Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/06/2018

Hoa Kỳ quan tâm đến luật an ninh mạng và nhân quyền tại Việt Nam

Tổng hợp

Hoa Kỳ và Canada muốn Việt Nam hoãn thông qua dự luật an ninh mạng (RFI, 09/06/2018)

Hoa Kỳ và Canada hôm 08/06/2018 kêu gọi Việt Nam hoãn lại việc thông qua dự luật an ninh mạng. Đại sứ quán Mỹ cho biết như trên, trong bối cảnh quan ngại đang tăng cao về những thiệt hại kinh tế mà đạo luật sẽ gây ra, cũng như việc những tiếng nói bất đồng trên mạng sẽ bị bóp nghẹt.

net1

Nếu dự luật an ninh mạng được thông qua, những nội dung phản kháng trên mạng xã hội có thể bị xóa trong vòng một ngày. Reuters

Quốc hội Việt Nam sắp bỏ phiếu về dự luật an ninh mạng trong vài ngày tới. Luật này nhằm áp đặt các yêu cầu pháp lý mới đối với các công ty internet, và tăng cường kiểm soát các nhà hoạt động trên mạng.

Dự luật đòi hỏi Facebook, Google và các công ty internet toàn cầu phải lưu trữ các dữ liệu cá nhân của người sử dụng trong nước, và mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Thông cáo trên trang web của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam viết : "Chúng tôi thấy rằng dự luật an ninh mạng có thể tạo ra những trở ngại lớn lao cho an ninh trên không gian mạng, cho những sáng tạo về kỹ thuật số của Việt Nam trong tương lai, và có thể không tương thích với các cam kết quốc tế về thương mại của Việt Nam . Hoa Kỳ và Canada kêu gọi Việt Nam hoãn lại việc bỏ phiếu dự luật, nhằm bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới".

Reuters nhận định, thương mại và đầu tư là chìa khóa cho nền kinh tế đang tăng trưởng của Việt Nam hướng về xuất khẩu, và các nhà lãnh đạo muốn thúc đẩy phát triển công nghệ.

Hiệp hội truyền thông kỹ thuật số Việt Nam (VCDA) gần đây nói rằng đạo luật nếu được thông qua có thể làm giảm 1,7% GDP và 3,1% đầu tư ngoại quốc.

Bên cạnh đó, dự luật cũng gây lo ngại sẽ bóp nghẹt tiếng nói của giới bất đồng chính kiến. Ông Brad Adams, giám đốc phụ trách Châu Á của Human Rights Watch, nhận định : "Đạo luật này vốn nhắm vào tự do ngôn luận và truy cập thông tin, sẽ cung cấp thêm một vũ khí mới cho chính quyền để đối phó với các nhà ly khai".

Nếu dự luật an ninh mạng được Quốc hội thông qua, các cơ quan truyền thông xã hội ở Việt Nam sẽ phải xóa các nội dung "vi phạm" khỏi trang mạng của mình trong vòng một ngày, sau khi bộ Thông tin Truyền thông và bộ Công an yêu cầu.

Thụy My

*********************

Quốc hội Mỹ : Đã quá lâu Việt Nam không phải trả giá về nhân quyền (RFA, 07/06/2018)

Ngày 7 tháng 6 vừa qua tại Quốc hội Hoa Kỳ diễn ra buổi điều trần liên quan đến dự luật nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2018. Buổi điều trần có sự tham gia của dân biểu Chris Smith, và dân biểu Alan Lowenthal, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Ủy ban cứu người vượt biển BPSOS, ông Lê Thanh Tùng, đại diện cho Hội Anh Em Dân Chủ ở Việt Nam.

net2

Ngày 7 tháng 6 vừa qua tại Quốc hội Hoa Kỳ diễn ra buổi điều trần liên quan đến dự luật nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2018. RFA

Những nội dung chính gì được trình bày trong buổi điều trần ?

