Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/05/2018

Bỏ rơi 260 xe BMW, gây chết người giám đốc đi du hý, ca sĩ thiếu văn hóa

Người Việt

Gần 260 xe BMW bị ‘bỏ rơi’ ngoài cảng Vũng Tàu (Người Việt, 12/05/2018)

Tại cảng Cái Mép đang tồn đọng đến 118 container chứa 256 xe hơi mang thương hiệu BMW được nhập về từ đầu năm 2017, song đến nay vẫn chưa có ai đến nhận.

vn1

Lô xe BMW, tang vật vụ án buôn lậu của công ty Euro Auto vẫn đang được lưu giữ tại cảng VICT Sài Gòn. (Hình : Thanh Niên)

Ngày 11 tháng Năm, nói với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Khoa, phó chi cục trưởng Hải Quan Cửa Khẩu Cảng Cái Mép – Cục Hải Quan Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết hiện đơn vị này có báo cáo đề nghị Tổng Cục Hải Huan trả lô hàng 256 chiếc xe hơi hiệu BMW về Đức.

Ông cho hay, theo quy định quản lý hàng tồn đọng tại cảng thì sau 90 ngày hàng cập cảng mà không có người đến nhận, hải quan cảng sẽ tiến hành phát thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để bắt đầu các thủ tục giải quyết hàng tồn đọng. Tuy nhiên, đã có nhiều thông báo phát đi, song đến nay đã hơn một năm, đơn vị nhập hàng vẫn "bặt âm vô tín".

Dù không có ai nhận nhưng theo ông Khoa, thông tin trên giấy tờ nhập cảng cho thấy 256 chiếc BMW này là hàng mới. Tất cả đều thông tin khai báo tạm thời trên hồ sơ. Còn thực chất thế nào, xe mới hay xe cũ, có đúng là 256 chiếc xe không hay hàng hóa khác thì chưa thể kết luận chính xác vì khi chưa làm thủ tục thì chưa khui container, chưa kiểm hóa.

Báo này cho hay, các chuyên gia xuất nhập cảng và logistics cho rằng việc không có người nhận 256 xe sang hiệu BMW là điều khó hiểu nếu không nói là quá vô lý.

Ông Đinh Văn Thiên, chuyên gia logistics và xuất nhập cảng, nhận định có thể lô xe này đang vướng các quy định liên quan đến thuế, xe cũ, xe mới hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện để được nhập. Chứ bảo "vô chủ" chắc chắn là chưa chính xác.

"Đây là khối tài sản lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng, làm sao vô thừa nhận được. Thực tế có nhiều lô hàng tồn đọng cho dù các chi cục hải quan, đội kiểm soát đã xong các thủ tục thông báo, kiểm kê phân loại… nhưng nếu chưa thỏa thuận được mức phí giữa doanh nghiệp cảng và các hãng tàu thì cơ quan hải quan cũng chưa thể ra quyết định tái xuất hay một kế hoạch giải quyết cụ thể được", ông Thiên phân tích.

Theo kinh nghiệm của cá nhân, chuyên gia xuất nhập cảng Nguyễn Lý Trường An cho rằng đa phần các lô hàng này là xe đã qua sử dụng, nhập về song nay vướng quy định mới của Nghị Định 116 hoặc không đủ điều kiện nhập nên bỏ.

"Ngày trước chưa có Nghị Định 116, xe nhập đã qua sử dụng không quá 10 năm, về tân trang vẫn bán giá cao bình thường. Nay quy định xe cũ không quá năm năm, thuế nhập từ các nước Châu Âu vẫn 60% đến 70%, kiểm tra khí thải, kiểm tra gắt gao hơn… nếu nhập thì khó có lãi. Nhưng tái xuất, phải giải quyết nghĩa vụ thanh toán tiền lưu kho lưu bãi của hơn một năm qua. Ai sẽ chịu chi phí này ? Thế nên, việc tái xuất cho dù không phải tài sản liên quan vụ án thì cũng không hề đơn giản", ông An cho biết.

Năm trước, hơn 600 xe hơi BMW cũng phơi mưa phơi nắng hơn một năm tại cảng VICT, Sài Gòn, và được tái xuất về Đức. Nguyên nhân do công ty nhập cảng "có dấu hiệu gian lận lừa dối khách hàng". Tổng giám đốc công ty Euro Auto và những người liên quan đã bị bắt về tội "Buôn lậu".

Tin cho biết, ngoài ra tại cảng Cái Mép còn có 52 container hàng hóa thuộc nhiều mặt hàng gồm hàng tiêu dùng, điện tử, thực phẩm, dệt may… cũng được nhập về trong các năm 2016 và 2017 nhưng không có người đến nhận. (Tr.N)

*********************

Cựu giám đốc vụ chạy thận chết tám người ở Hòa Bình ‘cao chạy xa bay’ (Người Việt, 12/05/2018)

Gần đến ngày phiên tòa xử Bác sĩ Hoàng Công Lương, vụ tám bệnh nhân chạy thận tử vong ở bệnh viện tỉnh Hòa Bình, thì mạng xã hội phát hiện ông Trương Quý Dương, cựu giám đốc bệnh viện, đang "vi vu ở Canada".

vn2

Ông Trương Quý Dương cùng vợ được cho là đang ở Canada. (Hình : Facebook Chi Trần)

Theo báo Tuổi Trẻ, dự trù ngày 15 tháng Năm tới đây, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tai biến chạy thận tại tỉnh Hòa Bình sẽ được mở lại tại Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình sau khi bị hoãn một tuần.

