Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/06/2018

Yêu cầu EU hủy FTA với Việt Nam, ký tên phản đối Luật an ninh mạng

Tổng hợp

90 tổ chức gửi thư ngỏ yêu cầu EU hủy bỏ hiệp định thương mại với Việt Nam (VOA, 07/06/2018)

Chín mươi tổ chức quốc tế hôm 6/6 gửi một thư ngỏ tới Hội đồng Liên Hiệp Châu Âu và các thành viên của Quốc hội Châu Âu để kêu gọi khối EU hủy bỏ hiệp định thương mại tự do đang thương thuyết với Việt Nam.

eu1

Hình ảnh kèm theo lời kêu gọi mọi người ký vào bức thư ngỏ kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu bãi bỏ hiệp định thương mại tự do đang được thương lượng với Việt Nam.

Trong danh sách các tổ chức ký tên vào kiến nghị này có Phóng Viên Không Biên Giới, Việt Tân và Hội Anh em Dân chủ. Các tổ chức ký tên viện lý do họ đưa ra lời kêu gọi như vậy là vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam.

Trong kiến nghị mà VOA tiếng Việt có trong tay, các tổ chức này nói "nếu các nước Châu Âu tiến hành phê chuẩn hiệp ước thương mại với Việt Nam, khét tiếng là một kẻ thù của các quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí và tự do hội họp, thì đó là điều rất đáng hổ thẹn".

Bức thư ngỏ lưu ý rằng trong năm qua, "số người hoạt động dân chủ ôn hòa và bloggers độc lập bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ tùy tiện tăng cao hơn bao giờ hết".

Trong 4 tháng qua Việt Nam đã tiến hành 5 phiên tòa xét xử, kết án 10 blogger và những nhà hoạt động dân chủ về các tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước" và "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" với những bản án tù dài hạn, lên tới 15 năm.

eu2

Các nhà tranh đấu Lê Thu Hà, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển của Hội Anh em Dân chủ bị kết án tổng cộng 66 năm tù vì tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân".

Các thành viên của Hội Anh Em Dân chủ, trong đó có 2 luật sư, là Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Bắc Truyển, nhận các bản án tổng cộng lên tới 66 năm tù giam với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Tình trạng nhân quyền của Việt Nam thường xuyên bị quốc tế chỉ trích. Tổ chức Ân xá Quốc tế nói hiện có 97 tù nhân chính trị đang bị giam cầm. Theo tổ chức này các blogger, luật sư và các nhà hoạt động bị giam cầm vì những ý kiến bất đồng với Đảng Cộng sản và các chính sách của chính quyền.

Việt Nam bác bỏ những cáo buộc này và vẫn một mực tuyên bố "không có cái gọi là ‘tù nhân lương tâm’ ở Việt Nam" và "không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ".

Nhiều các tổ chức dân sự và chính trị của Việt Nam ở nước ngoài ký tên trong thư ngỏ hôm 6/6 rằng nói rằng "EU chỉ nên mở rộng quan hệ kinh tế khi nào Hà Nội thả hết các tù nhân chính trị,và chứng minh họ tuyệt đối tôn trọng các quyền tự do thông tin và tự do hội họp".

EVFTA và nhân quyền

Việt Nam và EU bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) cách đây hơn 5 năm. Hiệp định này ban đầu được dự kiến ký kết trong tháng 12/2017 nhưng sau đó được dự kiến thông qua vào mùa hè năm nay, theo lời của Đại sứ Bruno Angelet – trưởng đại diện Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, nói trong một cuộc phỏng vấn với VnEconomy.

Cho tới thời điểm này, không có thông tin nào từ truyền thông cho nước cho biết EVFTA sẽ được ký trong năm nay.

Theo nhận định của nhà báo và Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, "cánh cửa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Châu Âu vừa hé ra đã sập trở lại ngay trước mũi giới chóp bu Việt Nam". Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu ra hai lý do, thứ nhất là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam mà theo cáo buộc của Đức, bị mật vụ Việt Nam bắt cóc trên lãnh thổ Đức, và lý do thứ hai là những bản án "nặng nề" giành cho Hội Anh Em Dân Chủ.

Vấn đề nhân quyền được cho là một cản trở trong việc đàm phán EVFTA khi Quốc hội Châu Âu "đặt nghi vấn về cách nhà nước cộng sản Việt Nam đối xử với công dân của mình".

Đầu năm nay, Bike-EU.com dẫn lời Nghị sĩ Bernd Lange nói "Nếu không có tiến bộ về nhân quyền và đặc biệt quyền lao động thì thỏa thuận này sẽ không được Quốc hội Châu Âu phê chuẩn".

Trước đó, vào tháng 9/2017, Chủ tịch Ủy ban Giao thương Quốc tế của Quốc hội Châu Âu cảnh báo "nếu không có giải pháp thỏa đáng thì hiệp ước thương mại sẽ gặp khó khăn".

Nhận định về ảnh hưởng của yếu tố nhân quyền tới hiệp định thương mại tự do, thành viên quốc hội Đức và Chủ tịch Ủy ban nhân quyền của nước này, Gyde Jensen, cho VOA biết rằng "bảo vệ nhân quyền là tiền đề cho hiệp định thương mại".

Bà Jensen cho rằng tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là tiêu biểu trong khu vực và cho biết Quốc hội Đức sẽ cân nhắc bất cứ vi phạm luật quốc tế nào của Việt Nam, kể cả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, trước khi phê chuẩn hiệp định thương mại EU-Việt Nam.

