, là người gây tranh cãi với biệt danh "giáo sư quần đùi" sau một lần ông mặc quần đùi và áo rách xuất hiện trên giảng đường để trao đổi với sinh viên về chủ đề khai mở, sáng tạo. Giải thích về việc này, ông nói trên báo Tuổi Trẻ hồi tháng Tư, 2017 : "Nếu vẫn giữ những định kiến thì chúng ta cũng chỉ có thể nghĩ ra được những cái gì đang hiện hữu mà thôi".

Hôm 4 tháng Năm, trong email gửi cho toàn bộ cán bộ, nhân viên của Đại học Hoa Sen, ông Trương Nguyện Thành viết : "Hơn một năm qua, tôi có cơ hội đồng hành cùng anh/chị/em vượt qua nhiều thử thách trong thời gian đầu khi Ban Giám Hiệu mới tiếp quản trường cũng như cùng nhau xây dựng nhiều dự án mới sau đó. Trường Đại học Hoa Sen sẽ có vị hiệu trưởng mới xứng đáng. Hiệu trưởng nào cũng có chiến lược phát triển riêng của mình cho trường và cần những người phó hiệu trưởng có khả năng chia sẻ, triển khai những chiến lược này. Do đó tôi rất tiếc là sẽ không đồng hành cùng anh/chị/em trên bước đường tương lai".

Ông Thành cũng viết trên trang Facebook cá nhân : "Tôi quyết định tạm gác giấc mơ đóng góp cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam tại đây và quay trở lại giảng dạy và nghiên cứu ở Đại học Utah".

Báo Thanh Niên cho hay : "Tuy ông Thành được Hội Đồng Quản Trị của Đại học Hoa Sen tín nhiệm với 16/18 phiếu trong cuộc họp bầu hiệu trưởng cho nhiệm kỳ 2017-2022 nhưng Luật Giáo Dục Đại học quy định hiệu trưởng phải đạt đủ tiêu chuẩn năm năm kinh nghiệm quản lý khoa/ phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam". Do đó, Sở Giáo dục và đào tạo ở Sài Gòn không đủ cơ sở để đề nghị Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn công nhận vị trí hiệu trưởng của ông Thành.

Báo Zing hôm 5 tháng Năm dẫn lời ông Phạm Hiệp, nghiên cứu sinh tại Đại học Văn Hóa Trung Hoa (Trung Quốc) : "Luật Giáo Dục Đại học từ năm 2012 của Việt Nam đã lỗi thời và không bắt kịp thực tế. Trường hợp của Đại học Hoa Sen và Giáo sưTrương Nguyện Thành là minh chứng rõ nhất cho việc này. Với luật hiện tại, dù là giáo sư của Đại học Harvard cũng không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng một trường đại học của Việt Nam".

Theo báo Thanh Niên, hồi năm 2005, Giáo sưTrương Nguyện Thành được ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó là phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn (nay là bí thư Thành Ủy), mời về nước diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán, đồng thời chuẩn bị cho việc phát triển ngành khoa học mới mẻ này tại Việt Nam. Sau đó, ông Thành còn được mời lập đề án thành lập Viện Khoa Học và Công Nghệ Tính Toán ở Sài Gòn. (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 641 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)