Trước đó, hôm 7 tháng Năm, tòa án ở Hòa Bình mở phiên tòa xét xử ba bị cáo liên quan vụ tám bệnh nhân chạy thận tử vong hồi tháng Năm, 2017, xảy ra tại khoa Hồi Sức Cấp Cứu, bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hòa Bình, gồm ông Trần Văn Sơn – cán bộ phòng Vật tư, trang thiết bị t tế Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Mạnh Quốc – giám đốc công ty Trâm Anh, và Bác sĩ Hoàng Công Lương – người phụ trách việc chạy thận nhân tạo.

Ông Quốc bị truy tố về tội vô ý làm chết người. Bác sĩ Lương và ông Sơn bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhiều người dân Việt Nam, cũng như các bác sĩ và nhân viên y tế đều cho rằng Bác sĩ Lương vô tội, và đến nay đã có hơn 15.400 bác sĩ và nhân viên y tế gửi chữ ký "ủng hộ Bác sĩ Lương" và kêu gọi tòa "xử đúng người đúng tội".

Riêng phiên tòa ngày 7 tháng Năm đã phải hoãn vì ông Trương Quý Dương, giám đốc bệnh viện thời điểm xảy ra vụ tai biến, vắng mặt và có đơn đề nghị xử vắng mặt. Và có thể tiếp tục vắng mặt tại phiên tòa ngày 15 tháng Năm tới đây.

Ông Dương được xác định là người đại diện bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hòa Bình ký gói thầu với công ty cổ phần Dược Phẩm Thiên Sơn. Công ty này sau đó chuyển gói thầu cho công ty Xử Lý Nước Trâm Anh để nhận "sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị y tế tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hòa Bình".

Vụ tám bệnh nhân tử vong được cơ quan điều tra kết luận là do "nước dùng lọc thận nhiễm hóa chất".

Báo Lao Động tường thuật : "Viện kiểm sát nhân dân cho rằng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với cả ông Trương Quý Dương lẫn công ty Thiên Sơn" tuy vậy ông này vẫn có lệnh triệu tập đến tòa với vai trò "người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự".

Sau khi vụ tai biến chạy thận xảy ra hồi tháng Năm, 2017, đến ngày 9 tháng Tám, ông Dương bị cách chức giám đốc.

Luật sư Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho Bác sĩ Lương được báo Lao Động dẫn lời : "Nếu việc xét xử không có mặt của ông Trương Quý Dương thì sẽ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Nếu ông Dương không có mặt tại phiên tòa thì vụ án có thể sẽ bị bế tắc".

Hồi tháng Sáu, 2017, báo VOV cho hay : "Năm 2001, khi còn làm giám đốc Trung Tâm Y Tế huyện Kim Bôi, ông Trương Quý Dương từng bị kết luận ‘vi phạm chính sách về quản lý kinh tế, làm trái quy định, chi tiêu không đúng mục đích, buộc phải bồi thường công quỹ hơn 48 triệu đồng (hơn 2.110 USD)’. Ông Dương bị kiến nghị kiểm điểm, xử lý kỷ luật".

"Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, ông Dương được điều chuyển làm giám đốc Trung Tâm Bảo Vệ Sức Khỏe Bà Mẹ Trẻ Em và Kế Hoạch Hóa Gia Đình tỉnh Hòa Bình. Cuối năm 2004, công an tỉnh Hòa Bình điều tra, xác minh theo đơn thư tố cáo, làm rõ một số sai phạm liên quan đến ông Dương. Sau đó, ông Dương lại được cất nhắc làm giám đốc bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hòa Bình cho đến khi xảy ra vụ tai biến chạy thận", tờ báo viết.

Còn lần này, khi phiên tòa sắp diễn ra, ông Trương Quý Dương lại đang "vi vu ở Canada".

Hiện chưa thấy cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình làm rõ việc ông Dương xuất cảnh khi nào.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Một thảm họa y khoa xảy ra với tám bệnh nhân chết oan bởi sự tắc trách của một nhóm người, trong đó, ông Trương Quý Dương là người có vai trò quan trọng nhất. Vậy mà, ông ta không những không bị truy tố, mọi tội lỗi được đổ lên đầu một bác sĩ điều trị, mà bây giờ, khi người bác sĩ vô tội kia phải bước ra trước vành móng ngựa, thì ông ta lại đang ung dung ở xứ người. Về mặt đạo lý, đó là một nỗi nhục cho đạo lý làm người, của cá nhân ông Trương Quý Dương, của các cán bộ thuộc viện kiểm sát, tòa án, và các lãnh đạo đảng và chính quyền tỉnh Hòa Bình. Về mặt pháp lý, ông Trương Quý Dương là người có trách nhiệm liên quan mật thiết đến vụ án. Tại sao lại có thể để cho ông ấy xuất cảnh ?" (T.K.)