Tôn giáo ở Việt Nam đi xuống một cách trầm trọng

Năm 2017 là một năm tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam đi xuống một cách trầm trọng. Đã đến lúc Hoa Kỳ cần nghiêm túc đưa vấn đề này vào trọng tâm trong quan hệ song phương Việt – Mỹ.

Đây là nội dung chính trong bản dự luật về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2018 được trình lên Quốc hội Hoa Kỳ.

Bản dự luật nêu rõ từ tháng 1 năm 2017 đến nay có ít nhất 35 nhà hoạt động nhân quyền và bloggers ở Việt Nam bị bắt, trong số này có 19 người đã bị tuyên án.

Hiện tại chính quyền Hà Nội đang bắt giữ 171 tù nhân chính trị và tôn giáo . Những tù nhân này bị tuyên án lên đến tổng cộng khoảng1000 năm tù giam và 204 năm quản chế.

Bản dự luật cũng tố cáo Việt Nam thường xuyên sử dụng những điều khoản như 79, 88, 258,… rất mơ hồ để bỏ tù các nhà hoạt động và bloggers.

Dân biểu Chris Smith cho rằng đã đến lúc chính quyền Tổng thống Trump cần đưa nhân quyền vào quan hệ song phương :

"Các chính sách của Mỹ bấy lâu nay đã không hề giúp gì được cho người dân Việt Nam, mà ngược lại đã đã tăng cường lợi cường quyền lực và lợi ích cho nhóm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chính quyền của Tổng thống Trump hoàn toàn có cơ hội mang lại cải cách cho Việt Nam khi và chỉ khi những tiến bộ về nhân quyền được liên kết với việc phát triển quan hệ song phương".

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump được đánh giá là người quan tâm nhiều hơn đến lợi ích kinh tế với Việt Nam, chứ không ngó ngàng đến tình hình nhân quyền.

Phần nhân quyền trong dự luật năm nay đề cập đến việc đàn áp Hội Anh Em Dân Chủ, và điển hình gần đây 8 thành viên của hội đã bị tuyên án tù được nói là hết sức nặng nề.

Hội Anh Em Dân Chủ được thành lập vào ngày 24 tháng 4 năm 2013 với mục tiêu đòi hỏi một xã hội dân chủ, phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam. Hiện tại hội có hơn 100 thành viên trải dài khắp mọi miền ở Việt Nam và cả nước ngoài.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, cho RFA biết :

net3

Ngày 7 tháng 6 vừa qua tại Quốc hội Hoa Kỳ diễn ra buổi điều trần liên quan đến dự luật nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2018. RFA PHOTO

"Nằm trong nỗ lực lớn hơn của chúng tôi là chiến dịch NOW, có nghĩa là hãy trả tự do ngay tức khắc cho 170 tù nhân lương tâm mà chúng tôi đã lập danh sách từ tháng 11 năm ngoái và đã nộp cho Quốc hội Hoa Kỳ.

Ngày hôm nay ngoài tù nhân lương tâm, chúng tôi còn đề cập đến các lĩnh vực vi phạm nhân quyền khác một cách nghiêm trọng ở Việt Nam, chẳng hạn như vấn đề đàn áp tôn giáo, và hiện tượng hội cờ đỏ mới xuất hiện trong thời gian gần đây".

Ông Lê Thanh Tùng, một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ tại buổi điều trần đã tố cáo chính phủ Hà Nội liên tục sách nhiễu các thành viên của hội và gia đình của họ. Hiện tại đã có 6 người phải chạy trốn sang Thái Lan xin tị nạn. Một số thành viên đã chạy trốn nhưng người thân ở Việt Nam vẫn liên tục bị sách nhiễu. Bản thân ông Lê Thanh Tùng đã sang Mỹ từ năm 2015 nhưng vợ và các con ở Việt Nam vẫn thường xuyên bị công an tấn công, câu lưu, và đặt camera theo dõi.

