Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/06/2018

Hành hung người đấu tranh, tai nạn giao thông, trẻ em chết đuối và cá độ bóng đá

Tổng hợp

Nhiều nhà hoạt động ở Lâm Đồng bị hành hung, ném chất nổ (CaliToday, 29/06/2018)

Liên tiếp mấy ngày qua, nhiều nhà hoạt động tự do dân chủ và tự do tôn giáo ở Lâm Đồng bị những kẻ mặc thường phục ném chất nổ vào nhà, hành hung vô cớ cả trong nhà lẫn ngoài đường. Gần đây nhất và có lẽ nghiêm trọng nhất là trường hợp của nhà hoạt động Đinh Văn Hải (SN 1974. Cư trú : Thôn Ninh Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) bị hành hung gẫy nhiều đốt xương khiến dư luận khi biết vụ việc đã vô cùng phẫn nộ…

vn1

Giấy chứng nhận thương tích của ông Đinh Văn Hải sau vụ hành hung ngày 27/06/2018 (ảnh ; Facebook Đinh Văn Hải)

Vào ngày 27/6/2018, nhà hoạt động Đinh Văn Hải đã cho dư luận, cộng đồng sinh hoạt mạng xã hội Facebook được biết là ông cùng một người bạn đã bị một nhóm "côn đồ" mặc thường phục hành hung dã man, thương tích nghiêm trọng sau khi hai người đến thăm hỏi gia đình nhà hoạt động vì người lao động bà Đỗ Thị Minh Hạnh ở huyện Di Linh cùng tỉnh Lâm Đồng.

vn2

Thương tích trên người ông Đinh Văn Hải sau khi bị hành hung ngày 27/06/2018 (ảnh Facebook Đinh Văn Hải)

Căn cứ vào giấy định bệnh của một Phòng khám đa khoa tại Sài Gòn cũng như những chia sẻ của ông Đinh Văn Hải cho biết tình trạng thương tích của ông hiện tại là :

"Tình hình thương tích thì tôi công khai hết trên mạng rồi đó. Đầu xương đòn vai trái bị gẫy rời ra, xương sườn số 3, số 4 nó bị gẫy, xương lòng bàn tay phải sương số 3 nó gẫy sole. Tổng cộng tôi gẫy 4 cái xương".-Lời của ông Hải.

Ngoài ra, ông Hải còn bị thương tích ngoài da với nhiều vết trầy xước, máu đổ. Ông Hải chia sẻ :

"Trầy xước thì anh cứ nhìn sau lưng tôi bao nhiêu gậy, có băng bó lại những vết thương ngoài da. Nói chung là trận mưa gậy…".

vn3

Ông Hải cũng chia sẻ luôn với Cali Today về tình trạng thương tích của người bạn đi cùng cũng bị nhóm "côn đồ" mặc thường phục hành hung vào ngày 27/6 như sau :

"Anh ấy cũng bị mấy gậy, bó thuốc và đỡ rồi, chân thì còn đi cà nhấc, lưng vai cũng bị…".

Vụ việc ông Hải và người bạn bị nhóm "côn đồ" mặc thường phục chặn giữa đường hành hung dã man vào ngày 27/6 được Cali Today tìm hiểu như sau : Vào tối muộn ngày 26/6, nhà hoạt động vì người lao động ở Việt Nam bà Đỗ Thị Minh Hạnh thông tin cho dư luận được biết là gia đình bị những người mặc thường phục ném đá, ném chất nổ vào nhà. Sáng ngày 27/6, ông Hải cùng người bạn đến gia đình của bà Hạnh để thăm hỏi và live tream Facebook tiếp vụ việc tại gia đình bà Hạnh. Đến trưa ngày 27/6, ông Hải và người bạn ra về, đến đoạn đường vắng thì cả hai bị một nhóm "côn đồ" mặc thường phục cầm gậy, cuốc hành hung dã man. Sau khi nhóm "côn đồ" này rút, ông Hải mở điện thoại Live Traem Facebook về tình hình, khắp mình ông Hải trầy xước và máu chảy khiến dư luận phẫn nộ cực độ.

