Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Chỉ số hài lòng của người dân đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tăng dần qua từng năm".

hailong1

Người đi đường che mũi vì bụi trong không khí trên đường phố Hà Nội hôm 1/10/2019. Reuters

Phát biểu vừa nêu của ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường khi nói về công tác quản lý, bảo vệ môi trường và được báo mạng Dân Trí trích dẫn và đăng tải ngày 4/2.

Người đứng đầu Tổng cục Môi trường thừa nhận công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhưng Tổng cục cũng nỗ lực tăng cường hoạt động với những chỉ đạo giải pháp từ Trung ương để đạt được những thành quả nhất định.

Trao đổi với RFA tối 4/2, một kỹ sư không muốn nêu tên vì lý do an ninh, hiện đang sống tại tổ dân phố Tây Yên, tỉnh Hà Tĩnh, nơi gần sát dự án san lấp mặt bằng với chất thải của Nhà máy thép Formosa nhận xét về phát biểu của ông Nguyễn Văn Tài như sau :

"Ở đâu xa thì anh không biết còn thực tế chỗ anh thì mấy năm nay vấn đề môi trường xả thải ra môi trường như trước thì không còn, chắc chắn sau đó họ cũng chấn chỉnh vấn đề ấy. Nhưng càng về sau lại có càng nhiều vấn đề khác lòi ra như vừa rồi là đổ xỉ thải nhiệt điện ra ngoài tùm lum hết. Nói chung họ chỉ nói thế thôi chứ người dân sao hài lòng nổi, theo anh thì không hài lòng chút nào. Thật ra họ nói theo kiểu mị dân thôi chứ đâu có thế".

Đồng quan điểm vừa nêu, chị Kiều Khanh, hiện sống ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ :

"Người dân thực sự không nắm được những tình hình thế này, bảo vệ môi trường mà chủ đề nào gay gắt lắm mà được lặp đi lặp lại trên báo thì người dân mới để ý, còn bình thường những cái đó người dân sẽ không để ý. Nên cái ông phát biểu chắc dựa trên cái ông tham khảo trong phòng ông chứ không tham khảo ý kiến người dân. Tình hình ô nhiễm vẫn đầy, đâu có trồng rừng trồng gì đâu".

Từ Hà Nội, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường nhận định :

"Tôi cho rằng phát biểu tăng dần, giảm dần hay giữ nguyên đều phải có cơ sở. Cơ sở ấy phải là một chỉ số đánh giá theo định lượng, ít nhất qua khảo sát nào đó với người dân năm năm trước, ba năm trước, hiện nay chẳng hạn thì số người dân có ý kiến là tốt hơn, tăng lên thì mới có thể đưa ra kết luận chính xác. Thế còn nói kiểu định tính thế này thì tôi cũng không tin điều đó đúng hay không đúng".

Vẫn theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu nói theo kiểu định tính như trong phát biểu của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, qua thảo luận với bạn bè câu chuyện café buổi sáng, câu chuyện trao đổi điện thoại, rồi chuyện trao đổi về đề tài nghiên cứu, ông thấy ý kiến chung là vẫn chưa hài lòng với quản lý hiện nay, tức mức độ hài lòng chưa cao, thậm chí có thể nói là chưa tăng. Ông đưa ra nguyên nhân :

"Lý do chưa hài lòng vì chỉ số ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng hơn ; các dòng sông bị chết, bị ô nhiễm tôi khẳng định chưa khôi phục được sông nào ; ô nhiễm đất nhiều nơi đang xảy ra ; biển cũng được đánh giá Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á chứa nhiều tác thải nhựa nhất".

hailong2

Rác chất thành đống tại bãi rác tạm gần các tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 17/7/2020.AFP

Xác nhận thực trạng môi trường như vừa nêu, chị Kiều Khanh nói rõ hơn về tình hình tại thành phố lớn nhất phía Nam :

"Dạo này ô nhiễm nhiều hơn ngày xưa. Đi ra ngoài đường cơ bản là nếu không có dịch (Covid-19) thì cũng phải đeo khẩu trang vì bụi mù mịt. Có những ngày nó mù giống như sương mù ở Đà Lạt vậy".

