Việt Nam hoãn việc thông qua dự luật Đặc khu gây nhiều tranh cãi (RFI, 09/06/2018)
Ngày 09/06/2018, chính phủ Việt Nam thông báo sẽ đề nghị Quốc hội lùi việc thông qua dự thảo Luật Đặc khu sang kỳ họp tới. Dự luật này trong thời gian qua đã bị dư luận người Việt trong và ngoài nước phản đối kịch liệt.
Quốc hội Việt Nam- Ảnh minh họa.AFP
Luật Đặc khu, tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, theo dự kiến ban đầu sẽ được các đại biểu Quốc hội thông qua trong kỳ họp hiện đang diễn ra. Nhưng chính phủ Việt Nam cho biết là, "sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước", chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đề nghị lùi việc thông qua dự luật này sang kỳ họp tới của Quốc hội, "để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện", nhằm bảo đảm cho dự luật "đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia".
Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật đất đai, tức là sẽ không cho thuê đất đặc khu với thời hạn lên tới 99 năm. Đây chính là điều gây lo ngại đặc biệt trong dư luận vì có nguy cơ là ba vùng trọng yếu về an ninh quốc phòng của Việt Nam sẽ bị nước láng giềng Trung Quốc kiểm soát.
Các nhân sĩ, trí thức như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trả lời RFI hoan nghênh quyết định của chính phủ Việt Nam hoãn việc thông qua Luật Đặc khu :
"Tôi hoan nghênh, vui mừng và đánh giá cao quyết định của chính phủ và Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội tạm thời chưa thông qua luật về ba đặc khu hành chính, kinh tế. Đó là biểu hiện ban đầu của sự lắng nghe các ý kiến đóng góp rất chân thành, xây dựng, nghiêm túc của các chuyên gia kinh tế, các luật gia, các cựu chiến binh, của đông đảo quần chúng. Tôi coi đây là một bước khởi đầu quan trọng, đầy hy vọng, để có thể tiếp tục sửa đổi căn bản dự luật này.
Đã có nhiều ý kiến không đồng tình với dự luật này. Cho nên, tôi đề nghị là cần phải sớm có một bản tổng kết tất cả các ý kiến đóng góp, công bố cho Quốc hội và toàn dân biết. Sau đó, ban soạn thảo cần mời đại biểu của giới chuyên gia, luật gia, của những người đóng góp ý kiến, cùng tham gia ban soạn thảo luật để sửa đổi. Quá trình đó nên mời báo chí tham gia để đưa tin là ai có ý kiến gì và dự thảo sẽ như thế nào. Tôi nghĩ đây là một bước tiến quan trọng để thu hút người dân, để họ thấy rằng mình có thể lên tiếng và có thể đóng góp cho việc xây dựng luật pháp".
Ông Lê Đăng Doanh cũng đề nghị là dự luật về đặc khu phải bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc phòng của Việt Nam :
"Điều rất quan trọng cần phải sửa đổi, đó là phải bảo đảm chủ quyền của nước ta và phải bảo đảm xây dựng một thể chế chuyên nghiệp, công khai minh bạch, đủ sức để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cũng như các nhà đầu tư trong nước, thay vì đưa ra các ưu đãi quá đáng, như cho thuê đất đến 99 năm, rồi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống còn 10%, rồi cho cả công dân nước láng giềng của Quảng Ninh, tức là Trung Quốc, được sử dụng giấy thông hành của họ đi vào Việt Nam mà không cần visa của Việt Nam.
Đó là những nhượng bộ quá đáng, làm cho quần chúng hết sức lo ngại là tạo điều kiện để cho Trung Quốc có thể có mặt ở Vân Đồn với những ý đồ ngầm khác. Vì vậy, tôi rất mong là dự luật này được sửa đổi để làm sao nó đóng góp vào việc cải cách thể chế và bảo đảm được chủ quyền, an ninh quốc phòng của nước ta".
Thanh Phương, Trọng Thành
********************
Chính phủ đề nghị lùi thông qua Luật Đặc khu, nhượng bộ trước phản đối (VOA, 09/06/2018)
Chính phủ Việt Nam sẽ đề nghị Quốc hội xem xét cho lùi việc thông qua một luật về đặc khu kinh tế gây nên nhiều tranh cãi và nói rằng thời hạn cho thuê đất sẽ không kéo dài tới 99 năm, theo một thông cáo của Văn phòng Chính phủ công bố hôm thứ Bảy.
Cảng Cái Rồng, đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh - một trong 3 đặc khu dự kiến của Việt Nam
Quyết định này đánh dấu một bước lùi của chính phủ trước làn sóng phản đối dữ dội đối với luật bị nhiều người cho là sẽ làm mất chủ quyền lãnh thổ vào tay Trung Quốc và giữa lúc có những lời kêu gọi biểu tình rộng khắp ở trong và ngoài nước.
Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, theo lịch trình sẽ được Quốc hội biểu quyết vào ngày 15 tháng 6, giờ được chính phủ đề nghị dời từ kỳ họp thứ năm sang kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV "để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện".
"Sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia", thông cáo nói.
