Bộ Công thương lỗ nặng, ai chịu trách nhiệm ? (RFA, 23/05/2018)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN là đơn vị độc quyền khai thác và cung cấp điện năng tại Việt Nam.
Mặc dù đã không ít lần tăng giá điện trong những năm qua, doanh nghiệp này vẫn liên tục báo lỗ với tổng nợ tính đến cuối năm 2017 lên tới gần 500 ngàn tỷ đồng.
Bộ Công thương cho biết số nợ phải trả thêm của 12 dự án thua lỗ trong năm 2017 đã tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước Vietnamnet
Cùng với đó là số nợ của các tập đoàn khác như Dầu khí, Than khoáng sản… và đặc biệt là 12 dự án mà chỉ riêng số nợ phải trả thêm của những dự án này trong năm 2017 đã tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Lãnh đạo Bộ Công thương chống chế 12 dự án gặp khó khăn chung là vì chưa được các tổ chức tín dụng giãn, khoanh nợ, xử lý khấu hao cho các dự án đang vận hành và trên thực tế thì các dự án này được triển khai trong thời gian dài, thậm chí có dự án từ trước khi các tập đoàn được giao về Bộ Công thương làm chủ quản.
Nói về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết :
Chuyện thua lỗ như thế rất đáng tiếc đã được cảnh bảo từ hơn chục năm trước và việc nó vẫn sẽ tiếp tục tiến diễn là điều không có gì lạ cả. Và điều đấy là điều sai lầm cốt lõi trong đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo và như thế tạo tâm lý cho các doanh là nhà nước cho mình cái thế chủ đạo, do đó tạo ra việc khuyến khích người ta cái tâm lý làm ăn hết sức là bừa bãi mà không có hiệu quả.
Thực tế này khiến cho nền kinh tế bị kéo lùi và cũng là nguyên nhân tạo ra những đại án tham nhũng gây thiệt hại cả trăm ngàn tỷ đồng trong thời gian qua. Trong khi đó, người dân lại chính là những đối tượng phải gánh chịu những thiệt hại này. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhận xét :
" Dân thì chịu rồi, họ phải gánh cục nợ lớn của đất nước thì nó đổ lên đầu thuế của dân. Bây giờ đang tìm cách là moi tiền của dân bằng rất là nhiều thứ thuế, phí … để đổ cái thua lỗ lên đầu dân thôi. Hiện nay đây là một thực trạng, một cái bi kịch lớn của đất nước"
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng việc xảy ra thất thoát, thua lỗ nói trên xuất phát từ những quyết định sai lầm của Bộ Chính trị, chính phủ Việt Nam và cả năng lực quản lý của lãnh đạo Bộ Công thương qua các thời kỳ. Tuy nhiên, Bộ công thương trong năm vừa qua vẫn được Thủ tướng Việt Nam biểu dương và ghi nhận thành tích là "toàn diện, xuất sắc". Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, vì sao một đơn vị gây ra nên những sai phạm và thua lỗ nghiêm trọng mà lãnh đạo Bộ Công thương vẫn "bình yên", thậm chí vẫn được bằng khen của Chính phủ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai giải thích :
"Hiện nay thì cơ chế vô trách nhiệm cho nên những tội đó không ai xử được cả và họ cũng chả muốn xử. Những con người cũ họ tạo ra bê bối đó thành ra bây giờ họ bao che lẫn cho nhau để cho tội lỗi của họ không được phanh phui ra cho nên là họ có tích cực làm cái này đâu. Chính phủ thì nói kiến tạo, liêm khiết nhưng vấn đề đó họ có đưa ra đâu. Đây là vấn đề lớn của đất nước đấy, nếu mà cứ kéo dài như thế này thì chúng ta sẽ chìm vào trong sự suy thoái của xã hội. Đây là vấn đề rất lớn những hiện nay đặt ra rất nhiều cái khó khăn".
Nói về năng lực quản lý của lãnh đạo Bộ Công thương, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho biết thêm :
"Đảng chỉ nói chuyện nghị quyết, nói đạo đức trong khi lại bố trí những con người không đủ tài, đủ đức, những con người không qua sự kiểm tra cuẩ dân, họ có bầu cử ứng cử gì tử tế đâu để mà có thể chọn lựa được những người đàng hoàng, mà lại không có cơ chế để giám sát người nào làm tốt người nào làm kém, tình trạng này cứ kéo dài thì đây là một nút thắt lớn".