Tình trạng ô nhiễm không khí như chị Kiều Khanh vừa đề cập không chỉ xảy ra ở riêng thành phố Hồ Chí Minh, mà còn ở các tỉnh thành khác của cả nước. Trong đó, Hà Nội được đánh giá là thành phố ô nhiễm không khí cao nhất nước.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 12/1 dẫn lời Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ, thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho hay ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ còn kéo dài, ít nhất từ nay đến năm 2030, dù có làm gì thì thay đổi cũng sẽ không nhiều.

Ông Hoàng Xuân Cơ cho rằng nếu Việt Nam hành động ngay thì đến thời điểm 2030 sẽ có biến chuyển, nếu không sẽ kéo dài hơn. Giải quyết bài toán này phải cần đến rất nhiều năm.

Theo lời Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài được báo đăng tải ngày 4/2, kết quả hoạt động của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực môi trường đã tập trung kiểm soát 20 - 30% các đối tượng có nguy cơ ô nhiễm cao qua đó kiểm soát được tới 80% vấn đề môi trường.

Bên cạnh đó, công tác quản lý còn giải quyết dứt điểm hơn 1.000 kiến nghị, phản ánh nhận được qua đường dây nóng, đồng thời đảm bảo xử lý đúng thời hạn gần 90% kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ đưa ra nhận xét :

"Có cố gắng, tức về mặt ý thức được trách nhiệm, ý thức về mặt chưa làm tốt. Tinh thần thì tôi nhận thấy là cấp trung ương và cấp tỉnh có cố gắng nhưng cố gắng đó tạo ra hiệu quả, hiệu suất quản lý thế nào thì tôi cho rằng vẫn chưa đạt được hiệu suất cần thiết".

Cụ thể, Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định nguyên tắc quản lý là sao cho không xảy ra sự cố môi trường, tức là phòng hơn chống. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, ông cho rằng chính quyền vẫn đang trong tình trạng để xảy ra rồi mới chống !

Published in Diễn đàn

Bộ trưởng môi trường xác nhận Formosa bảo đảm an toàn môi trường (RFA, 05/06/2018)

Sáng ngày 5/6, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà khẳng định về việc xả thải của nhà máy Formosa "đảm bảo an toàn về môi trường". Cụ thể, doanh nghiệp này đã đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường với 3 bước lớn hơn và đã thực hiện 3 bước để phòng ngừa sự cố tại nơi sản xuất, trong và ngoài nhà máy. Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã đầu tư giám sát, kiểm soát môi trường trực tuyến và cam đoan không thể xảy ra sự cố môi trường với "cách làm chặt chẽ từ khâu xem xét, đánh giá công nghệ đến giám sát kiểm tra như hiện nay".

moitruong1

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên trả lời chất vấn sáng ngày 05/06/2018 - tuoitre

Liên quan đến việc nhập khẩu rác công nghiệp, phế liệu tái chế gây ô nhiễm môi trường, ông Trần Hồng Hà cho biết việc dừng nhập khẩu sắt, thép phế liệu cần có lộ trình bởi việc luyện thép phế liệu không ảnh hưởng đến môi trường.

Trước câu hỏi về sự cố môi trường tại dự án Alumin Nhân Cơ, ông Trần Hồng Hà cho rằng sự cố môi trường này chỉ xảy ra ở khâu nhỏ, mang tính cục bộ và không phải là những sự cố có thể gây khủng hoảng lớn về môi trường.

Tuy nhiên, một báo cáo của bộ này cho biết sau 9 năm triển khai, hoạt động khai thác, chế biến bauxite, hai dự án Alumin Nhân Cơ và Tân Rai luôn tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, dự án Alumin Tân Rai để xảy ra sự cố 3 lần, Alumin Nhân Cơ để xảy ra sự cố 4 lần và các thiết bị cũng như một số hệ thống xử lý môi trường đã xuống cấp nghiêm trọng.

