Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/06/2018

Tất Thành Cang đang bị đưa vào lò, Trần Bắc Son trốn khỏi Việt Nam

Tổng hợp

Tất Thành Cang sẽ bị kỷ luật đến mức nào ? (CaliToday, 05/06/2018)

Bà Lê Thị Thủy-phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương cho biết cơ quan này đã làm việc với Thành ủy Hồ Chí Minh để bàn về vấn ông Tất Thành Cang, sau khi nhận được đề nghị kỷ luật từ phía lãnh đạo Thành ủy.

cang1

Ông Tất Thành Cang. Ảnh : Dân Trí

Bà Lê Thị Thủy đã nói điều này vào sáng 5/6 và được rất nhiều tờ báo trong nước thuật lại. 

Ông Tất Thành Cang là Ủy viên trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, chức vụ hiện nay phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hồ Chí Minh. Do đó, ông là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý. Nên việc xử lý hay đưa ra quyết định kỷ luật không thuộc quyền của Thành ủy Hồ Chí Minh hoặc Ủy ban Kiểm tra trung ương, mà do Bộ Chính trị.

Cũng trong lần trả lời báo chí bên lề cuộc họp Quốc hội, bà Lê Thị Thủy không cho biết ông Cang sẽ bị kỷ luật đến mức nào.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra tTrung ương trước đó, ông Tất Thành Cang là người phải chịu trách nhiệm trong việc làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng ngân sách trong việc bán Dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai.

Vào năm 2009, chính quyền thành phố Sài Gòn đồng ý cho Công ty Đầu tư và Xây dựng

Tân Thuận làm chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Phước Kiển. Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp làm bộ phận kinh tài cho Thành ủy Hồ Chí Minh. Do đó, những dự án béo bỡ đều được chính quyền bàn giao cho công ty này. Trong khoảng thời gian từ 2009-2013, công ty này đã thảo luận để bồi thường, chuyển nhượng số đất 331.100m2 tại Phước Kiển (huyện Nhà Bè, Sài Gòn). Vậy nhưng đến cuối năm 2013, công ty này vẫn không thể hoàn tất thủ tục đầu tư. Lý do là không xoay sở đâu ra số tiền để làm công tác bồi thường, di dời…Do đó, đến năm 2017, Công ty Tân Thuận đề nghị với Thành ủy Hồ Chí Minh cho hợp tác với Công ty Quốc Cường Gia Lai để xây dựng Dự án Khu dân cư Phước Kiển. Toàn bộ diện tích 331.100m2 được định giá 358 tỷ đồng (tương đương với 1,1 triệu/m2).

Vậy nhưng đến tháng 6/2017, Công ty Tân Thuận lại thay đổi, chuyển nhượng toàn bộ đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Văn bản chuyển nhượng được chính ông Tất Thành Cang-phó Bí thư Thường trực Thành ủy phê duyệt. Giá đất được Công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai chỉ với giá 1,29 triệu đồng/m2, thu lại 419 tỷ đồng. Trong khi đó, theo giá thị trường thì toàn bộ diện tích khu dân cư Phước Kiển phải có giá lên đến 2.000 tỷ đồng.

Cũng cần nói thêm rằng, vào thời điểm mà ông Tất Thành Cang ký quyết định phê duyệt cho Công ty Tân Thuận bán toàn bộ lô đất Khu dân cư Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai là thời điểm mà ông Đinh La Thăng bị kỷ luật. Và, lúc đó, ông Nguyễn Thiện Nhân-đương kim bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh chưa được phê chuẩn để về làm lãnh đạo cao nhất của thành phố Sài Gòn. Tất Thành Cang đã lợi dụng thời điểm đó, với chức vụ phó Bí thư Thường trực Thành ủy, ông đã ký quyết định phê duyệt cho Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai. Dư luận không rõ ông Cang kiếm được bao nhiêu tiền sau khi đặt bút ký, nhưng chắc chắn phần lại quả sẽ không hề nhỏ.

Vào ngày 4/6/2018, Ban Thường vụ Thành ủy đã ra đề xuất kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang. Cùng với đó là kỷ luật một loạt lãnh đạo trong Công ty Tân Thuận.

