Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/06/2018

Người Việt Nam không chấp nhận dự luật Đặc khu kinh tế và an ninh mạng

Tổng hợp

Việt Nam : Hàng ngàn người dân Hà Tĩnh biểu tình ôn hòa chống Luật Đặc khu và An ninh mạng (RFI, 17/06/2018)

Hàng ngàn người dân Hà Tĩnh, hôm nay Chủ nhật 17/06/2018 đã biểu tình ôn hòa chống lại dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, vài ngày sau khi xảy ra các vụ đụng độ tại Bình Thuận, cũng ở miền trung Việt Nam.

duluat1

Giáo dân giáo hạt Văn Hạnh, thuộc giáo phận Vinh, Hà Tĩnh biểu tình ngày 17/06/2018 phản đối dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Facebook

Reuters ghi nhận những người phản kháng lo sợ ba vùng đất chiến lược Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ bị lọt vào tay các nhà đầu tư của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc, với lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc trước đây. Người dân cũng phản đối việc Quốc hội vừa thông qua Luật An ninh mạng, mà họ cho rằng sẽ hạn chế tự do ngôn luận.

An ninh hôm nay được siết chặt tại nhiều thành phố và tỉnh lớn của Việt Nam, với sự hiện diện cùng khắp của công an tại các địa điểm công cộng. Nhưng tại tỉnh Hà Tĩnh, hàng ngàn người đã xuống đường một cách ôn hòa chống lại dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Ba nhân chứng cho Reuters biết như trên, với các hình ảnh "livestream" được quay trực tiếp và đăng lên Facebook.

Những người biểu tình mang theo các biểu ngữ "Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày", "Luật An ninh mạng giết chết tự do". Cuộc biểu tình ở Hà Tĩnh kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ trong buổi sáng hôm nay, mà không xảy ra xô xát với công an.

Hồi đầu tuần, chính quyền đe dọa sẽ trừng trị "những kẻ cực đoan" đã xúi giục bạo động, quăng gạch đá và các chai xăng vào cảnh sát cơ động, phá hoại trụ sở một số cơ quan nhà nước tại tỉnh Bình Thuận.

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hôm thứ Sáu 15/6 nói rằng Quốc hội lên án "hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội hôm nay kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, tin tưởng vào đảng cộng sản và chính phủ. Ông nói việc cho ra đời Luật Đặc khu là "cho đất nước, cho dân tộc chứ không vì mục đích nào khác". "Không ai dại dột giao đất cho người nước ngoài, rồi để họ vào tự do và làm mọi thứ rối tung lên".

Thụy My

******************

Hàng chục người bị bắt trước lo ngại biểu tình (BBC, 17/06/2018)

duluat2

Lực lượng an ninh được tăng cường tại Sài Gòn ngày 17/6

Tình trạng bắt giữ người được cho là gia tăng tại Việt Nam mấy ngày qua, trong lúc giới chức thắt chặt an ninh tại nhiều nơi.

duluat3

Nhà hoạt động Lê Hoàng Tân (ngoài cùng bên trái) hiện vẫn bị câu lưu

Theo tin từ Facebook Võ Hồng Ly, sáng 17/6, một bạn trẻ tên Trương Thị Hà cùng hai bạn trẻ khác (chưa rõ tên) bị bắt ngay tại trung tâm Sài Gòn.

Được biết Trương Thị Hà từng tham gia một số cuộc biểu tình mấy ngày qua ở Sài Gòn.

Nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm cho BBC biết Nguyễn Tín, một bạn trẻ ở Sài Gòn bị bắt vào khoảng 22 :30 ngày 15/6.

"Tín đang ở phòng trọ của mình thì bị công an phường 13 quận Tân Bình đến 'mời đi', đến nay vẫn không thể liên lạc được", ông Lâm nói.

Nhà hoạt động Lê Hoàng Tân cũng bị công an "mời" vào làm việc tại phường Hiệp Phú (Quận 9, Sài Gòn) ngày 16/6.