**********************

Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường : 'Yên tâm' 'yên tâm' và 'yên tâm' (BBC, 05/06/2018)

Trả lời chất vấn trong phiên họp Quốc Hội ngày 5/6, Bộ trưởng Tài nguyên Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nói đại biểu 'yên tâm' trước nhiều vấn đề mấu chốt liên quan đến môi trường.

moitruong2

Trong buổi sáng ngày 5/6, 66 đại biểu đã đăng ký để chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà. Các câu hỏi xoay quanh việc người nước ngoài mua đất, Formosa, nguy cơ ô nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam, v.v...

Bộ trưởng Hà trả lời hàng loạt chất vấn khác nhau của các đại biểu với hai chữ 'yên tâm'.

'Yên tâm' về Formosa

moitruong3

Nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh bị kết luận xả thải làm cá chết ở ven biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam

Đại biểu Hoàng Văn Thưởng chất vấn về việc bảo đảm hoạt động của nhà máy Formosa.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời rằng 'đại biểu yên tâm' vì đến nay, Formosa đã đi vào vận hành và thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý.

Ông Hà nói đã yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung về công nghệ xử lý môi trường với công suất lớn hơn rất nhiều ; đã ứng dụng công nghệ giám sát, kiểm soát môi trường trực tuyến.

Ngoài ra có ba bước để đề phòng sự cố : Sự cố ngay tại nơi sản xuất, sự cố trong nhà máy và sự cố ngoài phạm vi nhà máy. Ngay hồ sinh học thì hoàn toàn có thể tái sử dụng nước.

Với cách làm như vậy, từ khâu xem xét đánh giá công nghệ đến giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì không có ngành nghề nào xảy ra sự cố nếu chúng ta làm tốt, ông Hà khẳng định.

'Yên tâm' về nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc

Đại biểu Phạm Tất Thắng đặt câu hỏi : "Hiện nay Trung Quốc đang vận hành ba nhà máy điện hạt nhân, đặt khá gần Việt Nam từ 50 đến 200 km, nguy cơ gây ô nhiễm phóng xạ đối với Việt Nam là rất lớn. Đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp phòng ngừa, ứng phó như thế nào ?".

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói "vấn đề này chúng tôi đã biết rất rõ".

Ông Hà cho hay chính phủ đã giao Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng các trạm để theo dõi. "Bộ Khoa học và công nghệ đã làm việc với các cơ quan hạt nhân quốc tế để thường xuyên có những đoàn thanh tra quốc tế kiểm soát các quy chuẩn an toàn hoạt động tại đây", ông Hà nói.

Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường nói rằng ngay thời điểm các nhà máy trên đi vào hoạt động, một số chuyên gia cho rằng người dân không nên hoang mang vì tiêu chuẩn lan toàn luôn đặt lên hàng đầu. "Tuy nhiên cũng cần chuẩn bị kỹ các phương án phòng ngừa sự cố".

Ông Hà thêm rằng mới đây Hà Nội đã đưa ra kế hoạch rất cụ thể về việc phòng tránh ô nhiễm hạt nhân nếu nguy cơ xảy ra. Trong đó, Hà Nội dự báo một trong 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa là rò rỉ phóng xạ.

Theo đó, Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội được giao chủ trì xây dựng kịch bản chi tiết khi có thảm họa rò rỉ chất phóng xạ và tham mưu cho thành phố liên quan đến các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ để phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa.

"Vấn đề các nhà máy điện hạt nhân không chỉ chúng ta mà tổ chức kiểm soát hạt nhân quốc tế cũng có nhiệm vụ giám sát. Với công nghệ hiện đại, chúng ta phối hợp với quốc tế tốt để kiểm soát tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

'Yên tâm' về hai nhà máy alumin

Liên quan đến hai nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu vấn đề rằng chỉ qua một thời gian vận hành đã phát sinh hàng loạt sự cố như vỡ hồ chứa bùn thải, hiệu quả kinh tế không như đặt ra.

