Chuyện gì thực sự xảy ra ở Phan Rí ? (BBC, 16/06/2018)
Hôm 15/6, Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định khởi tố hình sự vụ án gây rối trật tự an ninh ở khu vực Phan Rí, huyện Tuy Phong hôm 10-11/6, theo báo Vietnamnet.
Xác xe trơ trọi xơ xác ở trụ sở Phòng cháy chữa cháy, 25 QL 1, Phan Rí Thành, Bắc Bình (giáp Tuy Phong), tỉnh Bình Thuận
Cơ quan cảnh sát khởi tố các hành vi gây rối trật tự công cộng, ủy hoại tài sản và chống người thi hành công vụ trong vụ "tụ tập đông người, quá khích".
Cũng theo báo này, hôm 10/6 người dân tuần hành trên Quốc Lộ 1, gây ùn tắc "chặn xe, thậm chí ném vào xe tuần tra, gây hư hỏng". Sang ngày 11/6, người dân lại tụ tập, những người quá khích tấn công lực lượng cảnh sát, đốt cháy 8 ô tô, đập phá đốt cháy một số phòng làm việc ở trụ sở Phòng cháy chữa cháy.
Sự kiện Phan Rí, theo lời nhân chứng
Ba người dân ở khu vực Phan Rí Cửa đã trả lời phỏng vấn của phóng viên BBC ở Bangkok trong vài ngày qua về vụ việc xảy ra hôm 10 và 11/6. Ba người đều là nhân chứng vụ việc và xin được giấu tên.
Về việc tấn công lực lượng cảnh sát, đốt cháy ô tô, cả ba người nhấn mạnh rằng, thứ nhất, cần phải hiểu là có nhiều thành phần ở trong cuộc biểu tình đó : người đi biểu tình, những thanh niên lạ mặt, hiếu chiến, những người dân bức xúc sau đó tham gia, và cuối cùng là những người dân hiếu kỳ.
"Một nhóm bà con cầm băng rôn, biểu ngữ 'Phản đối đặc khu' đến khu vực Cầu Nam, thuộc tuyến đường QL1, trong đầu nghĩ ôn hoà thôi, nhưng muốn chặn đường để được chính quyền chú ý", một người kể về vụ việc sáng Chủ Nhật 10/6.
Vẫn theo người này, cuộc biểu tình làm tê liệt giao thông từ sáng 10/6 đến 1 giờ sáng ngày thứ Hai 11/6, và trở nên căng thẳng khi có sự xuất hiện của khoảng hai tá cảnh sát cơ động xuất hiện gần khu vực ở cầu Nam. Sau đó, một người dân khi đi đến gần phía cảnh sát cơ động, thì ''đột nhiên bị thương".
Một nhân chứng khác nói với BBC người đàn ông này "đi ngang qua chỗ cảnh sát cơ động thì bị đánh" và nằm bất tỉnh - gây ra sự xôn xao bức xúc và thu hút thêm nhiều người dân hiếu kỳ.
Tấm khiên nằm ngổn ngang ở một góc của trụ sở Phòng cháy chữa cháy Phan Rí
Và không lâu sau đó, dưới cái nắng đổ lửa của Bình Thuận, là những cơn mưa đá dữ dội từ phía người dân và những quả pháo, bom khói từ phía cảnh sát, hai bên giằng co trên cầu Nam trong sự hò hét, cổ vũ của hàng trăm người dân hiếu kỳ.
Đến tầm chiều, phía Cảnh sát cơ động chạy dồn về trụ sở Phòng cháy chữa cháy, nơi những thanh niên trẻ tiếp tục đốt phá trụ sở. Người dân buộc cảnh sát phải cởi giáp mới được về, vẫn theo lời kể của các nhân chứng.
Buổi chiều 11/6, cuộc biểu tình ngã ngũ, ai về nhà nấy. Phan Rí lại bình yên.
Một nhân chứng nhấn mạnh với BBC rằng ''những người ném đá là những thanh niên rất lạ mặt, hoặc đeo khẩu trang, nhưng lại hiếu chiến, kích động, khiến cho mọi việc đi quá đà".
"Và chính người dân là người khuyên can họ đừng đốt trụ sở Phòng cháy chữa cháy, những "lực lượng thanh niên này tràn vào tự làm theo ý họ".
"Bà con không hề có ý định chống lại chính quyền, chỉ muốn chính quyền lắng nghe nguyện vọng".
Nguyện vọng của người dân
Điều thứ hai mà ba nhân chứng nhấn mạnh, là chính quyền cần phải hiểu được nguồn căn, gốc rễ của sự bức xúc ức chế tiềm ẩn của bà con nơi đây.