Chính phủ cũng khẳng định dự luật này "đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn".
Những người phản đối nói rằng việc dự luật cho phép nước ngoài thuê đất trong thời hạn 99 năm là quá dài và họ đặc biệt lo ngại về một điều khoản cho phép công dân của "nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh" được vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định. Họ chỉ ra nước láng giềng được nhắc tới đó là Trung Quốc.
Lịch sử xâm lược của Trung Quốc và tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở Biển Đông lâu nay đã khiến người Việt Nam cảnh giác với mọi hành động của Trung Quốc. Khả năng Trung Quốc có thể thuê cả ba đặc khu kinh tế được đề xuất đã khơi nên một phản ứng bùng nổ và chống đối quyết liệt từ mọi tầng lớp người dân.
Chưa rõ quyết định của chính phủ có giúp giảm bớt sự bất bình sôi sục của công chúng hay không trong khi hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một số cuộc biểu tình dường như đã diễn ra trong nước vào ngày thứ Bảy. Các cuộc biểu tình rộng khắp được kêu gọi diễn ra vào Chủ nhật ở trong và ngoài nước.
********************
Chính phủ Việt Nam lùi thời gian trình dự án Luật Đặc khu (BBC, 09/06/2018)
Trong thông cáo báo chí gửi đi lúc 3 giờ sáng 9/6, Chính phủ Việt Nam tuyên bố lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội XIV.
Chính phủ Việt Nam chính thức công bố lùi thời gian trình dự án Luật Đặc khu
Đây là kết quả cuộc họp tới khuya 8/6 của Bộ Chính trị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Văn phòng Chính phủ, "Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn".
Dự án Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
Quyết định này là kết quả của việc "tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước", theo Văn phòng Chính phủ.
Việc này "nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công ba đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia".
Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm, Văn phòng Chính phủ cho hay.
***************
Chính phủ xoa dịu quan ngại về chủ quyền lãnh thổ từ đặc khu (VOA, 08/06/2018)
Trong bối cảnh chính phủ Việt Nam vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ người dân về dự luật Đặc khu Kinh tế, một bộ trưởng nói dự luật này không nói đến Trung Quốc và cáo buộc một số người tìm cách "chia rẽ" quan hệ Việt-Trung.
Một học sinh cầm lá cờ Việt Nam và Trung Quốc tại Phủ Thủ tướng ở Hà Nội hôm 12/11/2017. Công luận Việt Nam đang lo ngại về sự ảnh hưởng của Trung Quốc tới an ninh và chủ quyền của Việt Nam nếu dự luật Đặc khu Kinh tế được thông qua.
"Trong dự thảo không có một chữ nào về Trung Quốc hết", Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói với các phóng viên báo chí bên hành lang Quốc hội hôm 6/6.
Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế Đặc khu đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang được quốc hội thảo luận từ hôm 23/5 và kể từ đó hàng nghìn người sử dụng mạng xã hội đã phản ứng dữ dội với những dòng trạng thái phản đối dự luật này. Rất nhiều người đã lo sợ rằng điều này sẽ giúp Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Họ đăng những hình ảnh của bản thân cầm các tấm biển với dòng chữ : "Tôi phản đối cho Trung Quốc thuê đất ở Đặc khu Kinh tế Việt Nam".
Trả lời phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội về "việc dư luận phản ứng với việc thành lập đặc khu, trong đó có yếu tố ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đặc khu Vân Đồn" Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư cho rằng "họ cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên" nhằm "chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc", theo truyền thông trong nước.
Mặc dù theo lời ông Dũng, dự luật này không nói đến Trung Quốc nhưng một cựu Đại biểu Quốc hội và một blogger đã chỉ ra ‘yếu tố’ Trung Quốc trong đó.
Đó chính là mục 4 của điều 54 thuộc dự luật đặc khu trong đó viết : "Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định".
"Về mặt địa lý, tỉnh Quảng Ninh nằm ở biên giới phía Đông Bắc của Việt Nam và chỉ có duy nhất tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc và phía Đông giáp với một tỉnh Bắc bộ", theo blogger Nguyễn Chí Tuyến. "Một vị trí địa lý rõ ràng rành mạch như thế mà người ta lại dùng câu chữ - tôi gọi là xảo thuật ngôn từ. Không thấy có chữ Trung Quốc nhưng ai cũng hiểu ngoài nước Trung Quốc ra thì còn nước nào nữa tiếp giáp với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh".
Đặc khu kinh tế Vân Đồn nằm ở tỉnh Quảng Ninh, phía bắc của Việt Nam.
Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cũng chỉ ra ‘xảo thuật ngôn từ’ này và cho rằng ông Dũng – "một chính khách ở tầm bộ trưởng thì không nên giải thích kiểu ‘bịt mắt trẻ con’ như thế".
"Ông Nguyễn Chí Dũng, ở cương vị của ông – nhất là người soạn luật – thì ông thừa hiểu câu chuyện sẽ dẫn đến đâu và đặc biệt trong luật nói đến nước láng giềng (tiếp giáp) ở Quảng Ninh, thì đó là ai, không lẽ nước láng giềng ở đây là Mỹ", theo ông Thuyết.