Bộ trưởng Hà cho hay đã đích thân đi kiểm ra dự án ở Nhân Cơ (Đắk Nông). "Sự cố rò rỉ chỉ xảy ra nội bộ, quy mô nhỏ chứ không phải thảm họa gây ảnh hưởng lớn", ông Hà nói.

Ông Hà cũng nói đang chỉ đạo và cho và cho giám sát thường xuyên tại các nhà máy này :

"Riêng hồ lắng bùn đỏ thì đang được làm theo ba nấc hồ, việc lựa chọn và thiết kế độ bền của bạt đáy hồ cũng như hệ thống bao quanh hồ đã được cơ quan chức năng thẩm định".

"Tuy nhiên vấn đề môi trường thì tôi cũng thống nhất là cần giám sát, kể cả trách nhiệm giám sát của Tập đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam. Vì thế về cơ bản là chúng ta có thể yên tâm được", ông Hà nói.

'Không có chuyện người nước ngoài mua đất'

Ngoài ra, trước lo ngại của các đại biểu Quốc hội về việc người nước ngoài sẽ lấy đất tại đặc khu rồi bao chiếm như ở dọc bờ biển miền Trung, bộ trưởng Hà nói theo luật hiện nay, người nước ngoài không có quyền mua đất ở Việt Nam, mà chỉ được quyền mua căn hộ.

"Tôi nhờ các đại biểu cung cấp thông tin cho tôi biết là nếu có tình trạng đó thì mua ở đâu ?", bộ trưởng Hà nói.

*********************

Dân phản đối doanh nghiệp xả thuốc trừ sâu ra môi trường (RFA, 05/06/2018)

Người dân xóm Cột Bài, xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình từ 3 ngày nay dùng đá chặn cổng nhà máy thuốc bảo vệ thực vật thuộc công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Nam Thịnh đóng trên địa bàn xã do phát hiện cơ sở này có hoạt động sang chai, đóng gói hóa chất nông nghiệp và lợi dụng mưa gió để xả thải gây ô nhiễm môi trường.

moitruong4

Người dân chặn đá ngăn không cho xe vận chuyển thuốc sâu ra vào nhà máy gây ô nhiễm môi trường - Danviet

Mạng báo Dân Việt loan tin này hôm 05/06.

Cụ thể, nước thải từ cổng công ty đổ xuống suối tràn ra rãnh thoát nước có màu trắng xóa, mùi nồng nặc như thuốc sâu khiến người dân rất lo lắng vì chính nguồn nước này lại chảy qua thị trấn, nơi có nhà máy nước sạch cung cấp cho cả nghìn hộ dận ở huyện Lương Sơn. Người dân cũng đã kiến nghị nhiều lần về việc đặt nhà máy thuốc bảo vệ thực vật ở đầu nguồn nước, tuy nhiên, cơ quan chức năng đến kiểm tra bảo đạt tiêu chuẩn cho phép

Trước đó, sáng 03/06, xóm Cột Bài đã cử người đại diện vào công ty Nam Thịnh làm việc và yêu cầu nhà máy dừng hoạt động, di dời toàn bộ dự án ra khỏi địa bàn ngay trong ngày. Tuy nhiên do nhà máy không thực hiện nên chiều cùng ngày người dân xóm Cột Bài đã tập trung chở đá và lấp đường ngăn không cho xe ra vào tại cổng công ty.

**********************

41 tổ chức quốc tế ký chống ô nhiễm chất thải nhựa ở Việt Nam (RFA, 04/06/2018)

Sáng 4/6, lãnh đạo của 41 sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng ký kết Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa. Đây là sự kiện hưởng ứng kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới (5/), trong đó bao gồm 25 đại sứ quán và 16 tổ chức của Liên Hiệp Quốc hoạt động tại Việt Nam đã cùng nhau ký bản quy tắc chung.

moitruong5

Lãnh đạo của 41 sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng ký kết Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa ngày 4/6/2018. Courtesy of Baomoi

Được khởi xướng bởi Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, hoạt động này hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về những hậu quả của ô nhiễm chất thải nhựa, đồng thời vận động thay đổi hành vi, thể chế và chính sách, nhằm giảm chất thải nhựa tại Việt Nam.