*****************

Hàng ngàn người Việt Nam ký tên phản đối ‘Luật An Ninh Mạng’ (Người Việt, 07/06/2018)

Hôm 7 tháng Sáu, cộng đồng mạng đang phát động phong trào ký các thỉnh nguyện thư phản đối Luật An Ninh Mạng sắp được Quốc hội cộng sản Việt Nam ấn nút thông qua hôm 12 tháng Sáu.

eu3

Sự kiện diễn tập an ninh mạng tại Hải Phòng. (Hình : Báo An Ninh Hải Phòng)

Trước đó, dự luật này bị nhiều blogger đưa bằng chứng cáo buộc là "sao y bản chính" với một luật cùng tên năm 2016 tại Trung Quốc nhằm giúp Bắc Kinh siết chặt và trấn áp những ý kiến bất đồng trên mạng xã hội.

Việc đảo ngược quyết định thông qua Luật An Ninh Mạng trong vòng một tuần được xem là "gần như không thể" trong bối cảnh giới chức Bộ Công An cộng sản Việt Nam nhất quyết phải ra được luật.

Báo Thanh Niên hiện đã phải gỡ link bài "Cựu Bộ Trưởng Khoa Học Công Nghệ Đặng Hữu gửi quốc hội bốn khuyến nghị về Luật An Ninh Mạng" đăng hôm 4 tháng Sáu.

Trên website Change.org hiện có ít nhất hai thỉnh nguyện thư cùng nội dung phản đối Luật An Ninh Mạng, tính đến tối 7 tháng Sáu đã thu hút khoảng 11,000 lượt ký tên.

Một thỉnh nguyện thư trong số này viết : "Dự Luật sửa đổi An Ninh Mạng muốn kiểm soát 100% thông tin người dùng, buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt hệ thống dữ liệu tại Việt Nam. Việc này có thể buộc các doanh nghiệp như Facebook, Google, Youtube, Viber, WhatsApp… rời khỏi Việt Nam. Trong khi đó, các hãng Trung Quốc sẽ đổ bộ độc quyền vào Việt Nam như WeChat, Taobao… Mong các bạn hãy share mạnh thỉnh nguyện thư này hơn nữa để chống việc hợp thức hóa việc kiểm soát thông tin cá nhân, bóp nghẹt không gian mạng của người Việt Nam !".

Những người soạn thỉnh nguyện thư còn lại nhấn mạnh : "Dự Luật An Ninh Mạng tiềm ẩn khả năng vi phạm các quyền căn bản của công dân, cụ thể như sau : Cản trở quyền tự do ngôn luận khi nhà cung cấp dịch vụ mạng phải xóa thông tin đăng tải trên mạng nếu thông tin bị xác định là ‘xấu’, ‘độc’ theo yêu cầu của cơ quan chấp pháp và lưu vết thông tin đó để cung cấp cho cơ quan chấp pháp. Trong khi đó các loại thông tin xấu được liệt kê rất mơ hồ, không có quy định hay thủ tục cụ thể để công dân có cơ hội bảo vệ ý kiến của mình trong một quy trình công bằng và minh bạch".

Trang Luật Khoa Tạp Chí nhận định : "Chưa có dự thảo luật nào như Luật An Ninh Mạng khiến đích thân chủ nhiệm Ủy Ban quốc phòng và An Ninh của Quốc hội, đơn vị thẩm tra dự luật, có đến hai lần trong cùng một bài phát biểu đề nghị Quốc hội ‘giữ nguyên toàn văn dự thảo’ mà không có một chỉnh sửa nào, bất chấp rất nhiều phản ứng từ các đại biểu. Nói thế mới thấy an ninh mạng trở thành ưu tiên rất lớn của nhà nước Việt Nam. Không lạ khi Dự Luật An Ninh Mạng đã dùng đến những thuật ngữ tưởng như chỉ xuất hiện trong thời chiến như ‘chiến tranh thông tin’, ‘tác chiến điện tử’…"

"Chuẩn mực của nhà nước pháp quyền là quyền tự do của cá nhân, cho dù là cá nhân phạm tội, nếu có bị tước đi thì phải do tòa án quyết định. Không có một lý do nào giải thích được cho điều này trong Dự Luật An Ninh Mạng, ngoài một lý do, đó là ý đồ giám sát quần chúng dưới danh nghĩa an ninh quốc gia", theo website nêu trên.

Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Nghiên cứu kỹ Dự Luật An Ninh Mạng sắp được Quốc hội ‘bấm nút’, tôi xin chia buồn đến Bộ Thông Tin Truyền Thông và Ban Tuyên Giáo. Sau khi luật này có hiệu lực, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng sẽ chiếm hết quyền lực của mấy cơ quan này. Từ nay, các đồng chí chuyên trách này chỉ cần gọi điện thoại, nhắn tin, vỗ vai các báo điện tử và các công ty quản lý mạng xã hội phải gỡ bỏ những thông tin mà các đồng chí cho rằng xâm phạm luật này, bao gồm cả những thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức ! Quyền ‘yêu cầu’ này đến nay vẫn thuộc quyền của Bộ Thông Tin Truyền Thông và Ban Tuyên Giáo. Quyền này nghe nói cũng có thể quy ra cái gì đó (tôi không nắm rõ thị trường này, bạn nào rõ hơn xin thông tin). Thôi nhé, hết quyền rồi thì cũng cần được thu gọn, sáp nhập theo đúng chính sách cải cách của đảng và nhà nước !" (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 690 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)