Ông Hải chia sẻ vắn tắt vụ hành hung :

"Đại khái là chúng tôi từ nhà Đỗ Thị Minh Hạnh ra, có live tream chổ nhà Minh Hạnh đi ra thì tụi nó theo dõi, tụi nó bố trí trận địa sẵn rồi, đến đoạn đường vắng thì tung cuốc vào mặt chúng tôi làm chúng tôi choáng, rồi vung gậy tới tấp nó đánh. Đánh chúng tôi ngã xuống rồi thì tụi nó bỏ chạy đâu khoảng tầm khoảng 200m thì tụi nó quay lại nhìn thấy chúng tôi ngồi dậy được thì chúng lao đến đánh tiếp một trận nữa. Tôi bước được vài bước thì té lăn xuống, muốn la cũng không được…cái anh đi cùng với tôi chống cự lại thì tôi mới thoát và tụi nó rút lui".

Mặc dù những kẻ hành hung toàn mặc thường phục, cũng như bao vụ hành hung đối với những nhà hoạt động tự do dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo khác ở Việt Nam, ông Hải nói những người mặc thường phục này chính là Công an giả dạng "Côn đồ", đánh dân vô cớ làm sao mặc quân phục được ?.

"Trạm công an cách hiện trường 7 Km và sau ba, bốn phút là có mấy công an xã tới, có nghĩa là tụi nó biết trước nó tới để nghiệm thu thành quả"- Lời của ông Hải.

Ngay sao vụ hành hung, ông Hải và người bạn xuống Sài Gòn điều trị cho đến bây giờ.

Trong khi đó, tình hình của gia đình bà Đỗ Thị Minh Hạnh theo Cali Today được biết là sau đêm bị ném đá, ném chất nổ vào nhà thì may mắn là tài sản không bị hư hỏng gì nhiều và tính mạng của tất cả thành viên gia đình vẫn bình an. Có cuộc nói chuyện ngắn qua Facebook, bà Minh Hạnh cho biết hành động của nhóm mặc thường phục đối với gia đình bà không ngoài lý do đàn áp việc bà lên tiếng đấu tranh cho người lao động, phản đối dự thảo luật Đặc khu.

Bà Minh Hạnh cũng cho biết, từ trước giờ gia đình bà bị sách nhiễu, gây khó khăn khá nhiều lần nhưng việc bị ném chất nổ vào nhà như xảy ra vào tối ngày 26/6 là lần đầu tiên.

vn4

Như Cali Today đã thông tin, trước ông Hải và bà Hạnh thì Chánh trị sự Hứa Phi ở thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cũng bị nhóm "côn đồ" mặc thường phục hành hung thô bạo, cắt chùm râu cằm ngay tại căn nhà trong rẫy cà phê vào tối ngày 22/6/2018.

Ông Hứa Phi cho biết vụ hành hung đối với bản thân ông là nhằm mục đích ngăn cản việc ông đi gặp đại diện Đại sứ quán Úc trước thềm đối thoại nhân quyền Việt-Úc.

Quê Hương

*****************

Hơn 4.500 người tử vong vì tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm (RFA, 29/06/2018)

Tổng cục thống kê Việt Nam vào hôm 29 tháng 6 vừa có báo cáo cho biết hơn 4.500 người tử vong và gần 7.000 người khác bị thương vì tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2018.

vn5

Một vụ tai nạn giao thông tại Hà Nội. AFP

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kể từ đầu năm đến nay trên cả nước xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông. Số vụ tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, bình quân mỗi ngày xảy ra 49 vụ tai nạn, làm 23 người chết và 39 người bị thương.

Theo Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 8.600 người chết vì tai nạn giao thông, tuy nhiên đây chỉ là con số được cảnh sát giao thông ghi nhận tại hiện trường. Tuy nhiên thống kê của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 15.000 người chết vì tai nạn giao thông.

