Hôm 15 vừa qua, chính quyền tỉnh Nghệ An, qua báo đảng địa phương, đề nghị các cơ quan truyền thông cũng như báo chí đưa tin một cách trung thực và kịp thời về cuộc biểu tình khiếu kiện Formosa của bà con Giáo xứ Song Ngọc mà đã dẫn đến náo loạn và xô xát do thái độ quá khích từ những người đi khiếu kiện.
Linh mục JB Nguyễn Đình Thục và bà con giáo dân Song Ngọc thuộc ba xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ đi nộp đơn khởi kiện Formosa hôm 14/2/2017. Courtesy of anhbasam
Ngoài yêu cầu loan tin trung thực và kịp thời để dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật, chính quyền địa phương Nghệ An còn loan báo sẽ kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật gây ra vụ việc phức tạp trong ngày 14 tháng Hai.
Đó là tin đăng trên báo Nghệ An chiều 15 tháng Hai, nói về vụ tập trung đi nộp đơn kiện công ty Formosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung khiến dân phải gánh chịu và đến giờ vẫn chưa được bồi thường thỏa đáng.
Báo Nghệ An, kênh thông tin chính thức của tỉnh, viết rằng dưới sự chỉ đạo của linh mục Nguyễn Đình Thục, sáng 14 tháng Hai khoảng 500 giáo dân đã tập trung tại Giáo xứ Song Ngọc rồi kéo vào Hà Tĩnh. Khi đến xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đoàn biểu tình đã không chấp hành lệnh giữ trật tự của cảnh sát giao thông mà còn cản trở và gây ách tắc. Khi đó lãnh đạo tỉnh đề nghị đoàn biểu tình vào bãi đất trống bên đường để làm việc và đối thoại nhưng linh mục Nguyễn Đình Thục lại chỉ đạo bà con dừng xe giữa Quốc lộ 1A.
Nhiều người biểu tình không chịu xuống xe nên để giải quyết ách tắc công an buộc lòng phải cho câu xe. Một số giáo dân quá khích, báo Nghệ An viết tiếp, đã cố tình chống lại khiến xô xát xảy ra giữa dân với lực lượng công an. Lợi dụng tình cảnh hỗn loạn đó, linh mục Nguyễn Đình Thục liền gọi điện thoại thông báo là công an đánh ông bị thương.
Buổi chiều cùng ngày viên chức địa phương gồm bí thư tỉnh ủy, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc công an tỉnh cùng một số linh mục đến hiện trường, yêu cầu không nên có hành động quá khích và đề nghị linh mục Nguyễn Đình Thục chỉ đạo giáo dân quay về nhà. Tuy nhiên sau đó một số đối tượng phản động lại xúi dục giáo dân kéo lên Quốc lộ 1A để ném đá vào cảnh sát công an khiến 16 cán bộ bị thương, trong đó có cả giám đốc công an tỉnh Nghệ An.
Đó là thông tin chính thức về cuộc biểu tình khiếu kiện Formosa của giáo dân Giáo xứ Song Ngọc, được báo Nghệ An tường thuật lại.
Nhận định của người dân
Ông Bảo, một cư dân Nghệ An, không trực tiếp đi biểu tình nhưng đã chứng kiến vụ việc trên Quốc lộ 1A, nhận định chuyện dân đi biểu tình thì không có gì sai nhưng vì chính quyền nghĩ là dân bị linh mục kích động nên mới có chuyện :
Đi biểu tình là đúng thôi, người đi bộ người đi xe, kéo đoàn kéo lũ đi biểu tình gây ách tắc cái này cũng có chớ không phải không. Riêng báo chí thì không báo nào lên cả, chỉ có báo Nghệ An tức là báo đảng và báo của công an trực thuộc tỉnh ủy Nghệ An là lên tiếng nhiều nhất, còn tôi thấy không có báo nào lên cả.
Còn nữa, công an coi như có ý đồ là động chạm một cái có thể đánh lại. Công an đánh dân thì dân họ đánh lại cũng đúng thôi, cái này là có cả, trong các clip là có cả chứ không phải không đâu.
