Quan chức liên quan vụ MobiFone mua AVG sẽ bị kỷ luật đảng (RFA, 02/06/2018)
Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa kết luận những vi phạm của một loạt các quan chức trong Bộ Thông tin Truyền thông bao gồm cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và đương kim Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trong vụ MobiFone mua AVG là nghiêm trọng. Kết luận này được Ủy ban Kiểm tra trung ương đưa ra sau kỳ họp 26 từ ngày 28 đến 30/5 vừa qua.
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn (phải) và Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà trong một cuộc họp báo hôm 30/6/2016 tại Hà Nội. AFP
Ủy ban đưa ra kết luận sau quá trình kiểm tra các vi phạm trong vụ mua bán và kết luận của thanh tra chính phủ đưa ra hôm 14/3 năm nay.
Theo kết luận, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư ban cán sự đảng của Bộ, phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của ban cán sự đảng của Bộ nhiệm kỳ 2011 - 2016. Kết luận cũng xác định ông Nguyễn Bắc Son đã trực tiếp chỉ đạo và quyết nhiều nội dung liên quan đến dự án không đúng quy định.
Ủy ban kết luận ban cán sự đảng của Bộ Thông tin và truyền thông thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, để Bộ Thông tin và truyền thông và Tổng công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong việc thẩm định và phê duyệt dự án mua AVG, gây thất thoát tài sản lớn của nhà nước.
Đương kim Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ủy viên trung ương đảng, bí thư ban cán sự đảng được xác định đồng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2011 -2016 và chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của ban cán sự đảng giai đoạn 2016 - 2021.
Ngoài hai vị bộ trưởng, còn có một loạt các quan chức liên quan khác thuộc Bộ Thông tin và truyền thông bị kết luận có vi phạm bao gồm ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng, Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp của Bộ, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone, ông Cao Duy Hải - Tổng giám đốc Mobifone.
Kết luận nêu rõ những vi phạm của các quan chức này là nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động cổ phần hoá của Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và của bộ, gây bức xúc trong xã hội, đến mức xem xé, xử lý kỷ luật.
Vụ Mobifone mua công ty truyền hình An Viên (AVG) được bắt đầu từ khoảng thời gian năm 2014 khi ông Nguyễn Bắc Son là Bộ trưởng Thông tin và truyền thông và ông Trương Minh Tuấn làm Thứ trưởng. Dư luận thắc mắc Mobifone bỏ ra gần 9,000 tỷ đồng để mua AVG trong khi công ty này liên tục thua lỗ. Vào tháng 7/2016, Văn phòng trung ương đảng truyền đạt chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc tiến hành thanh tra toàn diện nội dung Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Ban Bí thư trung ương đảng hôm 8/3 vừa qua xác định đây là vụ án rất nghiêm trọng, phức tạp và nhạy cảm.
Kết luận của thanh tra chính phủ hôm 14/3 vừa qua xác định vụ mua bán giữa Mobifone và AVG là rất nghiêm trọng và đề nghị Thủ tướng chính phủ giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ vụ án.
Trước khi có kết luận của thanh tra chính phủ, AVG và Mobifone đã nhóm họp hôm 12/3/2018 để thống nhất chấm dứt hợp đồng mua bán và AVG sẽ hoàn trả lại đầy đủ số tiền Mobifone đã thanh toán. Theo truyền thông trong nước đến ngày 2/5, phía AVG đã hoàn tất việc trả lại số tiền Mobifone bỏ ra mua 95% cổ phần của AVG
*******************
Ủy ban kiểm tra trung ương kết luận vi phạm của ông Trần Bắc Hà ở BIDV là rất nghiêm trọng (RFA, 02/06/2018)
Ảnh chụp màn hình trang web BIDV - Courtesy BIDV
Ủy ban Kiểm tra trung ương hôm 30/5 kết luận những vi phạm của ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là rất nghiêm trọng.