Người Việt Nam chủ yếu sử dụng phương tiện xe máy trong giao thông. Theo quỹ Chống thương vong Châu Á, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam được thực hiện trong 10 năm qua đã góp phần ngăn chặn được 500.000 ca chấn thương đầu.

****************

Những trẻ em Việt Nam bị mất "quyền sống" Mỗi năm 2000 trẻ chết đuối (RFA, 28/06/2018)

Mỗi năm 2000 trẻ chết đuối

Tại buổi Lễ công bố chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam do Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tổ chức sáng 26/6 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hà, thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết tử vong do đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao.

vn6

Bé trai 6 tuổi bơi trước ngôi nhà bị lụt ở Long An. AFP

Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho rằng nguyên nhân là do nhận thức của gia đình và xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế ; trẻ thiếu sự giám sát của cha mẹ ; trẻ em chưa biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước… Ngoài ra là thói quen tắm ở sông, suối của trẻ em và cả người lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Tuy nhiên theo một cô giáo không muốn nêu tên hiện mở trường mầm non tư thục ở Sài Gòn thì còn một nguyên nhân khác nữa, đó là thiếu phương tiện, cơ sở hạ tầng đi lại :

Hiện tại ở nhiều nơi, trẻ đi học mà còn đu dây qua suối thì rất không an toàn, đặc biệt mùa nước lớn, chảy xiết.

Chúng tôi liên lạc với một văn phòng Bảo vệ quyền trẻ em để hỏi về giải pháp nào bảo vệ trẻ em khỏi những tai nạn thương tâm từ nước, thì nhận được trả lời :

Xin lỗi mình không nắm vấn đề đó, mình không chuyên liên quan đến chuyện trẻ chết đuối, bạn có thể gọi cho đường dây nóng 111 nhé.

Nhằm giúp Việt Nam phòng chống đuối nước cho trẻ em, quỹ từ thiện Bloomberg đã tài trợ cho Việt Nam 2,4 triệu USD trong 2 năm đầu của chương trình 5 năm. Một phần trong chương trình sẽ là dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ sáu tới mười lăm tuổi.

Tuy nhiên việc sử dụng những khoản tài trợ mà những tổ chức nước ngoài như Quỹ Bloomberg giúp cho Việt Nam như vừa nêu cũng là một vấn đề. Thực tế cho thấy đối tượng được giúp không nhận được đầy đủ khoản kinh phí dành cho.

Bà Võ Thị Cẩm Nhung, cựu cán bộ Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình và Bảo vệ bà mẹ, trẻ em tỉnh Khánh Hòa cho chúng tôi biết về tình trạng những khoản tiền thực tế mà trẻ em được thụ hưởng không còn bao nhiêu khi đi từ trung ương tới tỉnh rồi tới địa phương. Theo bà thì tình trạng hợp thức hóa hóa đơn chứng từ để quyết toán thì đầy ra. Chính vì vậy mà bây giờ người ta muốn tài trợ hay ủng hộ thì phải trực tiếp đi xuống tận nơi để giao cho người được thụ hưởng.

Khi bỏ tiền thì mình phải giám sát chứ không phải cứ quăng một cục một chờ nhận báo cáo rồi họ tiêu hết khoản tài trợ ấy đi. Thật sự mình thấy trong quá trình mình làm những công tác này thì nhiều khi kinh phí thì rót, thì tài trợ nhưng để đến tay người dùng thì không còn bao nhiêu hết.

Không phải là không có những chương trình để tài trợ và giúp đỡ, nhưng rồi cuối cùng tự nhiên nó qua các khâu rồi nó đi đâu mất tiêu nên trẻ em vẫn luôn luôn thiếu thốn. Hiện tại bây giờ vẫn có những chỗ trẻ em phải đu dây, có những chỗ điều kiện trẻ em đi học không đến nơi đến chốn. Ngay cả chuyện tập bơi này cũng không phải là chương trình hoàn thiện vì không phải tất cả các trẻ em đều có điều kiện đến học bơi.

