Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/05/2018

Mất bản đồ qui hoạch : chuyện chỉ xảy ra trong chế độ độc tài

RFA tiếng Việt

"Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị cố tình thủ tiêu" (RFA, 07/05/2018)

Trước thông tin về bản đồ gốc 1/5000 quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm bị thất lạc, các cư dân ở Thủ Thiêm-những người kiên trì khiếu kiện vì cho rằng họ bị cưỡng chế sai pháp luật đối chiếu theo tấm bản đồ bị mất đó-nói gì và nguyện vọng của họ như thế nào ?

mat1

Nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Viết Thanh công bố 13 bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm 1/5000 - Courtesy : Ảnh chụp màn hình tuoitre.vn

Hành trình bị thất lạc

Khu đô thị mới Thủ Thiêm được xem như là một trong các dự án phát triển đô thị trọng điểm của Việt Nam, với việc xem xét và chuẩn bị bắt đầu từ năm 1992.

Các đồ án quy hoạch được Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh thông qua vào năm 1995. Ngày 27/05/1996, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Tờ trình số 1861 trình lên Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có bản đồ 1/5000 kèm theo, với diện tích là 770 héc-ta bao gồm trong đó có 133 héc-ta mặt nước sông Sài Gòn và khu chuyển dân tái định cư, giáp ranh phạm vi lập quy hoạch, có diện tích 160 héc-ta.

Ngày 4/06/1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 367 về phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Sau khoảng hơn một thập niên Chính quyền quận 2 và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Báo Đại Đoàn Kết, vào ngày 25/10/2007 đăng tải thông tin về dự án này, với tựa đề bài báo "Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm : Ai phá nát quy hoạch ?", gây bức xúc trong dư luận.

Bài báo cho biết, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 22/03/2002, ban hành một lúc hai thông báo 77 và 78 truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban là ông Lê Thanh Hải yêu cầu Sở Địa chính và Kiến trúc sư trưởng phải cắm mốc giao đủ 770 héc-ta đất cho khu trung tâm. Điều này mang ý nghĩa quỹ đất bị thiếu hụt 130 héc-ta mặt nước sông Sài Gòn theo Tờ trình nguyên thủy được Thủ tướng phê duyệt. Trong cùng ngày 22/03/2002, một công văn hỏa tốc khác từ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truyền đi yêu cầu đảm bảo 160 héc-ta diện tích đất dành cho tái định cư không nhất thiết tập trung ở một điểm, mà có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trong quận 2.

Bài báo khẳng định với các văn bản vừa nêu thì khu tái định cư của người dân bị đẩy ra khỏi quy mô 930 héc-ta đã được Chính phủ phê duyệt ; đồng thời quyết định tự điều chỉnh của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về quy mô và phạm vi quy hoạch trái với Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong suốt thời gian gần 20 năm qua, hàng ngàn hộ dân bị di dời, mà họ không được bồi thường thỏa đáng, trong đó rất nhiều hộ dân bị cưỡng chế giải tỏa mà không được đền bù. Hàng trăm hộ dân không nằm trong phạm vi quy hoạch cầu cứu với chính quyền các cấp từ địa phương đến Trung ương, thậm chí họ làm đơn tập thể tố cáo chính quyền quận 2 cưỡng chế đất đai, nhà cửa sai pháp luật. Ông Hùng, một cư dân Thủ Thiêm cho RFA biết :

"Đồ án 367 kèm theo bản đồ 367 coi như là bản đồ quy hoạch và thu hồi đất. Đúng ra phải thu hồi đất theo quy hoạch và kế hoạch đó. Nhưng hiện nay, Chính quyền quận 2 và thành phố dùng một cái bản đồ dự kiến giao đất để thu hồi toàn bộ những hộ dân như chúng tôi đây là nằm ngoài ranh".