"Không chỉ là thuê đất"
Với mục đích làm xoa dịu những lo ngại của người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 7/6 tuyên bố chính phủ sẽ điều chỉnh khung thời gian cho thuê đất 99 năm trong các đặc khu kinh tế và một ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói với Dân Trí rằng họ "thống nhất xóa bỏ quy định cho thuê đất tại đặc khu với thời hạn cao nhất tới 99 năm, chỉ duy trì mức 70 năm như Luật Đất đai hiện hành".
Tuy nhiên, những gì người dân lo lắng không chỉ là thời hạn thuê đất mà là những ưu đãi trong luật cho các nhà đầu tư ở Đặc khu kinh tế và họ cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia.
Ông Thuyết, người từng có thời gian làm việc trong Quốc hội Việt Nam, cho rằng : "Ở đây không chỉ là chuyện chiếm hữu đất đai mà còn là chuyện liên quan đến an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia".
Cựu Đại biểu quốc hội này lo lắng về dự luật khi "tiềm ẩn" những quy định như "cho kinh doanh, sản xuất quân trang quân dụng vũ khí" và "những tiền chất nổ ở các đặc khu như thế.
Blogger Nguyễn Chí Tuyến, một người đấu tranh dân chủ ở Hà Nội, cũng cho biết trong dự luật có những ưu đãi về mặt an ninh quốc phòng mà mọi người cần ‘lưu tâm’.
"Họ nói là được kinh doanh và sản xuất ra các loại vũ khí và liên quan đến các mặt hàng quốc phòng", theo anh Tuyến. "Thì người ta có thể sẵn sàng tập kết rất nhiều những loại vũ khí vào bất kỳ 3 địa điểm ở vị trí đắc địa như thế thì người ta có thể khống chế hoàn toàn cả đất nước trong vòng nháy mắt".
Những xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử, đặc biệt kể từ cuộc chiến tranh biên giới 1979 và gần đây là những hoạt động lấn chiếm Biển Đông cũng như gây sức ép đối với chính phủ Hà Nội phải ngừng các hoạt động khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã khiến người dân lo ngại nếu như Trung Quốc có thể thuê đất và đầu tư trong các đặc khu kinh tế thì hậu quả sẽ "khôn lường".
Người Việt Nam biểu tình yêu cầu Trung Quốc rời dàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực Biển Đông trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014
Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 đã làm dấy lên những cuộc biểu tình trong nước và từ đó chính phủ Hà Nội đã nhiều lần đàn áp và ngăn chặn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân.
Cuối tháng trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải lên tiếng phản đối các hoạt động của Trung Quốc và cho rằng đó là "sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam".
"Chúng ta ở gần Trung Quốc thì chúng ta cũng biết rồi. Họ đã từng làm những gì, họ đang làm gì và có thể nói hiện nay họ đang chiếm các đảo của Việt Nam, đang đe dọa đến an ninh hàng hải cũng như đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam", theo ông Thuyết. "Không thể nào mà tạo một điều kiện cho họ xây dựng một đội quân ngầm ngay trên đất nước mình được".
Quốc hội Việt Nam sẽ biểu quyết thông qua dự luật này vào ngày 15/6.
*********************
Thủ tướng Việt Nam nói sẽ điều chỉnh Luật Đặc khu, cả nước ‘sôi sục’ khí thế biểu tình (VOA, 07/06/2018)
Hôm 7/6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói cần tiếp thu, lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh Luật Đặc khu, trong khi trên mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi biểu tình trên cả nước vào sáng Chủ Nhật 10/6 để phản đối dự luật đang gây nhiều tranh cãi.
Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 7/6 bên lề cuộc họp Quốc hội tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã có rất nhiều ý kiến phản hồi của nhân dân trong đó có cả kiều bào, về dự luật Đặc khu, và ông cho rằng cần lắng nghe để điều chỉnh dự luật này.
Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, nói có thể xem phản ứng của ông Nguyễn Xuân Phúc là một "sự nhượng bộ" sau khi hơn một nghìn trí thức Việt Nam trong và ngoài nước ký thỉnh nguyện thư, phản đối việc Quốc hội dự tính thông qua dự luật này vào ngày 15/6 sắp tới.
Là một người tham gia ký thỉnh nguyện thư, ông Nguyễn Vũ Bình nhận định :
"Có thể gọi đó là một sự nhượng bộ. Bản chất của vụ này không phải là vấn đề thời gian (thuê đất), mà là đối tượng cho thuê. Phần lớn sự phản ứng của người dân là đối tượng cho thuê, một phần là thời gian. Nhưng bây giờ chính phủ nhân nhượng về vấn đề thời gian thôi".
Báo Người Lao động trích lời ông Nguyễn Xuân Phúc nói hôm 7/6, hơn hai tuần sau khi xuất hiện phản ứng mạnh của người dân và giới trí thức.