Ông Trần Công Thiện-Tổng giám đốc công ty Tân Thuận bị cách hết các chức vụ trong đảng, tạm thời đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc. Ông này cũng bị đề nghị cách chức Thành viên Hội đồng quản trị.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Kiểm soát viên Công ty Tân Thuận nhận hình thức Cảnh cáo. Còn các lãnh đạo khác của công ty, như : Trần Tấn Hải, phó Tổng giám đốc ; Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng phòng kinh tế Tổng hợp ; bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, kế toán trưởng đều nhận hình thức kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Ngoại trừ ông Tất Thành Cang, những lãnh đạo trên của Công ty Tân Thuận đều thuộc quyền quản lý của Thành ủy Hồ Chí Minh, do đó cơ quan này đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với cán bộ của mình. Khi nhìn vào mức kỷ luật mà Thành ủy Hồ Chí Minh đưa ra không quá khó để dự đoán được mức kỷ luật mà ông Tất Thành Cang sẽ phải nhận lãnh. Đó là hình thức Khiển trách, mức kỷ luật nhẹ nhất đối với đảng viên cộng sản Việt Nam. Với mức kỷ luật này, ông Tất Thành Cang sẽ có thể tiếp tục tại vị phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hồ Chí Minh.

Người Quan Sát

*****************

Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vẫn bao che cho Tất Thành Cang ? (CaliToday, 05/06/2018)

Phải gần một tháng sau lời hứa sẽ hoàn tất và công bố kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra thành ủy vào ngày 8/5/2018 về vụ bán giá bèo 30 ha đất Nhà Bè, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mới có báo cáo gửi Ủy ban Kiểm tra trung ương và thông báo một phần nội dung của báo cáo này cho công luận biết.

cang2

Tất Thành Cang (trái) chúc mừng Nguyễn Văn Hiếu (giữa) nhậm chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều dư luận cho rằng Nguyễn Văn Hiếu đã chịu ơn nâng đỡ của Tất Thành Cang, mà như thế thì làm gì có chuyện Ủy ban Kiểm tra thành ủy làm công tâm, nếu không nói là có hành vi che chắn trong vụ đất Nhà Bè và vụ Thủ Thiêm. Ảnh : Thanh Niên

Theo báo cáo trên, "Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang – ủy viên trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy – vì những vi phạm : quyết định không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước, về kinh doanh bất động sản, không bảo đảm quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ Thành phố và thiếu kiểm tra trong triển khai thực hiện các quyết định của mình. Ban thường vụ Thành ủy giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tập hợp đầy đủ hồ sơ tài liệu có liên quan để gửi báo cáo Ủy ban Kiểm tra trung ương xem xét xử lý theo quy định của Đảng".

Trước đó, Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ kết luận nhẹ nhàng và… trơn tuột : "Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đã chấp thuận chủ trương chuyển nhượng hơn 30 ha đất đã đền bù của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) tại dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè và chấp thuận chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định của pháp luật, không báo cáo thường trực Thành ủy và Ban thường vụ Thành ủy trước khi quyết định. Đồng thời, ông Cang thiếu kiểm tra việc thực hiện các kết luận chỉ đạo của mình, việc chuyển nhượng có nguy cơ gây thất thoát lớn cho Đảng bộ Thành phố".

Vậy trong thực tế, Tất Thành Cang đã ‘quyết định không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản…’ như thế nào ?

Với vai trò phó bí thư thường trực Thành ủy và lợi dụng khoảng thời gian tranh tối tranh sáng khi bí thư thành ủy khi đó là Đinh La Thăng bị điều chuyển ra Ban Kinh tế trung ương, còn bí thư mới là Nguyễn Thiện Nhân chưa về Sài Gòn, Tất Thành Cang đã "ký lén" phê duyệt cho vụ mua bán 30 ha đất Nhà Bè theo đề nghị của Công ty Tân Thuận mà không thông báo cho các thành viên trong "Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh" – bao gồm bí thư và các phó bí thư, cũng không thông báo cho "Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh".

Nhưng nghiêm trọng nhất là Tờ trình của Công ty Tân Thuận đề xuất là "hợp tác kinh doanh" nhưng Phó Bí thư Tất Thành Cang còn lộng hành "vượt đề xuất", cho ý kiến chỉ đạo là chuyển nhượng luôn khu đất cho tư nhân.

Do đó, Tất Thành Cang bị một số dư luận nghi ngờ đã "nhúng chàm" và "ăn chia" trong vụ bán 30 ha đất trên.

Theo tính toán sơ bộ của báo chí, con số thất thoát trong vụ mua bán trên lên đến 2.400 tỷ đồng. Tất nhiên, con số này muốn đứng vững và "quy án" cần phải có cơ sở qua hoạt động kiểm tra và điều tra.