"Ban đầu là do em trai anh Tân, tên là Tiến, bị công an mời lên phường làm việc", ông Dương Đại Triều Lâm cho BBC hay từ Sài Gòn ngày 17/6. "Tuy nhiên, do anh Tân mới là người trực tiếp tham gia đấu tranh, cầm biểu ngữ, nên anh lên phường để gặp công an thì bị bắt luôn. Đến nay anh Tân vẫn bị câu lưu".

"Nhiều người ngồi tập trung trong các quán cà phê ven Hồ Con Rùa đều bị công an bắt. Một số người chạy xe qua khu vực này cũng bị giữ lại kiểm tra. Nếu đủ giấy tờ tùy thân và không mang theo biểu ngữ thì được cho đi, ngược lại thì bị bắt", ông Lâm nói.

Ông Hoàng Cua, một trong những người bị bắt khi đang ngồi trong quán cà phê ở Phường Bến Thành, Quận 1, nói với BBC vào chiều 17/6 vì không mang theo chứng minh thư nên ông đã bị bắt đưa về Nhà văn hóa Tao Đàn, nơi ông thấy "có khoảng chừng 150 đến 200 người, gồm cả người già, con nít, đàn ông, đàn bà, bị bắt đưa vào đó".

Do tình cờ gặp công an khu vực phụ trách nơi ông sinh sống, ông đã được xác nhận là người địa phương và cho ra về đầu tiên, ông cho biết thêm.

"Tôi là người được ra đầu tiên, ra trước tất cả số khoảng hơn 100, gần 200 người bị gom vào trong đó".

'Lý do mơ hồ'

Trên Facebook cá nhân, ông Phạm Lê Vương Các cũng cho biết bị cơ quan an ninh Bộ Công an cưỡng bức rời Hà Nội "với một lý do mơ hồ nhằm bảo vệ an ninh cho thủ đô trong những ngày tới".

Theo đó, trưa 15/6, ông Các đáp chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc học phần môn Tư pháp Quốc tế sẽ diễn ra vào lúc 17h30 cùng ngày. Tuy nhiên, khi máy bay vừa đáp xuống Hà Nội ông "bị câu lưu và bị cưỡng bức quay trở lại Sài Gòn nên không thể đến được phòng thi".

"Diễn biến câu lưu tại sân bay nghiêm trọng đến mức như thể tôi là một tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm".

"Khi máy bay vừa đáp xuống, hàng chục nhân viên an ninh Bộ Công an đã đứng đợi sẵn, khi tôi vừa bước ra khỏi cửa máy bay thì họ xông tới, nắm lấy tay tôi rồi dẫn tôi xuống những chiếc xe đã đậu sẵn ngay trong bãi đỗ máy bay rồi chở thẳng về Đồn Công an Sân bay Nội Bài cách đó khoảng 1 km".

"Tại đồn công an, họ cho biết lý do đưa tôi về làm việc vì "Cơ quan An ninh Bộ Công an nhận được đơn tố cáo rằng tôi đã có hành vi kích động, xúi giục bạo loạn ở Bình Thuận và biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày vừa qua. Và bây giờ tôi ra Hà Nội để cùng với một số đối tượng tại đây tiếp tục kích động và tổ chức biểu tình ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm vào những ngày tới", ông Các viết trên Facebook cá nhân.

"Tôi bày tỏ thái độ phản đối hành vi cưỡng bức này và nói rõ với họ rằng, đây là một hành vi tùy tiện và lạm quyền của cơ quan an ninh khi không tuân thủ luật lệ về an ninh quốc gia vì họ đã áp đặt gới hạn ngăn chặn thiếu cơ sở và không có căn cứ, rồi tiến hành các biện pháp phòng ngừa một cách quá mức cần thiết đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do đi lại và quyền học tập của một công dân".

Sau khoảng ba tiếng làm việc, ông Các bị buộc phải lên máy bay về lại Sài Gòn.