Quyền được học hành

vn7

Trẻ em chèo thuyền nhận lương thực cứu trợ mùa lũ ở Quảng Bình. AFP

Ngoài quyền được sống thì quyền được học hành của trẻ bình thường cũng như trẻ khuyết tật cũng là một điều đáng quan ngại trong xã hội khi mà nhiều trẻ em phải nghỉ học ở vùng sâu vùng xa, vùng núi do thiếu phương tiện đến trường cũng như cơ sở hạ tầng không an toàn.

Cô giáo không nêu tên cho chúng tôi biết "Riêng quyền học tập thì thấy vất vả rồi, vì có đủ trường, đủ giáo viên đâu. Ngay như một mảng nhỏ là trẻ khuyết tật thì cũng ko đủ trường và đội ngũ y tế, giáo dục để can thiệp, điều trị cho trẻ.

Cô giáo này nói thêm theo luật giáo dục và luật khuyết tật của Việt Nam thì trẻ khuyết tật vẫn được đi học nhưng không có đủ giáo viên và thiết bị hỗ trợ, nên việc học hoà nhập đó rất ít hiệu quả. Nếu cha mẹ trả cho giáo viên đi kèm và nhà trường cho phép giáo viên theo thì đỡ hơn. Các trường quốc tế, nếu chấp nhận trẻ thì sẽ làm tốt hơn, trẻ đó thường là rất khá, nhẹ, ít hành vi và gia đình có điều kiện, do phí cao lắm. Các tổ chức quốc tế có hỗ trợ các trung tâm trợ giúp trẻ tàn tật hay trường chuyên biệt của nhà nước. Chứ trường tư thì thường ko nhận được do quy mô nhỏ.

Bà Võ thị Cẩm Nhung trở lại với tình trạng nhận thức về các quyền của trẻ em trong xã hội Việt Nam hiện nay :

Cái gì đã gọi là đầu tư cho trẻ thì đó là công tác xã hội mà đối tượng cần được bảo vệ và cần được quan tâm thì mọi người đều phải có trách nhiệm trong việc đó, và mọi người phải dồn tâm dồn sức vào. Đó là quan điểm của nình nhưng không hẳn ai cũng có quan điểm như thế. Cũng có những người lợi dụng những khoản tiền không được quản lý chặt chẽ, rồi có những cái lãng phí nhưng mình không thể nói là ai cũng có quan điểm như mình được. Mình đòi hỏi điều đó rất là khó trong một cái xã hội có quá nhiều vấn đề như hiện nay.

Bức ảnh cậu bé Syria chết đuối dạt vào bờ biển năm 2015 và bức ảnh bé gái 2 tuổi bị tách khỏi mẹ ở biên giới Hoa Kỳ năm 2018 từng gây chấn động dẫn đến thay đổi nhanh chóng trong hành động và chính sách liên quan tại Châu Âu và Hoa Kỳ. Trong khi đó nhan nhản những cảnh trẻ chết đuối hàng năm ; hình ảnh trẻ đu dây qua sông, suối để đến trường ; trẻ em nheo nhóc, đói khổ tại vùng núi, vùng sâu vùng xa … vẫn tiếp tục tồn tại ở Việt Nam.

***************

World Cup, nạn cá độ và biểu tình (RFA, 29/06/2018)

Có thể nói rằng các giải bóng đá từ khu vực cho đến thế giới đi qua, giới hâm mộ bóng đá Việt Nam lại trải qua một phen điêu đứng vì nạn cá độ và những chuyện không vui. Chỉ tính riêng tuần này, hàng chục đường dây cá độ đã bị công an Việt Nam phá vỡ, điển hình như hôm 27 tháng 6, công an Hà Tĩnh phá một đường dây cá độ bóng đá qua mạng với số tiền hơn 37 tỷ đồng. Hôm 25 tháng 6, công an Thanh Hóa đã triệt phá dây cá độ lớn khi giải World Cup 2018 đang diễn ra, ước tính số tiền giao dịch đường dây này lên đến gần 100 tỷ đồng. Công an Sài Gòn cũng bất ngờ kiểm tra hàng loạt quán cà phê và bắt giữ nhiều người đang cá độ bóng đá. Trước đó, vào cuối tuần qua, 4 người trong một đường dây cá độ trực tuyến khác với số tiền hàng chục triệu đô la cũng bị giới chức Sài Gòn bắt giữ…