Nhưng ngay trước mắt, đã có một cơ sở để củng cố cho mối nghi ngờ về tình trạng "móc ngoặc" có thể đã xảy ra : theo bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai, bà đã mua khu đất này với giá lên đến hơn 600 tỷ đồng chứ không phải 419 tỷ như thông tin ban đầu (theo hợp đồng của Công ty Tân Thuận).

Như vậy, đã có một giá trị chênh lệch đáng kể gần 200 tỷ đồng giữa hợp đồng và "ngoài đời". Vì sao có số chênh đó, và số tiền chênh này "chui" vào túi ai ?

Căn cứ vào hồ sơ vụ việc mua bán thì rõ ràng đã có sự vi phạm nghiêm trọng trong việc bán chỉ định tài sản Nhà nước này, trong đó việc không thực hiện bán đấu giá theo quy định đã gây ra thất thoát rất lớn đối với tài sản Nhà nước. Việc không cho các đơn vị thẩm định giá trị tài sản trước khi chuyển nhượng tài sản của Nhà nước là dấu hiệu sai phạm hết sức nghiêm trọng, có thể bị xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, nội dung báo cáo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – đứng đầu là Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân – lại không hề làm rõ những sai phạm rất rõ ràng và hành vi cố ý làm trái trên của Tất Thành Cang. Cái cách báo cáo và công bố thông tin như thế đang khiến nhiều dư luận phải đặt dấu hỏi nghiêm khắc về một sự bao che có chủ ý của Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với Tất Thành Cang. Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra trung ương cần mổ xẻ vì sao Phó bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là Nguyễn Thị Quyết Tâm vẫn khăng khăng cho rằng 30 ha đất Nhà Bè không phải là tài sản công – như một động tác ngụy biện rất lộ liễu cho người đồng cấp là Tất Thành Cang.

Vụ ‘bao che’ trên của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là hành vi ‘xù’ trách nhiệm lần thứ hai trong vòng một tháng, sau báo cáo của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho Chính phủ về vụ Thủ Thiêm.

Bản báo cáo trên đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, mà chỉ thòng một câu ‘Ủy ban nhân dân TP đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ’.

Vào trung tuần tháng Năm năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc họp chính phủ về vụ Thủ Thiêm. Tuy nhiên trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu độ thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và một quyết định bị xem là ký vượt quyền của Phó chủ tịch chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi ‘thay thế’ Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.

Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…

Những vụ việc ngập ngụa dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng ở Sài Gòn đang tràn ngập nguy cơ chìm xuồng. Một trong những ‘vật cản’ lớn nhất hiện thời có lẽ là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu – nhân vật có ‘quá trình trưởng thành cách mạng’ gần tương tự với đàn anh của ông Hiếu là Tất Thành Cang, tức cũng từng là bí thư thành đoàn và sau đó là bí thư quận 2. Và nhiều dư luận cho rằng Nguyễn Văn Hiếu đã chịu ơn nâng đỡ của Tất Thành Cang, mà như thế thì làm gì có chuyện Ủy ban Kiểm tra thành ủy làm công tâm, nếu không nói là có hành vi che chắn trong vụ đất Nhà Bè và vụ Thủ Thiêm.

Thiền Lâm

**********************

Kỷ luật Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành Ủy Sài Gòn (Người Việt, 05/06/2018)

Ban Thường Vụ Thành Ủy Sài Gòn "thống nhất đề xuất kỷ luật" ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực và gửi báo cáo để Ủy ban Kiểm tra trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam "xem xét xử lý".

cang3

Khu đất rộng hơn 30 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, bán không qua đấu giá với giá 1.29 triệu đồng/mét vuông cho công ty Quốc Cường, Gia Lai. (Hình : Thanh Niên)

Báo Thanh Niên loan tin, bên lề họp Quốc hội sáng 5 tháng Sáu, bà Lê Thị Thủy, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung Ương, cho biết : "Ðoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung Ương đã vào Sài Gòn ‘làm việc xung quanh việc ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành Ủy, bị đề xuất kỷ luật.’"

Theo bà Thủy, "…do ông Cang là cán bộ trực thuộc Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư quản lý, nên Ủy ban Kiểm tra Trung Ương sẽ phải làm việc trước. Các biện pháp tiếp theo sẽ tiến hành theo quy trình". Tuy nhiên, các công việc cụ thể chưa được bà Thủy tiết lộ.

Trước đó, chiều 4 tháng Sáu, Ủy ban Kiểm tra Thành Ủy Sài Gòn đã ra thông báo kết quả kiểm tra, khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, tại công ty Đầu Tư và Xây Dựng Tân Thuận về trách nhiệm tại "Dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè".