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng việc này không khó nhưng đòi hỏi những yếu tố nhất định. Ông Long nói :
"Trách nhiệm này là giấy trắng mực đen. Tất cả để thiết kế xây dựng một dự án đều có quy trình rất rõ ràng, cụ thể. Bây giờ lòng dân là muốn phải xác định địa chỉ và người chịu trách nhiệm vì đây là một bài học để răn đe, cảnh tỉnh, tránh những vết xe đổ tiếp theo. Bây giờ người ta có dám làm hay không thôi, có kiên quyết làm hay không thôi. Mà làm thì đụng đâu là sai đó nên cho nên người ta cũng đang xem xét có mức độ còn lòng dân thì muốn ví dụ anh gây hậu quả mà thậm chí từ cái công thành cái tư - ở đây nhóm lợi ích nên dẫn đến những hậu quả như vậy - chứ còn tôi nghĩ là để truy tìm nó thì đơn giản thôi không có gì khó khăn".
Cùng quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết :
"Tôi nghĩ là nếu có một nền tư pháp độc lập thì hoàn toàn có thể quy trách nhiệm đến từng người một cách hết sức là rõ ràng. Nếu bây giờ lục tung hết tất cả các hồ sơ từ những cuộc họp, ai nói gì, ai có ý kiến ra sao, ai là người có quyết định trực tiếp những việc đấy là điều tra dễ thôi, không có gì cả, vấn đề là họ có muốn làm hay không thôi và tôi nghĩ là họ chẳng bao giờ họ làm đâu".
Được biết, trong năm 2018, Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước đồng thời xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của 12 dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp kém hiệu quả thuộc ngành công thương và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác.
Liệu mục tiêu đề ra có thể đạt được hay không là câu hỏi mà nhiều người nêu ra khi mà còn nhiều người gây lỗ lã vẫn chưa bị qui trách nhiệm.
****************
Đổi "thu phí" thành "thu giá", cộng sản Việt Nam bị dư luận lên án (CaliToday, 23/05/2018)
Sau một thời gian "gác tay lên trán" làm cách nào để duy trì một loạt trạm thu phí bất hợp lý trải dài trên Quốc lộ 1A và những tuyến đường trọng yếu khác mà không bị người dân phản đối. Cuối cùng, ông Nguyễn Văn Thể-Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải đã quyết định thay chữ "thu phí" thành "thu giá". Vậy là trong thời gian ngắn, một loạt trạm thu phí trên đường đã biến thành "trạm thu giá". Những tưởng trò tráo ngữ này là thành công, ngờ đâu lại phơi bày ra cái dốt của ông Bộ trưởng.
Bộ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh : NLD
Chiều ngày 22/5/2018, bên lề hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thể giải thích sự khác nhau giữa "thu phí" và " thu giá" :
" Giờ mình xem BOT là 1 sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của nhà nước".
"Bây giờ phí liên quan tới Hội đồng nhân dân, Quốc hội quyết định, còn giá là do doanh nghiệp cung cấp, vì BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh lại cho chính xác. Từ khi chuyển qua giá thì sẽ giảm giá, giảm để cân đối được phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi thì sẽ phải thông qua các bộ nên rất chậm"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích.
Việc một loạt trạm thu phí biến thành "trạm thu giá" đã biến thành trò cười cho bàng dân thiên hạ. Trên mạng xã hội, nhiều người còn chế cả những hình ảnh thay vì đưa tiền trả phí qua trạm, thì trả nguyên rỗ giá. Trên tờ Tuổi Trẻ ngày 23/5 ra bài "‘Thu giá’ là từ vô nghĩa !" để lật tẩy trò dối trá của Bộ trưởng Thể cùng các chủ đầu tư BOT để lách luật, nhằm móc túi người dân.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển, thuộc Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, bà Nguyễn Trung Thuần cho biết, "phí" và "giá" là hai từ có nghĩa hoàn toàn khác nhau :
"Phí" là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ""
"Phí gắn với tiền cụ thể, nộp phí là nộp tiền, thu phí là thu tiền. Miễn phí là không phải trả tiền dịch vụ".
Trong khi đó, khi nói về "giá", chuyên gia Nguyễn Trung Thuần nói :
"‘Giá’ thuộc về phạm trù khác hẳn, là giá trị được biểu hiện bằng tiền, không gắn với đồng tiền cụ thể. Giá đầy biến động, luôn thay đổi, chỉ có thị trường mới điều tiết được giá mà chẳng cơ quan chức năng nào có thể can thiệp được".
Không khỏi bất ngờ, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thuộc viện Hán-Nôm cho biết ông hết sức sững sờ và "bức xúc" khi biết những tấm ảnh chụp hình trạm thu phí thành "trạm thu giá" là sự thật.
Bộ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh : NLD
Theo tiến sĩ Diện, việc đổi tên trạm thu phí thành "trạm thu giá" là coi thường tiếng Việt.