Những gì còn sót lại nếu không phải là đống tro tàn
Họ kể đây không phải là cuộc biểu tình đầu tiên của Phan Rí kể từ đầu năm nay. Thực tế, chỉ cách đây 2-3 tháng, đã xảy ra một cuộc biểu tình phản đối tình trạng "giã cào bay".
Một thanh niên cho biết, nhiều năm qua, bà con ở đây đã rất bức xúc khi nhiều ngư dân từ các tỉnh khác đến giã cào, làm nguy hại đến nguồn thủy hải sản, ảnh hưởng đến miếng ăn của dân trong khu vực.
Một người khác nhắc lại rằng cũng cách đây ba năm, tại huyện Tuy Phong, đã xảy một biểu tình khá bạo lực để phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do Trung Quốc xây.
Hồi tháng 4/2015, nhiều người dân xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong đã cáo buộc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả bụi xỉ than gây ô nhiễm môi trường, bệnh tật cho nhiều người dân địa phương.
Sự thù hằn đối với Trung Quốc ngày càng thêm sâu đậm, có thanh niên kể "thấy người Trung Quốc là muốn đánh".
Cuộc vụ đụng độ hôm 11/6 là một sự tự phát bùng lên từ sự phẫn uất bức xúc bấy lâu nay ?
"Dự luật đặc khu là người dân nghĩ chính quyền sẽ cho Trung Quốc thuê chứ không phải do doanh nghiệp trong nước, cho nên dân mới đi biểu tình hô 'Đả đảo Trung Quốc', 'Đả đảo đặc khu'", một trong ba thanh niên cho biết.
"Mấy ổng nhiệm kì có 5 năm thôi mà cho nó thuê 99 năm, rồi nó đưa quân, đưa con cháu nó qua sau mình biết, để nó muốn làm thì nó làm như thằng Formosa, thằng Vĩnh Tân à ?".
Về cáo buộc được trả 300.000 để đi biểu tình, thì một thanh niên nổi giận phản pháo : "Người ta nghỉ đi biển bỏ việc để đi biểu tình, họ muốn làm vậy để cho chính quyền biết, vì chỉ có chặn quốc lộ, chính quyền cuối cùng mới để ý tới dân".
"Ở đây nhiều người dân cũng hiểu biết, anh nói anh hoãn, anh lùi là anh ngụy biện, anh hoãn 1, 2 ngày hay 1, 2 tháng hay 1, 2 năm hay vô thời hạn ?".
"Họ mới lùi dự luật chứ đâu phải là không có thuê, lỡ đâu họ đột ngột thông qua thì sao ?".
"Dân đâu có phải con nít, dân đâu phải ngu !" một thanh niên nói, lý giải vì sao bà con vẫn biểu tình dù chính quyền đã thông báo hoãn thông qua Luật Đặc khu.
Ba nhân chứng này cũng phản ánh với BBC tình trạng thất nghiệp và tệ nạn cướp giật ở địa bàn cũng xảy ra nhiều.
Cả ba thừa nhận là đã có những đối tượng kích động, hiếu chiến, nhưng cũng vì thế mà những người dân khác, vốn bức xúc lâu ngày, cũng "dựa hơi" có dịp giải tỏa, xả ra "những dồn nén bấy lâu nay".
Đến sáng 12/6, cuộc sống bình yên lại trở lại với cầu Nam ở Phan Rí Cửa.
Người dân tiếp tục cuộc sống như chưa có gì xảy ra, chỉ riêng tòa nhà ở số 25 QL 1A vẫn đầy ám khói đen, ngổn ngang với những tàn tích, những xác xe cháy rụi nằm xụi lơ xơ xác.
Một nhân chứng nói với BBC họ không biểu tình nữa vì nghe đâu "có một binh đoàn ở Trung ương xuống Bình Thuận" nhưng khi nào không thể nhịn được nữa, họ nói họ "có lẽ sẽ lại xuống đường".
******************
Người Trung Quốc ‘ở chui,’ Nha Trang chỉ phạt, không trục xuất (Người Việt, 16/06/2018)
Tình trạng người Trung Quốc cố tình ở lại thành phố Nha Trang để làm việc, kinh doanh trái phép, nhưng chính quyền chỉ phạt mà không trục xuất.
Ở Nha Trang, rất dễ gặp người Trung Quốc tự đi chợ để nấu ăn. (Hình : Người Lao Động)
Theo báo Người Lao Động, chỉ trong Tháng Năm, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình người Trung Quốc lưu trú, kinh doanh trái phép tại thành phố này, và phát hiện, xử phạt trên 1.2 tỷ đồng (hơn $52,603).
Ông Võ Bình Tân, phó giám đốc Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội tỉnh Khánh Hòa, cho biết đơn vị này phát hiện công ty Du Lịch Phúc Lai có 55 trường hợp người Trung Quốc đang làm việc, trong đó có 25 người làm việc "chui". Tuy nhiên, công ty này cố tình không cung cấp hồ sơ tài liệu và gây khó khăn trong việc xác minh các nội dung kiểm tra.
