Việt Nam giữ nhiều đảo tại Trường Sa (RFA, 08/05/2018)
Việt Nam là quốc gia có nhiều bãi cạn, đảo đá nhất trong quần đảo Trường Sa.
Một cơ sở quân sự cua Việt Nam trên Đảo Đá Nam, Quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp tháng 4/1995. AFP
Tờ báo Philippines Star ra ngày 8/5 cho biết như vậy, dẫn nguồn tin từ Tổ chức Minh bạch Hàng hải, rằng Việt Nam xây dựng các căn cứ quân sự hậu cần của mình trên 21 rạn san hô và đảo đá, 14 cơ sở trên các bãi cạn.
Philippines Star cho biết là Manila kiểm soát 9 thực thể, trong đó có đảo Thị Tứ là một trong những đảo lớn nhất Trường Sa, có một đường băng đáp máy bay.
Cũng theo tài liệu này thì Trung Quốc chiếm đóng 7 đảo đá hoặc bãi cạn ở Trường Sa.
Đảo lớn nhất Trường Sa là đảo Ba Bình thì do quân đội Đài Loan chiếm đóng.
Quần đảo Trường Sa nằm ở Đông Nam Biển Đông, hiện là nơi tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Thời gian gần đây có tin nói rằng Bắc Kinh đã cho triển khai tên lửa và radar hiện đại ra các đảo đá Chữ Thập, Vành Khăn, và Subi mà họ đang chiếm đóng.
Manila lên tiếng ngay sau đó là họ không có phương tiện kỹ thuật để phối kiểm thông tin này. Còn về phía Trung Quốc, Bộ ngoại giao nước này nói rằng việc triển khai các loại thiết bị nói trên không nhắm vào quốc gia nào cả, vì thế không có gì phải lo ngại.
********************
Canada ra kết luận điều tra về khớp nối ống của Việt Nam (VOA, 08/05/2018)
Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) vừa đưa ra kết luận cuối cùng, giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối ống bằng đồng của Việt Nam. Quyết định này sẽ được công bố chính thức vào cuối tháng này.
Canada xác định sản phẩm của Việt Nam đã được trợ cấp và bán phá giá vào thị trường Canada.
Theo Bộ Công thương Việt Nam, cơ quan chức năng của Canada xác định sản phẩm của Việt Nam đã được trợ cấp và bán phá giá vào thị trường Canada.
CBSA xác định mức biên độ trợ cấp, biên độ bán phá giá đối với các công ty xuất khẩu của Việt Nam là 30,6% và 159%.
Trong một thông báo vào tháng trước, cơ quan này cho biết : "Tòa án thương mại quốc tế Canada (CITT) đang tiếp tục điều tra khiếu nại về việc gây tổn hại cho ngành công nghiệp trong nước và sẽ đưa ra quyết định vào ngày 25 tháng 5 năm 2018. Mức thuế tạm thời sẽ tiếp tục được áp dụng đối với hàng nhập khẩu và bán phá giá và trợ cấp từ Việt Nam cho đến khi CITT kết thúc điều tra và đưa ra kết luận".
CBSA bắt đầu tiến hành điều tra các sản phẩm khớp ống nối bằng đồng nhập khẩu từ Việt Nam vào tháng 10 năm ngoái, sau khi nhận được tố cáo từ một nhà sản xuất trong nước, Công ty Cello Products, có trụ sở ở Cambridge, Ontario.
Công ty này cho biết đã phải chịu thiệt hại nặng nề trong kinh doanh vì tác động của các sản phẩm bán phá giá nhập từ Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam liên tục bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu và Canada.
Gần đây nhất là các quyết định đánh thuế "gây sốc" lên các sản phẩm thép, tôm, cá… nhập vào Hoa Kỳ, mà phía Việt Nam cho là "nhầm lẫn" và "không công bằng".