"Khi đưa ra một dự án luật như vậy thì có rất nhiều ý kiến của nhân dân, trí thức, Việt Kiều… khí thế rất sôi nổi. Đương nhiên là chúng ta phải tiếp thu lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh luật, để đảm bảo đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo độc lập, chủ quyền, tự do của đất nước".
Truyền thông Việt Nam cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ rút thời gian cho thuê đất đặc khu kinh tế, không giữ nguyên mức cố định 99 năm.
Trước đó, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, với VOA rằng theo dự luật, thời gian cho thuê đất 99 năm là quá dài :
"Với thời hạn đó quá dài, sợ rằng rất nhiều người Trung Quốc, thông qua các nhà đầu tư chẳng hạn, họ sẽ biến trở thành lãnh thổ của họ trên đất Việt Nam. Đấy là một tâm lý do hậu quả một quá trình thực hiện các chính sách của Trung Quốc trong vấn đề biên giới, lãnh thổ, đặc biệt trên Biển Đông".
Từ Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quang Thạch, một nhà vận động trên mạng xã hội chống luật Đặc khu nói :
"Avatar trên Facebook bây giờ họ đưa nhãn ‘Không Đặc khu’, đã chuyển từ trạng thái ‘Chống 99 năm’ thành ‘Chống Luật Đặc khu’. Bây giờ trên mạng Chống Luật Đặc khu, không cần Luật Đặc khu nữa".
Trên các trang mạng xã hội Facebook cũng như Youtube đang lan truyền lời kêu gọi "Tổng biểu tình ngày 10/6/2018" được cho là của Linh mục Phan Văn Lợi ở Huế và Hòa thượng Thích Không Lai ở bang California để phản đối Luật Đặc khu.
VOA chưa liên lạc được với hai vị chức sắc tôn giáo này để xác nhận lời kêu gọi biểu tình.
Từ thành phố Vũng Tàu, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải cho VOA biết thái độ người dân ở thành phố biển cũng như ở trong nước nói chung về dự luật này :
"Người dân Vũng Tàu cũng như người dân khắp cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, người dân rất quan tâm đến dự Luật Đặc khu. Người dân xưa nay thờ ơ đến chính trị nhưng nay họ rất quan tâm đến dự Luật Đặc khu. Trong thâm tâm họ phản đối, nhiều người nói thẳng ra trên mạng xã hội. Đó là một điều mà tôi cũng không ngờ được vì sao dự án luật này gây ra sự phẫn nộ của người dân như thế".
Ông Chu Vĩnh Hải nói ông sẽ truyên truyền rộng rãi thông tin cuộc biểu tình để chia sẻ cho nhiều người được rõ :
"Tôi có nghe được thông báo qua mạng xã hội và ý định của tôi là tìm mọi cách để truyền thông rộng rãi về sự kiện biểu tình của người dân Việt Nam phản đối Luật Đặc khu".
Một lời kêu gọi khác trên Facebook của nhóm Nhật ký Yêu nước xuất hiện hôm 6/6 có đoạn : "Chúng tôi đã không hề cho phép thông qua dự luật gây nguy hại cho đất nước này, và đề nghị những đại biểu của nhân dân đang ngồi ghế quốc hội thực hiện bổn phận đại diện cho dân của họ là bỏ phiếu chống dự luật".
Nhóm Nhật ký Yêu nước kêu gọi biểu tình lúc 8 giờ sáng ngày Chủ nhật 10/6 tại các thành phố lớn khắp ba miền như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh, và tại các địa phương khác cũng như các quốc gia có đông người Việt trên thế giới.
Tại Hoa Kỳ, các cộng đồng gốc Việt cũng kêu gọi biểu tình tại thành phố San Franciso vào ngày Thứ Sáu 8/6, tại New York vào ngày thứ Bảy 9/6, tại San Jose vào ngày Thứ Năm 14/6…
Ông Nguyễn Quang Thạch, một người từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc, nói sẽ tham gia cuộc biểu tình ngày Chủ nhật tới.
"Đương nhiên tôi sẽ tham gia biểu tình, và thực hiện theo cách của tôi. Tôi cũng từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Chuyện tham gia biểu tình lần này là chuyện bình thường. Tôi sẽ làm theo cách của tôi sẽ thay đổi nhận thức của nhiều người".
Trên Facebook đã xuất hiện hình ảnh một cuộc biểu tình nhỏ ở thủ đô Hà Nội hôm 7/6, trong đó người dân có trưng biểu ngữ chống Luật Đặc khu.
Với tinh thần ‘sôi sục’ như hiện nay, nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình tin rằng cuộc biểu tình ngày 10/6 sẽ diễn ra :
"Tôi nghĩ là sẽ có biểu tình, còn nó xuất hiện ở mức nào thì tôi không dám chắc chắn, vì tôi nhận thấy không khí chung của người dân Việt Nam là rất sôi sục, vì họ đụng tới vấn đề thiêng liêng nhất là đất đai, và là chủ quyền tổ quốc. Không khí chung là rất sôi sục".
Luật Đặc khu có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, được chính phủ Việt Nam dự định lập tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế.