"Họ đóng cửa, bất hợp tác, tìm cách ‘đánh tháo’ những người nước ngoài đang làm việc tại đây. Chúng tôi không kiểm tra được mà phải chuyển hồ sơ qua công an thành phố Nha Trang để tiếp tục xử lý", ông cho biết.
Báo Người Lao Động dẫn phúc trình của Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho hay, đơn vị này phát hiện ba cơ sở sử dụng lao động Trung Quốc "chui" với số lượng lớn như : cơ sở kinh doanh Kho Báu Đại Dương (73 người), công ty Trung Kỳ Nha Trang (39 người), công ty Silk Road Việt Nam (18 người).
Người Trung Quốc chờ xe đón đi làm ở khu đô thị Phước Long. (Hình : Người Lao Động)
Trong khi đó, ông Đặng Lợi, chủ tịch ủy ban xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, thừa nhận thời gian gần đây ở địa phương này xuất hiện tình trạng người Việt Nam mua bán, xây dựng cơ sở kinh doanh phục vụ khách Trung Quốc. Có 10 cơ sở, trong đó 8 cửa hàng lớn chuyên phục vụ khách du lịch Trung Quốc.
Theo ông, những cơ sở này đều do người Việt đứng tên nhưng thực tế, rất nhiều người Trung Quốc làm việc tại đây. "Lao động Trung Quốc hoạt động như thế nào, địa phương không thể biết vì cán bộ xã đến kiểm tra thì họ không cho vào. Lượng khách Trung Quốc đăng ký ở dài ngày tại nhà dân, nhà nghỉ, khách sạn ở địa phương khoảng trên 100 người, cao điểm trước Tết Nguyên Đán có gần 200 người", ông Lợi được trích lời nói.
Đó là chưa kể, nhiều cửa hàng khi bán cho khách Trung Quốc thì sử dụng máy POS (chuyển tiền trực tiếp qua thẻ) để thanh toán gây khó khăn khi truy xuất hàng hóa, thất thu thuế. Đại diện Ngân Hàng Nhà Nước chi nhánh Khánh Hòa cho biết đang phối hợp các đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra dấu hiệu vi phạm về tiền tệ, trốn thuế…
Trước thực trạng này, dư luận cho rằng, vì sao không thấy chính quyền Khánh Hòa trục xuất người Trung Quốc lưu trú, lao động trái phép, mà chỉ phạt hành chánh.
Độc giả Hoàng Sang nêu ý kiến : "Cần phải trục xuất và cấm tái nhập ngay đối với những người vi phạm này. Phạt nặng thậm chí đóng cửa các nơi chứa chấp và sử dụng lao động bất hợp pháp, lưu trú không phép. Mạnh tay nữa vào. Đất Trung Quốc bao la thế kia không ở thì họ qua đây làm cái trò gì ?"
Cơ sở kinh doanh Kho Báu Đại Dương là nơi có 73 người Trung Quốc đang lao động "chui". (Hình : Người Lao Động)
Độc giả Hoàng Dân bất bình bày tỏ : "Phạt và trục xuất ngay, chứ chỉ phạt là không được. Tại sao để người Trung Quốc tự tung tự tác như vậy".
Trước đó, tại cuộc họp thường kỳ của tỉnh Khánh Hòa hồi Tháng Ba, ông Lê Xuân Thân, phó chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân, trưởng Đoàn Đại Biểu Quốc Hội tỉnh Khánh Hòa, đã yêu cầu lập đoàn kiểm tra liên ngành để chấn chỉnh việc người Trung Quốc lách luật "bám" Nha Trang sau khi bị báo chí Việt Nam phản ảnh.
"Báo chí còn phản ảnh việc Văn Phòng Thừa Phát Lại Nha Trang đứng ra lập vi bằng cho người Việt Nam mua nhà giùm người ngoại quốc, cụ thể là người Trung Quốc mà theo luật Việt Nam thì không được phép mua. Không được phép mua mà lại lập vi bằng. Như vậy, bây giờ nếu chúng ta không có biện pháp thì sẽ dẫn đến việc hỗn loạn trong giao dịch dân sự, nhà cửa, đất đai, an ninh trật tự", ông nêu ý kiến.
"Chưa hết, sau khi nhập cảnh vào Khánh Hòa đi du lịch, visa hết hạn rồi vẫn bám trụ ở Nha Trang. Đối với người nước ngoài như vậy là vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh và rất nhiều vấn đề. Phải có một biện pháp liên ngành cùng làm mới chấn chỉnh được, chứ không sẽ dẫn đến nhiều việc rất bất ổn", ông Thân nhấn mạnh. (Tr.N)