vn8

Nhiều quán cà phê, quán nhậu... trở thành tụ điểm coi bóng đá ở Việt Nam RFA

Phải nói rằng chuyện cá độ bóng đá tại Việt Nam là một vấn nạn chứ không chỉ là chuyện vui chơi giải trí một cách đơn thuần. Và việc nhảy lầu, nhảy cầu, uống thuốc cỏ tự tử vì thua cá độ bóng đá như trường hợp một người lái xe ba gác ở Sài Gòn uống thuốc chuột vào hôm 28 tháng 6 vì thua 300 triệu đồng hay một thanh niên 9X định nhảy cầu Chương Dương vì thua 200 triệu đồng không còn là chuyện hiếm.

Cá độ đến tan cửa nát nhà

Thanh Trung, một thanh niên từng tham gia cá độ, bị mất nhà cửa, hiện sống tại Mộ Đức, Quảng Ngãi, chia sẻ : "Dính vô thì thôi chứ, cũng giống như đánh bài thôi, mộng ăn họ, mình ăn họ rồi thì họ ăn mình, tưởng dễ ăn quá mà, nhưng mà dính vô rồi thì lỡ thua là thua hết. Năm nay kèo trên chết hết, như hôm Đức đá với Hàn Quốc chấp tới hai trái ai cũng nghĩ Đức ăn hết, cuối cùng Đức thua mất…"

Anh Trung cho biết thêm đây là lần thứ hai anh bị thua độ bóng đá, mùa Word Cup năm 2014, anh bị bay mất một căn nhà do thua độ, lúc đó anh chỉ toàn bắt kèo dưới nhưng lại bị thua vì năm đó kèo trên trúng nhiều hơn. Còn năm nay, anh rút kinh nghiệm năm 2014, anh chọn kèo trên thì nguyên từ đầu mùa bóng đến nay, toàn kèo dưới thắng độ. Những đội bóng được dự đoán sẽ vào vòng trong đều bị loại ngay từ vòng 1. Sau vòng một, anh bị mất một khu nhà trọ vì phải bán trả nợ cá độ.

Thường thì ban đầu cá độ nhỏ, thắng độ được một ít tiền, mang về mua quà cho vợ con và giấu nhẹm chuyện cá độ. Vợ con vui vẻ, như vậy là lấy đà chơi tiếp, đến khi thua độ nặng nề, giang hồ kéo tới nhà đòi nợ, thậm chí đòi mạng thì không còn cách nào khác là bán áo kháo bành để trả nợ.

Anh Trung chua chát lắc đầu và kết luận rằng cá độ bóng đá là một cái bẫy quá kinh khủng và chẳng khác nào con bạch tuộc bung vòi khắp mọi nơi, từ thành phố đến thôn quê, từ thị trấn đến hang cùng ngõ hẻm, từ đồng bằng cho tới miền núi, bất kì nơi nào có tụ điểm bóng đá đều có cá độ và cho vay tiền nóng để cá độ. Một khi con mồi say bóng, cứ thấy có tiền để vay là vay cho dù mức lãi suất lên đến 20%, thậm chí 50% một đêm vẫn cứ vay để cá độ. Nếu thắng thì cũng có lãi được 50% còn lại, nếu thua thì chắc chắn phải lo thế chấp, bán nhà hay làm gì đó để tránh mức lãi liên tục tăng giáp cử.