Một số quan chức của Việt Nam cũng tỏ ra quan ngại về dự luật này và công khai phát biểu trên truyền thông nhà nước, dù trong dự luật không có từ nào nói về việc cho Trung Quốc thuê đất.
Hôm 7/6, Báo Người Lao động trích lời Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nói : "Đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét một cách thận trọng về Luật Đặc khu ; mong Tổng Bí thư nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc, vì chậm một chút cũng không sao".
Ông Lê Xuân Thân, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, được báo Tuổi trẻ trích lời nói : "Về các lo ngại về thời gian cho thuê đất quá lâu, Quốc hội đang có hướng bàn thời gian giao đất 70 năm - bằng thời gian theo Luật Đất đai hiện tại".
Trong gần hai tuần qua, hàng loạt chuyên gia kinh tế như các tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia Phạm Chi Lan, luật sư Trương Thanh Đức, và nhiều đại biểu quốc hội liên tục nêu quan điểm răng mô hình đặc khu đã lỗi thời, khả năng thành công sẽ rất thấp.
*********************
‘Cơn bão’ phản đối Dự Luật Đặc khu (RFA, 08/06/2018)
Kiến nghị, thư ngỏ
Nhiều tổ chức xã hội như Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam, và cả tôn giáo như Ủy Ban Công Lý thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong những ngày qua đã đưa ra Tuyên cáo, Thư Kiến nghị kêu gọi người khác cùng ký tên gửi đến Quốc hội Việt Nam yêu cầu hoãn hoặc không bấm nút thông qua dự thảo luật về các đặc khu kinh tế mà cụ thể là Vân Đồn ở phía Bắc, Vân Phong ở miền Trung và Phú Quốc ở phía Nam.
Hình ảnh cuộc họp của Quốc hội Việt Nam ngày 21 tháng 5 năm 2018. AFP
Một số nhân sĩ- trí thức cũng có thư ngỏ riêng gửi cho lãnh đạo Việt Nam nêu rõ quan ngại của bản thân họ về những nguy cơ nếu Luật Đặc Khu được thông qua.
Lập luận chính yếu được nêu ra là ba địa điểm vừa nêu có vị trí trọng yếu đối với an ninh quốc gia mà nếu giao cho nước ngoài một thời gian dài đến 99 năm, mà trong trường hợp này, khả năng rơi vào bẫy của nước láng giềng Trung Quốc là rất lớn. Tham vọng bành trướng của Bắc Kinh qua kế hoạch "một vành đai, một con đường" được nêu rõ.
Trong bản tuyên cáo của Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam có đoạn nguyên văn : "Người Việt Nam trong và ngoài nước, bất kể thành phần nào, khuynh hướng nào, chúng ta phải cương quyết lên tiếng, cần phải có hành động cấp thời để cùng nhau "Cứu Dân Cứu Nước" nếu không, thế hệ chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và mang tội với thế hệ con cháu muôn đời sau".
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, người đồng ký tên vào bản tuyên cáo của Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do rằng nếu như Quốc hội Việt Nam muốn thông qua dự luật này thì cần tham khảo ý kiến và quan điểm của người dân như thế nào cũng như các kiến nghị của các nhà khoa học và giới trí thức Việt Nam để hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ.
Nhiều ý kiến yêu cầu phải đưa ra trưng cầu dân ý theo luật định đối với những vấn đề hệ trọng như thế. Chứ không thể cứ làm theo cách cũ bấy lâu nay như lời của Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng :
"Thông thường Bộ Chính trị đã thông qua rồi thì Quốc hội thường phải chấp hành. Đối với ba khu tự trị này thì bộ chính trị đã có ý kiến rồi, và ban chấp hành trung ương đảng đã có chỉ đạo rồi , quốc hội và các cơ quan khác phải thông qua.
Với tư cách là một công dân, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là thời điểm mà người dân phải đồng lòng lên tiếng để có thể thay đổi thực tế như thế bấy lâu nay.
Đồng thuận lên tiếng
Ngoài các tổ chức, tập thể lên tiếng phản đối, rất nhiều cá nhân sử dụng những công cụ như mạng xã hội Facebook để bày tỏ ý kiến cá nhân về dự luật đặc khu thông qua bài viết, hình ảnh phản đối.
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến tại Hà Nội nói với chúng tôi rằng, có rất nhiều dự thảo luật sẽ được bàn thảo tại các kỳ họp Quốc hội xem xét việc có thông qua hay không nhưng không được sự chú ý của người dân nhưng với dự luật đặc khu này anh cho biết :
"Thông thường mỗi khi Quốc hội họp thì có nhiều dự luật được bàn thảo có thông qua hay không thông qua nhưng không được sự chú ý đặc biệt từ người dân đối với dự luật này. Dự luật đặc khu này thu hút được sự quan tâm cực kỳ lớn cả chiều sâu và bề rộng nhiều đối tượng nhiều độ tuổi khác nhau trong xã hội. Tôi tiếp xúc rất nhiều người trên mạng xã hội và cả ngoài đời họ đều bàn luận khá sôi nổi và họ nói rằng lần đầu tiên họ dám lên tiếng về vấn đề chính trị liên quan đến vận mệnh của đất nước".