******************

Công an thành phố Hồ Chí Minh gia tăng bắt giữ người trước lời kêu gọi biểu tình vào cuối tuần (RFA, 17/06/2018)

Trong những ngày vừa qua, công an Thành phố Hồ Chí Minh đã gia tăng bắt giữ người vào khi có lời kêu gọi biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua.

duluat4

Người biểu tình ở Sài Gòn hôm 10/6/2018 - Photo by Nguyễn Peng

Theo trang Hội Sinh viên Nhân quyền, vào sáng ngày 17/6, công an Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ sinh Trương Thị Hà và hai người khác tai công viên 30/4 gần nhà thờ Đức Bà. Theo trang web này, an ninh gồm hơn 10 người đã xúm vào đòi kiểm tra giấy tờ của 3 người rồi bắt cả 3. Hiện vẫn không biết 3 người bị giam giữ tại đâu.

Anh Hoàng Cua, một người có mặt tại một quán cafe gần nhà thờ Đức Bà cho đài ACTD biết anh cũng nằm trong số những người bị bắt vào buổi sáng ngày 17/6 : "khoảng 8g30 tôi ra quán ngồi, chủ nhật mình hay ra sớm một chút. Tình cờ đang ngồi thì mấy ông ấy ập vào chỉ mặt người này người kia bắt bắt".

Anh Hoàng Cua cho biết anh không bị đánh nhưng anh chứng kiến một số người khác bị an ninh mặc thường phục đánh. Lý do bắt theo anh Hoàng Cua cho biết là vì anh không có giấy tờ tuỳ thân, vì anh đi ra quán cafe gần nhà nên không mang giấy tờ tuỳ thân. Anh Hoàng Cua bị đưa cùng những người khác về công viên Tao Đàn. Đến khoảng 4 giờ chiều anh được thả khi cảnh sát khu vực nơi anh cư trú đến bảo lãnh anh ra vì anh chỉ là người uống cafe bình thường.

Cũng trong sáng ngày 17/6 Đài Á Châu Tự Do nhận được tin nhắn bị bắt của sư thầy Thích Đồng Long thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Sư thấy Thích Đồng Long là người đã tham gia biểu tình hôm 10/6 và bị công an thành phố bắt giữ 1 ngày.

Trước đó vào tối ngày 15/6, ca sĩ Nguyễn Tín, một người chuyên hát nhạc vàng và cũng tham gia biểu tình hôm 10/6 đã bị công an ập vào phòng trọ ở Sài Gòn bắt đi. Hiện giờ bạn bè vẫn chưa có thêm thông tin gì từ anh.

Báo Tuổi trẻ trích nguồn tin từ công an thành phố hôm 16/6 cho biết tính tới 15 giờ ngày 16/6, tình hình an ninh trật tư trên địa bàn thành phố đã được đảm bảo, và công an đã tạm giữ 3 người giả danh công an và "mời" về trụ sở 100 người. Công an cho biết 100 người này có biểu hiện tụ tập gay rối, chuẩn bị nhiều loại hung khí, vật dụng để phá rối an ninh, chống đối lại lực lượng chức năng.

Cũng trong cuồi tuần, lãnh đạo quốc hội và đảng đã lên tiếng cảnh báo lòng yêu nước của người dân bị lợi dụng.

Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân, Hà Nội hôm 17/6 nói rằng việc người dân biểu tình là do sự thật bị xuyên tạc, lòng yêu nước bị lợi dụng.

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 15/6 kêu gọi chính phủ giám sát chặt chẽ tình hình, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, người dân cho biết những ngày qua họ nhận được những tờ truyền đơn kêu gọi không đi biểu tình.

Vào các ngày 10 và 11/6 vừa qua hàng ngàn người dân từ nhiều tỉnh thành đã đổ ra đường biểu tình luật Đặc khu và An ninh mạng. Các hình ảnh video cho thấy người biểu tình bị an ninh đánh đập và kéo lê trên đường phố.

Công an cho biết đã có khoảng 300 người bị bắt vì tham gia biểu tình.