Và tình trạng nhiều thanh niên nhảy cầu tự tử không phải đơn giản chỉ vì thua độ bóng đá, mất nhà mất cửa mà nguy cơ lãi suất vay tín dụng đen của giới cho vay nặng lãi lên chất ngất và ảnh hưởng đến tính mạng, gia đình. Nhảy cầu là một cách trốn nợ bởi vợ con của họ không tham gia cá độ, không có vay của các chủ nợ… Nhưng theo ông Trung, đó là một cách chạy nợ quá sai lầm, bởi các chủ nợ không phải lúc nào cũng bỏ qua khoản nợ khi con nợ đã chết. Họ tiếp tục đến đòi người còn sống trong gia đình và nếu nhân đạo lắm thì họ khóa lãi suất từ lúc con nợ tự tử, chứ số tiền gốc và lãi suất trước khi chết thì người nhà vẫn phải trả.

Bóng đá và biểu tình

Một cư dân Hà Nội không muốn nêu tên, chia sẻ rằng không khí bóng đá ở Hà Nội khá thú vị, nhưng dường như điều này không làm cho người dân quên đi câu chuyện biểu tình kêu gọi nhà nước bỏ luật đặc khu và bỏ luật an ninh mạng. Ông nói : "Bóng đá thì có một số người chạy theo thôi chứ đa số dân vẫn sống cuộc sống của người ta. Bây giờ ngoài này nóng hừng hực, rất ghê gớm".

Một nhà báo yêu cầu giấu tên, phân tích về mối liên quan giữa bóng đá và biểu tình, chia sẻ : "Một mặt thì các lãnh đạo quốc gia nói rằng các cuộc biểu tình là do nhân dân bị kích động nên nó tăng cường bố ráp, làm dữ. Thêm nữa là giờ đang mùa bóng đá nên bà con bị quấn hút vào, dãn ra một thời gian rồi có gì nó lại bùng trở lại. Cá độ là toàn cầu mà, chỗ nào có người thì chỗ đó có cá độ mà nhưng ở Việt Nam thì cá độ không công khai. Chỉ có ông Việt Nam đủ thứ cấm, cấm gái, cấm cờ bạc… nhưng cuối cùng nó cũng có hết chứ đâu cấm được".

Vị này chia sẻ thêm là tình trạng người dân, đặc biệt là tuổi trẻ lơ là với việc bày tỏ thái độ nhằm làm cho đất nước tốt đẹp hơn như biểu tình ôn hòa, nhưng lại rất nhiệt tình với những trận cầu và sẵn sàng đánh đổi mạng sống với trái bóng bên trời Âu là một chuyện có vẻ như không còn gì để bàn thêm. Nhưng ông cũng cho rằng có một thực tế là hầu như khả năng quan tâm về bóng đá của đại bộ phận người Việt rất là cao so với khả năng quan tâm đến các biến chuyển xã hội.

Vấn đề quan tâm đến bóng đá không chỉ mới xuất hiện gần đây mà nó hình thành từ thời kinh tế tập thể, tập trung bao cấp và phát triển dần cho đến ngày hôm nay. Những năm 1980, thời kinh tế khó khăn, thiếu đói, lúc đó chỉ có văn nghệ quần chúng và các phong trào bóng đá cứu rỗi con người. Người ta chấp nhận mọi khó khăn, vượt qua đói khổ để tham gia phong trào. Và bóng đá được đẩy lên thành một thứ mục tiêu phấn đấu, cơ hội thoát thân khỏi lũy tre làng của nhiều thanh niên, bóng đá cũng trở thành một mốt thời thượng thời kì nghèo đói.

Và cũng theo vị này, vấn đề biểu tình kêu gọi xóa bỏ luật đặc khu cũng như luật an ninh mạng nhanh chóng rơi vào im lặng không phải chỉ vì sự siết chặt an ninh đến độ gắt máu của nhà cầm quyền mà bên cạnh đó, nó thiếu hẳn sự cộng hưởng hay sự đồng hành của số đông người dân.

Quay lại trang chủ
Read 528 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)