Anh Nguyễn Chí Tuyến còn cho biết anh cảm thấy vui mừng và bất ngờ vì qua dự thảo luật đặc khu này mà mọi công dân sống trong xã hội Việt Nam không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay tôn giáo đều lên tiếng bày tỏ quan điểm của họ về dự luật này.
Anh nói tiếp "Lần này tôi vui mừng vì chính dự luật đặc khu này tôi cảm thấy sự trưởng thành về nhận thức và bản lĩnh của người công nhân trong xã hội Việt Nam, vượt qua được một ngưỡng tâm lý dám bày tỏ quan điểm riêng của họ, họ đồng tình hay không thì chưa bàn luận mà họ đã bày tỏ được chính kiến riêng của họ thì trước hết họ phải tìm hiểu thì họ mới đưa ra chính kiến được chứ họ không thể nói bừa".
Cùng hành động ‘biểu tình’
Một hình thức được nhiều người đồng ý là xuống đường biểu tình để bày tỏ phản đối dự luật đặc khu. Trong những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện kêu gọi cộng đồng xuống đường tuần hành để phản đối dự luật đặc khu kinh tế. Thời điểm cụ thể là vào ngày chủ nhật 10 tháng 6.
Kêu gọi biểu tình không chỉ ở trong nước mà còn tại nhiều nơi ở nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện tại chúng tôi được biết một số cuộc tuần hành biểu tình phản đối dự luật đặc khu của Việt Nam sẽ diễn ra tại thành phố Brisbane của Úc, San Francisco và Washington DC tại Hoa Kỳ, Tokyo, Nhật Bản…
Một đại diện nhóm tuần hành ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản xin giấu tên cho chúng tôi biết, cuộc tuần hành dự kiến lần này có được sự hưởng ứng khá đông đảo của cộng đồng tại Nhật, nhất là những bạn trẻ đang sinh sống, du học, tu nghiệp hoặc đi lao động.
Chị cho biết "Hiện tại bên mình sẽ tổ chức vào lúc 9 giờ sáng vào chủ nhật ngày 10 tháng 6 này, thì rất tiếc là bên Nhật trời mưa nhưng mọi người nói là dù trời mưa tới đâu mọi người cũng sẽ xuống đường. Đây là lần đầu tiên mình thấy những người xung quanh mình hưởng ứng rất là sôi nổi, có nhiều bạn đi lao động, đi tu nghiệp bên này nhưng mà sẳn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua vé máy bay từ khắp nơi trên nước Nhật về Tokyo để tuần hành cũng những bạn tại đây".
Hoạt động biểu tình tại nước ngoài khá dễ dàng ; tuy nhiên hình thức biểu tỏ ý kiến này ở Việt Nam vẫn không được chính phủ hoan nghênh. Từ trước đến nay nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, biểu tình phản đối chặt cây xanh, biểu tình chống nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường… đều bị lực lượng chức năng đàn áp mạnh mẽ.
*******************
Sóc Trăng, Bình Dương ngăn biểu tình phản đối Luật Đặc Khu (CaliToday, 08/06/2018)
Hôm 8 tháng Sáu, trong bối cảnh mạng xã hội rục rịch những lời kêu gọi biểu tình phản đối Luật Đặc Khu, giới chức các tỉnh Sóc Trăng và Bình Dương đã ra văn bản chỉ thị người dân không tham gia xuống đường vào ngày 10 tháng Sáu tới đây.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh phản đối Luật Đặc Khu. (Hình : Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)
Thông báo của Ban Chấp Hành Tỉnh Đoàn Sóc Trăng viết : "Ban Thường Vụ Tỉnh Đoàn đề nghị chủ động tuyên truyền sâu rộng đến thanh niên, học sinh, sinh viên, người dân không nên tin lời kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ tham gia biểu tình phản đối các chính sách của đảng và nhà nước…"
Cùng thời điểm, công an tỉnh Bình Dương và Liên Đoàn Lao Động tỉnh này cũng phát đi thông báo gửi đến các công ty đóng trên địa bàn với nội dung : "Đề nghị không tham gia biểu tình, không chia sẻ tin bài trên mạng về việc ‘Cho thuê đất đặc khu 99 năm’ để không xảy ra vụ việc đáng tiếc như vụ 13 tháng Năm, 2014" (vụ biểu tình chống Trung Quốc nổ ra bạo động).
Cũng trong hôm 8 tháng Sáu, nhằm trấn an công luận, ông Bùi Văn Xuyền, ủy viên thường trực Ủy Ban Pháp Luật của Quốc hội được báo Dân Trí dẫn lời : "Ủy Ban Pháp Luật tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu, cử tri, thống nhất xóa bỏ quy định cho thuê đất tại đặc khu với thời hạn cao nhất tới 99 năm, chỉ duy trì mức 70 năm như Luật Đất Đai hiện hành".
Ông Xuyền còn nhấn mạnh : "Cơ bản là không có một dự án tổng thể nào để một nhà đầu tư ‘mua’ toàn bộ đặc khu đó được".