*********************

Hàng ngàn giáo dân biểu tình chống luật ‘đặc khu’ và ‘an ninh mạng’ (Người Việt, 17/06/2018)

Hàng ngàn giáo dân Công giáo tại nhiều giáo xứ thuộc giáo phận Vinh đã biểu tình hôm Chủ Nhật, 17 tháng Sáu, 2018 chống 2 luật "đặc khu" và "an ninh mạng".

duluat5

Giáo dân giáo phận Vinh biểu tình ngày 17 tháng Sáu, 2018 chống Luật đặc khu và luật An Ninh Mạng. (Hình : Thanh niên Công giáo)

Theo một số facebookers và trang thông tin Thanh niên Công giáo, hàng ngàn giáo dân thuộc giáo phận Vinh tại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã đồng loạt biểu tình phản đối nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vừa thông qua luật "an ninh mạng" và vẫn giữ ý định thông qua luật "Đặc khu kinh tế" vào kỳ họp tới, dự trù trong tháng Mười.

Lực lượng công an, an ninh chìm nổi và các thành phần tay chân đã rải dày đặc trên các đường phố chính ở Hà Nội và Sài Gòn nên các cuộc biểu tình dự trù đã không thể diễn ra tại hai thành phố lớn nhất nước và một số thành phố khác đã từng có biểu tình lớn Chủ Nhật tuần trước.

Nhưng tại giáo phận Vinh, giáo dân vẫn bất chấp sự có mặt của lực lượng an ninh của chế độ, và họ vẫn xuống đường với các biểu ngữ, băng-rôn chống đối.

Tại Nghệ An, theo tin của nhóm truyền thông Thanh niên Công giáo, "người dân Quỳnh Lưu đã quây quần về Giáo Xứ Song Ngọc để tuần hành ôn hòa phản đối chế độ cộng sản đã bất chấp sự đóng góp ý kiến của người dân khi thông qua các đạo luật mơ hồ, cũng như đàn áp, khủng bố, bắt giữ người dân tuần hành ôn hòa để phản đối chính phủ cho Trung Quốc thuê ba đặc khu 99 năm".

Tại Hà Tĩnh, theo nguồn tin vừa kể, "bà con cũng quy tụ về nhà thờ hạt Văn Hạnh, xã Thạch Trung, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và nhà thờ hạt Can Lộc để tham dự thánh lễ cầu nguyện cho công lý – hòa bình. Linh mục Phêrô Maria Hoàng Anh Ngợi quản xứ Vĩnh Luật chia sẻ trong phần giảng lễ : "Chúng ta phải bảo vệ tổ quốc, chúng ta hãy bảo vệ chính chúng ta, bảo vệ sự thật".

Nhóm Thanh niên Công giáo dẫn lời Linh mục Hoàng Anh Ngợi nói trong phần giảng lễ : "Chúng ta có tự do ngôn luận, nếu vì sự thật, vì tự do ngôn luận mà cái giá phải trả cho tự do ngôn luận ấy, mà nếu đó là tù đày đi nữa thì cái giá đó vẫn là cái giá rất hạnh phúc, chứ không phải cái giá nguyền rủa".

Trong bài giảng lễ, linh mục Ngợi đề cập hai con "quái thú", đó là "quái thú đặc khu" và ‘quái thú an ninh mạng". Hai con "quái thú" này đang làm mưa làm gió, gây hoang mang, lo sợ và làm nhức nhối cho nhân dân Việt Nam những ngày qua.

Con "quái thú đặc khu" thì đưa dân tộc Việt gần hơn tới diệt vong và kiếp làm nô lệ. Còn con "quái thú an ninh mạng" đưa dân tộc đi ngược lại với văn minh của nhân loại.

Vẫn theo tin của nhóm Thanh niên Công giáo, tại Giáo xứ Kim Lâm, hạt Can Lộc, giáo dân đã "diễu hành bằng xe gắn máy và giương cao băng rôn phản đối hai đạo luật trên và cùng rước ca nhập lễ cùng với các băng rôn khẩu hiệu, làm cho tất cả mọi người trên thế giới đang hướng về Việc Nam trong thời khắc tăm tối nhất của lịch sử dân tộc cũng cảm thấy ấm lòng".