Thông báo này có đề cập đến việc Ban Thường Vụ Thành Ủy Sài Gòn họp ngày 2 tháng Sáu, đã kết luận ông Tất Thành Cang có 4 vi phạm cụ thể : "Quyết định không đúng thẩm quyền ; vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước, về kinh doanh bất động sản ; không bảo đảm quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của đảng bộ thành phố ; thiếu kiểm tra trong triển khai thực hiện các quyết định của mình".

Ban Thường vụ thành ủy Sài Gòn thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang và giao Ủy ban Kiểm tra thành ủy tập hợp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan để gửi báo cáo Trung ương xem xét xử lý theo quy định của đảng.

Kết luận của Ban Thường vụ thành ủy Sài Gòn cũng cho biết, cho đến nay, qua kiểm tra dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra thành ủy "chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực liên quan đến lợi ích cá nhân".

Sai phạm của Tất Thành Cang liên quan đến vụ bán đất cho công ty Quốc Cường Gia Lai.

Trong thương vụ công ty Đầu Tư và Xây Dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn Phòng Thành Ủy Sài Gòn) bán khu đất ở huyện Nhà Bè cho công ty Quốc Cường Gia Lai với giá chỉ 1.290.000 đồng (56,7 USD)/mét vuông hồi tháng Sáu, 2017, ông Cang bị cáo buộc chịu trách nhiệm chính về việc "gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng (hơn 87,9 triệu USD).

Trong buổi họp hôm 6 tháng Năm, Thành Ủy Sài Gòn loan báo sẽ "thanh tra toàn diện" công ty Tân Thuận và "yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm" của ông Cang.

Ban Thường Vụ Thành Ủy Sài Gòn đưa ra kết luận ông Cang "đã chấp nhận chủ trương chuyển nhượng không đúng thẩm quyền" và rằng công ty Tân Thuận "đã sang nhượng trái phép tài sản có giá trị lớn", "không đặt lợi ích của Đảng Bộ thành phố lên hàng đầu", "vi phạm nghiêm trọng". (Tr.N)

******************

Khôi hài : Vẫn kỷ luật dù Trần Bắc Hà đã vượt biên ! (CaliToday, 05/06/2018)

Câu chuyện Trần Bắc Hà – tưởng như đã rơi vào quên lãng trong cơn sóng dồn của khá nhiều sự kiện và bắt bớ chính trị ở Việt Nam, bỗng nhiên hồi sinh và biến thành một giai thoại không khác mấy vụ Trịnh Xuân Thanh.

cang4

Ảnh minh họa : Zing.vn

‘Liệu có kỷ luật được Trần Bắc Hà nếu ông Hà không có mặt ở Việt Nam ?’ – vài tờ báo nhà nước bắt đầu cắc cớ đặt ra câu hỏi này.

Câu trả lời là ‘được chứ’ – theo ý kiến một số quan chức, tướng lĩnh và cán bộ lão thành. Đảng ta muốn làm gì mà chẳng được.

Vào cuối năm 2016 khi Trịnh Xuân Thanh đã ‘ra đi tìm đường cứu nước’ và còn viết tâm thư thể hiện sự thiếu tin tưởng vào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thanh đã phải nhận án kỷ luật bằng hình thức nặng nhất – khai trừ khỏi Đảng cộng sản Việt Nam.

Không biết Trịnh Xuân Thanh có giây phút nào hối hận vì bị khai trừ đảng hay không, chỉ biết rằng trong phiên tòa của Tòa án Thượng thẩm Đức xử nghi can Nguyễn Hải Long trong đường dân bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, những nhân chứng là vợ của Thanh và em họ của Thanh là Vũ Đình duy khai rằng trước khi bị mật vụ Việt Nam bắt cóc, Trịnh xuân Thanh sống ung dung ở Berlin với lịch sinh hoạt là… uống bia và đánh golf.

Trần Bắc Hà có thể đã trở thành cái tên tiếp theo của những Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng khi ‘ra đi tìm đường cứu nước’.

Đầu năm 2018, vụ án Phạm Công Danh – Ngân hàng Xây Dựng – Trầm Bê mà dẫn đến thất thoát 6.000 tỷ đồng đã được xét xử. Phạm Công Danh bị kêu án rất nặng. Tuy bị triệu tập đến phiên tòa này nhưng Trần Bắc Hà đã không có mặt.