********************

Ca sĩ ‘nổi nhất Việt Nam’ làm video đốt tranh ‘Đức Mẹ Sầu Bi’ (Người Việt, 12/05/2018)

Hôm 12 tháng Năm, mạng xã hội dấy lên tranh cãi quanh MV (video ca nhạc) "Chạy Ngay Đi" mới ra mắt của ca sĩ Sơn Tùng M-Thành phố có cảnh đốt cháy bức tranh "Đức Mẹ Sầu Bi".

vn3

Cảnh bức tranh "Đức Mẹ Sầu Bi" bị đốt cháy trong MV "Chạy Ngay Đi" của Sơn Tùng M-Thành phố (Hình chụp màn hình)

MV này được ghi nhận sau 10 giờ post trên YouTube riêng của Sơn Tùng M-Thành phố đã lọt top 10 video "được xem nhiều nhất thế giới" với hơn 5.5 triệu lượt view.

Con số nêu trên có thể được giải thích là do ca sĩ này đang sở hữu lượng fan hùng hậu nhất, đa số là tuổi teen và những khán giả trung thành này luôn sẵn sàng "cày view" để giúp thần tượng đạt lượng view "khủng".

Hình vẽ bị đốt cháy trong MV được xác định là tranh chép của tác phẩm "Pietà", được nhiều người việt biết đến với tên "Đức Mẹ Sầu Bi" là của họa sĩ William-Adolphe Bouguereau ra đời từ năm 1876.

Trước đó, trang Kênh 14 cho hay : "MV ‘Chạy Ngay Đi’ là sản phẩm âm nhạc trở lại đường đua Vpop của ca sĩ Sơn Tùng M-Thành phố sau hơn một năm tập trung chuẩn bị. Dự án lần này được đầu tư và chăm chút kỹ lưỡng từng khâu để đem đến cho khán giả sản phẩm tốt nhất có thể".

Trang này cũng viết thêm rằng trong MV "Chạy Ngay Đi", Sơn Tùng M-Thành phố vào vai một chàng trai giận dữ, đốt sạch hết mọi thứ khi bị lừa dối trong tình yêu.

Ngay sau khi MV được tung ra, các trang tin về Công Giáo đã lên án việc ca sĩ Sơn Tùng M-Thành phố "cố ý bôi nhọ, báng bổ Công Giáo" và kêu gọi mọi người "phản đối, tẩy chay, nhấn nút report MV này".

vn4

Ca sĩ Sơn Tùng M-Thành phố bênh cạnh bức tranh "Đức Mẹ Sầu Bi" trong MV "Chạy Ngay Đi". (Hình chụp màn hình)

Tuy vậy, một fan của Sơn Tùng M-Thành phố có ý kiến bênh vực thần tượng : "Mọi người đừng nhạy cảm và hà khắc quá. Tùng chỉ mượn hình ảnh tôn giáo để kể câu chuyện tình, kể về việc một người bị phụ bạc, bị mất niềm tin thì sẽ có thể cuồng nộ và hành động tội lỗi đến nhường nào ; đồng thời còn nhấn mạnh yếu tố những ai bị cám dỗ bởi đồng tiền và dục vọng thì nhất định sẽ bị trừng phạt".

Trên mạng xã hội, một số blogger đưa ra thuyết âm mưu rằng sở dĩ có cảnh đốt tranh tôn giáo trong MV này là vì nhân vật của Sơn Tùng "phát hiện ra cô người yêu là thành viên của Hội Thánh Đức Chúa Trời vốn đang bị chính quyền Việt Nam dùng truyền thông để công kích kịch liệt". Và ca sĩ Sơn Tùng nhân bối cảnh này thực hiện MV "đúng đường lối" như một cách "lấy điểm" với chính quyền.

Trước vụ của Sơn Tùng, hồi tháng Mười, 2017, cộng đồng giáo dân Công Giáo Việt Nam giận dữ lên án quán bar Fame Club ở Hà Nội vì tổ chức buổi biểu diễn "xúc phạm thánh giá và tôn giáo". Hình ảnh và clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều vũ công mặc đồ gợi cảm màu đen gắn hoặc in hình thánh giá và còn khoác khăn trùm giống của nữ tu.

Sau đó, báo Nhân Dân cho hay cơ quan chức năng xử phạt quán bar này 64 triệu đồng (hơn 2.816 USD).

Tờ báo viết thêm : "Có thể thấy nguyên nhân của hầu hết hành vi có màu sắc nhạo báng tôn giáo, tín ngưỡng qua các hoạt động sáng tác, biểu diễn phần lớn đều bắt đầu từ sự cẩu thả, thiếu hiểu biết, vô ý thức. Khi hành động như vậy, đạo diễn, nhà thiết kế, tác giả, nghệ sĩ đã không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc mình làm". (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 679 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)