Trên Facebook, rất nhiều người thẳng thừng nói ông Nguyễn Văn Thể không những coi thường tiếng Việt, mà còn dốt và coi thường người dân. Dốt và coi thường người dân, hai điều này vốn hiện hữu từ hàng chục năm qua kể từ khi những người Cộng sản cướp được chính quyền. Ngay cả từ "trạm thu giá" không hề có ý nghĩa về nghĩa ngữ nghĩa, nhưng chỉ nhằm giúp các chủ đầu tư lách luật, tiếp tục móc túi người dân nên ông Nguyễn Văn Thể đành "chịu đấm ăn xôi". Nghĩa là chường mặt ra cho mọi người chửi, bù lại doanh nghiệp vẫn tiếp tục được móc túi người dân. Vì rằng, trong những hợp đồng thỏa thuận được ký trước đó, ông Thể hoặc những người đồng cấp, cấp trên của ông cũng đã bỏ túi khá nhiều.
Người Quan Sát
*****************
Tranh cãi về ưu đãi thuế cho các sòng bạc ở các đặc khu kinh tế Việt Nam (VOA, 23/05/2018)
Các nhà lập pháp Việt Nam đang cứu xét việc cắt giảm các biện pháp ưu đãi thuế đặc biệt đã được thỏa thuận trước đây với các sòng bạc ở ba đặc khu kinh tế để "tạo tính cạnh tranh và hấp dẫn".
Đánh bạc và các cược không được hợp pháp hóa ở Việt Nam nhưng các sòng bạc ở các đặc khu kinh tế sẽ được ưu đãi thuế.
Dự thảo luật cho các đặc khu kinh tế dự kiến sẽ được mang ra thảo luận trong một cuộc họp của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội, sau khi một số đại biểu lên tiếng chỉ trích các biện pháp ưu đãi thuế đặc biệt cho những hoạt động kinh doanh casino là quá rộng rãi.
Theo trang mạng IAG của ngành kinh doanh casino ở Châu Á thì dưới đề xuất trước đây, các dự án tại các đặc khu kinh tế dự kiến được hoàn toàn miễn thuế trong 4 năm đầu tiên hoạt động, giảm thuế 50% trong 5 năm kế tiếp, và sau đó 10% trong thêm 21 năm nữa trước khi thuế suất hiện hành được áp dụng.
Đề xuất này vấp phải những phản đối của nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế vì họ cho rằng mức thuế như vậy là "quá rộng lượng" đối với các chủ đầu tư.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đặt nghi vấn vì sao Việt Nam cần có tới 3 sòng bạc và nêu lên những hệ lụy xã hội của "loại hình giải trí này". Ông nói Singapore, một nước phát triển cao, pháp luật nghiêm, chỉ cho mở có 1 khu casino từ năm 2012, "vậy mà cũng đã phát sinh nhiều hệ lụy xã hội".
Theo đề xuất mới của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các dự án này được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 17% trong 5 năm kể từ khi có doanh thu từ dịch vụ. Nhưng mức thuế này chỉ áp dụng đến năm 2030.
Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Tại một phiên thảo luận sáng ngày 23/5 tại Hà Nội, một số đại biểu Quốc hội khác lập luận rằng cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với các dịch vụ kinh doanh casino để tạo sức hút cho đặc khu kinh tế.
Cơ quan thường trực của Quốc hội Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội, cho rằng dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, và dịch vụ kinh doanh đặt cược được xác định thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển ở cả 3 đặc khu.
Cơ quan này nói, đây là các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao, trong dài hạn có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và nhiều đặc khu kinh tế của các nước khác cũng phát triển loại hình dịch vụ này.
Về phía chính phủ, báo Dân Trí dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị giữ ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt của casino, vì "không ưu đãi hợp lý thì sẽ khó thu hút được các dự án cạnh tranh được với các nước như hiện nay".
Người dân Việt Nam không được phép đánh bạc tại các casino ở Việt Nam. Chính vì vậy mà một số sòng bạc ở Việt Nam, như Grand Hồ Tràm do một nhà đầu tư Mỹ làm chủ, thường xuyên vắng khách, theo một bài phóng sự điều tra của ProPublica. Ông Philip Falcone, từng là một tỷ phú Mỹ, đã mất nhiều năm vận động hành lang chính phủ Việt Nam để cho phép công dân Việt được đánh bạc trong casino của ông ở Vũng Tàu.
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu áp dụng mức thuế cũ, các đặc khu kinh tế có thể đóng góp tổng cộng 9,5 tỷ USD mỗi năm vào ngân sách nhà nước. Vào năm 2030, các đặc khu kinh tế sẽ tạo ra hơn 760.000 việc làm và mức thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên 13.000 USD, gấp 5,4 lần hiện nay.
Chính phủ Việt Nam dự kiến thành lập 3 đặc khu kinh tế - gồm Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong – với tổng vốn đầu tư lên tới 1,4 triệu tỷ đồng. Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế sẽ được trình để Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 6 này, theo Dân Việt.