Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/06/2018

Cưỡng chế đất ở Sapa, nhập khẩu máy đào tiền ảo

Tổng hợp

Nỗi lo chính quyền Lào Cai sẽ cưỡng chế trước Thanh tra chính phủ (VNTB, 05/06/2018)

Mặc dù nắm trong tay tờ giấy thông báo của Thanh tra chính phủ là sẽ cử đoàn về thanh tra lại toàn bộ dự án Chợ Văn hóa và Bến xe khách Sa Pa ở tỉnh Lào Cai nhưng những hộ dân có diện tích đất nằm trong dự án vẫn lo lắng là chính quyền huyện và tỉnh sẽ phối hợp nhau tiến hành cưỡng chế bất cứ lúc nào…

ao1

Khánh thành chợ Văn hóa Sa Pa. Ảnh : Quốc Hồng/ Nhân Dân

"Địa phương cứ áp đảo dân như thế thì dân cũng náo động tinh thần chứ…".

Đó là lời chia sẻ của bà Phạm Thị Hảo, một trong những hộ gia đình có đất nằm trong dự án Chợ Văn hóa và Bến xe khách Sa Pa ở tỉnh Lào Cai nhưng mười mấy năm nay liên tục đấu tranh để giữ đất chứ không giao đất. Theo bà Hảo, hiện tại còn khoảng mấy gia đình với độ khoảng 5ha đất quyết giữ đất, riêng diện tích đất nằm trong diện bị thu hồi của hộ gia đình bà Hảo là khoảng hơn 10.900m2 được phía chính quyền và nhà đầu tư áp giá đền bù cộng tất cả những khoảng hỗ trợ khác tầm khoảng mấy trăm ngàn đồng/m2. Trong khi đó, bà Hảo cho biết dù là đất nông nghiệp nhưng vẫn đã làm giấy tờ đất từ năm 1980, có nhà ở và chuồng, trại chăn nuôi ở tại chỗ cho đến bây giờ. Áp giá đền bù quá thấp, không đúng pháp luật và gia đình cũng không có nhu cầu chuyển đi nơi khác ở.

"Cái này người ta đổi đất lấy công trình nhưng nhà nước người ta cấm cái phần ấy rồi mà chính quyền huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cứ cố tình làm điều này".- Lời chia sẻ của bà Hảo.

Theo tìm hiểu của Việt Nam Thời Báo cũng như căn cứ vào những thông tin từ báo đài nhà nước Việt Nam đăng tải, dự án Chợ Văn hóa và Bến xe khách Sa Pa được chính quyền tỉnh Lào Cai phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2004. Đến năm 2005, dự án được nhà đầu tư là Công ty Cương Lĩnh sau chuyển sang Công ty đầu tư VIDIFI bắt đầu công đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, san lắp mặt bằng. Tổng diện tích riêng dự án Khu chợ văn hóa, bến xe Sa Pa sau khi điều chỉnh là 109,2 ha. Tính đến thời điểm hiện tại thì dự án này kéo dài đã mười mấy năm nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc quá nhiều sai phạm như áp giá đền bù không thảo đáng, không minh bạch và lấy đất phân lô bán nền để xây khách sạn, biệt thự, nhà nghỉ, v.v. khiến nhiều hộ dân bức xúc không giao đất, đi khiếu kiện kéo dài và sau đó là bị cưỡng chế.

Bà Hảo nói :

"Thực ra chợ Văn hóa thì người ta đã hoạt động được hơn một năm nay rồi, còn bến xe thì đến tháng 7 này người ta cho đi vào hoạt động, thế mà cứ thu đất của dân, cứ bảo là cưỡng chế vời cưỡng chế đo đếm, cưỡng chế thu hồi đất các thứ nhưng mà tôi cũng kệ thôi".

Vào ngày vào ngày 21/5/2018 vừa qua, Chính quyền huyện Sa Pa phối hợp cùng chính quyền tỉnh Lào Cai áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Mạc. Tuy nhiên, khi lực lượng cưỡng chế đến tiến hành cưỡng chế đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của hộ gia đình ông Mạc cùng với bà con yểm trợ tinh thần cho hộ gia đình ông Mạc. Theo thông tin của người dân chia sẻ cho Việt Nam Thời Báo, người dân đã dùng đến bom xăng để chống cưỡng chế khiến cuộc cưỡng chế kéo dài 5 ngày liền với kết quả là chính quyền phải đàm phán với hộ gia đình ông Mạc. Hộ gia đình ông Mạc cho đây là một cuộc cưỡng chế sai phạm pháp luật như tự ý giả mạo chữ ký của ông Mạc để làm giấy tờ giả, tự ý làm hồ sơ bán đất của dân khi chưa thu hồi, áp dụng văn bản hết hiệu lực để thu hồi và cưỡng chế đất của dân nhằm đổi đất lấy hạ tầng, v.v. bản thân ông Mạc là người có công cách mạng.