Trả lời nhật báo Người Việt, Luật Sư Phùng Thanh Sơn ở Sài Gòn, giám đốc công ty Thế Giới Luật Pháp, nhận định : "Theo tôi, vấn đề không đơn giản là nằm ở chỗ thời hạn cho thuê đất mà còn nằm ở chỗ ngành nghề đầu tư và ‘lý lịch’ nhà đầu tư. Những đặc khu này (Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong) đều ở vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng nên thời hạn sử dụng đất dài hay ngắn không quan trọng. Quan trọng là cơ chế kiểm soát chặt hoạt động đầu tư và có chế tài thích đáng đối với các nhà đầu tư vi phạm".
"Nếu chúng ra buông lỏng quản lý, mở cửa những ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ cao về an ninh quốc phòng cho các nhà đầu tư có yếu tố Trung Quốc thì dù thời hạn sử dụng đất chừng 30 năm thôi thì cũng có thể mất nước như chơi chứ không cần đợi đến 50 năm, 70 năm hay 99 năm. Tôi tin rằng nhiều người dân sẽ không phản ứng về thời hạn giao đất, cho thuê đất 99 năm hoặc lâu hơn nữa nếu dự luật đưa ra một cách minh thị rằng ưu đãi này không áp dụng cho các nhà đầu tư có yếu tố Trung Quốc", ông Sơn phân tích.
Trong một diễn biến khác, Thượng Tướng Nguyễn Văn Được, chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh cộng sản Việt Nam, được báo Người Lao Động dẫn lời : "Đề nghị Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tính toán hết sức chi li. Và cần phải tính : 70 năm, 99 năm họ vào đó làm gì ? Ta đâu thể biết hết vì đã lọt vào rồi".
Tuy vậy, ông Được cũng khiến người ta hoang mang vì ông này không chỉ đề nghị ông Trọng cân nhắc Luật Đặc Khu mà còn ngỏ lời tương tự đến Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, người cũng là ủy viên Bộ Chính Trị.
Phát ngôn của ông Được khiến công luận đặt câu hỏi phải chăng ông Hải là một trong những người đứng sau vụ Quốc hội cộng sản Việt Nam nhất quyết phải thông qua Luật Đặc Khu theo chỉ thị của Bắc Kinh ? (T.K.)
******************
Hoãn thông qua Luật đặc khu : thắng lợi của dân (RFA, 09/06/2018)
Vậy là sáng nay đã có thông báo chính thức về việc hoãn thông qua Luật Đặc khu. Chính phủ đã phải gửi một công văn lúc 3g sáng đề nghị hoãn việc này, trong một diễn biến đầy bất ngờ.
Chẳng phải vì lý do kỹ thuật, cũng không phải bởi sai sót quy trình.
Mà là, một tuần sôi sục khí thế cả trên mạng lẫn ngoài đời thực của người dân về chuyện đặc khu đã gửi đến những người nắm quyền một thông điệp không thể rõ ràng hơn :
Hậu quả chính trị của việc thông qua luật này là cực kỳ nghiêm trọng, tới mức không một cá nhân nào, quyền lực tới đâu trong hệ thống có thể kham nổi.
Vậy nên, mặc cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương đã quyết cả năm trước, mặc cho bà Chủ tịch Quốc hội bảo là ‘phải bàn cho ra luật’, một khi dân đã đồng lòng nói Không, và sẵn sàng hành động cho lựa chọn của mình, thì chính quyền buộc phải nghe theo.
Bằng không thì tất cả những danh xưng, tước hiệu, những cá nhân, tổ chức kể trên sẽ bị biến thành bọt biển của lịch sử, không hơn không kém.
Những người nắm quyền cần lưu ý điểm này trước khi trình lại dự luật vào tháng 10 năm nay theo dự định của họ.
Nguyễn Anh Tuấn
*****************
Công nhân Công ty Pouyuen VietNam đình công biểu tình phản đối dự luật "Đặc khu" (RFA, 09/06/2018)
Trưa 09/06/2018, hàng chục ngàn Công ty Pouyuen VietNam tại khu Công nghiệp Tân Tạo đã đồng loạt đình công và biểu tình phản đối dự luật bán nước cho Trung Quốc. Khoảng 50.000 công nhân đã đình công hô vang khẩu hiệu phản đối bán nước với Luật Đặc khu.
Công nhân công ty Pouyuen VietNam tại khu Công nghiệp Tân Tạo biểu tình vào ngày 9/6/2018 - Courtesy JB Nguyễn Hưu Vinh
Hoảng hốt trước sự phản ứng mạnh mẽ của công nhân tại đây (hiện Công ty này có khoảng 100.000 công nhân đang làm việc), nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã huy động lực lượng đến hiện trường hết sức đông đảo. Tất cả nhân viên văn phòng bị nhốt lại không cho ra ngoài.
Người biểu tình đã nghe có những tiếng súng nổ, chưa rõ mục đích và thương vong.
Công nhân đình công và biểu tình cho biết họ quyết tâm phản đối dự luật bán nước cho Trung Quốc. Chính những người công nhân tại đây đã hiểu rất rõ về thân phận người làm thuê và nhất là sự nhục nhằn của công nhân làm thuê cho các doanh nghiệp từ Trung Quốc cũng như những gì đã xảy ra đối với họ.
Những người biểu tình cho biết, họ dự định sẽ kéo dài cuộc đình công biểu tình với khoảng 100.000 công nhân ở Công ty này sẽ tham gia.
Gần đây, Quốc hội Việt Nam, được cái gọi là Bộ Chính Trị chỉ thị thông qua "Luật đặc khu" mà nội dung là cho nước ngoài thuê đất đến cả trăm năm - điều ai cũng biết nước ngoài ở đây là Trung Quốc, được Dự luật ghi rằng "Nước láng giềng có đường biên giới chung với Quảng Ninh".
Việc làm này của nhà cầm quyền đã chính thức xác nhận việc "Rước giặc vào nhà, rước voi về giày mả tổ" mà cha ông ta đã cảnh giác, dặn dò và nghiêm cấm từ xa xưa.
Những âm mưu thôn tính đất nước Việt Nam của bọn bá quyền nước lớn Trung Quốc có từ ngàn đời nay và chưa bao giờ từ bỏ. Truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta đã ghi lại chí khí quật cường của dân tộc chống bành trướng Phương Bắc bằng những chiến công lẫy lừng.
Trong thời Cộng sản, âm mưu bán nước đang từng bước được thực hiện bằng con đường chính thức của đảng cộng sản bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là đưa đất nước chúng ta vào vòng nô lệ Trung Quốc.
Bắt đầu từ những hành động của chính quyền cộng sản như Công hàm 1958 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phạm Văn Đồng ký dưới thời Hồ Chí Minh công nhận tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải, trong đó có tuyên bố chủ quyền cả những quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Tiếp theo là việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã im tiếng hùa theo khi Trung Quốc chiếm cướp Quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.
Sau cuộc chiến năm 1979 và sau sự sụp đổ của hệ thống các chế độ Cộng sản trên thế giới, nhà cầm quyền Việt Nam đã hoảng hốt quay lại ôm chân Trung Quốc nhằm giữ ngai vàng thống trị của đảng Cộng sản.
Năm 1988, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã im lặng để Trung Quốc chiếm hàng loạt đảo thuộc Quần Đảo Trường Sa của Việt Nam. Thậm chí, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã không cho những người lính nổ súng bảo vệ Tổ Quốc mình và biến 64 chiến sĩ thành bia đỡ đạn của quân Trung Quốc và đến nay vẫn mất xác.
Tệ hại hơn, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cố tình quên lãng và thậm chí ngăn cản những người dân yêu nước tưởng nhớ đến họ.
Năm 1999, Đảng cộng sản Việt Nam đã tự quyền bí mật ký Hiệp định biên giới Việt – Trunng, tất cả những thông tin và hiệp định này đã bị giấu kín trước quốc dân đồng bào. Những người đòi hỏi sự minh bạch của bản Hiệp định này đều đã bị tống tù hoặc trấn áp không thương tiếc.
Kết quả là lãnh thổ Việt Nam bỗng dưng mất đi hơn 15.000 km2 trên bản đồ thế giới. Những địa danh quen thuộc ngàn đời nay như Ải Nam Quan, Bản Giốc… đã bị biến mất.
Kể từ đó, quá trình bán nước được thực hiện bằng nhiều hình thức, trên tất cả mọi mặt từ văn hóa, chính trị, kinh tế, ngoại giao…
Và để hợp pháp việc rước giặc vào nhà chiếm đóng những khu vực tối quan trọng đến An ninh, quốc phòng của đất nước – những tử huyệt – nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tiếp tay cho giặc bằng các chính sách khác nhau trên mọi mặt.
Gần đây nhất là dự luật "Đặc khu kinh tế" với những điều khoản tạo cơ sở để Trung Quốc chiếm giữ đất đai Việt Nam hàng trăm năm được đưa ra.
Điều này đã làm dấy lên làn sóng căm phẫn và phản đối dữ dội trong khắp cả nước.
Mọi tầng lớp nhân dân từ trí thức đến nông dân, công nhân, từ nông thôn miền núi đến thành thị đều vô cùng phẫn uất và phản đối dữ dội. Hàng ngàn chữ ký được thu thập trong thư ngăn cản việc bán nước cho giặc dưới chiêu bài "làm kinh tế".
Trên mạng xã hội, hầu hết đều tập trung vào việc phản đối dự luật này. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã hoảng sợ trước sự bất bình, phẫn nộ của người dân, do vậy đã quyết định lùi lại việc thông quan "Luật" này đợi một dịp thuận tiện sau khi thông qua cái gọi là "Luật An ninh mạng" nhằm bóp miệng người dân.
Một số người dân đã bị Công an gọi lên đồn "làm việc" vì dám quan tâm việc lãnh thổ., đất nước.
Và điều gì phải đến sẽ đến, không thể bóp chết lòng yêu nước của người dân, đồng loạt người dân đã lên tiếng.
Video bắt đầu cuộc đình công :
J.B Nguyễn Hữu Vinh