Tự do tôn giáo sẽ là một trọng tâm trong số những nội dung của buổi điều trần có chủ đề "A Bad Year for Human Rights in Vietnam" (tạm dịch "Một năm tồi tệ về Nhân quyền tại Việt Nam") sắp diễn ra tại trụ sở của Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu, thuộc Hạ viện Hoa Kỳ, vào ngày 7/6 tới.
Một buổi điều trần về nhân quyền tại Hạ viện Hoa Kỳ.
Những đại diện người Việt tham gia phát biểu trong buổi điều trần gồm có cựu Nghị sĩ Hoa Kỳ Cao Quang Ánh, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng-Giám đốc điều hành của tổ chức BPSOS, và ông Lê Thanh Tùng-đại diện đến từ Việt Nam của Hội Anh Em Dân Chủ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, đây là một hoạt động nhằm chuẩn bị cho ngày vận động cho nhân quyền Việt Nam hàng năm tại Quốc hội Hoa Kỳ, và nội dung năm nay sẽ đặc biệt tập trung vào lĩnh vực "tự do tôn giáo" trước thực trạng các tôn giáo "bị đàn áp nặng nề" tại Việt Nam trong thời gian qua.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói :
"Tự do tôn giáo đang bị đàn áp nặng nề, nhất là qua các vụ như vụ xử 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo gần đây, trong đó có 4 người trong một gia đình ; hoặc trường hợp ‘Hội Cờ đỏ’ đang nhắm vào các cộng đồng Công giáo ở Giáo phận Vinh".
Đại diện của Hội Anh Em Dân Chủ tại Việt Nam, ông Lê Thanh Tùng, xác nhận với VOA về tình trạng đàn áp "khốc liệt" đang diễn ra đối với các thành của Hội, gần nhất là phiên tòa phúc thẩm giữ nguyên mức án lên đến 66 năm đối với 6 thành viên của Hội hôm 4/6.
"Tính tới thời điểm hiện tại, Hội Anh Em Dân Chủ có 9 thành viên và 1 cựu thành viên đang ở tù vì bản án mà nhà cầm quyền Cộng sản cho là ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, theo tôn chỉ hoạt động của Hội Anh Em Dân Chủ, chúng tôi chỉ cổ xúy cho dân chủ nhân quyền sớm được thực thi tại Việt Nam. Chúng tôi tham gia các hoạt động xã hội dân sự thuần túy, chứ không có chuyện hoạt động lật đổ chính quyền như cáo buộc của nhà cầm quyền Cộng sản".
Các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ trong phiên xử sơ thẩm ngày 5/4/2018 tại Hà Nội.
Rất nhiều chính khách, chính phủ và tổ chức quốc tế đã lên tiếng chỉ trích bản án đối với các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ và kêu gọi Hà Nội trả tự do cho họ vô điều kiện. Tiêu biểu trong số này là lá thư của 8 dân biểu Hoa Kỳ gửi cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 15/5 yêu cầu phóng thích các tù nhân lương tâm này.
Vẫn theo lời Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, ngoài nội dung về tự do tôn giáo, các đại diện người Việt ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ lần này cũng sẽ đề cập đến trường hợp của 170 tù nhân lương tâm đang bị cầm tù tại Việt Nam và cập nhật thông tin cho việc vận động Dự thảo Luật về Nhân quyền Việt Nam do Dân biểu Hoa Kỳ Chris Smith giới thiệu.
Giám đốc điều hành của tổ chức BPSOS cho biết thêm :
"Dân biểu Chris Smith là Chủ tịch của Tiểu ban đặc trách về vấn đề nhân quyền tại Hạ viện và cũng là tác giả của Dự thảo Luật Nhân quyền Việt Nam năm 2018. Chắc chắn buổi điều trần này sẽ đóng góp một phần nào đó những thông tin cập nhật nhất trước khi Dân biểu Chris Smith vận động mạnh mẽ để dự thảo luật này được thông qua tại Hạ viện và sau đó đưa lên Thượng viện Hoa Kỳ".
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết bản thân ông sẽ cập nhật cho các nhà lập pháp Mỹ thêm về hiện tượng chính quyền Việt Nam sử dụng các lực lượng mà ông gọi là "tác nhân phi chính phủ" để đàn áp nhân quyền nhằm mục đích "ném đá giấu tay".
Nhà vận động cho nhân quyền Việt Nam hy vọng buổi điều trần sẽ là một "bước đệm" tốt giúp cho các dân biểu Hoa Kỳ nắm rõ hơn về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam trước khi đưa ra các quyết định về lập pháp sắp tới.
Cuối tháng trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra phúc trình thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới năm 2017, trong đó nói rằng Việt Nam "có bước tiến về luật thực thi quyền tự do tôn giáo" nhưng chính quyền lại "tăng cường sách nhiễu các nhóm tôn giáo có ý kiến trái chiều, nhất là các nhóm Công giáo chỉ trích chính quyền".
Hà Nội chưa lên tiếng về báo cáo của Mỹ công bố hôm 30/5, nhưng từng nói rằng phúc trình năm 2016 của Hoa Kỳ "trích dẫn các thông tin sai lệch" dẫn tới các bình luận "không khách quan".