Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/06/2018

Tân Sơn Nhất ngập nước, chôn trộm rác thải

Người Việt

Đường thoát nước cho phi trường Tân Sơn Nhất chỗ nào cũng tắc (Người Việt, 07/06/2018)

Công tác chống ngập phi trường Tân Sơn Nhất theo kiểu "mạnh ai nấy làm" dẫn đến các đường thoát nước hiện tắc cả trong lẫn ngoài. Cứ đến mùa mưa, phi trường này lại "đứng ngồi không yên" lo đối phó với ngập.

vn1

Rác ngập kín Mương A4, một trong ba đường thoát nước chính của phi trường Tân Sơn Nhất. (Hình : Lao Động)

Theo Trung Tâm Điều Hành Chương Trình Chống Ngập Nước Sài Gòn, "Hệ thống thoát nước phi trường Tân Sơn Nhất không chỉ tắc nghẽn do rác, xây dựng nhà cửa lấn chiếm từ bên ngoài, mà phía trong phi trường cũng còn nhiều vấn đề".

Thông tin trên được truyền thông Việt Nam dẫn lại từ cuộc họp "Đánh giá về công tác chống ngập khu vực phi trường Tân Sơn Nhất" do Sở Giao Thông-Vận Tải Sài Gòn, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 7 tháng Sáu.

Báo Lao Động nêu cụ thể, ống cống đường kính 1m từ khu vực công ty xăng dầu Tân Sơn Nhất qua mương Nhật Bản có nhiều đoạn thoát nước kém do vướng chất thải xây dựng của nhiều đơn vị. Đặc biệt, đoạn mương hở phía sau công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) có dấu hiệu xuống cấp, sạt lở.

Tại cuộc họp, ông Hứa Quốc Hưng, phó chủ tịch quận Tân Bình cho rằng, "Tiết diện và khẩu độ của hệ thống thoát nước phía trong phi trường Tân Sơn Nhất không đồng bộ, việc kết nối với hệ thống thoát nước bên ngoài chưa tốt. Khu vực đỗ máy bay trong phi trường mặc dù cao hơn đường Phan Thúc Duyện (điểm đầu của tuyến mương thoát nước A41), nhưng nước không thể chảy tràn ra ngoài, do bị hàng loạt công trình gây cản trở. Ngoài ra, phía bên phải sân đỗ máy bay có độ đáy cống thoát nước không phù hợp vì thấp hơn cao độ đáy cống bên ngoài. Khẩu độ cống tròn ở khu vực kho hàng có tiết diện nhỏ hẹp, không đảm bảo thoát nước…".

Nói về việc chống ngập tại đây, ông Võ Huy Cường, phó cục trưởng Cục Hàng Không Việt Nam, cho hay : "Trước đây công các chống ngập phi trường Tân Sơn Nhất làm nhỏ lẻ, địa phương làm phần địa phương, ngành hàng không làm của ngành hàng không nên kết quả không được như mong đợi. Sắp tới, bên trong phi trường mở rộng các sân đỗ phục vụ hoạt động bay, diện tích mặt đất có thể thẩm thấu kém hơn sẽ khiến phi trường này có nguy cơ ngập khi mưa lớn…".

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tiến, phó giám đốc Cảng Hàng Không Tân Sơn Nhất, lại cho rằng từ tháng Tám, 2015 đến nay, "Tình hình ngập tại khu vực phi trường được cải thiện đáng kể. Bên trong phi trường có ngập ở khu vực bãi đỗ nhưng đường băng cất hạ cánh không bị ngập. Do đó ngập úng không ảnh hưởng đến việc khai thác".

"Ở khu vực bãi đỗ này cảng đã đầu tư 2 máy bơm công suất lớn (750 khối/giờ) để giải quyết ngập", ông Tiến cho biết.

Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao Thông-Vận Tải Sài Gòn, cũng biện minh cho rằng, "Các dự án chống ngập khu vực phi trường Tân Sơn Nhất cần thời gian thực hiện".

Thế nhưng, dư luận cho rằng, với sự bất tài của dàn lãnh đạo Sở Giao-Thông Vận Tải Sài Gòn, việc thành lập "nhóm này, nhóm nọ" để chống ngập, chẳng qua là tìm cách bòn rút thêm ngân sách nhà nước, bởi Sài Gòn hiện nay nơi nào cũng "tụ nước". (Tr.N)

*******************

Bình Dương : Mang 80 tấn rác thải công nghiệp đi chôn trộm (Người Việt, 07/06/2018)

Đang chôn trộm hàng chục tấn chất thải công nghiệp trái phép tại phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, một cơ sở thu mua phế liệu đã bị công an tỉnh Bình Dương phát hiện bắt quả tang.

vn2

Số rác thải công nghiệp, nguy hại được chủ cơ sở chôn lấp xuống đất. (Hình : Tuổi Trẻ)

Ngày 7 tháng Sáu, báo Tuổi Trẻ dẫn tin từ công an tỉnh Bình Dương, cho biết Phòng Cảnh Sát Môi Trường (PC49) vừa bắt quả tang một cơ sở chôn lấp rác thải công nghiệp trái phép tại phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên.

Tin cho biết, vụ việc được phát hiện ngày 6 tháng Sáu, khi cảnh sát môi trường bắt quả tang các xe rác đang đổ trộm rác thải và tiến hành kiểm tra cơ sở thu mua phế liệu của bà Nguyễn Thị Liên, ngụ Bình Dương.

Tại hiện trường, lực lượng công an phát hiện một bãi đất rộng khoảng 600 mét vuông được sử dụng để chôn lấp chất thải công nghiệp chưa qua xử lý lên tới gần 80 tấn chất thải rắn gồm bao bì nylon, vải vụn và những chất thải khó phân hủy khác gây nguy hại cho môi trường.

Khai với cơ quan công an, bà Liên cho biết cơ sở của mình đi mua phế liệu từ các doanh nghiệp, nhà máy tại Bình Dương về phân loại lấy phế liệu tái sử dụng được. Số rác thải nguy hại còn lại thì cho công nhân đem đổ tại bãi đất trống, sau đó thuê người lấp đất lên.

Cảnh Sát Môi Trường đã lập biên bản yêu cầu chủ cơ sở thu gom toàn bộ số chất thải nói trên để chuyển đơn vị có chức năng xử lý, đồng thời tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc để xử lý các đối tượng liên quan. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 672 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)