Theo kết luận của ủy ban kiểm tra trung ương, ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm về những vi phạm và khuyết điểm của Ban thường vụ đảng ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 khi ông Hà còn là Bí thư đảng uỷ. Ông Trần Bắc Hà cũng bị kết luận đã có những vi phạm trong việc chỉ đạo điều hành tại BIDV, vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, bao gồm việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Ngoài ông Trần Bắc Hà, còn có hai lãnh đạo khác của BIDV bị kết luận có vi phạm là hai Phó Tổng giám đốc Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang. Ủy ban kết luận vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng và vi phạm của hai Phó Tổng giám đốc là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, kỷ luật.
*******************
Ba ông Tuấn, Son, Hà đối mặt nguy cơ bị kỷ luật, truy tố (VOA, 02/06/2018)
Ủy ban Kiểm tra trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo hôm 2/6 nói một đương kim bộ trưởng, một cựu bộ trưởng, và một bí thư đảng đã mắc những sai phạm "rất nghiêm trọng".
Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn tiếp một lãnh đạo của Google hồi tháng 1/2018. (Ảnh : VietnamNet)
Theo trình tự trong sự vận hành của hệ thống chính trị Việt Nam, động thái này thường là bước dọn đường để đảng kỷ luật và cơ quan luật pháp truy tố các quan chức này.
Thông cáo cho hay sau cuộc dài 3 ngày, kết thúc hôm 30/5 ở Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận rằng ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông đương nhiệm, và ông Nguyễn Bắc Son, người tiền nhiệm của ông Tuấn, đã có vi phạm rất nghiêm trọng trong việc chỉ đạo và thực hiện dự án Tổng công ty Mobifone thuộc bộ mua 95% cổ phần của một công ty tư nhân có tên AVG.
Ủy ban khẳng định những sai phạm đó đã "làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước". Hồi giữa tháng 3 năm nay, Thanh tra Chính phủ xác định rằng đã có những lỗi lớn trong việc bộ thẩm định, xác minh giá tài sản, các khoản nợ và lỗ của AVG trước khi chi gần 8.900 tỉ đồng để mua lại hãng này, dẫn đến nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng.
Ngoài hai vị đương kim và cựu bộ trưởng, Ủy ban cũng nêu ra tên của 4 quan chức khác thuộc bộ, trong đó có một thứ trưởng, cũng phải chịu trách nhiệm về các sai phạm trong thương vụ này.
Ủy ban nhấn mạnh rằng các sai phạm của nhóm quan chức Bộ Thông tin-Truyền thông "gây bức xúc trong xã hội" và "đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật".
Do đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam, các quan chức cấp cao phải bị đảng cộng sản cầm quyền kỷ luật trước khi cơ quan chấp pháp truy tố.
Các quan chức cấp thứ trưởng trở lên do Bộ Chính trị và Ban Bí thư của Đảng Cộng sản quản lý. Khi các quan chức này mắc sai phạm, hai cơ quan đảng kể trên phải tiến hành "xử lý về mặt đảng" như khai trừ, hoặc đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ chức vụ của các quan chức, sau đó các cơ quan hành pháp và tư pháp mới có thể truy tố, xét xử.
Gần đây nhất, tháng 5/2017, theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra, đảng đã kỷ luật ông Đinh La Thăng, một ủy viên Bộ Chính trị, đương kim Bí thư thành phố Hồ Chí Minh và từng là Bộ trưởng Giao thông-Vận tải, vì ông mắc một loạt sai phạm trong điều hành một tổng công ty nhà nước trước khi lên làm bộ trưởng. Đến tháng 12 cùng năm, ông Thăng bị Bộ Công an truy tố và bắt giam.
Điều tương tự có thể cũng đang chờ đợi ông Trần Bắc Hà, cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Thông cáo của Ủy ban Kiểm tra cho hay khi còn là lãnh đạo tại ngân hàng, ông Hà mắc sai phạm rất nghiêm trọng về cấp tín dụng, gây hậu quả rất xấu "làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn". Theo Ủy ban, ông Hà và hai lãnh đạo khác của BIDV đã phê duyệt các khoản vay lên đến 4.700 tỉ đồng.
Cũng như trường hợp của các quan chức Bộ Thông tin-Truyền thông, Ủy ban Kiểm tra nói trong thông cáo rằng ông Trần Bắc Hà và hai lãnh đạo khác ở cấp phó tổng giám đốc của BIDV đã sai phạm "rất nghiêm trọng", "gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật".