Biểu tình chống dự luật Đặc khu tại Sài gòn (VOA, 10/06/2018)
Nguồn : VOA, 10/06/2018
xem tiếp :
Biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu trên khắp nước ngày 10/06/2018
******************
Công an đàn áp biểu tình phản đối luật Đặc khu và An ninh mạng (RFA, 10/06/2018)
Hàng ngàn người từ nhiều tỉnh thành của Việt Nam vào sáng ngày 10/6 đã đổ ra đường biểu tình phản đối luật đặc khu hành chính kinh tế (luật Đặc khu) và an ninh mạng được chính phủ trình quốc hội trong kỳ họp đang diễn ra tại Hà Nội.
Hình ảnh người biểu tình ở Sài Gòn sáng ngày 10/6/2018 Courtesy Nguyen Peng
Hình ảnh và video của những cuộc biểu tình cho thấy những người biểu tình mang theo các khẩu hiệu phản đối đề xuất cho thuê đất đặc khu lên đến 99 năm, phản đối cho Trung Quốc thuê đất.
Theo blogger Trương Duy Nhất, người tham gia biểu tình ở Sài Gòn, có khoảng 500 người tham gia nhóm biểu tình cùng blogger này tới trước Tổng lãnh sự Mỹ, sang nhà thờ Đức Bà tại trung tâm thành phố, với các khẩu hiệu ‘stop đặc khu’, ‘stop luật an ninh mạng’. Những người biểu tình hô to ‘vì độc lập, phản đối đặc khu’, ‘vì tự do, phản đối luật an ninh mạng’.
Theo các facebookers mà đài Á Châu Tự Do tiếp xúc được, có rất nhiều nhóm biểu tình ở Sài Gòn vào ngày 10/6.
Chính quyền đã huy động an ninh, công an đến đàn áp biểu tình. Các hình ảnh trên video cho thấy người biểu tình bị kéo lê trên đường phố và tống lên xe buýt đưa đi nơi khác. Theo Facebooker Dương Đại Triều Lâm, chính quyền đã huy động nhiều xe buýt để chở người bị bắt đưa về các phường ở quận 3 và quận 1. Nhà hoạt động Nguyễn Hương cho biết có hàng chục người đã bị bắt lên xe buýt và chở đi.
Một người biểu tình ở Sài Gòn bị đánh đến đổ máu nhưng vẫn tiếp tục tham gia biểu tình là ông Huỳnh Tấn Tuyên, một Phật tử thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Tống Nhất ở Vũng Tàu cho đài ACTD biết qua điện thoại.
"Thực ra vai trò người biểu tình chúng tôi đi rất ôn hoà, không kích động gì hết. Nói chung chúng tôi cũng cố giữ cho ôn hoà. Nó bắt tôi lên xe, 6 thằng nó bắt tôi lên xe ở đường Lê Duẩn đó. 5, 6 thằng nó đánh đập tôi. Nhưng vì nó bắt thêm mấy người nữa nên tôi có cơ hội đạp cửa sau tôi vọt xuống. Nó đánh tôi gãy hai ba cái răng, đổ máu nhiều lắm"
Ông Huỳnh Tấn Tuyên cho biết ông tiếp tục biểu tình khoảng 20 phút nữa rồi đi về vì máu chảy qúa nhiều. Về đến Vũng Tàu, ông phải vào bệnh viện khâu vài mũi trên môi bị đánh tét.
Tạị Hà Nội, có khoảng 150 đến 200 người tham gia biểu tình ở khu vực trung tâm thành phố, theo nhà hoạt động Trịnh Hiển. An ninh và công an cũng được huy động để đàn áp biểu tình theo các hình ảnh và video lan truyền trên mạng. Nhà hoạt động Trịnh Hiển cho biết có ít nhất khoảng 10 người bị túm tóc, lôi lên xe buýt ngay trước tượng đài vua Lý Thái Tổ.
Biểu tình cũng nổ ra ở thành phố biển Nha Trang, Phan Rí và Nghệ An. Theo anh Bảo Vinh, một người biểu tình tại Nha Trang, người biểu tình mang theo cờ và khẩu hiệu tập trung tại Quảng trường 2/4 Trần Phú rồi đi tới Yersin, tới Mã Vòng đường 23 tháng mười giáp ranh với Lê Hồng Phong. Anh Bảo Vinh nói anh đi biểu tình vì lòng yêu nước :
"Em chỉ một lòng vì Việt Nam mình thôi, mình không có ý phản động chỉ có ý kiến, bức xúc về Việt Nam mình như vậy. Mình chỉ lên tiếng để Việt Nam mình được toàn vẹn, yên bề. Nói chung nếu mất nước cũng đâu được yên ổn gì".
Theo Facebooker Dương Đại Triều Lâm, đến khoảng 4 giờ chiều vẫn còn một nhóm khoảng 100 người biểu tình bị cô lập tại khu vực Nhà Thờ Đức Bà ở Sài Gòn.
Người biểu tình ở Hà Nội bị an ninh bắt hôm 10/6/2018 Courtesy FB Hiển Trịnh
Đến cuối giờ chiều, Facebooker Nguyễn Lân Thắng cho biết những người bị bắt ở Hà Nội đã được thả ra.
Những cuộc biểu tình phản đối luật đặc khu và an ninh mạng của người Việt cũng nổ ra ở một số thành phố khác trên thế giới từ ngày 8/6 đến ngày 10/6 như ở California, Mỹ, ở Đài Loan, Nhật Bản.
Luật đặc khu được chính phủ trình quốc hội kỳ này bị đông đảo người dân phản đối vì lo ngại điều khoản cho thuê đất 99 năm và nhà đầu tư Trung Quốc sẽ ồ ạt vào lấy đất. Nhiều người cho rằng các điều khoản trong luật chẳng khác nào nhượng địa.
Trong khi đó luật an ninh mạng cũng vấp phải sự phản đối rộng khắp của người dân trong nước, các tổ chức nhân quyền và chính phủ Hoa Kỳ vì cho rằng các điều luật đã gia tăng việc kiểm soát quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân.
Từ ngày 6/6 đã có những lời kêu gọi biểu tình phản đối rộng khắp trên mạng internet phản đối hai dự luật này.
Trước những phản đối rầm rộ của người dân, vào sáng sớm ngày 9/6, ngay trước khi các cuộc biểu tình nổ ra, chính phủ ra thông báo lùi thời hạn thông qua luật Đặ khu cho đến kỳ họp quốc hội kế tiếp.
*******************
Việt Nam : Biểu tình ở nhiều nơi phản đối dự luật 3 đặc khu (RFI, 10/06/2018)
Hôm Chủ nhật 10/06/2018, theo AFP, biểu tình phản đối dự luật về ba đặc khu kinh tế - hành chính đã bùng lên tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.
Biểu tình tại Hà Nội phản đối dự án luật về 3 đặc khu kinh tế - hành chính, ngày 10/06/2018. Reuters/Staff
Trong những tuần gần đây, dự luật cho thuê đất 99 năm đối với ba đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong bị một bộ phận công luận Việt Nam lên án là nguy hiểm cho chủ quyền quốc gia. Hôm qua, chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã quyết định hoãn việc thông qua luật này cho đến khóa họp tới.
Tuy nhiên, người dân tại nhiều địa phương lo ngại các nhân nhượng thái quá của chính quyền với các công ty nước ngoài, đặc biệt là với Trung Quốc, vẫn quyết định xuống đường. Có thể nói đây là lần đầu tiên kể từ cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp cả nước năm 2016 phản đối công ty Formosa Đài Loan làm ô nhiễm biển miền Trung, người dân tại Việt Nam lại xuống đường đông đảo.
Theo thông tín viên của AFP tại Hà Nội, khoảng 40 đến 50 người tuần hành xung quanh Hồ Gươm, giương cao các khẩu hiệu phản đối chính quyền cho Trung Quốc thuê đất. Công an thường phục câu lưu khoảng 20 người. Hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy tuần hành cũng diễn ra tại nhiều địa điểm ở thành phố Hồ Chí Minh, hay Nghệ An, Bình Dương, Nha Trang…
Về không khí ở Sài Gòn, dưới đây là mô tả của ông Tuấn Khanh, một người từ nhiều năm nay quan tâm đến các hoạt động biểu tình của xã hội dân sự Việt Nam. Nhà hoạt động xã hội này cũng ghi nhận sự khác biệt rất lớn giữa cuộc biểu tình hôm nay so với những lần trước.
"Riêng ở Sài Gòn, có một điều rất kỳ lạ là, đó là cuộc biểu tình mà tôi chưa bao giờ chứng kiến… Lúc này là 5 giờ chiều ở Việt Nam, cuộc biểu tình vẫn còn đang tiếp tục… lần này, không có một ai trong số những nhân vật mang tính hạt nhân xuất hiện, để có thể dự đoán trước được… nhiều nơi biểu tình bùng phát là bởi những người rất bình thường, vô danh…
Những lần trước khác lần này, đó là tính chính danh của việc bắt bớ lần này không có. Tính chính danh của lần này là người ta muốn toàn vẹn lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên… người ta kêu gọi rằng không được bán nước, không trở thành Việt gian và không làm nô lệ cho Tàu… Đó là chuyện hoàn toàn khác hẳn…
Chuyện đánh đập không nhiều như năm 2016, trong trường hợp (biểu tình phản đối) Formosa… Trước đây, với sức tuyên truyền của hệ thống chính quy Nhà nước, những vụ như tàu Trung Quốc đâm tàu ngư dân, rồi xâm lấn biển đảo, giết hại bộ đội, lấn chiếm đường biên giới… những chuyện đó luôn luôn bị đánh bạt đi, không được nói rõ, thậm chí sách giáo khoa không nói…, rồi người ta tìm cách triệt tiêu các thông tin đó, đánh loãng và làm mơ hồ về điều đó.
Nhưng trong thời gian đặc biệt từ 2017 đến nay, đã có quá nhiều trường hợp để cho người ta nhận ra rằng Trung Quốc và những chính sách thuộc về Trung Quốc là một mối nguy…
Ví dụ ba lần người Việt khai thác dầu trên vùng lãnh hải của mình đều bị Trung Quốc đe dọa… Tàu của Trung Quốc đã vào đánh cá sát đến bờ biển Việt Nam chỉ còn có 30 hải lý thôi… Và đó là lời cảnh tỉnh của một tướng quân đội. Bên cạnh đó là những chuyện ngư dân phải đi ra những nơi khác để sinh sống, rồi bị tàu Trung Quốc đâm, thả mìn trên biển làm chết người…, mỗi lúc một nhiều… rồi những chính sách mà người ta đã có đủ thời gian kiểm nghiệm, như bô-xít Tây Nguyên, Formosa…
Tất cả những điều đó cho người ta hiểu rằng mối quan hệ với Trung Quốc không còn đủ lành mạnh nữa.
Cho nên, ngày hôm nay, thông điệp mà người dân đưa ra thông qua vấn đề luật đặc khu và luật an ninh mạng là những điều hoàn toàn mới mẻ, là một khúc quanh rất khác, trong mối quan hệ giữa người dân và chính quyền".
Ân Xá Quốc Tế lên án dự luật an ninh mạng "tiêu diệt" tự do ngôn luận
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International - AI), hôm qua ra thông báo lên án dự luật mới về an ninh mạng, bị coi là luật tiêu diệt quyền tự do ngôn luận. Quốc hội Việt Nam có kế hoạch thông qua dự luật nói trên vào ngày 12/06 tới.
Theo bà Clare Algar, một thành viên ban lãnh đạo của Ân Xá Quốc Tế, nếu luật này được thông qua, chính quyền Việt Nam sẽ có được các cơ sở pháp lý cho phép "gia tăng quyền kiểm soát việc người dân bày tỏ quan điểm" trên internet.
Dự luật bị lên án là sẽ giúp chính quyền gây áp lực mạnh hơn "buộc các công ty tin học phải chuyển giao thông tin cá nhân của khách hàng", vô hình chung biến các công ty này thành công cụ của chính quyền trong việc "kiểm soát" công luận.
Amnesty International kêu gọi các tập đoàn tin học có cơ sở tại Việt Nam, như Apple, Facebook, Google, Microsoft và Samsung phản đối dự luật này.
Trọng Thành
****************
Việt Nam biểu tình đồng loạt chống luật Đặc khu (VOA, 10/06/2018)
Nhiều ngàn người xuống đường đồng loạt tại nhiều nơi ở Việt Nam để phản đối dự luật đặc khu và dự luật an ninh mạng vào sáng ngày Chủ Nhật, 10 tháng Sáu.
Nhóm đi đầu trong cuộc biểu tình lúc sáng Chủ Nhật, 10 tháng Sáu.
Từ 8 giờ sáng, người biểu tình đã xuất hiện Hà Nội. Riêng khu vực hồ Hoàn Kiếm, có đến vài ngàn người tham gia. Tại Sài Gòn, có nhiều cuộc biểu tình tại nhà thờ Đức Bà, công viên Hoàng Văn Thụ… Giáo dân tại Nghệ An cũng tham gia biểu tình rất đông. Đà Nẵng, biểu tình diễn ra lúc gần 10 giờ sáng, với lực lượng an ninh bố trí dày đặc khắp mọi nơi.
Quang cảnh biểu tình trước chợ Hàn, Đà Nẵng.
6h sáng, tại một quán cà phê bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Hồ Trung Tú, nhà nghiên cứu – Tiến sĩ Dân tộc học Mai Thanh Sơn, nghệ sĩ Lê Nguyên Vỹ và chị Nguyễn Chiêu Ân từ Đồng Nai ra cùng với nhiều bạn nam, nữ vừa du học ở Trung Quốc về, tham gia biểu tình. Các nơi trong thành phố, công viên 29 tháng 3, Đài tưởng niệm 2 tháng 9, cầu Rồng, chân cầu Sông Hàn và chợ Hàn... dường như không thấy gì ngoài an ninh, xe cơ động và xe phá sóng.
Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, người tham gia biểu tình ở Đà Nẵng, chia sẻ với VOA : "Chúng tôi muốn đại diện cho các tầng lớp để bày tỏ quan điểm bất đồng của mình về dự luật đặc khu và an ninh mạng. Những thứ đó có hại cho dân tộc và có nguy cơ đẩy lùi văn minh dân tộc về mấy trăm năm trước... Ngay bây giờ, nếu chúng ta không lên tiếng thì sẽ không còn cơ hội để lên tiếng. Chúng tôi bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa và muốn gửi thông điệp đến trung ương đảng cộng sản rằng tất cả những lựa chọn từ dự luật đặc khu cho đến dự luật an ninh mạng đều gây tổn hại cho dân tộc, quốc gia, tạo ra sức ì kéo thụt lùi dân tộc, quốc gia.."..
Nhà văn Nguyên Ngọc nói với VOA : "Chúng tôi đi biểu tình không chỉ ngừng ở việc kêu gọi bỏ luật đặc khu mà còn kêu gọi nhà nước, quốc hội và đảng phải bỏ ngay dự luật an ninh mạng. Họ làm cả hai thứ cùng một lần như vậy là quá bất ngờ và thông tin sẽ bị đánh lạc hướng ngay. Nếu như chúng ta không kịp thời kêu gọi thì hậu quả của hai việc này không hề nhỏ một chút nào... !".
Hơn 9 giờ sáng, bắt đầu có tin nhiều người tham gia biểu tình ở Sài Gòn bị đánh đập.
Có vài chục người bị bắt khi tham gia biểu tình ở Hà Nội.
Tham gia cuộc biểu tình tại Sài Gòn, nhà văn Trần Tiến Dũng viết trên Facebook : "Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ! Tôi là người cầm bút không hề phóng đại. Tôi và nhà văn Mai Sơn, từ góc nhìn hạn hẹp chúng tôi đoán phải hơn cả vạn người dân tham gia (riêng ở khu công trường Lam Sơn). Tôi cho là so với mọi cuộc biểu tình từ sau 1975, lần này mới thấy hết sức mạnh của người Việt yêu nước không khoan nhượng giặc Tàu và tay sai".
Biểu tình tại Sài Gòn. (Hình : FB Trần Tiến Dũng)
Nhà văn Trần Tiến Dũng "ghi nhanh", mô tả không khí biểu tình tại Sài Gòn : "...Có mặt ở cuộc biểu tình. Nói Không với đặc Khu và luật an ninh mạng. Không hề quá đáng khi cho rằng đây là cuộc xuống đường khổng lồ của người Sài Gòn- Việt Nam yêu nước".
"Chúng tôi nhiều lúc đã không tin vào mắt mình khi chứng kiến và hòa vào dòng người yêu nước như dòng thác lớn". "Từ sáng, khởi đầu chỉ khoảng hơn 500 người đứng ở đầu đường Phạm Ngọc Thạch, người biểu tình đứng uy nghi đưa biểu ngữ và hát, tiếng hát vang dội cùng với nhịp tiếng hô khẩu hiệu".
"Hơn 9h, một nhóm người biểu tình định di chuyển tuần hành nhưng một số khác ngăn họ lại. Ai cũng tưởng rằng nhóm biểu tình chỉ bất động nơi họ đứng để biểu lộ thái độ phản kháng nhưng không, hơn 9h30 từ đường Lê Duẩn, một đoàn biểu tình khác kéo đến, sau đó từ phía mặt chính của Vương Cung Thánh đường đoàn biểu tình khác cũng đến, từ phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng kéo về".
"Vậy là đoàn lớn biểu tình bắt đầu di chuyển về phía dinh Độc lập, người hai bên đường từ đâu không biết hòa vào dòng người biểu tình như một dòng sông lớn bất tận. người phía trước đi bộ, người phía sau đi xe máy, người phía trước thì hô khẩu hiệu, phía sau hô theo và cùng nhấn kèn xe máy".
"Đoàn người vây kín hết cả con đường trước dinh Độc Lập, phủ kín đường Lê Duẫn kéo dài hút tầm mắt chúng tôi, thật không thể ngờ, sau đó đoàn tuần hành đi theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, qua Hàn Thuyên trở lại nhà thờ Đức Bà".
"Nhưng trên hết là tất cả người tham gia biểu tình đều ôn hòa và di chuyển trong trật tự. Tất nhiên thêm điều không hề ngạc nhiên là công an và các lực lượng trấn áp khác của chế độ vây đông như quân nguyên. Tôi rời đoàn biểu tình lúc 11g15".
Các cuộc biểu tình không chỉ diễn ra trong nước. Tại Mỹ, biểu tình đã diễn ra tại California và New York vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy. Có khoảng hơn 300 người từ nhiều thành phố ở California đã tập trung biểu tình trước tòa Lãnh Sự Việt Nam tại thành phố San Francisco.
*********************
Bùng nổ biểu tình chống Luật Đặc khu, nhiều người bị bắt (VOA, 10/06/2018)
Việt Nam xác nhận bắt giữ nhiều người hôm 10/6 sau khi nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ ở các thành phố lớn để phản đối Luật Đặc khu.
Lực lượng công an và an ninh giải tán cuộc biểu tình ở Hà Nội hôm 10/6.
Các hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh nhiều người biểu tình bị "giữ" và "lôi" lên xe buýt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Qua các bức ảnh, có thể thấy máu trên mặt và áo một số người.
Trong khi đó, các nhân chứng nói với VOA Việt Ngữ rằng "hàng chục người" đã "bị bắt". Thông tin này không thể được kiểm chứng độc lập.
Dù dự luật không nêu cụ thể các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng tại ba địa điểm có thể trở thành đặc khu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nhiều người biểu tình cho rằng Trung Quốc có thể dùng những nơi "chiến lược" này để "lập cứ".
Các bức ảnh cho thấy những người xuống đường mang theo các biểu ngữ như "Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày" hay "Giao đất cho giặc Tàu là mất nước".
Sau nhiều giờ im tiếng, báo chí trong nước đồng loạt đăng lại một bản tin ngắn của Thông tấn xã Việt Nam, trong đó nói rằng công an bắt giữ người "lôi kéo biểu tình trái phép" vì Luật Đặc khu.
Trong bài viết có tựa đề "Đừng quá sợ dân", nhà báo tự do Trương Huy San nói rằng "cho dù hàng vạn con người đã xuống đường, người dân không hề thách thức quyền lực" và "người dân chỉ bày tỏ thái độ".
"Chiều nay, đừng ngạc nhiên khi trên truyền thông hay trong các phòng kín có ai đó thổi phồng vai trò của "các thế lực thù địch" đứng sau các cuộc biểu tình [tuy có thể cũng có những kẻ tát nước theo mưa]. Và cũng đừng ngạc nhiên khi mạng xã hội cũng bị cho là thủ phạm [để thuyết phục các nhà lãnh đạo ủng hộ các biện pháp cứng rắn hơn]", người còn được biết tới với tên gọi blogger Osin Huy Đức viết tiếp.
Nhiều cuộc xuống đường vẫn được tổ chức theo như kế hoạch dù chính phủ Việt Nam hôm 9/6 đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu.
Tuy nhiên, theo nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, "hoãn vẫn chưa đủ" mà Việt Nam "phải chính thức thông báo hủy ý định lập đặc khu".
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố sẽ giảm thời hạn cho thuê đất 99 năm nhưng không nói cụ thể về việc giảm này.
Trong cuộc trao đổi với báo chí hôm 7/6, ông Phúc từng nói rằng việc người dân, trí thức và người Việt ở nước ngoài góp ý về Luật Đặc khu là "tinh thần yêu nước rất đáng hoan nghênh".
Các cuộc xuống đường tuần hành chống Luật Đặc khu còn là dịp để người biểu tình lên tiếng về dự luật An ninh mạng dự kiến sẽ được mang ra biểu quyết vào ngày 12/6.
*********************
Việt Nam : Biểu tình và bắt bớ (BBC, 10/06/2018)
Sáng 10/6, tại nhiều thành phố trên khắp Việt Nam, hàng ngàn người xuống đường phản đối dự luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu Kinh tế trong sự trấn áp của cảnh sát.
Biểu tình tại khu vực Hồ Gươm, Hà Nội
Hình ảnh đám đông người cầm biểu ngữ có dòng chữ phản đối hai dự luật tràn ngập Facebook từ sáng sớm 10/6.
Hiện chưa có báo nào của nhà nước Việt Nam đăng hình ảnh, thông tin về sự kiện này.
Biểu tình bùng nổ
Biểu tình tại Sài Gòn
Từ đầu giờ sáng đã có khoảng vài ngàn người tập trung tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm ở thủ đô Hà Nội, mang theo các biểu ngữ phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế.
Một số người đã bị lực lượng an ninh bắt đưa lên xe. Người biểu tình bắt đầu tới nơi từ khoảng 8 :30 sáng.
Luật sư Luân Lê phát trực tiếp trên Facebook cá nhân hình ảnh đám đông tụ tập ở Hồ Gươm với băng rôn, biểu ngữ.
Có thể thấy bóng áo xanh của lực lượng cảnh sát, an ninh đang đứng làm hàng rào tại đây.
Tại Sài Gòn, biểu tình bùng nổ tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, công viên Hoàng Văn Thụ, bên ngoài Đại Sứ Quán Mỹ.
Người dân các tỉnh Vũng Tàu, Bình Dương và các vùng lân cận kéo về. Giới chức được cho là vẫn đang kiềm chế, kêu loa kêu gọi quần chúng giải tán 'để giữ gìn an ninh trật tự'.
Giáo dân ở các giáo xứ tại Nghệ An cũng rầm rộ xuống đường.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội từ hôm 8/06 khuyến cáo các công dân Nhật tránh ra đường vào sáng 10/6 vì có biểu tình.
"Công dân Nhật : nếu không có việc gấp và đặc biệt bắt buộc phải ra ngoài thì không đi ra ngoài, đồng thời cũng không tới gần nơi có tập trung đông người, chú ý giữ gìn an toàn cho chính mình", theo thông tin từ Đại sứ quán Nhật.
Bạo lực
Một người biểu tình bị đánh gãy răng ở Thành phố Hồ Chí Minh
Có thông tin về việc công an bắt giữ người biểu tình ở Hà Nội và đánh người ở TP Hồ Chí Minh sáng 10/6.
Bạn đọc Mã Tiểu Linh gửi cho BBC hình ảnh một người biểu tình bị đánh ở Sài Gòn.
Ông Huỳnh Tấn Tuyên cầm băng rôn xuống đường ở khu vực Lê Duẩn, Mạc Đĩnh Chi và bị đánh gãy răng.
Bắt bớ
Từ Sài Gòn, bạn đọc Tăng Hạ Đan Vy gửi cho BBC video clip bắt bớ được cho là quay tại khu vực đường Lê Duẩn và trước cổng Đại sứ quán Mỹ.
Hình ảnh từ video cho thấy một nhóm đông mặc đồng phục của lực lượng an ninh trật tự đang bắt giữ người biểu tình đưa lên xe bus.
Một hình ảnh khác cho thấy lực lượng này kéo lê một người trên đường.
Tăng Hạ Đa Vy nói công an không thể kiểm soát được dòng người biểu tình.
Tại Hà Nội, có tin đến khoảng 10 giờ thì cuộc biểu tình ở trung tâm Hà Nội bị giải tán.
Có mặt tại địa điểm biểu tình ở Hà Nội, ông Vũ Quang cho BBC biết khoảng 40 người đã bị lực lượng an ninh bắt đưa lên xe
Canh gác
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho BBC biết công an cho người canh gác tại nhà anh từ mấy hôm nay.
Trong hình ảnh anh Phương gửi cho BBC, có thể thấy một nhóm người mặc đồng phục đang ngồi cạnh các barier cơ động.
Anh Phương cũng cho hay anh nhận được thông tin một số nhà hoạt động khác như Lê Anh Hùng cũng bị theo dõi và canh gác nghiêm ngặt không cho ra khỏi nhà.
Biểu tình ở địa phương
Biểu tình ở Nha Trang
Tin cho hay biểu tình cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác như Nghệ An, Khánh Hòa, Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Đồng Nai.
Video clip trên Facebook của Nguyễn Kim Hậu cho hay biểu tình diễn ra sáng 10/6 trước nhà hát Quảng Trường Biển Nha Trang.
Facebooker Kim Hậu viết trên trang cá nhân rằng từ 8 :00, đoàn người di chuyển từ tháp Trầm Hương, tay cầm cờ đỏ sao vàng, tay cầm biểu ngữ giấy trắng chữ xanh, miệng hô vang Việt Nam muôn năm.
Biểu tình ở nước ngoài
Từ Hoa Kỳ, nhà báo tự do Bùi Văn Phú gửi BBC hình ảnh và thông tin về hoạt động biểu tình của cộng đồng người Việt Nam tại đây.
Cuộc biểu tình do Đoàn Thanh niên Cờ Vàng và của Ban Đại diện Cộng đồng Người Việt Bắc California tổ chức vào trưa ngày thứ Sáu 8/6/2018, thu hút trên 300 người Việt từ nhiều thành phố ở hai miền nam và bắc California tại cổng Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco.
Tham dự biểu tình có Nghị viên Tâm Nguyễn của thành phố San Jose, nghị viên Phát Bùi của thành phố Garden Grove, có các cựu tù nhân chính trị Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần cùng đại diện nhiều hội đoàn, đoàn thể từ bắc và nam California. Ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Bắc California là trưởng ban tổ chức.
Biểu tình của người Việt cũng diễn ra tại Nhật Bản và Úc, Đài Loan.
Theo thông tin từ Nhà thờ Đào Viên Đài Loan, họp báo biểu tình của cộng đồng người Việt diễn ra tại văn phòng kinh tế Việt Nam sáng 10/6.
******************
‘Cơn bão’ phản đối Dự Luật Đặc khu (RFA, 08/06/2018)
Kiến nghị, thư ngỏ
Nhiều tổ chức xã hội như Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam, và cả tôn giáo như Ủy Ban Công Lý thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong những ngày qua đã đưa ra Tuyên cáo, Thư Kiến nghị kêu gọi người khác cùng ký tên gửi đến Quốc hội Việt Nam yêu cầu hoãn hoặc không bấm nút thông qua dự thảo luật về các đặc khu kinh tế mà cụ thể là Vân Đồn ở phía Bắc, Vân Phong ở miền Trung và Phú Quốc ở phía Nam.
Hình ảnh cuộc họp của Quốc hội Việt Nam ngày 21 tháng 5 năm 2018. AFP
Một số nhân sĩ- trí thức cũng có thư ngỏ riêng gửi cho lãnh đạo Việt Nam nêu rõ quan ngại của bản thân họ về những nguy cơ nếu Luật Đặc khu được thông qua.
Lập luận chính yếu được nêu ra là ba địa điểm vừa nêu có vị trí trọng yếu đối với an ninh quốc gia mà nếu giao cho nước ngoài một thời gian dài đến 99 năm, mà trong trường hợp này, khả năng rơi vào bẫy của nước láng giềng Trung Quốc là rất lớn. Tham vọng bành trướng của Bắc Kinh qua kế hoạch "một vành đai, một con đường" được nêu rõ.
Trong bản tuyên cáo của Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam có đoạn nguyên văn : "Người Việt Nam trong và ngoài nước, bất kể thành phần nào, khuynh hướng nào, chúng ta phải cương quyết lên tiếng, cần phải có hành động cấp thời để cùng nhau "Cứu Dân Cứu Nước" nếu không, thế hệ chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và mang tội với thế hệ con cháu muôn đời sau".
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, người đồng ký tên vào bản tuyên cáo của Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do rằng nếu như Quốc hội Việt Nam muốn thông qua dự luật này thì cần tham khảo ý kiến và quan điểm của người dân như thế nào cũng như các kiến nghị của các nhà khoa học và giới trí thức Việt Nam để hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ.
Nhiều ý kiến yêu cầu phải đưa ra trưng cầu dân ý theo luật định đối với những vấn đề hệ trọng như thế. Chứ không thể cứ làm theo cách cũ bấy lâu nay như lời của Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng :
"Thông thường Bộ Chính trị đã thông qua rồi thì Quốc hội thường phải chấp hành. Đối với ba khu tự trị này thì bộ chính trị đã có ý kiến rồi, và ban chấp hành trung ương đảng đã có chỉ đạo rồi , quốc hội và các cơ quan khác phải thông qua.
Với tư cách là một công dân, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là thời điểm mà người dân phải đồng lòng lên tiếng để có thể thay đổi thực tế như thế bấy lâu nay.
Đồng thuận lên tiếng
Ngoài các tổ chức, tập thể lên tiếng phản đối, rất nhiều cá nhân sử dụng những công cụ như mạng xã hội Facebook để bày tỏ ý kiến cá nhân về dự luật đặc khu thông qua bài viết, hình ảnh phản đối.
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến tại Hà Nội nói với chúng tôi rằng, có rất nhiều dự thảo luật sẽ được bàn thảo tại các kỳ họp Quốc hội xem xét việc có thông qua hay không nhưng không được sự chú ý của người dân nhưng với dự luật đặc khu này anh cho biết :
"Thông thường mỗi khi Quốc hội họp thì có nhiều dự luật được bàn thảo có thông qua hay không thông qua nhưng không được sự chú ý đặc biệt từ người dân đối với dự luật này. Dự luật đặc khu này thu hút được sự quan tâm cực kỳ lớn cả chiều sâu và bề rộng nhiều đối tượng nhiều độ tuổi khác nhau trong xã hội. Tôi tiếp xúc rất nhiều người trên mạng xã hội và cả ngoài đời họ đều bàn luận khá sôi nổi và họ nói rằng lần đầu tiên họ dám lên tiếng về vấn đề chính trị liên quan đến vận mệnh của đất nước".
Anh Nguyễn Chí Tuyến còn cho biết anh cảm thấy vui mừng và bất ngờ vì qua dự thảo luật đặc khu này mà mọi công dân sống trong xã hội Việt Nam không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay tôn giáo đều lên tiếng bày tỏ quan điểm của họ về dự luật này.
Anh nói tiếp "Lần này tôi vui mừng vì chính dự luật đặc khu này tôi cảm thấy sự trưởng thành về nhận thức và bản lĩnh của người công nhân trong xã hội Việt Nam, vượt qua được một ngưỡng tâm lý dám bày tỏ quan điểm riêng của họ, họ đồng tình hay không thì chưa bàn luận mà họ đã bày tỏ được chính kiến riêng của họ thì trước hết họ phải tìm hiểu thì họ mới đưa ra chính kiến được chứ họ không thể nói bừa".
Cùng hành động ‘biểu tình’
Một hình thức được nhiều người đồng ý là xuống đường biểu tình để bày tỏ phản đối dự luật đặc khu. Trong những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện kêu gọi cộng đồng xuống đường tuần hành để phản đối dự luật đặc khu kinh tế. Thời điểm cụ thể là vào ngày chủ nhật 10 tháng 6.
Kêu gọi biểu tình không chỉ ở trong nước mà còn tại nhiều nơi ở nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện tại chúng tôi được biết một số cuộc tuần hành biểu tình phản đối dự luật đặc khu của Việt Nam sẽ diễn ra tại thành phố Brisbane của Úc, San Francisco và Washington DC tại Hoa Kỳ, Tokyo, Nhật Bản…
Một đại diện nhóm tuần hành ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản xin giấu tên cho chúng tôi biết, cuộc tuần hành dự kiến lần này có được sự hưởng ứng khá đông đảo của cộng đồng tại Nhật, nhất là những bạn trẻ đang sinh sống, du học, tu nghiệp hoặc đi lao động.
Chị cho biết "Hiện tại bên mình sẽ tổ chức vào lúc 9 giờ sáng vào chủ nhật ngày 10 tháng 6 này, thì rất tiếc là bên Nhật trời mưa nhưng mọi người nói là dù trời mưa tới đâu mọi người cũng sẽ xuống đường. Đây là lần đầu tiên mình thấy những người xung quanh mình hưởng ứng rất là sôi nổi, có nhiều bạn đi lao động, đi tu nghiệp bên này nhưng mà sẳn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua vé máy bay từ khắp nơi trên nước Nhật về Tokyo để tuần hành cũng những bạn tại đây".
Hoạt động biểu tình tại nước ngoài khá dễ dàng ; tuy nhiên hình thức biểu tỏ ý kiến này ở Việt Nam vẫn không được chính phủ hoan nghênh. Từ trước đến nay nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, biểu tình phản đối chặt cây xanh, biểu tình chống nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường… đều bị lực lượng chức năng đàn áp mạnh mẽ.
********************
Chính phủ lùi Luật Đặc khu giữa lúc có lời kêu gọi biểu tình (RFA, 09/06/2018)
Sáng sớm ngày 9/6/2018, Văn phòng Chính phủ ra thông báo lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu đang gây tranh cãi đến kỳ họp kế tiếp (kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV) giữa lúc có các lời kêu gọi biểu tình vào ngày 10/6 tới đây phản đối luật mới.
Hình chụp Phú Quốc hôm 11/4/2017 - AFP
"Tại kỳ họp này, sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia", thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.
Cũng theo thông báo này thời hạn thuê đất tối đa sẽ là 70 năm theo Luật Đất đai hiện hành : "Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm".
Trước đó, theo dự kiến vào tuần tới, Quốc hội Việt Nam sẽ bấm nút thông qua luật đặc khu hành chính kinh tế (gọi tắt là luật đặc khu) đối với ba đặc khu kinh tế là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc với điều kiện cho thuê đất tối đa lên đến 99 năm.
Dự luật vấp phải nhiều chỉ trích của người dân. Nhiều người lo ngại các đặc khu này chỉ thu hút được nhà đầu tư Trung Quốc và với thời hạn 99 năm thì không khác gì nhượng địa.
Dự luật mới cũng vấp phải nhiều phản đối từ các chuyên gia kinh tế không chỉ riêng với điều kiện cho thuê đất 99 năm mà còn những vấn đề khác như tính minh bạch, giải trình, vị trí đặc khu không phù hợp…
Trong khi đó trên mạng xã hội Facebook từ ngày 6/6 đã lan truyền các lời kêu gọi biểu tình phản đối Luật Đặc khu vào ngày Chủ nhật, 10/6.
Fanpage mang tên Đô Thành Sài Gòn đăng tải lời kêu gọi "phản đối hành động bán nước thông qua việc cho Trung quốc thuê đất 99 năm" thu hút hơn 164 ngàn lượt chia sẻ và trên 100 ngàn biểu tượng cảm xúc.
Thông báo cho thấy đây là lời kêu gọi biểu tình ôn hòa ở các địa phương trên cả nước như Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng... hoặc "Các địa phương khác trên cả nước hoặc quốc gia khác : mọi nơi công cộng đều có thể là nơi bạn bày tỏ ý kiến của mình trong khuôn khổ luật pháp sở tại".