Một điều tra của Tuổi Trẻ Online đã cho biết theo cơ sở dữ liệu của cơ quan chức năng Việt Nam, ông Trần Bắc Hà đang có mặt tại Việt Nam. Theo nguồn tin này, dữ liệu quản lý của cơ quan chức năng cho thấy lần cuối cùng ông Trần Bắc Hà làm thủ tục xuất – nhập cảnh là tại cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum – giáp ranh với Lào) vào đầu tháng 11/2017. Từ đó đến nay, dữ liệu chưa ghi nhận ông Trần Bắc Hà làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài.

Nhưng trang điện tử Zing.vn lại tung ra một điều tra riêng dẫn đến một kết luận ngược lại Tuổi Trẻ Online. Trang này dẫn ra bản chụp hộ chiếu được hợp pháp hóa lãnh sự cho thấy ông Trần Bắc Hà đã dùng hộ chiếu được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse (Lào) cấp vào tháng 11/2017. Tại một trang hộ chiếu cho thấy ngày 7/12/2017, ông Trần Bắc Hà xuất cảnh rồi sau đó nhập cảnh vào ngay cửa khẩu La Lay từ Quảng Trị qua tỉnh Saravan (Lào). Trong thời gian cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, ông Trần Bắc Hà đi lại giữa Thái Lan và Lào bằng đường bộ thông qua cửa khẩu Vang Tao. Ngày 7/1/2018, ông Trần Bắc Hà tiếp tục đi qua cửa khẩu Vang Tao qua Thái Lan, rồi từ đó đáp chuyến bay từ Bangkok đi Singapore…

Như vậy, một khả năng lớn là ông Trần Bắc Hà đã từ Lào qua Thái Lan và bay đến Singapore.

Tại sao phải đi một đường lòng vòng quá mất công như thế, trong khi từ Hà Nội chỉ mất hơn một giờ đồng hồ lại đáp xuống sân bay Singapore ?

Lào – Thái Lan – Singapore lại là lộ trình rất có thể được thực hiện bởi Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ – tức đại gia Vũ "Nhôm", vào những này cuối năm 2017 khi nhân vật này chính thức "ra đi tìm đường cứu nước".

Còn giờ đây, không phải ngẫu nhiên mà vài tờ báo nhà nước bắt đầu cắc cớ đặt dấu hỏi ‘Liệu có kỷ luật được Trần Bắc Hà nếu ông Hà không có mặt ở Việt Nam ?’.

Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương phát đi bản thông cáo báo chí sau kỳ họp cuối tháng Năm năm 2018, kết luận những vi phạm của ‘đồng chí Trần Bắc Hà’ là ‘rất nghiêm trọng’, dư luận đã ồn ào về việc Trần Bắc Hà đã ‘đào thoát thành công’.

Thậm chí đại gia này đã vượt biên ngay sau vụ ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bị khởi tố và phải ta tay vào còng vào đầu tháng Mười Hai năm 2017.

Một thông tin trên mạng xã hội cho biết vào đầu tháng Giêng năm 2018, tại ngôi biệt thự rộng hơn 1.000m2 tại bản Kè, huyện Pakse, tỉnh Champasak (Lào), nơi Trần Bắc Hà và những người thân thuê để ở, làm việc mỗi khi sang đây, biển hiệu đã được đổi và không còn ai, kể cả chiếc xe mà Trần Bắc Hà hay đi cũng biến mất.

Được xem là một con cáo già trong thương trường và chính trường ở Việt Nam, Trần Bắc Hà đương nhiên đã biết được không ít tin tức cung đình, đặc biệt những tin tức liên quan đến an nguy của mình. Rất có thể trong thời gian gần đây và đặc biệt sau khi Đinh La Thăng bị bắt, ông Hà đã nắm được một nguy hiểm nào đó sẽ xảy đến với mình, để từ đó quyết định đào tẩu như Trịnh Xuân Thanh và Phan Văn Anh Vũ đã từng.

Nếu quả thật Trần Bắc Hà đã ‘biến’, việc kỷ luật đảng đối với ông ta chỉ còn mang tính hình thức và trở nên vô nghĩa, bởi mục tiêu chính của Tổng bí thư Trọng là bắt được Trần Bắc Hà nhằm ‘truy thu tài sản tham nhũng’ để nuôi bộ máy đảng.

Nhưng sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ mà đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt, triển vọng Interpol quốc tế đáp ứng yêu cầu của Bộ Công an về phát lệnh truy nã đặc biệt đối với Trần Bắc Hà là gần như vô vọng. Đó cũng là cơ hội trời cho để Trần Bắc Hà có thể trốn chui nhủi trong xó xỉnh nào đó trên thế giới để… uống bia và đánh golf.

Thiền Lâm

Quay lại trang chủ
Read 702 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)