"Chính phủ Việt Nam đã không phải trả giá nhân quyền đã quá lâu rồi"

Nhận định về tình hình nhân quyền Việt Nam, Dân biểu Chris Smith nói tiếp :

"Năm 2007 và 2009 ông Scott Flipse [Phó Giám đốc Phụ trách Chính sách và Nghiên cứu của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế] đã gặp luật sư Nguyễn Văn Đài khi luật sư Đài đang ở tù. Tôi và ông Scott vẫn luôn bày tỏ quan ngại về luật sư Đài và những người khác bị chính phủ Việt Nam giam cầm một cách bất công.

Chính phủ Việt Nam đã không phải trả giá nhân quyền đã quá lâu rồi".

Riêng về vấn đề tự do tôn giáo, dự luật nêu rõ các nhóm tôn giáo thiểu số ở Việt Nam như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành, hay giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thường xuyên bị chính quyền sách nhiễu. Kể từ năm 2016, Việt Nam ngày càng gia tăng việc đàn áp người Thượng ở Tây Nguyên và những người H’mong theo Thiên Chúa giáo dưới hình thức cầm tù những người lãnh đạo.

Hiện tượng Hội Cờ Đỏ trước đó đã được BPSOS đề xuất lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhằm có những giải pháp giúp đỡ cộng đồng Công giáo ở Việt Nam. BPSOS nêu rõ Hội Cờ đỏ có sự hậu thuẫn từ chính quyền hoặc trực tiếp do chính quyền chỉ huy để đàn áp nạn nhân thảm học Formosa nộp đơn khiếu kiện hay biểu tình phản đối, gây chia rẽ giữa người Công Giáo và người không theo Công Giáo và tấn công cộng đồng Công giáo cũng như xâm phạm nơi thờ phụng của họ. Chính quyền Việt Nam thì luôn biện minh đây là nhóm quần chúng tự phát.

Từ tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam đi xuống một cách nghiêm trọng như vậy, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã yêu cầu trước Quốc hội :

"Tôi đề nghị Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia đặc biệt quan tâm CPC hay ít nhất đưa Việt Nam vào danh sách cần quan sát về tự do tôn giáo của quốc tế. Phê chuẩn luật Magnisky toàn cầu và luật tự do do tôn giáo quốc tế chống lại không chỉ các quan chức chính phủ mà cả những hội nhóm không thuộc nhà nước như Hội Cờ Đỏ. Hoa Kỳ cần thúc ép Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các tù nhân lương tâm và sửa đội lại luật pháp trong đó có luật về tự do tôn giáo đảm bảo tuân thủ các công ước về nhân quyền mà Việt Nam tham gia".

Nhận định về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian qua, cựu dân biểu Cao Quang Ánh nói với RFA :

"Năm 2017 Việt Nam đã tiến hành một cuộc đàn áp trên khắp cả nước đối với những người tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam. Cho nên lý do của buổi điều trần hôm nay, chúng tôi muốn buộc Quốc hội phải cần bắt Việt Nam thay đổi những hành động đó.

Họ nói là họ đưa ra những luật cho công dân tự do hơn nhưng những luật họ đưa ra rất mơ hồ và nhiều khi công an địa phương sử dụng chính sự mơ hồ đó để bắt bớ, đánh đập, buộc tội các nhà hoạt động còn tệ hơn là trước khi những luật lệ được đưa ra".

Phiên điều trần diễn ra chỉ vài ngày sau khi tòa án Việt Nam giữ y án sơ thẩm đối với 4 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, trong đó người chịu án nặng nhất là Luật sư Nguyễn Văn Đài, 15 năm tù và 5 năm quản chế.

Trước buổi điều trần 1 ngày, 90 tổ chức xã hội dân sự trên khắp thế giới đồng ký tên vào thư ngỏ kêu gọi Liên minh Châu Âu bác bỏ Hiệp định thương mại tư do EU-Việt Nam. Lý do được nêu ra vì Việt Nam là một trong những nước kẻ thù tồi tệ nhất thế giới đối với quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí và tự do hội họp.

