Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/06/2018

Luật đặc khu gây phẫn nộ trong quần chúng

Người Việt

Kêu gọi biểu tình ở Sài Gòn phản đối Luật Đặc Khu (Người Việt, 06/06/2018)

Hôm Chủ Nhật, 10 tháng Sáu, dự trù tại Sài Gòn sẽ diễn ra cuộc biểu tình phản đối việc Quốc Hội cộng sản Việt Nam nhiều khả năng sẽ bấm nút thông qua Dự Luật Đặc Khu vào ngày 15 tháng Sáu, 2018.

bieutinh1

Linh Mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân Song Ngọc, Giáo Phận Vinh, phản đối việc cho thuê đất 99 năm. (Hình : Facebook Giáo Xứ Thái Hà)

Lời kêu gọi phát đi trên trang "Đô Thành Sài Gòn" diễn ra trong bối cảnh mạng xã hội đang sục sôi những ý kiến bất bình về việc các giới chức cao cấp của cộng sản Việt Nam nhất quyết bao biện nhằm thông qua Luật Đặc Khu ngay trong kỳ họp Quốc Hội này và bỏ ngoài tai lời cảnh báo về đại họa mất nước của các nhân sĩ.

Trên trang "Đô Thành Sài Gòn" đã có hàng ngàn lượt share và comment bên dưới lời kêu gọi này.

Theo tìm hiểu của nhật báo Người Việt, lời kêu gọi biểu tình tập trung từ công viên Hoàng Văn Thụ, Sài Gòn, mang tính tự phát và hiện chưa có tổ chức hoặc hội nhóm nhà hoạt động nào đứng ra kêu gọi với tính chính danh cũng như đưa ra khuyến cáo rủi ro về việc bị trấn áp cho những người xuống đường.

Trong một diễn biến khác, hôm 6 tháng Sáu, hàng chục dân oan biểu tình phản đối Luật Đặc Khu ngay trước trụ sở Tiếp Công Dân Trung Ương ở Hà Nội. Việc biểu tình cũng diễn ra với quy mô nhỏ lẻ tại các giáo phận ở miền Trung. Cũng có lời kêu gọi biểu tình hôm 15 tháng Sáu tại Hà Nội và biểu tình hôm 10 tháng Sáu tại trước sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.

Thay cho lời kêu gọi đám đông cùng xuống đường vào một ngày nhất định, nhà hoạt động Hoàng Dũng gợi ý trên trang Facebook cá nhân : "Các bạn hãy rủ rê bạn bè thân tín (từ ba đến năm người là đủ, thậm chí chỉ cần hai) đi biểu tình du kích chớp nhoáng. Đứng cầm biểu ngữ A3, A4 ở một nơi công cộng nào đó, chụp xong cái hình rồi rút về đăng Facebook. Hiện ở Sài Gòn, các bạn trẻ đang lan truyền cách đứng chụp hình 1m dưới bảng tên đường là những nhân vật lịch sử chống Trung Cộng. Một cách khác là in và dán các biểu ngữ lên nơi công cộng : nhà chờ xe bus, nơi cho dán tờ rơi…"

Lần gần nhất tại Sài Gòn diễn ra biểu tình quy mô là vào hồi tháng Năm, 2016, khi hàng trăm người xuống đường để phản đối nhà máy Formosa gây ra thảm họa cá chết ở miền Trung.

Trong sự kiện này, công luận bức xúc trước việc blogger Hoàng Mỹ Uyên ôm con nhỏ xuất hiện trong đoàn biểu tình đã bị lực lượng an ninh đánh bầm dập.

Đáng lưu ý, cũng trong tháng Sáu này, lần đầu tiên người ta thấy giới nghệ sĩ Việt Nam đồng loạt lên tiếng phản đối Luật Đặc Khu : hoa hậu Diễm Hương, MC Phan Anh, diễn viên hài Cát Phượng, ca sĩ Cẩm Vân… Đã có hơn 1.000 lượt share post của diễn viên Cát Phượng : "Trước mắt là đặc khu. Sau này sẽ là khu đặc trị của Trung Quốc". Cùng thời điểm, hàng trăm người cũng nhấn like ủng hộ ca sĩ Cẩm Vân, người nổi tiếng nhờ dòng "nhạc đỏ", thay avatar với dòng chữ "Phản đối cho thuê đất đặc khu". (T.K.)

