Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/06/2018

Môi trường Việt Nam : Bộ trưởng nói ẩu vì sợ hay vì dốt ?

Tổng hợp

Bộ trưởng môi trường xác nhận Formosa bảo đảm an toàn môi trường (RFA, 05/06/2018)

Sáng ngày 5/6, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà khẳng định về việc xả thải của nhà máy Formosa "đảm bảo an toàn về môi trường". Cụ thể, doanh nghiệp này đã đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường với 3 bước lớn hơn và đã thực hiện 3 bước để phòng ngừa sự cố tại nơi sản xuất, trong và ngoài nhà máy. Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã đầu tư giám sát, kiểm soát môi trường trực tuyến và cam đoan không thể xảy ra sự cố môi trường với "cách làm chặt chẽ từ khâu xem xét, đánh giá công nghệ đến giám sát kiểm tra như hiện nay".

moitruong1

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên trả lời chất vấn sáng ngày 05/06/2018 - tuoitre

Liên quan đến việc nhập khẩu rác công nghiệp, phế liệu tái chế gây ô nhiễm môi trường, ông Trần Hồng Hà cho biết việc dừng nhập khẩu sắt, thép phế liệu cần có lộ trình bởi việc luyện thép phế liệu không ảnh hưởng đến môi trường.

Trước câu hỏi về sự cố môi trường tại dự án Alumin Nhân Cơ, ông Trần Hồng Hà cho rằng sự cố môi trường này chỉ xảy ra ở khâu nhỏ, mang tính cục bộ và không phải là những sự cố có thể gây khủng hoảng lớn về môi trường.

Tuy nhiên, một báo cáo của bộ này cho biết sau 9 năm triển khai, hoạt động khai thác, chế biến bauxite, hai dự án Alumin Nhân Cơ và Tân Rai luôn tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, dự án Alumin Tân Rai để xảy ra sự cố 3 lần, Alumin Nhân Cơ để xảy ra sự cố 4 lần và các thiết bị cũng như một số hệ thống xử lý môi trường đã xuống cấp nghiêm trọng.

**********************

Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường : 'Yên tâm' 'yên tâm' và 'yên tâm' (BBC, 05/06/2018)

Trả lời chất vấn trong phiên họp Quốc Hội ngày 5/6, Bộ trưởng Tài nguyên Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nói đại biểu 'yên tâm' trước nhiều vấn đề mấu chốt liên quan đến môi trường.

moitruong2

Trong buổi sáng ngày 5/6, 66 đại biểu đã đăng ký để chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà. Các câu hỏi xoay quanh việc người nước ngoài mua đất, Formosa, nguy cơ ô nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam, v.v...

Bộ trưởng Hà trả lời hàng loạt chất vấn khác nhau của các đại biểu với hai chữ 'yên tâm'.

'Yên tâm' về Formosa

moitruong3

Nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh bị kết luận xả thải làm cá chết ở ven biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam

Đại biểu Hoàng Văn Thưởng chất vấn về việc bảo đảm hoạt động của nhà máy Formosa.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời rằng 'đại biểu yên tâm' vì đến nay, Formosa đã đi vào vận hành và thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý.

Ông Hà nói đã yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung về công nghệ xử lý môi trường với công suất lớn hơn rất nhiều ; đã ứng dụng công nghệ giám sát, kiểm soát môi trường trực tuyến.

Ngoài ra có ba bước để đề phòng sự cố : Sự cố ngay tại nơi sản xuất, sự cố trong nhà máy và sự cố ngoài phạm vi nhà máy. Ngay hồ sinh học thì hoàn toàn có thể tái sử dụng nước.

Với cách làm như vậy, từ khâu xem xét đánh giá công nghệ đến giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì không có ngành nghề nào xảy ra sự cố nếu chúng ta làm tốt, ông Hà khẳng định.

'Yên tâm' về nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc

Đại biểu Phạm Tất Thắng đặt câu hỏi : "Hiện nay Trung Quốc đang vận hành ba nhà máy điện hạt nhân, đặt khá gần Việt Nam từ 50 đến 200 km, nguy cơ gây ô nhiễm phóng xạ đối với Việt Nam là rất lớn. Đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp phòng ngừa, ứng phó như thế nào ?".

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói "vấn đề này chúng tôi đã biết rất rõ".

Ông Hà cho hay chính phủ đã giao Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng các trạm để theo dõi. "Bộ Khoa học và công nghệ đã làm việc với các cơ quan hạt nhân quốc tế để thường xuyên có những đoàn thanh tra quốc tế kiểm soát các quy chuẩn an toàn hoạt động tại đây", ông Hà nói.

Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường nói rằng ngay thời điểm các nhà máy trên đi vào hoạt động, một số chuyên gia cho rằng người dân không nên hoang mang vì tiêu chuẩn lan toàn luôn đặt lên hàng đầu. "Tuy nhiên cũng cần chuẩn bị kỹ các phương án phòng ngừa sự cố".

Ông Hà thêm rằng mới đây Hà Nội đã đưa ra kế hoạch rất cụ thể về việc phòng tránh ô nhiễm hạt nhân nếu nguy cơ xảy ra. Trong đó, Hà Nội dự báo một trong 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa là rò rỉ phóng xạ.

Theo đó, Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội được giao chủ trì xây dựng kịch bản chi tiết khi có thảm họa rò rỉ chất phóng xạ và tham mưu cho thành phố liên quan đến các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ để phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa.