Sau thánh lễ sáng Chủ Nhật, giáo dân đi tuần hành phản đối Luật đặc khu và Luật an ninh mạng. (TN)

**********************

Việt Nam ‘bất ngờ’ bị đứt cáp Internet trước ngày dự trù biểu tình (Người Việt, 16/06/2018)

Truyền thông trong nước hôm 16 tháng Sáu đồng loạt đăng tin tuyến cáp quang biển quốc tế AAG "lại tiếp tục đứt". Trong khi đó, theo dự trù, sẽ có một cuộc biểu tình tuần thứ hai liên tiếp để phản đối dự Luật đặc khu và Luật an ninh mạng vào Chủ Nhật, 17 tháng Sáu.

duluat6

Các tuyến cáp quang biển ở Việt Nam liên tục "bị đứt, hỏng" trong những thời điểm "nhạy cảm". (Hình : VietnamNet)

Việc tuyến cáp kết nối Internet bị đứt hoặc "bị cá mập cắn" đã trở thành "thông lệ" mỗi khi Việt Nam có sự kiện chính trị, xã hội, hoặc mạng xã hội có bài thôi thúc người dân xuống đường biểu tình.

Lần gần nhất "cá mập cắn cáp" là hôm 24 tháng Tư, thời điểm tòa án ở Đức bắt đầu phiên xử nghi can Nguyễn Hải Long (quốc tịch Việt Nam, sinh sống tại Czech) bị cáo buộc có liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và các hoạt động gián điệp.

Tuyến cáp quang biển AAG dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây. Đây là tuyến cáp kết nối giữa Đông Nam Á và Mỹ, sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang (DWDM), đưa vào vận hành từ tháng Mười Một, 2009. Tuyến cáp quang này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.

Báo Tuổi Trẻ cho hay : "Đại diện một nhà mạng Việt Nam cho biết nguyên nhân này vẫn chưa được xác định cụ thể. Họ đang phối hợp với trung tâm vận hành để tìm hiểu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dùng Internet Việt Nam phải chịu khó sử dụng dịch vụ với tốc độ chập chờn trong những ngày tới, trong khi chờ đợi phía trung tâm vận hành xác định thời gian sửa chữa".

Tuy vậy, khác với những lần cáp quang bị đứt trước đây, lần này, nhà mạng Việt Nam không thông báo thời điểm sửa chữa xong.

Nhiều blogger nghi hoặc, vụ đứt cáp quang lần này là do chính quyền có chủ ý bóp băng thông nhằm ngăn chặn những lời kêu gọi biểu tình trên mạng xã hội, cũng như việc truyền thông, livestream sự kiện này vào ngày 17 tháng Sáu.

Ngoài ra, việc cáp quang bị đứt cũng được suy đoán là để ngăn người dân tiếp cận những bài viết đúng sự việc mà truyền thông ngoại quốc mô tả, cũng như mạng xã hội phân tích về hệ lụy của Luật đặc khu và Luật an ninh mạng, ngược với truyền thông trong nước chỉ mị dân.

Hồi cuối tháng Mười Hai, báo Dân Trí bầu chọn một trong tám sự kiện công nghệ, viễn thông nổi bật tại Việt Nam năm 2017 là "Cáp quang liên tục gặp sự cố".

Báo này viết : "Cáp quang biển liên tục đứt là sự kiện ‘ám ảnh’ đối với người dùng trong nước trong năm qua, đặc biệt là các doanh nghiệp khi đường truyền Internet đi quốc tế bị gián đoạn. Tính riêng trong năm 2017, cáp quang biển AAG đã gặp ‘sự cố’ đến bốn lần, khiến cho lưu lượng Internet đi quốc tế bị ảnh hưởng trong thời gian dài. Đáng chú ý, ‘sự cố’ hồi tháng Chín, 2017, khiến cho đường truyền Internet bị gián đoạn gần một tháng mới có thể khắc phục được. Bên cạnh AAG, tuyến cáp quang biển Liên Á và tuyến cáp quang biển quốc tế SMW-3 cũng gặp chung tình trạng trong năm qua". (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 753 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)