Ông Hùng và một số cư dân Thủ Thiêm giải thích rằng các căn nhà của họ nằm ngoài ranh nên được chính quyền cho phép bán, còn những nhà không được phép bán là nằm trong quy hoạch được quản lý bởi Nghị định 61 của Chính phủ và Quyết định 255 của thành phố Hồ Chí Minh về không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Trong lần đối thoại trực tiếp giữa Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh với các hộ dân Thủ Thiêm khiếu kiện, với sự giám sát của Thanh tra Chính phủ hồi năm 2016, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong hứa hẹn sẽ đối thoại trực tiếp để làm rõ 3 vấn đề, trong đó có vấn đề bản đồ quy hoạch 1/5000 đi kèm với Quyết định 367 về Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, lời hứa của ông Nguyễn Thành Phong chưa được thực hiện thì mới đây nhất, vào đầu tháng 5 năm 2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ông Chủ tịch Ủy ban vừa chấp thuận phương án bán đấu giá 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các bộ ngành có liên quan trong vòng 20 năm qua vẫn chưa tìm thấy bản gốc 1/5000.

Bị thất lạc hay bị thủ tiêu ?

Dư luận trong nước bày tỏ sự hoang mang, cho rằng có khuất tất trước thông tin bản đồ gốc 1/5000 bị thất lạc, khi giới chuyên môn lên tiếng thật là phi lý và ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, thuộc Thanh tra Chính tuyên bố rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm trả lời cho người dân biết là không có bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, vì Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng không có.

Từ Hà Nội, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân nói với RFA rằng bà không tin bản đồ bị mất :

"Bao giờ cũng có một bộ hồ sơ, không bao giờ một tờ cả. Ngay cả quy hoạch chi tiết để thi công thì cũng không phải một bản đâu, quy hoạch chi tiết còn ghi rõ hẳn hoi thậm chí là cống ở đâu, đường cây ở đâu, hè đường thế nào… có hết. Bây giờ họ lừa nhau rồi đồn lên một câu như thế, nên thú thật rằng chuyện đó chung quy lại chỉ là một trò lừa đảo. Cái quan trọng là họ lừa để làm gì, thì điều này thật sự là tôi không biết. Nhưng không bao giờ dự án quy hoạch chỉ có một bản bị mất".

Trong khi những người quan tâm chưa rõ được phía sau thông báo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ẩn giấu điều gì, thì các cư dân khiếu kiện của Thủ Thiêm cho rằng bản đồ nguyên thủy bị cố tình thủ tiêu, như ông Toản khẳng định với RFA :

"Kẻ gian phải thủ tiêu thôi. Vì sao ? Vì hiện nay chúng tôi có đủ tài liệu và chứng cứ để chứng minh rằng 5 khu phố, bao gồm khu phố 5 và 6 của phường An Khánh nằm ngoài khu trung tâm. Khu phố 1 phường Bình An nằm ngoài khu trung tâm. Khu phố 1 và 2 phường Bình Khánh nằm ngoài khu trung tâm hoàn toàn phù hợp với tất cả các văn bản. Bà con chúng tôi đi đấu tranh là cả 5 khu phố nằm ngoài khu trung tâm. Nhưng 5 khu đó thì có thể một vài khu phố nào đó nằm trong khu tái định cư thôi. Còn đặc biệt khu vực chỗ tôi 4, 3 hec-ta là không nằm trong khu trung tâm và cũng không nằm trong 160 héc-ta tái định cư. Cho nên ở đây là phải còn bản đồ thì mới so sánh được".

Vào ngày 7 tháng 5, ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, người ký Tờ trình 1861 gửi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và cũng là người trình bày trước Chính phủ về nội dung quy hoạch đưa ra với truyền thông trong nước tập hồ sơ về đồ án quy hoạch phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành phố Hồ Chí Minh-tháng 5.1995 với 13 bản đồ nguyên thủy. Ông Võ Viết Thanh nhấn mạnh rằng cần phải xem xét trường hợp Thủ tướng không ủy quyền hoặc không có sự phê duyệt của Chính phủ thì mọi thay đổi quy hoạch là không hợp pháp. Ông chia sẻ với báo giới rằng chính bản thân ông không thể ngờ có một ngày ông nhìn thấy thực trạng khu vực Thủ Thiêm như vậy. Chúng tôi xin được trích nguyên văn lời ông nói :

"Sau này, tôi nói thẳng với những người có trách nhiệm của thành phố rằng khi tôi thấy cảnh đập phá mà tôi gọi nôm na giống như một trận ném bom của thời chiến ở khu đô thị".