Bà Hảo cùng hoàn cảnh của hộ gia đình ông Mạc nên thông hiểu và chia sẻ với Việt Nam Thời Báo :

"Chính quyền làm như thế là không đúng, ép buộc dân quá giống như cướp bằng được, đưa quân đến cưỡng chế này kia để lấy bằng được chổ đất này nhưng dân không đồng ý. Nhiều người lắm nhưng mà người ta đồng ý lấy tiền giờ chỉ còn có hơn 20 người thôi…".

ao2

Giấy thông báo sẽ thanh tra lại dự án Chợ Văn hóa và Bến xe khách Sa Pa. Ảnh : một hộ dân cung cấp

Điều đáng nói ở đây là dự án mắc nhiều sai phạm trong suốt mười mấy năm qua, báo đài phản ánh khá nhiều và số hộ dân có diện tích đất dính vào dự án đã kéo từng đoàn xuống Hà Nội khiếu nại. Mới đây nhất là vào ngày 28/5/2018, nhiều hộ dân đã chia sẻ với Việt Nam Thời Báo rằng họ đã nhận được giấy thông báo của Thanh tra chính phủ là sẽ cử đoàn lên Sa Pa, tỉnh Lào Cai để thanh tra lại toàn bộ dự án. Trong khi đó, tại quê nhà Sa Pa người nhà của các hộ dân này lại nhận những quyết định kiểm đếm và cưỡng chế của chính quyền các cấp khiến nhiều người dân có tâm trạng lo lắng.

"Hôm 28/5 tôi có nhận một tờ giấy của Thanh tra chính phủ bảo là đưa cán bộ lên để kiểm tra toàn bộ lại dự án Chợ Văn hóa- Bến xe khách này" - Lời của bà Hảo : "Đưa rồi, đưa hôm 24/5 này rồi nhưng mà hôm ấy tôi vẫn ở dưới Thanh tra chính phủ chưa về và hôm 30/5 lên xã làm việc thì họ mới đưa cho mình giấy kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế"

Sự lo lắng của các hộ dân không biết chính quyền các cấp ở tỉnh Lào Cai có ra tay trước, cưỡng chế lấy đất của dân để giao cho nhà đầu tư trước khi đoàn Thanh tra của Chính phủ về thanh tra lại dự án hay không ? Nếu sự lo lắng này thực sự xảy ra thì người dân gặp muôn vàn khó khăn và nguy hiểm.

"Trong thư người ta nói thế. Kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế. Người ta bảo là có hiệu lực từ ngày ký tức là ngày 24/5 cho đến khi làm xong thì chả biết bao giờ. Họ áp đảo quá, mình không biết họ kiểm đếm, cưỡng chế bất kể lúc nào". Bà Hảo nói.

Huyện Sa Pa đang sắp trở thành thị xã, đất sẽ tăng giá và đây là món lợi nhuận thật khó bỏ của nhóm lợi ích. Sự lo lắng của các hộ dân là lẽ dĩ nhiên.

Minh Hải

************************

Việt Nam nhập khẩu hơn 6.000 máy đào tiền ảo (RFA, 05/06/2018)

Việt Nam đã nhập khẩu hơn 6.300 thiết bị để đào các loại tiền ảo như Bitcoin và Ehtereum trong vòng 4 tháng qua. Thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết như vậy hôm 5/6.

ao3

Một máy Bitcoin ở California, Mỹ Courtesy Duc Le

Theo Tổng cục thống kê, vào năm ngoái, Việt Nam đã nhập khoảng 9.300 thiết bị loại này, chủ yếu là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Việc đào tiền ảo hiện không bị cấm ở Việt Nam, tuy nhiên chính phủ không cho phép sử dụng tiền ảo như là một phương tiện thanh toán. Vì vậy, việc trao đổi, mua bán tiền ảo ở Việt Nam theo các giới chức Việt Nam là hết sức rủi ro.

Hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo việc đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm quản lý tiền ảo. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ sở tín dụng ở Việt Nam không được thực hiện các giao dịch bằng tiền ảo và phải báo cáo ngay lập tức nếu thấy có các hoạt động đáng ngờ.

Các công ty, các nhà môi giới, và quỹ đầu tư ở Việt Nam cũng bị cấm tham gia vào các hoạt động trái phép liên quan đến tiền ảo.

Quay lại trang chủ
Read 750 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)