Hàng ngàn người dân Song Ngọc Nghệ An đi bộ vào Kỳ Anh để kiện Formosa hôm 14/2/2017. Courtesy of vanews.org
Mọi chi tiết trên Báo Nghệ An đều không đúng với sự thật là khẳng định của một giáo dân Quỳnh Lưu, có mặt cùng đoàn biểu tình ngày 14 :
Báo Nghệ An nói như vậy là vu khống. Thực tế những giáo dân mang đơn đi kiện cùng với cha Thục thì rất ôn hòa bởi họ nghe lệnh của cha, họ không chủ tâm để mà xô xát hay là đánh nhau. Trên đường đi thì công an và bên lãnh đạo của tỉnh lúc đầu họ yêu cầu cha Thục là làm việc ngay trên Quốc lộ nhưng cha Thục nghĩ là sẽ ách tắc. Thế thì họ đề nghị vào một bãi đất trống để làm việc và cha Thục cho bà con vào đó nhưng rất tiếc ở đó đã bị bao vây. Lực lượng mà ném đá thì thực sự chúng tôi không biết họ là ai, cũng không xác minh được họ là công an giả danh đánh người hay không. Việc công an bị thương thực sự cũng không ai biết, bởi vì trong lúc hỗn loạn như vậy không ai biết những người đó có phải là công an bị đánh trọng thương hay không.
Phía giáo dân thì có một số bị đánh thậm tệ, công an sử dụng lưu đạn hơi cay bắn tung hỏa mù lên, khoảng 15 người gì đó là bị thương nặng, sự thật nó là như vậy.
Biểu tình ôn hòa
Lựu đạn cay và dùi cui để dẹp biểu tình là hai chi tiết hoàn toàn không được báo Nghệ An nhắc tới trong bản tin ngày 15. Ông Chung, từ Yên Thành sang Quỳnh Lưu tham gia cuộc biểu tình ngày 14, cho biết :
Bà con đi bộ và đi bằng xe máy, rất tuân thủ giao thông chứ không làm ách tắc giao thông được. Thậm chí khi thấy chính quyền tấn công thì linh mục đã hô "ai là con chiên của Giáo xứ Song Ngọc thì ngồi xuống, tất cả ngồi xuống". Ý cha làm như thế để tránh xô xát, chứng tỏ là biểu tình với một tính cách ôn hòa chứ không phải đi gây gổ .
Được hỏi người biểu tình có manh động và có ném đá vào những người thi hành công vụ hay không, ông Chung quả quyết :
Làm gì có người dân mà dám vác gạch để xáng công an này khác, cha Thục đã kêu gọi bà con ngồi xuống đấu tranh ôn hòa thì làm gì có chuyện con chiên mà không nghe linh mục. Nói thật không ai dám lấy trứng chọi đá được, bởi vì người dân, đặc biệt trên truyền hình thấy toàn ông bà già, lực lượng thanh niên thì không có, còn rõ ràng là công an dùng lựu đạn dùng dùi cui, đặc biệt còn có công an cải trang trà trộn vào trong dân.
Ở Việt Nam bây giờ đang xảy ra hiện tượng là cử công an mật, công an không mặc sắc phục trà trộn vào dân gây rối loạn trong dân. Thậm chí công an mật còn đánh lại công an để có cơ hội cho chính quyền nhảy vô đập đánh nhân dân, dùng bạo lực để giải tán biểu tình. Rất nhiều người bị đánh, người bị đánh gãy tay người bị đánh tét đầu, thâm chí có một anh mất một chân, còn có một chân mà vẫn bị đánh bị thương tích.
Về tin 16 cán bộ công an bị thương khi xô xát, trong đó có giám đốc công an Nghệ An như báo Nghệ An loan đi, đường dây viễn liên của RFA được nối về giám đốc công an Nguyễn Hữu Cầu để hỏi chuyện nhưng rất tiếc bên kia không bắt máy.
Chúng tôi không còn cách nào khác để kiểm chứng đúng sai khi cấp thẩm quyền tỉnh Nghệ An không hợp tác để trả lời về cuộc biểu tình của giáo dân Song Ngọc ngày 14 tháng Hai vừa qua.
Thanh Trúc, phóng viên RFA