Các dự luật về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam đã từng được Hạ viên Hoa Kỳ thông qua nhiều lần, nhưng đều bị tắc ở cấp Thượng viện. Trước câu hỏi liệu dự luật năm nay có gặp khó khăn khi qua cấp Thượng viện hay không, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết :

"Một dự thảo luật luôn gặp khó khăn vì không đến 2 hoặc 3% các dự thảo luật được thông qua trong mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội. Chúng tôi cố gắng đẩy mình vào con số rất nhỏ nhoi đó.

Nhưng năm nay chúng tôi nghĩ rằng có nhiều cơ hội hơn. Bởi vì chỉ cần Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ báo cáo một cách đầy đủ, trung thực, chi tiết về các vi phạm nhân quyền Việt Nam thì tự động sẽ đẩy qua việc áp dụng các biện pháp chế tài đã có sẵn ở dưới đạo luật Magnitsky toàn cầu và đạo luật về tự do tôn giáo đã có sẵn. Mọi năm lên Thượng viện bị khựng lại là vì một số đề nghị biện pháp chế tài trong dự luật nhân quyền cho VN".

Năm 2017 và đầu năm 2018 được đánh giá là giai đoạn đàn áp nhân quyền trầm trọng nhất trong lịch sử nhân quyền vốn bị nói là nhem nhuốc của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tháng 4 vừa qua đã công bố phúc trình về tình hình nhân quyền Việt Nam, trong đó lên án tình trạng vi phạm quyền tự do ngôn luận, lập hội, báo chí, tôn giáo, cũng như tình trạng tra tấn, đối xử tàn ác, hạ phẩm giá con người vẫn bị Việt Nam sử dụng với những tiếng nói bất đồng.

**********************

Việt Nam đưa ra phản ứng về báo cáo tự do tôn giáo của Mỹ (RFA, 08/06/2018)

Việt Nam vừa đưa ra phản ứng về báo cáo tự do tôn giáo 2017 của Mỹ.

net4

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong một buổi họp báo trước đây. ảnh minh họa. AFP

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khi trả lời báo chí hôm 8 tháng 6 năm 2018 cho rằng báo cáo về tự do tôn giáo của Mỹ đưa thông tin sai lệch về Việt Nam.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Bà cho biết điều này được ghi rõ trong Hiến pháp 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.

Bà Hằng cũng cho biết, Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Tôn giáo của người dân được bảo đảm với hàng ngàn lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 29 tháng 5 năm 2018, công bố Phúc trình tự do tôn giáo thế giới 2017. Trong đó phần đề cập đến Việt Nam nói rằng Hà Nội tiếp tục kiểm soát, đàn áp những tổ chức tôn giáo không chịu sự kiểm soát của nhà nước.

Phúc trình về tự do tôn giáo thế giới phần nói về Việt Nam nhấn mạnh rằng Hiến pháp Việt Nam qui định tự do tín ngưỡng và tự do thờ phượng theo đức tin là quyền mà người dân được hưởng. Thế nhưng luật hiện hành với những điều khoản mơ hồ lại cho Nhà Nước rộng quyền hơn trong việc kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa gọi là ‘bảo vệ an ninh quốc gia’ và ‘duy trì đoàn kết dân tộc’.

Phúc trình cũng đề cập đến việc các tín đồ tôn giáo, đặc biệt là thành viên của các tổ chức chưa làm thủ tục đăng ký hoặc chưa được cấp đăng ký, tiếp tục báo cáo họ bị các cán bộ an ninh địa phương quấy rối, tấn công, bắt giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại, tịch thu tài sản hoặc gây sức ép buộc bỏ đạo và chấm dứt hoạt động tôn giáo.

Phúc trình thường niên về tự do tôn giáo thế giới được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đệ trình cho Quốc hội theo mục 102 (b) của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 (P.L. 105-292) được sửa đổi. Phúc trình bao quát khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017.

Phúc trình đề cập đến những vi phạm tự do tôn giáo tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Quay lại trang chủ
Read 678 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)