***********************

Dân Việt phẫn nộ vì bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư ‘bênh’ Trung Quốc (Người Việt, 06/06/2018)

"Dự thảo [Luật Đặc Khu] không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc", phát ngôn mới nhất của Bộ Trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng bên lề cuộc họp Quốc Hội cộng sản Việt Nam ở Hà Nội khiến mạng xã hội hôm 6 tháng Sáu dấy lên phẫn nộ.

bieutinh2

Bộ Trưởng Kế hoạch và đầu tư cộng sản Việt Nam Nguyễn Chí Dũng. (Hình : Thanh Niên)

Ông Dũng được báo Tuổi Trẻ dẫn lời : "Mọi người đang hiểu sai và có người cố tình hiểu sai. Cái đúng thì các cơ quan phải cầu thị lắng nghe, tiếp thu chỉnh sửa. Cái gì chưa rõ thì giải trình, giải thích. Có người cố tình đẩy câu chuyện này lên để phá hoại. Phải làm khách quan, không thì sau này lịch sử phải trả lời lại về việc trong thời khắc lịch sử ai là người phải chịu trách nhiệm, không phải cứ nói cho sướng mồm không có suy nghĩ, tư duy. Cái gì cũng sợ thì không làm được".

Tờ báo cũng tường thuật Bộ Trưởng Dũng nhắc lại phát ngôn của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình : "Thôi, hãy làm đi, không bàn nữa !" về việc xây dựng đặc khu ở Thẩm Quyến năm 1988 và cho biết thêm rằng lời nói này "được khắc trên bia đá ở Thâm Quyến".

Nhiều blogger phát hiện tuy văn bản Dự Luật Đặc Khu không có chữ "Trung Quốc" nhưng lại có khái niệm "nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh" khi đề cập chuyện công dân Trung Quốc sẽ được miễn thị thực khi vào đặc khu Vân Đồn.

Trước khi có phát ngôn về Luật Đặc Khu và bày tỏ quan ngại về việc công luận có thể "chia rẽ quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh", ông Dũng, người được ghi nhận có bằng tiến sĩ kinh tế, từng gây hoang mang với câu nói : "Không đầu tư vào Việt Nam là thiệt thòi cho nhà đầu tư Mỹ !"

Bộ Kế hoạch và đầu tư do ông Dũng đứng đầu cũng vừa bị cộng đồng mạng chỉ trích kịch liệt do tổ chức cho một đoàn phóng viên Việt Nam đi thăm Thẩm Quyến, Trung Quốc, để những người này sau đó viết "nội dung tích cực về đặc khu" trên mặt báo và mạng xã hội.

Một trong những người tham gia chuyến đi này, phóng viên Lê Kiên của báo Tuổi Trẻ, được ghi nhận viết trên Facebook sau đó rằng : "Những người phản đối đặc khu là đặc ngu !".

Phóng viên tự do Ngô Nguyệt Hữu bình luận trên mạng xã hội : "Bữa trước, ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch thì sợ xử lý du khách Trung Quốc mặc áo thun có đường lưỡi bò ảnh hưởng đến đại cục. Nay thì Bộ Trưởng Dũng thì vu người cố tình hiểu sai việc cho thuê đất 99 năm đẩy vấn đề lên để chia rẽ mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc. Thằng nào bắn ngư dân của mình, cướp đảo của mình, chiếm thác của mình mới là thằng ảnh hưởng đến đại cục, mới là phá hoại mối quan hệ, hai ông cố nội ơi".

Trong khi đó, lên tiếng trên Facebook, Luật Sư Lê Công Định kêu gọi Bộ Trưởng Dũng từ chức và viết thêm : "Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ gì và thế nào mà Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng sợ bị chia rẽ vậy ? Oan hồn của những chiến sĩ đã ngã xuống trong chiến tranh biên giới, trong những cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa và của các ngư dân bị bắn chết bởi Trung Quốc, không đáng để ông bộ trưởng đếm xỉa hay sao ?"

Ông từng là đại biểu Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2004-2011 và 2011-2016.

Sự nghiệp chính trị của ông gắn bó hầu hết với công tác tại Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư. Ông lần lượt giữ các chức vụ tại bộ này như phó vụ trưởng Vụ Quản Lý Dự Án Đầu Tư Nước Ngoài, phó cục trưởng Cục Phát Triển Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa, vụ trưởng Vụ Thương Mại và Dịch Vụ.

Ông Nguyễn Chí Dũng từng là thứ trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư. Năm 2009 ông được Đảng cộng sản Việt Nam điều về làm phó bí thư Tỉnh Ủy Ninh Thuận, rồi chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Ninh Thuận. Đến tháng Chín năm 2010 làm bí thư Tỉnh Ủy, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Ninh Thuận. Đến tháng Giêng năm 2014 ông Dũng trở lại vị trí thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư và đến ngày 9 tháng Tư, năm 2016, trở thành bộ trưởng của bộ này. (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 577 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)