Hãng Reuters dẫn một nghiên cứu của trường đại học Geogia năm 2015 cho biết Việt Nam là quốc gia xếp thứ 4 trong danh sách các nước làm ô nhiễm đại dương. Theo thống kê, gần 19.000 tấn rác thải nhựa thải ra mỗi ngày ở Việt Nam.

Reuters đề cập đến một trong những bãi biển bị ô nhiễm nặng nề ở Việt Nam đó là bờ biển Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Nơi này ngập tràn rác thải treo lơ lửng trên các cành cây. Rác khu vực này được mô tả nhiều hơn cả cát.

Hãng Reuters cho biết các rác thải nhựa như mũ bảo hiểm, đồ nội thấy, hay các đồ gia dụng, cộng với túi ni lông các loại, chất thành từng đống, hay vắt ngang trên các thân cây.

Một người dân nói với hãng Reuters rằng người dân nơi đây sử dụng túi nilong xong vứt thẳng xuống biển. Nước biển dâng tới đâu là rác nổi theo tới đó.

Published in Việt Nam

Việt Nam không thể thất bại về giáo dục vì "sự tâm huyết của người Việt với giáo dục là vô cùng lớn", Tiến sĩ Jonathan London thuộc trường Đại học Leiden, Hà Lan, một nhà gia nghiên cứu về giáo dục Việt Nam nói với BBC.

giaoduc1

Việc áp dụng mô hình giáo dục nước khác "đòi hỏi có sự thay đổi cho phù hợp với đặc trưng riêng của môi trường Việt Nam", Giáo sư Jonathan London nói.

Là một thành viên tham gia dự án Nghiên Cứu Cải Thiện Hệ Thống Giáo Dục Việt Nam (RISE), ông Jonathan London bình luận với Minh Thư của BBC hôm 5/9 về ý tưởng nhập khẩu giáo dục từ Phần Lan, làm sao để cải cách giáo dục Việt Nam hiệu quả hơn, và "cơ hội vàng" cho giáo dục Việt Nam thay đổi.

'Nhập khẩu giáo dục' Phần Lan có phù hợp với Việt Nam ?

Bàn về ý tưởng Việt Nam "nhập khẩu giáo dục" từ Phần Lan sau chuyến đi thăm Phần Lan của Bộ trưởng Bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ hồi cuối tháng 8/2017, Tiến sĩ Jonathan London nói Việt Nam nên nghiên cứu chính sách và phương pháp giáo dục của các quốc gia khác nhưng việc áp dụng "đòi hỏi những thay đổi để phù hợp với các đặc trưng riêng của môi trường giáo dục và xã hội Việt Nam".

giaoduc2

Ông Jonathan London bình luận với Minh Thư của BBC hôm 5/9 về ý tưởng nhập khẩu giáo dục từ Phần Lan vào Việt Nam

"Chắc chắn việc nghiên cứu các chính sách và phương pháp giảng dạy ở các nước, không chỉ Phần Lan, mà cả những nơi như Singapore, Israel, Mỹ, Hàn Quốc, là quan trọng. Tuy nhiên, việc chỉ chăm chăm "nhập khẩu giáo dục" mà không có sự cân nhắc những yếu tố khác có thể sẽ dẫn đến thất bại trong đổi mới giáo dục".

Tiến sĩ Jonathan London, nhà nghiên cứu về giáo dục Việt Nam, thuộc Trường Đại học Leiden, Hà Lan, bình luận với BBC về 'nhập khẩu giáo dục' từ Phần Lan và làm sao để cải cách giáo dục Việt Nam thành công hơn. Ông cho rằng không thể giả định Việt Nam sẽ thành công nếu chỉ 'nhập khẩu giáo dục' từ Phần Lan vì môi trường ở Việt Nam phức tạp và khác hẳn với môi trường ở Phần Lan.

"Chẳng hạn, ở Phần Lan không có tình trạng dạy thêm. Phần Lan tạo ra một môi trường cho trẻ em tự tìm hiểu, và có những yếu tố trong xã hội Phần Lan khác hẳn với xã hội Việt Nam".