"Vấn đề các nhà máy điện hạt nhân không chỉ chúng ta mà tổ chức kiểm soát hạt nhân quốc tế cũng có nhiệm vụ giám sát. Với công nghệ hiện đại, chúng ta phối hợp với quốc tế tốt để kiểm soát tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

'Yên tâm' về hai nhà máy alumin

Liên quan đến hai nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu vấn đề rằng chỉ qua một thời gian vận hành đã phát sinh hàng loạt sự cố như vỡ hồ chứa bùn thải, hiệu quả kinh tế không như đặt ra.

Bộ trưởng Hà cho hay đã đích thân đi kiểm ra dự án ở Nhân Cơ (Đắk Nông). "Sự cố rò rỉ chỉ xảy ra nội bộ, quy mô nhỏ chứ không phải thảm họa gây ảnh hưởng lớn", ông Hà nói.

Ông Hà cũng nói đang chỉ đạo và cho và cho giám sát thường xuyên tại các nhà máy này :

"Riêng hồ lắng bùn đỏ thì đang được làm theo ba nấc hồ, việc lựa chọn và thiết kế độ bền của bạt đáy hồ cũng như hệ thống bao quanh hồ đã được cơ quan chức năng thẩm định".

"Tuy nhiên vấn đề môi trường thì tôi cũng thống nhất là cần giám sát, kể cả trách nhiệm giám sát của Tập đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam. Vì thế về cơ bản là chúng ta có thể yên tâm được", ông Hà nói.

'Không có chuyện người nước ngoài mua đất'

Ngoài ra, trước lo ngại của các đại biểu Quốc hội về việc người nước ngoài sẽ lấy đất tại đặc khu rồi bao chiếm như ở dọc bờ biển miền Trung, bộ trưởng Hà nói theo luật hiện nay, người nước ngoài không có quyền mua đất ở Việt Nam, mà chỉ được quyền mua căn hộ.

"Tôi nhờ các đại biểu cung cấp thông tin cho tôi biết là nếu có tình trạng đó thì mua ở đâu ?", bộ trưởng Hà nói.

*********************

Dân phản đối doanh nghiệp xả thuốc trừ sâu ra môi trường (RFA, 05/06/2018)

Người dân xóm Cột Bài, xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình từ 3 ngày nay dùng đá chặn cổng nhà máy thuốc bảo vệ thực vật thuộc công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Nam Thịnh đóng trên địa bàn xã do phát hiện cơ sở này có hoạt động sang chai, đóng gói hóa chất nông nghiệp và lợi dụng mưa gió để xả thải gây ô nhiễm môi trường.

moitruong4

Người dân chặn đá ngăn không cho xe vận chuyển thuốc sâu ra vào nhà máy gây ô nhiễm môi trường - Danviet

Mạng báo Dân Việt loan tin này hôm 05/06.

Cụ thể, nước thải từ cổng công ty đổ xuống suối tràn ra rãnh thoát nước có màu trắng xóa, mùi nồng nặc như thuốc sâu khiến người dân rất lo lắng vì chính nguồn nước này lại chảy qua thị trấn, nơi có nhà máy nước sạch cung cấp cho cả nghìn hộ dận ở huyện Lương Sơn. Người dân cũng đã kiến nghị nhiều lần về việc đặt nhà máy thuốc bảo vệ thực vật ở đầu nguồn nước, tuy nhiên, cơ quan chức năng đến kiểm tra bảo đạt tiêu chuẩn cho phép

Trước đó, sáng 03/06, xóm Cột Bài đã cử người đại diện vào công ty Nam Thịnh làm việc và yêu cầu nhà máy dừng hoạt động, di dời toàn bộ dự án ra khỏi địa bàn ngay trong ngày. Tuy nhiên do nhà máy không thực hiện nên chiều cùng ngày người dân xóm Cột Bài đã tập trung chở đá và lấp đường ngăn không cho xe ra vào tại cổng công ty.

**********************

41 tổ chức quốc tế ký chống ô nhiễm chất thải nhựa ở Việt Nam (RFA, 04/06/2018)

Sáng 4/6, lãnh đạo của 41 sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng ký kết Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa. Đây là sự kiện hưởng ứng kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới (5/), trong đó bao gồm 25 đại sứ quán và 16 tổ chức của Liên Hiệp Quốc hoạt động tại Việt Nam đã cùng nhau ký bản quy tắc chung.

moitruong5

Lãnh đạo của 41 sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng ký kết Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa ngày 4/6/2018. Courtesy of Baomoi

Được khởi xướng bởi Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, hoạt động này hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về những hậu quả của ô nhiễm chất thải nhựa, đồng thời vận động thay đổi hành vi, thể chế và chính sách, nhằm giảm chất thải nhựa tại Việt Nam.

Hãng Reuters dẫn một nghiên cứu của trường đại học Geogia năm 2015 cho biết Việt Nam là quốc gia xếp thứ 4 trong danh sách các nước làm ô nhiễm đại dương. Theo thống kê, gần 19.000 tấn rác thải nhựa thải ra mỗi ngày ở Việt Nam.

Reuters đề cập đến một trong những bãi biển bị ô nhiễm nặng nề ở Việt Nam đó là bờ biển Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Nơi này ngập tràn rác thải treo lơ lửng trên các cành cây. Rác khu vực này được mô tả nhiều hơn cả cát.

Hãng Reuters cho biết các rác thải nhựa như mũ bảo hiểm, đồ nội thấy, hay các đồ gia dụng, cộng với túi ni lông các loại, chất thành từng đống, hay vắt ngang trên các thân cây.

Một người dân nói với hãng Reuters rằng người dân nơi đây sử dụng túi nilong xong vứt thẳng xuống biển. Nước biển dâng tới đâu là rác nổi theo tới đó.

Quay lại trang chủ
Read 649 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)