Nguyên Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Viết Thanh kêu gọi Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh không nên bàn và tìm bản đồ "mất tích" nữa, mà hãy tập trung xem xét việc quy hoạch, giải tỏa đền bù cho dân có được thảo đáng. Những cư dân Thủ Thiêm khiếu kiện trong ngần ấy năm mà chúng tôi có dịp trao đổi yêu cầu ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong nhanh chóng thực hiện lời hứa đối thoại với họ và chúng tôi liên lạc với Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan để hỏi thăm mong muốn của cư dân Thủ Thiêm sớm được Ủy ban thực hiện hay không ; thế nhưng mọi cố gắng của chúng tôi qua điện thoại lẫn email đều không thành.

Hòa Ái

*******************

Nguyên Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh công bố bản đồ gốc Thủ Thiêm (RFA, 07/05/2018)

Nguyên Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh ông Võ Viết Thanh ngày 6 tháng 5 công bố với báo chí rằng ông vẫn còn lưu giữ tập hồ sơ đồ án quy hoạch phát triển khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm tháng 5/1995 trong đó có 13 tấm bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5.000.

mat2

Một trong số 13 bản đồ quy hoạch đô thị Thủ Thiểm được Nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ông Võ Viết Thanh công bố với báo chí - Courtesy of News.zing.vn

Ông Thanh cho biết vào thời điểm Thành Phố Hồ Chí Minh trình chính phủ phê duyệt quy hoạch dự án này, ông Thanh đang là Phó Chủ tịch Thành phố và cũng chính là người đã ký tờ trình chính phủ. Tuy nhiên ông Thanh khẳng định Thủ tướng lúc đó là ông Võ Văn Kiệt đã không ký vào bản đồ quy hoạch nên không hề có bản đồ nào có chữ ký của Thủ tướng.

13 tấm bản đồ trong bộ hồ sơ quy hoạch thành phố mà ông Thanh đang giữ bao gồm Bản đồ tổng thể thành phố, Bản đồ quy hoạch giao thông Thủ Thiêm, Bản đồ hiện trạng kiến trúc đất xây dựng và thoát nước Thủ Thiêm, Bản đồ hiện trạng giao thông - cấp điện Thủ Thiêm, Bản đồ hiện trạng cấp nước Thủ Thiêm, Bản đồ tổng thể mặt bằng Thủ Thiêm, Sơ đồ phân khu chức năng Thủ Thiêm, Bản đồ chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng Thủ Thiêm, Sơ đồ qui hoạch cấp nước Thủ Thiêm, Sơ đồ quy hoạch cáp điện Thủ Thiêm, Sơ đồ quy hoạch thoát nước bẩn, Quy hoạch xây dựng đợt đầu (khu Bắc), Quy hoạch chi tiết khu Bắc Thủ Thiêm.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt dự án khu đô thị Thủ Thiêm dựa trên những bản đồ vừa nêu.

Truyền thông trong nước dẫn lời ông Võ Viết Thanh rằng đã từ lâu ông luôn đau lòng nhìn cảnh giải tỏa các hộ dân ở đường Lương Định Của. Ông cho rằng vấn đề bây giờ không phải là đi tìm bản đồ gốc mà phải làm sao việc quy hoạch giữ được mục đích tốt đẹp ban đầu và hơn cả là lo ổn định đời sống người dân.

Cũng tin liên quan, ông Phan Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7 tháng 5 cho biết đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức đoàn giám sát riêng về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ông cho hay đoàn giám sát sẽ làm rõ nhiều yếu tố pháp lý trong đó đảm bảo chính sách bồi thường giải tỏa, tái định cư cho người dân được làm đúng không. Hay việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại được thực hiện đúng pháp luật không…

Quay lại trang chủ
Read 630 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)