"Điều đó có nghĩa là những thử nghiệm ở Phần Lan sẽ có một số giá trị nhất định nhưng và chúng ta phải xác định những giá trị đó ở đâu", Tiến sĩ London bình luận.

"Phải nghiên cứu kỹ những gì chưa biết"

Một điều mà dường như Việt Nam chưa hiểu đủ, theo Tiến sĩ London, là nghiên cứu về giáo dục phải được tiến hành một cách kỹ càng và toàn diện.

Tiến sĩ London dẫn ví dụ việc Việt Nam hiện nay có chương trình nhập khẩu mô hình VNEN (Vietnam Escuela Nueva - Mô hình cải tiến trường học nông thôn Việt Nam) có nguồn gốc từ Colombia nhưng được thực hiện ở nhiều nước. VNEN đang gây ra rất nhiều tranh cãi, nhưng theo Tiến sĩ London, "Dù là Phần Lan hay là VNEN, chúng ta phải xem xét cả hệ thống như thế nào, các bộ phận của hệ thống khác nhau như thế nào. Có làm như thế mới có thể đề cập đến các vấn đề trong ngành sư phạm một cách hiệu quả".

"Những gì chúng ta chưa biết thì nên nghiên cứu một cách kỹ càng. Qua đó, mới có hy vọng xác định những gì là hiệu quả và chưa hiệu quả, vì sao, dưới những điều kiện nào".

Cơ hội vàng để ngành giáo dục thay đổi

Khi bàn về cải cách giáo dục ở Việt Nam, Giáo sư London nói đến khái niệm "buy in" trong tiếng Anh.

"Buy in có nghĩa là khi những bên tham gia vào một cải cách thực sự tin vào cái đó", ông giải thích.

Tiến sĩ London cho rằng đối với dự án như VNEN, Việt Nam chưa có đủ những người thực sự tin vào mô hình cải cách này. Có thể một số người không tin do kinh nghiệm trực tiếp của họ, nhưng cũng có những người ở vào cuối thời gian làm việc trong ngành giáo dục và không muốn có một nền sư phạm mới.

Tuy nhiên, dù kết quả của mô hình VNEN như thế nào đi nữa, "rõ ràng Việt Nam cần có sư phạm mới, nội dung, chương trình và cách giảng dạy mới, (không có nghĩa là tất cả những gì đã làm đều không có giá trị)", ông bình luận.

"Rõ ràng những kỹ năng người Việt Nam cần trong cuộc sống hiện nay và tương lai khác hẳn so với tiêu chuẩn của những người đang quản lý giáo dục ngày hôm nay".

Ông cho rằng Việt Nam đang có một cơ hội vàng để cải cách giáo dục, hứa hẹn có thể thay đổi thành công dựa trên những thế mạnh của mình.

"Thế mạnh của Việt Nam là sự tâm huyết của người Việt với giáo dục là vô cùng lớn.

"Tôi có một ấn tượng là dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng những người vạch ra chính sách ở Việt Nam khá mở về vấn đề sư phạm và nghiên cứu, tìm hiểu về sư phạm mới tại các nước.

"Chắc chắn Việt Nam không thể bỏ qua và không thể thất bại trong giáo dục. Việt Nam có một cơ hội vàng cho ngành giáo dục để thay đổi".

Minh Thư thực hiện

Nguồn : BBC, 13/09/2047

Published in Diễn đàn

Hơn 40% diện tích rừng Sơn Trà bị chuyển đổi mục đích sử dụng (RFA, 28/04/2017)

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội Thảo Giải Pháp Bảo Tồn Và Phát Triển Bền Vững Bán Đảo Sơn Trà ngày 28 tháng Tư tổ chức tại Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng.

moitruong1

Những móng nhà trên rừng Sơn Trà. Courtesy of danviet.vn

Buổi hội thảo có sự phối hợp giữa Trung Tâm Con Người Và Thiên Nhiên, Trung Tâm Bảo Tồn Đa Dạng Sinh Học, Nước Việt Xanh và nhóm nghiên cứu giảng dạy về môi trường của Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng.

Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc cắt giảm 41% diện tích rừng chuyển sang đất khác, tức chuyển đổi mục đích sử dụng, là quá lớn, trong lúc khu vực rừng bị cắt giảm nằm ở chân núi thuộc vùng đệm có khả năng bảo vệ cũng như bảo tồn sinh thái và động vật quí hiếm trước những hoạt động của con người.

Theo chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, việc phát triển du lịch ở Sơn Trà phải dựa trên nguyên tắc là giảm thiểu tác động đối với môi trường , cung cấp lợi ích tài chính thiệt thực cho việc bảo tồn thiên nhiên.

Vừa qua việc phát hiện 40 móng biệt thực xây dựng trên bán đảo Sơn Trà khiến dư luận bức xúc. Một chiến dịch kêu gọi cứu Sơn Trà được phát động trên mạng xã hội.

*******************

Hàng chục lò than trái phép thi nhau nhả khói, dân kêu trời không thấu (ANTD, 28/04/2017)

Tại xã Ea Kly của huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có hàng chục lò đốt than củi trái phép tồn tại gần khu dân cư, ngày đêm xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường sống và làm giảm năng suất cây trồng của hàng trăm hộ dân.

moitruong2

Các khu lò than thải khói bụi mịt mù

Khu lò đốt than củi trái phép này rộng gần 3 héc ta, nằm gần khu dân cư ở buôn Krai B của xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Ở đây, vào thời điểm chúng tôi ghi hình đang có 43 lò than hoạt động. Trong đó, riêng ông Nguyễn Văn Chung có 31 lò nhưng chỉ 4 lò được cấp phép, còn 27 lò tự ý xây thêm không được cấp phép.

Theo người dân ở đây cho biết, các lò đốt than củi này hoạt động đã hơn 3 năm. Từ đó đến nay, trên địa bàn xã có rất nhiều người bị bệnh ung thư, mà người dân đang phân vân không hiểu có phải 1 phần do những nguồn ô nhiễm này không ? Chỉ tính trong năm 2016, ở xã Ea Kly đã có 22 người chết do bệnh ung thư và hiện còn trên 10 người đang bị bệnh.

Ông Nguyễn Tường Vi, thôn trưởng buôn Krai B, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, chia sẻ : "Ở thôn 13, 14, 6 nói chung bệnh ung thư khá nhiều. Người dân của buôn Krai B đã đề xuất nhiều lần về mấy lò than gây ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay vẫn không thấy xử lý. Thực tế ở xa 1-2 km vẫn ngửi thấy mùi khét".

Gia đình ông Y Sơi Nia, ở Buôn Kra B, xã Ea Kly có vườn cà phê rộng 2 ha. Trước đây, khi chưa bị ô nhiễm bởi các khu lò than thì năng suất rẫy cà phê của ông đạt từ 20 đến 30 tấn tươi. Nhưng 3 năm nay chỉ đạt trên dưới 10 tấn/năm. Nhiều hộ dân khác có vườn cây gần lò than cũng rất bức xúc vì các lò đốt than gây ô nhiễm, làm sụt giảm năng suất, sản lượng rất lớn hàng năm, nhưng chả có ai chịu trách nhiệm bồi thường cho dân.

moitruong3

Công nhân đang đẩy củi vào lò để chuẩn bị đốt tại khu lò than của ông Nguyễn Văn Chung

Các lò đốt than củi này hoạt động như một cụm công nghiệp nhỏ gần khu dân cư lâu nay, nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng cùng chính quyền ở xã ở huyện Krông Pắk vẫn không có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở đây.

Tình trạng hàng chục lò đốt than trái phép nằm gần khu dân cư gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của rất nhiều hộ dân ở xã Ea kly, đã vượt qua tầm quản lý của xã. Thực trạng này đang cần các cơ quan chức năng của huyện Krông Pắk và tỉnh Đắk Lắk vào cuộc để phối hợp kiểm tra xử lý những lò than trái phép này.

Duy Hòa

Published in Việt Nam